VCCI góp ý Dự thảo 5 Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
Đại biểu Lê Minh Hiền tỉnh Khánh Hòa góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
VCCI góp ý đối với Dự thảo Thông tư liên tịch quy định ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen
Kính gửi: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 7341/BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch quy định ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
Nghị định 38/201/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm có quy định về việc phải thực phẩm biến đổi gen phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa, do vậy, việc soạn thảo và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết về việc ghi nhãn này là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng triển khai trên thực tế của các quy định tại Nghị định 38 - văn bản đã phát sinh hiệu lực từ hơn hai năm nay.
Hơn nữa, cho tới hiện tại, trên thế giới, tranh cãi về tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen vẫn chưa ngã ngũ cả từ góc độ khoa học và chính trị. Do đó, ngay cả ở những nước có cách tiếp cận thoáng, cởi mở về vấn đề này, hầu hết Nhà nước vẫn trao quyền lựa chọn cho người tiêu dùng trong có sử dụng hay không sử dụng sản phẩm biến đổi gen bằng việc yêu cầu ghi nhãn đối với sản phẩm này để người tiêu dùng biết và tự do thực hiện quyền lựa chọn của mình. Vì vậy, việc ban hành quy định về cung cấp thông tin về thực phẩm biến đổi gen trên nhãn hàng hóa cũng là cần thiết xét từ góc độ minh bạch thông tin và đảm bảo quyền được biết và lựa chọn/quyết định những thực phẩm để tiêu dùng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, có một thực tế khác ở Việt Nam mà một số doanh nghiệp e ngại: Do thông tin về sản phẩm biến đổi gen ở Việt Nam chưa đầy đủ dẫn tới nguy cơ tạo ra định kiến không đúng của người tiêu dùng về sản phẩm này, từ đó làm mất lợi thế cạnh tranh của sản phẩm này một cách bất hợp lý.
Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, giảm thiểu những e ngại kể trên, song song với việc ban hành quy định về ghi nhãn sản phẩm biến đổi gen, đề nghị Quý Cơ quan có những biện pháp để cung cấp thông tin đầy đủ hơn, khách quan hơn về loại thực phẩm này trên các phương tiện thông tin đại chúng (đặc biệt là các chương trình có sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ngoài ra, cũng cần tính tới các biện pháp nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng tình trạng mập mờ thông tin về biến đổi gen để cạnh tranh không lành mạnh (ví dụ một số sản phẩm quảng cáo “sản phẩm không biến đổi gen”, gián tiếp tạo định kiến không đúng về sản phẩm biến đổi gen).
Liên quan đến nội dung cụ thể trong Dự thảo, VCCI có một số ý kiến như sau:
1. Giải thích từ ngữ (Điều 3)
- Thực phẩm biến đối gen: Khoản 4 Điều 3 Dự thảo quy định “thực phẩm biến đối gen là tên gọi chung đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có một hoặc nhiều thành phần nguyên liệu có gen bị biến đổi bằng công nghệ gen” là chưa thống nhất với quy định tại khoản 24 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm “thực phẩm biến đổi gen là thực phẩm có một hoặc nhiều thành phần nguyên liệu có gen bị biến đổi bằng công nghệ gen”. So với Luật thì khái niệm thực phẩm biến đổi gen rộng hơn rất nhiều, bao gồm cả “phụ gia thực phẩm”, “chất hỗ trợ chế biến thực phẩm”. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất với Luật An toàn thực phẩm, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 4 Điều 3, dẫn chiếu quy định về thực phẩm biến đổi gen tại khoản 24 Điều 2 Luật;
- Sản phẩm của sinh vật biến đổi gen: Phạm vi điều chỉnh của Thông tư bao gồm cả “sản phẩm của sinh vật biến đổi gen” nhưng toàn bộ Dự thảo lại không có quy định nào về loại sản phẩm này. Điều này khiến cho phạm vi điều chỉnh của Thông tư thiếu rõ ràng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định giải thích khái niệm “sản phẩm của sinh vật biến đổi gen”.
2. Thực phẩm biến đổi gen không bắt buộc phải ghi nhãn (Điều 5)
Điểm b khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định, không phải ghi nhãn trong trường hợp “thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn có thành phần nguyên liệu biến đổi gen ≥ 5% mỗi thành phần nhưng không phát hiện được protein hoặc AND biến đổi gen trong sản phẩm thực phẩm cuối cùng”.
Quy định này là chưa thống nhất với căn cứ để xác định thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 38 cũng như Điều 4 Dự thảo, bất kỳ sản phẩm nào có các thành phần nguyên liệu biến đổi gen ≥ 5% mỗi thành phần, đều phải ghi nhãn mà không quan tâm đến sản phẩm thực phẩm cuối cùng như thế nào – tiêu chí xác định có phải ghi nhãn hay không ở đây là thành phần nguyên liệu chứ không phải việc sản phẩm thực phẩm cuối cùng có chứa protein hoặc ADN biến đổi gen.
Để đảm bảo sự thống nhất với Nghị định 38 cũng như các quy định tại Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5.
3. Cách thức ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen (Điều 7)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Dự thảo thì “trường hợp tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen được sử dụng là tên thực phẩm hay một phần của tên thực phẩm phải ghi cụm từ “biến đổi gen” bên cạnh tên thực phẩm hoặc một phần của tên thực phẩm”. Quy định này là chưa hợp lý, bởi vì:
- Việc ghi cụm từ “biến đổi gen” bên cạnh tên thực phẩm sẽ gây sự nhầm lẫn về thông tin của người tiêu dùng về việc tất cả thành phần của thực phẩm đều có yếu tố biến đổi gen trong khi có thể chỉ một trong số các thành phần trong sản phẩm là có yếu tổ biến đổi gen hoặc thực phẩm đó chỉ có mỗi thành phần biến đổi gen.
- Nghị định 38 cũng như các quy định tại Dự thảo đều yêu cầu chỉ ghi cụm từ “biến đổi gen” bên cạnh thành phần nguyên liệu có yếu tố biến đổi gen chứ không phải là tên của cả thực phẩm.
Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 2 Điều 7 hoặc quy định để thể hiện chính xác bản chất của sản phẩm theo hướng, bổ sung bên cạnh tên của thực phẩm cụm từ “có thành phần biến đổi gen”.
4. Khắc phục, sửa chữa nhãn thực phẩm (Điều 8)
Điểm a khoản 1 Điều 8 Dự thảo quy định “tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, đóng gói, nhập khẩu phải tự thực hiện việc sửa chữa và báo cáo với cơ quan cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, khi bị phát hiện sẽ không được tiếp tục lưu hành trên thị trường nếu không có những giải trình và biện pháp khắc phục kịp thời”. Quy định này chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, đặc biệt là thiếu các tiêu chí để cơ quan Nhà nước xem xét chấp thuận việc sửa chữa khắc phục của doanh nghiệp, ví dụ:
- Cơ quan nhà nước sẽ xem xét nội dung gì trong giải trình và căn cứ vào tiêu chí nào để đưa ra các quyết định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, đóng gói, nhập khẩu thực phẩm biến đổi gen?
- Các biện pháp khắc phục bao gồm những biện pháp gì? Thực hiện vào thời điểm nào thì được coi là kịp thời?
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các nội dung trên để đảm bảo tính minh bạch trong quy định, hạn chế nguy cơ nhũng nhiễu từ các cán bộ thực hiện thủ tục.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư liên tịch quy định ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.