Đại biểu Huỳnh Sang tỉnh Bình Phước góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Đại biểu Trần Thị Hiền tỉnh Hà Nam góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Đại biểu Nguyễn Văn Bình thành phố Hải Phòng góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Nguyễn Văn Bình - TP Hải Phòng
Kính thưa chủ tọa kỳ họp,
kính thưa Quốc hội.
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), tôi xin có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, tôi tán thành với sự cần thiết và tính hợp lý của việc giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao thuộc lĩnh vực chứng thực. Tuy nhiên, đề nghị phân biệt rõ hoạt động công chứng theo Luật công chứng và hoạt động chứng thực theo Luật chứng thực. Theo đó Luật công chứng cần quy định giao cho công chứng viên thực hiện chứng nhận một số việc chứng thực theo quy định của Luật chứng thực, vì công chứng viên có thể thực hiện tốt việc này, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong việc lựa chọn và tiếp cận loại dịch vụ công này theo chủ trương cải cách hành chính. Trong Luật chứng thực tới đây cần quy định đối với những tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn tại địa bàn cấp huyện chưa thành lập được tổ chức hành nghề công chứng thì tiếp tục giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận hợp đồng giao dịch theo trình tự thủ tục của Luật công chứng.
Thứ hai về tổ chức hành nghề công chứng, trong dự thảo luật vẫn quy định 2 loại tổ chức hành nghề công chứng là phòng công chứng do Nhà nước thành lập và văn phòng công chứng do tư nhân thành lập và chỉ mới quy định về việc thành lập mới chuyển đổi, giải thể phòng công chứng mà chưa có quy định về định hướng, lộ trình bắt buộc chuyển đổi phòng công chứng sang mô hình văn phòng công chứng, nhằm hướng tới chỉ có một hình thức tổ chức hành nghề công chứng thống nhất là văn phòng công chứng để đảm bảo xã hội hóa hoàn toàn. Do đó, tôi đề nghị trong luật cần quy định lộ trình chuyển đổi và xác định thời hạn bắt buộc chuyển đổi các phòng công chứng thành văn phòng công chứng, tương tự như đối với doanh nghiệp nhà nước trước đây. Trước mắt cần cho phép chuyển đổi và có cơ chế phù hợp để chuyển đổi các phòng công chứng sang mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về tổ chức, biên chế, tài chính, sau đó trong một thời gian nhất định sẽ chuyển đổi thành Văn phòng công chứng.
Thứ ba, về phí, thù lao công chứng, thực tế hiện nay cũng như theo dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) thì quy định về phí công chứng, thù lao công chứng được áp dụng thống nhất cho cả phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Tuy nhiên, quy định về cơ chế quản lý thu, chi tài sản của phòng công chứng và Văn phòng công chứng là khác nhau, phòng công chứng phải nộp ngân sách và chỉ được trích lại 50% phí công chứng, còn Văn phòng công chứng thu, chi, sử dụng toàn bộ phí thu được theo chế độ doanh nghiệp, Văn phòng công chứng có thể trích lại phí không thu, thu thấp hoặc trích lại thù lao công chứng để cạnh tranh không lành mạnh. Điều này đã và đang tiếp tục sẽ dẫn đến sự không công bằng về cơ chế tài chính, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa Văn phòng công chứng với phòng công chứng làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh và quá trình xã hội hóa tổ chức hoạt động công chứng. Do đó, tôi đề nghị có quy định về cơ chế tài chính chung cả thu và chi phù hợp cho Phòng công chứng và Văn phòng công chứng cũng như thiết chế đảm bảo việc thực hiện nghiêm quy định về phí công chứng, thù lao công chứng.
Thứ tư, về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, quy định về bảo hiểm trách nhiệm về nghề nghiệp của công chứng viên như trong dự thảo vẫn mang tính quy định chung, chưa phân biệt giữa trách nhiệm bồi thường Nhà nước của công chứng viên phòng công chứng và trách nhiệm bồi thường dân sự của công chứng viên Văn phòng công chứng, khi gây ra thiệt hại do lỗi của công chứng viên.
Mặt khác, bản chất của hợp đồng giao dịch là việc dân sự xuất phát từ việc thỏa thuận tự nguyện của các bên, công chứng viên chỉ là người được Nhà nước trao quyền để xác nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hơp đồng giao dịch đó. Thực tế đã cho thấy không phải mọi việc công chứng do công chứng viên thực hiện đều cần được bảo hiểm, trong khi đó ngược lại có những việc công chứng viên đã được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, nhưng mức bảo hiểm không thể đáp ứng thiệt hại của các bên tham gia hợp đồng giao dịch và việc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mang tính thường xuyên này cũng không xuất phát từ nhu cầu của các bên tham gia hợp đồng giao dịch. Do đó, tôi đề nghị xem xét có quy định phù hợp hơn về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, không nên quy định mang tính chất bắt buộc phải bảo hiểm thường xuyên mà nên quy định theo việc, xác định những việc phải bảo hiểm, mức mua bảo hiểm và mức bảo hiểm được xác định theo giá ngạch hoặc theo tỷ lệ % của giá trị hợp đồng và cần quy định trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng giao dịch trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.