VCCI góp ý đối với Dự thảo Thông tư liên tịch quy định ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen
Đại biểu Hồ Thị Thủy tỉnh Vĩnh Phúc góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Đại biểu Lê Minh Hiền tỉnh Khánh Hòa góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Lê Minh Hiền - Khánh Hòa
Kính thưa Quốc hội,
Cơ bản tôi nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật công chứng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp. Sau đây tôi xin góp ý một số vấn đề về Chương V thủ tục công chứng, hợp đồng bản dịch giao dịch như sau:
Vấn đề thứ nhất, về phạm vi công chứng hợp đồng giao dịch về bất động sản tại Điều 43. Từ thực tiễn thi hành Luật công chứng, đặc biệt trong quan hệ kế thừa bất động sản có liên quan đến thủ tục công chứng, tôi nhận thấy cần bổ sung một số quy định như sau: Đề nghị bổ sung thêm việc công chứng vào đoạn cuối tại Điều 43 là "Tặng, cho toàn bộ hoặc một phần quyền thừa kế di sản và ủy quyền", Điều 43 được viết lại như sau: "Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, tặng, cho toàn bộ hoặc một phần quyền thừa kế di sản là bất động sản và ủy quyền". Từ đó bổ sung thêm nhiệm vụ tặng, cho quyền hưởng di sản vào Điều 59 và Điều 59 được viết lại tiêu đề như sau: "Công chứng văn bản từ chối nhận di sản tặng, cho quyền hưởng di sản". Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản hoặc tặng, cho quyền hưởng di sản. Tôi xin được lý giải cho việc đề nghị bổ sung như sau:
Thứ nhất quy định này phù hợp tại Khoản 1, Điều 57 trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng, cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.
Thứ hai, về thủ tục công chứng văn bản từ chối nhận di sản, công chứng phải thực hiện theo quy định tại Điều 642 Bộ luật dân sự. Pháp luật thừa kế của nước ta quy định người thừa kế có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản nếu sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế phù hợp với những điều kiện mà pháp luật đã quy định. Sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế được quy định tại Điều 642 quy định thời hạn có hiệu lực của sự khước từ. Hình thức và thủ tục khước từ quyền hưởng di sản và trường hợp không có quyền từ chối quyền hưởng di sản theo tinh thần của Khoản 3, Điều 642 Bộ luật dân sự quy định việc thực hiện quyền năng này chỉ được pháp luật chấp nhận trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Nếu quá thời hạn kể trên người được hưởng di sản mới bày tỏ ý kiến về việc từ chối nhận di sản, việc từ chối đó không được pháp luật chấp nhận và người đó buộc phải chấp nhận việc hưởng quyền năng của mình, đó là quyền hưởng thừa kế di sản.
Như vậy, quyền thừa kế đối với một khối di sản nhất định về bản chất cũng là một quyền tài sản. Người có quyền năng này cũng chính là quyền chủ sở hữu của khối tài sản đó. Theo Điều 195 của Bộ luật dân sự thì chủ sở hữu có toàn quyền định đoạt số phận pháp lý của tài sản thuộc sở hữu của mình, tức là có quyền chuyển nhượng, tặng, cho hoặc thậm chí từ bỏ quyền sở hữu của mình. Như vậy việc cho phép người được hưởng di sản thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế là hoàn toàn hợp lý. Việc thực hiện quyền năng này như nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu quy định tại Điều 165 Bộ luật dân sự. Rõ ràng chưa có sự thống nhất trong các quy định của Điều 642, Điều 195 và Điều 165 Bộ luật dân sự. Vì vậy nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người thừa kế, đề nghị bổ sung quy định thủ tục công chứng văn bản tặng, cho, nhường quyền thừa kế trong Luật công chứng là cần thiết và không trái với quy định của Bộ luật dân sự.
Vấn đề thứ hai, cần làm rõ trong thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, sang nhượng di sản thừa kế tại các điều 57, 58 dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), đây là văn bản công chứng rất có giá trị, là một trong các căn cứ để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản theo Luật công chứng hiện hành và dự thảo Luật công chứng (sửa đổi).
Về thủ tục phân chia di sản thừa kế tại Điều 57 chỉ đặt ra 2 trường hợp: Một, người có tài sản thừa kế chết, không để lại di chúc và có nhiều người được thừa kế theo pháp luật; Hai, có lập di chúc chỉ định những người thừa kế nhưng nội dung không xác định rõ phần được hưởng của từng người. Về thủ tục khai nhận di sản tại Điều 58 cũng chỉ đặt ra với 2 trường hợp:
Một, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật.
Hai, những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật, nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng thay văn bản khai nhận di sản.
Vấn đề đặt ra từ thực tiễn đối với những trường hợp có di chúc đã công chứng, chứng thực có nội dụng xác định rõ phần di sản thừa kế cho những người thừa kế không được áp dụng tại Điều 57, Điều 58 của dự luật. Đây là Điều 49, Điều 50 của Luật Công chứng hiện hành. Nghĩa là họ không phải lập thủ tục thỏa thuận hoặc khai nhận di sản thừa kế. Đương sự chỉ cần cung cấp di chúc đến các cơ quan có thẩm quyền để được đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản. Thực tiễn cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết chuyển quyền cho người được thừa kế theo di chúc. Cũng có nơi vẫn yêu cầu phải thông qua thủ tục khai nhận di sản, tuy nhiên yêu cầu này không có căn cứ pháp luật. Do Luật Công chứng không quy định cụ thể dẫn đến thực tiễn có nhiều người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc đã mất quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của Bộ Luật dân sự hoặc chuyển quyền sở hữu cho người được hưởng theo di chúc đã bị hủy.
Hiện nay việc khai có di chúc hay không có di chúc hoàn toàn do người công chứng tự khai, các cơ quan có thẩm quyền hoặc các tổ chức hành nghề công chứng chưa có cơ sở dữ liệu chung để tra cứu, trong khi theo quy định của pháp luật thì di chúc có thể được lập ở bất kỳ đâu không phụ thuộc vào địa hạt của bất động sản. Nếu không quy định thủ tục khai nhận di sản thừa kế, không niêm yết công khai trước khi chuyển quyền sử dụng cho người thừa kế theo di chúc sẽ đầy tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ gây thiệt hại cho những người thừa kế khác theo quy định pháp luật dẫn đến việc khiếu kiện, tố cáo kéo dài. Vì vậy cần phải sửa đổi bổ sung theo hướng người được thừa kế theo di chúc phải lập thủ tục khai nhận di sản thừa kế không phân biệt hình thức nội dung di chúc và cũng phù hợp với quy định tại Điều 669 Bộ Luật dân sự.
Vấn đề thứ ba, để giúp cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nhanh, gọn việc công chức đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung thêm những điều quy định về công chứng hợp đồng ủy quyền, niêm yết thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế ngay trong luật này, không phải mất thời gian chờ đợi nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành. Vì thủ tục thực hiện các việc công chứng này hiện nay đang được quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định 04 ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng và bổ sung thêm nhiệm vụ công chứng hợp đồng ủy quyền vào tiêu đề của Mục 2, Chương V. Mục 2 được viết lại như sau: Thủ tục công chứng, hợp đồng thế chấp bất động sản, hợp đồng ủy quyền, di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản, nhận giữ lưu trữ công chứng bản dịch. Tôi xin hết.