Hội Doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật góp ý Dự thảo Thông tư quản lý thuốc bảo vệ thực vật
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về quản lý thuốc bảo vệ thực vật
http://vibonline.com.vn/Duthao/1565/Du-thao-Thong-tu-ve-quan-ly-thuoc-bao-ve-thuc-vat.aspx/
Kính gửi: Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 1456/BVTV-QLT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 14/08/2014 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư về quản lý thuốc bảo vệ thực vật (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
I. Quan điểm tiếp cận
Để các quy định tại Thông tư vừa đảm bảo được các mục tiêu quản lý nhà nước (quản lý chặt chẽ mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật – xuất phát từ đặc thù của loại hàng hóa này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, môi trường cũng như tác động đến ngành nông nghiệp) vừa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, các quy định cần đáp ứng các nguyên tắc sau:
- Tính thống nhất: các quy định tại Dự thảo phải thống nhất với quy định tại Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và chỉ hướng dẫn các quy định mà Bộ được trao quyền
- Tính minh bạch: Dự thảo có nhiều quy định liên quan nhiều đến thủ tục hành chính nên các quy định phải rõ ràng, cụ thể, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng, đảm bảo nguyên tắc đơn giản, thuận tiện.
- Tính hợp lý: các điều kiện liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cần phù hợp với thực tế, tránh gây trở ngại một cách bất hợp lý đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo là cụ thể, chi tiết, thể hiện được tinh thần mục tiêu quản lý chặt chẽ về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên một số quy định dường như vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu trên, gây khó khăn một cách bất hợp lý cho hoạt động của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét.
II. Góp ý cụ thể
1. Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính thống nhất
Dự thảo có nhiều quy định hướng dẫn chi tiết các điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên một số quy định theo hướng “vượt quá” quy định của Luật và áp đặt điều kiện kinh doanh mới, trong khi theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì văn bản cấp Bộ không được phép quy định về điều kiện kinh doanh. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số quy định sau:
- Điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật (Điều 22):
+ Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Dự thảo thì tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải có điều kiện “người thực hiện công việc khảo nghiệm có trình độ chuyên môn phù hợp, trong đó có ít nhất 07 người phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học và đã được tập huấn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật”. Quy định này dường như là chưa phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (sau đây gọi tắt là Luật). Điểm b khoản 1 Điều 59 Luật quy định, điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật là “người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp và đã được tập huấn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật”. Như vậy với quy định này Luật không quy định về số lượng lao động tối thiểu mà tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cần phải có, miễn là có người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp là được. Do đó, Dự thảo quy định về số lượng tối thiểu lao động chuyên môn mà tổ chức này phải có là chưa phù hợp với quy định tại Luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định này.
+ Điều kiện về cơ sở vật chất: điểm a khoản 4 Điều 22 Dự thảo quy định, tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải có “đầy đủ phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Phụ lục 10”. Phụ lục 10 quy định về số lượng tối thiểu của các loại phương tiện, thiết bị phục vụ khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật (ví dụ: bình phun tay đeo vai số lượng tối thiểu 2 chiếc, Ống đong các loại dung tích 50, 100, 200, 500 ml số lượng tối thiểu mỗi loại 02 chiếc, …). Luật không quy định về số lượng tối thiểu về phương tiện, thiết bị phục vụ khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật mà tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cần phải có, hơn nữa Luật cũng không trao quyền cho Bộ hướng dẫn chi tiết về các điều kiện của tổ chức thực hiện khảo nghiệp thuốc bảo vệ thực vật (theo khoản 2 Điều 59 Luật thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ hướng dẫn về “trình tự, thủ tục công nhận, công bố danh sách tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật” mà không phải hướng dẫn chi tiết). Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ các quy định về điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật mà dẫn chiếu tới quy định tại Điều 59 Luật.
- Điều kiện về nhân lực đối với cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (Điều 34): Khoản 4 Điều 34 Dự thảo quy định, cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải có “Thủ kho phải có Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật; an toàn hóa chất, an toàn vệ sinh lao động; phòng cháy chữa cháy; vận chuyển và bảo quản thuốc bảo vệ thực vật”. Yêu cầu này vượt quá quy định tại Luật, bởi khoản 2 Điều 61 Luật chỉ quy định về điều kiện của người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất và người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật mà không quy định về điều kiện của thủ kho. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 4 Điều 34 để đảm bảo tính thống nhất với với Luật.
- Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (Mục 2 Chương IV)
+ Điều kiện về địa điểm: Khoản 1 Điều 41 Dự thảo quy định địa điểm buôn bán phải có diện tích tối thiểu là 10 mét vuông. Điểm a khoản 1 Điều 63 Luật quy định, tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng điều kiện “có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về diện tích”, được hiểu địa điểm phải đáp ứng được về mặt diện tích bán hàng phù hợp với quy mô của việc buôn bán và không áp đặt điều kiện tối thiểu nào cho diện tích bán hàng. Việc Dự thảo quy định về việc diện tích phải đáp ứng tối thiểu 10 mét vuông là chưa phù hợp với tinh thần của Luật, do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định về giới hạn diện tích tối thiểu này.
+ Điều kiện khác: Điều 43 Dự thảo quy định về một số điều kiện khác mà tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cần phải đáp ứng, tuy nhiên quy định này là chưa phù hợp với Luật vì Điều 63 Luật không có các quy định về các điều kiện này, do đó đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 43.
- Nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (Điều 49): Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 49 Dự thảo thì nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật “sử dụng cho khu vui chơi giải trí và cho các mục đích đặc thù khác” phải xin giấy phép. Điều này chưa thống nhất với quy định tại Luật bởi vì trường hợp này không thuộc các trường hợp phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều 67. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định trường hợp nhập khẩu thuốc “sử dụng cho khu vui chơi giải trí và cho các mục đích đặc thù khác” phải xin phép nhập khẩu.
- Chế độ báo cáo: Điều 51 Dự thảo quy định “các tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật phải báo cáo bằng văn bản … về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cho Cục Bảo vệ thực vật” là chưa phù hợp với Luật bởi vì theo quy định của Luật thì cá nhân, tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu không có nghĩa vụ báo cáo về các nội dung trên. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 51.
2. Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính hợp lý
a. Nguyên tắc chung về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật (Điều 5):
- Điểm b khoản 5 Điều 5 Dự thảo quy định, tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký “chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật”. Các doanh nghiệp cho rằng quy định này là chưa hợp lý ở các điểm:
+ Không thống nhất với Luật: Luật không giới hạn về điều kiện này đối với các chủ thể đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, do đó việc Dự thảo có quy định hạn chế này là chưa thống nhất với tinh thần của Luật.
+ Chưa phù hợp với thực tế: Theo phản ánh của doanh nghiệp thì thông thường cây trồng và các giai đoạn sinh trưởng của nó có phản ứng khác nhau với từng hóa chất trừ dịch hại cũng như đối với từng dạng thuốc trừ dịch hại. Công nghệ sản xuất khác nhau đòi hỏi phải có những chất phụ gia như: chất tăng sức căng bề mặt, chất tạo mùi, chất tạo màu, … khác nhau. Tất cả những sự khác biệt này cũng có những tác động (xấu hay tích cực) đến từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Vì vậy, mỗi dạng thuốc lại phù hợp với từng giai đoạn nhất định mà không được áp dụng chung cho tất cả các giai đoạn khác nhau của cây trồng. Hay ở mỗi một giai đoạn sinh trưởng khác nhau thì sử dụng các hàm lượng khác nhau để phát huy được hiệu quả của thuốc trừ dịch hại mà không ảnh hưởng đến cây trồng. Thực tiễn cũng đã chứng minh rằng cùng với một hàm lượng sử dụng cho một loại cây trồng ở giai đoạn non sẽ gây ảnh hưởng đến cây trồng (lá xoăn lại, giống cây trồng không phát triển …) nhưng ở những giai đoạn sau, cây vẫn phát triển bình thường mặc dù cũng sử dụng thuốc trừ dịch hại với liều lượng, hàm lượng như nhau. Việc giới hạn về hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp trong việc tạo ra các sản phẩm phù hợp đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả, chất lượng của thuốc bảo vệ thực vật khi được sử dụng.
Từ những phân tích trên, các doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 5 “chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật”.
