Đại biểu Hồ Thị Thủy tỉnh Vĩnh Phúc góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Đại biểu Tô Văn Tám tỉnh Kon Tum góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Đại biểu Huỳnh Nghĩa thành phố Đà Nẵng góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Huỳnh Nghĩa - TP Đà Nẵng
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), tôi quan tâm và xin đóng góp mấy vấn đề như sau:
Một, về nguyên tắc hành nghề công chứng Điều 4, Khoản 3, Điều 4 quy định bổ sung một nguyên tắc mới trong hành nghề công chứng là không vì mục đích lợi nhuận. Thực tế giám sát hoạt động công chứng trong những năm qua cho thấy kể từ khi xã hội hóa công chứng thì lĩnh vực này có sự cạnh tranh gay gắt. Trong thực tiễn muốn thành lập được một văn phòng công chứng là cực kỳ khó khăn do bị khống chế về số lượng các văn phòng công chứng trên cùng một đơn vị hành chính. Nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận chỉ phù hợp với mô hình phòng công chứng do Nhà nước bao cấp. Nhưng theo luật mô hình này sẽ bị hạn chế dần, thay vào đó là các văn phòng công chứng tư nhân hoạt động mang tính chất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp.
Hiện nay các văn phòng công chứng đều tập trung nguồn vốn khá lớn để đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị hiện đại bằng nguồn tiền của họ, chứ không phải dùng ngân sách nhà nước. Thậm chí họ phải chịu trách nhiệm việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng nếu có lỗi, nên dù hoạt động ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ hay công ích thì văn phòng công chứng cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận. Do đó, nếu chúng ta có đưa hay không đưa nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận vào luật thì các văn phòng công chứng vẫn phải tìm mọi cách để hoạt động, sử dụng nhiều biện pháp để thu hút khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh như một doanh nghiệp kinh doanh bình thường với mục đích cuối cùng là tìm lợi nhuận ở mức độ cao nhất có thể. Có như vậy rõ ràng việc đưa nguyên tắc vào luật cũng chỉ mang tính hình thức, không phù hợp với thực tế. Ngoài ra, nếu quy định không vì mục đích lợi nhuận thì sẽ xảy ra hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, từ chối chứng nhận những giao dịch có độ rủi ro cao. Chính vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét vấn đề thấu đáo loại bỏ nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận ra khỏi Điều 4 của dự thảo luật.
Hai, về mở rộng phạm vi hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên Điều 17. Trước hết phải thấy rằng nhu cầu công chứng, chứng thực là rất lớn và không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tôi đồng tình với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng việc giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ văn bản của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời cũng không trái với nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam là thành viên. Vì trong thực tế những việc này đã hình thành trong ý thức và thói quen của người dân rằng đi công chứng, chứng thực là điều đến một nơi, đến một tổ chức nhất định. Hơn nữa, đây là một chủ trương đúng đắn nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải sức nặng của bộ máy hành chính, tinh giản đội ngũ cán bộ ở những lĩnh vực mà nhà nước không cần thiết nắm giữ. Qua đó sẽ giảm được nhiều khoản chi ngân sách không cần thiết, dùng những khoản chi này để đầu tư vào các lĩnh vực cấp bách, trọng yếu của quốc gia, nhất là trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay rất khó khăn, bội chi ngân sách kéo dài.
Tôi đề nghị giao cho công chứng viên thực hiện đầy đủ các quyền về công chứng bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, góp phần giảm tải áp lực công việc trong các cơ quan hành chính. Không nên hạn chế thẩm quyền của công chứng viên, văn phòng công chứng. Không việc gì chúng ta cứ phải làm luật theo kiểu xã hội hóa nhỏ giọt, mỗi lần sửa luật lại xã hội hóa một ít, giữ lại một ít cho cơ quan nhà nước theo kiểu "dĩ hòa vi quý".
Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, không nên giới hạn thẩm quyền của Văn phòng công chứng như quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 17. Tuy nhiên, để tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các Phòng tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, tôi đề nghị vẫn giao cho các cơ quan này quyền được chứng thực mà từ trước đến nay vẫn làm theo quy định tại Nghị định 79 năm 2007 của Chính phủh.
Về phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng trong việc công chứng bản dịch, giấy tờ tại Điều 61: Đây là nội dung rất quan trọng, có nhiều quan điểm khác nhau. Tôi thống nhất giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội để nâng cao chất lượng dịch vụ dịch thuật thì cần tiếp tục quy định rõ người chịu trách nhiệm về tính chính xác nội dung của bản dịch. Tuy nhiên, trong thực tế đây là vấn đề tưởng như đơn giản nhưng lại rất phức tạp, rộng lớn vì nó liên quan nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Tôi cho rằng dự thảo luật quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm nội dung bản dịch là không phù hợp với thực tế và trình độ chuyên môn của công chứng viên hiện nay. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thận trọng vấn đề này vì công chứng viên không biết hết tất cả các ngoại ngữ nên tất yếu cũng không biết bản dịch là đúng hay sai về nội dung. Chúng ta biết rõ điều này mà vẫn quy định buộc công chứng viên phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà họ không được biết là điều hoàn toàn không tưởng.
Chính vì lẽ trên, thay vì quy kết trách nhiệm của công chứng viên đối với những nội dung bản dịch, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét tập trung quy định thật chặt chẽ ngay trong luật này các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình tự, thủ tục dịch thuật, trách nhiệm pháp lý của người dịch đối với nội dung bản dịch. Đồng thời quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người dịch, nếu dịch sai. Có như vậy dự thảo luật mới hoàn thiện đầy đủ và có tính khả thi cao. Xin hết.