- Phải có giấy ủy quyền của nhà sản xuất đối với trường hợp ủy quyền đứng tên đăng ký mới được cấp Giấy phép khảo nghiệm để đăng ký chính thức (Điều 10): Các doanh nghiệp cho rằng việc bắt buộc phải có giấy ủy quyền sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng tới thị trường thuốc bảo vệ thực vật ở các khía cạnh:
+ Chỉ có những doanh nghiệp có giấy ủy quyền của nhà sản xuất nước ngoài mới được phép đăng ký thuốc vào Danh mục được phép sử dụng sẽ xảy ra hiện tượng thị trường thuốc trừ sâu sẽ “rơi” vào tay một số doanh nghiệp, từ đó dẫn đến hệ lụy là thị trường có thể bị thao túng, quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
+ Hiện nay, một số thuốc bảo vệ thực vật thông dụng (generic) được tự do mua bán trên thế giới, điều này sẽ có lợi cho một số nước chưa sản xuất được nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật như nước ta. Việc Dự thảo quy định các thuốc bảo vệ thực vật muốn được sử dụng ở Việt Nam cần phải có giấy ủy quyền của nhà sản xuất, mà không phân biệt là loại mới hay là loại generic, vô hình trung gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi không tận dụng được lợi thế trên, mở rộng ra thì người tiêu dùng không được hưởng lợi về giá cả cạnh tranh.
Từ những phân tích trên, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về việc ủy quyền này.
b. Các loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép đăng ký ở Việt Nam
- “Thuốc bảo vệ thực vật hóa học có độ độc cấp tính của hoạt chất hoặc thành phẩm thuộc loại I, II theo phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS)” (khoản 2 Điều 6 Dự thảo). Các doanh nghiệp cho rằng, cần phải đánh giá một cách kỹ càng và thận trọng khi áp dụng GHS bởi, ngành công nghiệp hóa chất của nước ta nói chung và thuốc trừ dịch hại nói riêng còn rất nhiều hạn chế … nếu việc áp dụng ngay GHS (chuẩn chung của thế giới về phân loại độ độc và ghi nhãn) sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp (các doanh nghiệp phải bỏ ra khá nhiều chi phí cũng như thời gian để đầu tư thêm cơ sở vật chất) và mở rộng ra là cả ngành sảnh xuất nông nghiệp. Trong trường hợp có những lý do thích hợp để áp dụng theo GHS thì Dự thảo cần bổ sung thêm phụ lục nhằm làm rõ khái niệm GHS, cách phân loại độ độc cấp tính theo GHS để đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện.
- “Thuốc bảo vệ thực vật là hỗn hợp của các hoạt chất hóa học với sinh học” (điểm c khoản 3 Điều 6). Các doanh nghiệp cho rằng quy định này chưa hợp lý bởi vì, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thường có phổ tác động hẹp và chỉ có hiệu lực trên một số dịch hại nhất định, vì vậy cần hỗn hợp thêm với thuốc hóa học để tăng phổ tác dụng và hiệu lực sinh học. Thực tế, có nhiều dẫn chứng cho thấy việc hỗn hợp thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hóa học với sinh học làm thay đổi phương thức tác động đến dịch hại, hạn chế tính kháng thuốc hóa học của dịch hại. Trong trường hợp có lo ngại về chất lượng cũng như tác hại của loại thuốc bảo vệ thực vật này tới sức khỏe của con người cũng như môi trường thì cơ quan nhà nước đã có những cơ chế kiểm soát khác ví dụ như: cấp giấy phép khảo nghiệm các thuốc trước khi đăng ký vào danh mục thuốc được phép sử dụng hay các tiêu chuẩn chất lượng; … Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bỏ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6.
- “Thuốc bảo vệ thực vật có cùng hoạt chất hoặc cùng thành phần hỗn hợp các hoạt chất với các thuốc trong Danh mục được ban hành trước khi Thông tư này có hiệu lực đã có 10 tên thương phẩm trở lên …”. Các doanh nghiệp cho rằng, quy định này là chưa hợp lý ở các điểm:
+ Luật không có giới hạn về việc đăng ký thuốc bảo vệ thực vật có cùng hoạt chất hoặc cùng thành phần hỗn hợp các thuốc trong danh mục đã có 10 tên thương phẩm, vì vậy Dự thảo quy định hạn chế này là chưa phù hợp với tinh thần của Luật, đặt thêm điều kiện kinh doanh không phù hợp.
+ Ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp: Ban soạn thảo cần có giải thích hợp lý về việc hạn chế này và căn cứ để đưa ra giới hạn về số lượng 10 tên thương phẩm, bởi quy định này có tác động hạn chế kinh doanh và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp. Theo phản ánh của doanh nghiệp thì hiện nay có hơn 300 công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật với nhiều tên thương phẩm khác nhau, cho nên nếu hạn chế chỉ 10 tên thương phẩm được đưa vào danh mục thì gây thiệt hại lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đăng ký thuốc bảo vệ thực vật sau.
+ Ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là người nông dân: Việc chỉ giới hạn 10 tên thương phẩm trong Danh mục các thuốc bảo vệ được phép sử dụng ở Việt Nam đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật có cùng hoạt chất hoặc cùng thành phần hỗn hợp các hoạt chất sẽ có thể tạo ra hiện tượng độc quyền của các doanh nghiệp đã có các thuốc trong Danh mục và hạn chế các doanh nghiệp khác được đăng ký tên thương phẩm, vô hình trung người tiêu dùng sẽ không có cơ hội để tham khảo và lựa chọn các sản phẩm cùng loại với chất lượng và giá cả khác nhau, và đây là cơ hội để các doanh nghiệp có cơ hội ép giá đối với người nông dân – đối tượng được cho là yếu thế, cần được bảo vệ. Về lâu dài, yêu cầu làm giảm sức ép cạnh tranh, giảm động lực cải tiến, đổi mới và tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn.
+ Tính minh bạch của quy định: Việc giới hạn về số lượng tên thương phẩm của thuốc bảo vệ thực vật có cùng hoạt chất hoặc cùng thành phần hỗn hợp các hoạt chất sẽ xảy ra hiện tượng, sẽ có nhiều doanh nghiệp đăng ký tên thương phẩm cùng một thời điểm, cơ quan nhà nước dựa vào tiêu chí nào để chấp nhận hay từ chối đăng ký thuốc bảo vệ thực vật của các doanh nghiệp. Dự thảo không có quy định về vấn đề này. Điều này sẽ tạo ra dư địa của tình trạng tham nhũng từ phía các cán bộ thực hiện thủ tục cũng như là sự phân biệt đối xử một cách bất hợp lý giữa các doanh nghiệp có cùng hoạt động.
Từ các phân tích trên, các doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bỏ quy định tại khoản 6 Điều 6.
c. Nguyên tắc chung về cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật (Điều 9)
Khoản 4 Điều 9 Dự thảo quy định “Mỗi Giấy phép khảo nghiệm được cấp tối đa 03 cây trồng, mỗi cây trồng không quá 03 đối tượng sinh vật gây hại”. Các doanh nghiệp cho rằng quy định này chưa hợp lý, thiếu cơ sở khoa học, bởi vì một hoạt chất trừ được nhiều đối tượng thì lượng sử dụng cũng khác nhiều với 2, 3, 4, … hoạt chất dùng để trừ từng ấy đối tượng. Vậy, thật khó lý giải tại sao mỗi giấy phép khảo nghiệm lại chỉ cấp không quá 03 cây trồng, mỗi cây trồng không quá 03 đối tượng? Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này để đảm bảo phù hợp với thực tế.
d. Nhãn phụ của thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm
Khoản 2 Điều 81 Dự thảo quy định “Nhãn phụ phải được gắn chặt với từng bao gói thuốc bảo vệ thực vật để không bị tách rời trong quá trình lưu thông và sử dụng”. Quy định này sẽ là chưa hợp lý đối với những bao gói thuốc loại nhỏ vì rất khó thực hiện, do đó đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này để đảm bảo sự phù hợp với thực tế.
e. Về yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với các loại giấy chứng nhận nước ngoài:
Trong một số thủ tục liên quan đến cấp phép, Dự thảo có yêu cầu bản chính của các giấy tờ “phải được hợp pháp hóa lãnh sự ở nước sở tại”. Cần chú ý là Việt Nam đang trong quá trình làm thủ tục tham gia Công ước về miễn thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ hành chính (Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao triển khai thủ tục này). Khi quá trình này hoàn tất, việc yêu cầu giấy tờ hành chính phải được hợp pháp hóa lãnh sự sẽ không còn phù hợp.
f. Quy định chuyển tiếp (Điều 97)
Theo quy định tại Điều 97 Dự thảo thì một số sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị loại ra khỏi danh mục đăng ký khi không đáp ứng điều kiện mới của Thông tư này. Điều này sẽ gây thiệt hại khá lớn đến các doanh nghiệp bởi các sản phẩm này được xem là tài sản của doanh nghiệp. Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2005 thì khi chính sách pháp luật thay đổi gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì Nhà nước phải có những biện pháp hỗ trợ hoặc bồi thường. Dự thảo không có quy định nào để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư trong trường hợp các chính sách mới này tác động đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa mà việc sử dụng chúng có thể tác động đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường cũng như phát triển của cả ngành nông nghiệp. Việc kiểm soát đối với loại hàng hóa này cần phải chặt chẽ, tuy nhiên cần phải tính tới quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Đối với những yêu cầu về chất lượng của sản phẩm, nếu các yêu cầu mới tại văn bản này được chứng minh tốt hơn, phù hợp hơn, dĩ nhiên doanh nghiệp phải áp dụng theo, để đảm bảo về lợi ích công cộng và các chính sách quản lý nhà nước. Nhưng những quy định không tác động đến chất lượng sản phẩm, chỉ là sự thay đổi về phương pháp quản lý, thì việc loại bỏ các sản phẩm này do không đáp ứng điều kiện mới dường như là chưa hợp lý.
Khoản 1 Điều 97 Dự thảo quy định, đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật của tổ chức, cá nhân đăng ký không đáp ứng điều kiện chủ thể đứng tên đăng ký hay điều kiện về việc nhận ủy quyền thì sẽ bị loại ra khỏi Danh mục sản phẩm được phép sử dụng. Điều này là chưa hợp lý, bởi nếu các sản phẩm này đáp ứng được điều kiện về chất lượng, việc sử dụng các sản phẩm này không gây hại thì việc loại các sản phẩm này ra khỏi Danh mục là chưa phù hợp. Vì vậy, để vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp vừa bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo xem xét chỉ loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi Danh mục nếu không đáp ứng được các điều kiện về chất lượng theo quy định mới.
3. Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính minh bạch
- Một số quy định về thủ tục không rõ về điều kiện, thủ tục, ví dụ:
+ Điểm b khoản 1 Điều 29 Dự thảo quy định, địa điểm của nhà nước của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải “phù hợp với các điều kiện về quy hoạch và được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên”. Quy định này chưa rõ ràng ở điểm: không rõ và không chắc rằng các địa phương đã có quy hoạch về các cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hay chưa.Dự thảo cần đánh giá kỹ càng về việc quy định về quy hoạch này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tránh hiện tượng các địa phương không hề có quy hoạch về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp không được phép sản xuất loại hàng hóa này tại địa phương đó. Hơn nữa, Dự thảo cũng không quy định về trình tự, thủ tục cũng như tiêu chí để Ủy ban nhân dân cấp huyện đồng ý cho phép xây dựng nhà xưởng. Điều này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.
+ Góp ý tương tự về sự thiếu rõ ràng trong tiêu chí, căn cứ, trình tự thủ tục đối với quy định địa điểm cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 41 Dự thảo.
- Một số quy định về thời hạn trong trình tự, thủ tục hành chính là chưa rõ và chưa hợp lý:
+ Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (Điều 37): Dự thảo không quy định rõ thời hạn Đoàn đánh giá thực hiện đánh giá tại doanh nghiệp là bao lâu. Chính vì vậy, thời hạn để xác định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật là không rõ vì thời hạn này căn cứ vào thời hạn kết thúc đánh giá. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời hạn mà Đoàn đánh giá thực hiện đánh giá tại doanh nghiệp.
+ Thời hạn kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu: theo quy định tại khoản 3 Điều 55 Dự thảo thì thời hạn này là 7 ngày làm việc đối với thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học và 17 ngày đối với thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh vật (thời hạn thông báo địa điểm và thời gian lấy mẫu và thời hạn kiểm tra có kết quả kiểm tra), theo ý kiến của các doanh nghiệp thì đây là thời hạn quá dài, có thể làm cho thủ tục hải quan kéo dài, gây dồn ứ tại cửa khẩu. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét rút ngắn thời gian kiểm tra nhà nước để đảm bảo cho thủ tục thông quan nhanh chóng, thuận lợi.
- Một số quy định tại Dự thảo sử dụng các khái niệm mang tính định tính, trao quá nhiều quyền mang tính chất suy đoán cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, ví dụ:
+ điểm a khoản 3 Điều 23 Dự thảo về trình tự, thủ tục công nhận, công bố danh sách tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có quy định “trường hợp cần thiết, Tổ đánh giá thực hiện thẩm định, đánh giá thực tế đối với tổ chức”, không rõ trong trường hợp nào thì tổ đánh giá sẽ thực hiện đánh giá thực tế tại tổ chức, trường hợp nào thì không? Dự thảo cần quy định theo hướng cụ thể các trường hợp này để đảm bảo tính minh bạch trong quy định.
+ điểm b khoản 3 Điều 55 Dự thảo quy định “trường hợp phải kéo dài thời gian kiểm tra thì thông báo ngay cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu để giải quyết” đối với thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu. Không rõ trường hợp nào thì kéo dài trường hợp nào thì không?
Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn văn bản để loại bỏ hoặc quy định cụ thể các khái niệm tương tự.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư về quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.