Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn góp ý đối với Nghị định 60/2014/NĐ-CP tại Hội thảo VCCI TP. HCM

Thứ Sáu 09:46 17-10-2014
Đóng góp cho dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ.


Phần 1:

Theo dự thảo của thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, chúng tôi xin phép có một số ý kiến đóng góp thêm sau đây :

1/ Nhìn chung dự thảo thông tư hướng dẫn thể hiện cơ bản tinh thần của NĐ 60/2014 của Chính phủ, chỉ thêm lộ trình di dời các nhà in ra khỏi khu dân cư và hàng loạt các biểu mẫu phải kê khai báo cáo. Thông tư chưa mang tính chất đổi mới, cải tiến và tháo gỡ các thủ tục hành chính để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong kỳ họp tổng kết đánh giá 6 tháng đầu năm 2014. Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, chúng tôi đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng cho dự thảo NĐ 60 tại Hội in TP Hồ Chí Minh, nhưng cũng chưa được tiếp thu nhiều.

2/ Tại Chương II về Hoạt động in :

-         Điều 6 : về qui định mặt bằng sản xuất phải nằm ngoài khu vực dân cư, phải có khoảng cách 100 mét, 200 mét tính từ nơi đặt máy móc tới khu dân cư. Nội dung tổng quát là hợp lý, logic về lý thuyết, nhưng thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều cơ sở in, được tồn tại trong quá trình lịch sử sau thời kỳ cải tạo và tiếp quản trên cái cũ, do đó phải có thời gian để di dời trong tương lai. Vì vậy Điều 6 cần xem lại, nó chỉ nên qui định cho các cơ sở in được thành lập vào năm 2014 và 2015 hoặc đối với các cơ sở in cũ muốn cải tạo cơi nới thêm. Như vậy sẽ rõ ràng hơn và giảm bớt việc diễn giải nhiều chiều làm lỗ hổng xin cho trong công tác quản lý vĩ mô.

-         Điều 9 : về lưu trữ quản lý hồ sơ…bản mẫu sản phẩm in. Nội dung quản lý là hợp lý. Nhưng phân tích sâu về ngành in, chúng tôi nhận xét Điều này thể hiện chưa ổn và chưa toàn diện, chỉ mang tính hành chính kiểu quản lý cũ. Vì nội dung của Điều 9 có vẻ như nội hàm ngành in chỉ là Văn hóa phẩm và một số giấy tờ quản lý, nhãn bao bì đơn giản, một tư duy cũ về ngành in của thời kỳ bao cấp. Theo khảo sát thống kê của một số tạp chí ngành in trên thế giới thì doanh số in cho Văn hóa phẩm và giấy tờ quản lý chỉ chiếm khoảng 23%, còn doanh số về in nhãn, bao bì, quảng cáo khác chiếm trên 70% doanh số toàn ngành gia công in. Thống kê tại Việt Nam ( chưa đầy đủ ) trên một số các doanh nghiệp sản xuất Thực phẩm, bánh kẹo, thủy hải sản xuất khẩu, bia, nước khoáng có doanh số gia công in nhãn, bao bì, quảng cáo trên màng nhựa, màng phức hợp, màng nhôm,v.v… trên cả ngàn tỉ mỗi năm, mẫu mã thay đổ liên tục, nên một số khoản, mục phải báo cáo trong Điều 9 sẽ khó khăn cho các cơ sở thực hiện kịp thời. Ngay cả việc gia công in vé số cho các Công ty Xổ số cũng vậy, việc cạnh tranh thay đổi liên tục mẫu mã, hình ảnh và nguyên liệu in thường kỳ, nếu công tác quản lý vĩ mô không lường được sẽ vô tình gây khó khăn thêm cho các cơ sở sản xuất.

Cụ thể thêm, hiện nay việc gia công in trên các bảng vi mạch, trên các phụ kiện sản phẩm của Tập đoàn Samsung, với các chất liệu khác nhau, hình thù khác nhau, họ đang rao tìm các đối tác gia công in tại Việt Nam để ký hợp đồng, nhưng chỉ có một đến hai đơn vị được lưa chọn. Vì vậy khoản h của Điều 9 bắt phải có lưu trữ bản mẫu và đóng dấu ký tên trên các sản phẩm đa dạng này sẽ khó khăn cho các cơ sở gia công này, đặc biệt là khó cho khâu gia công sau in.

-         Điều 10: về việc dăng ký sử dụng, chuyển nhượng, thanh lý máy in, máy photo copy màu,.. Việc đăng ký báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết, nhưng không nên lập lại việc cấp số đăng ký cho từng máy in có bảng hiệu như 20 năm về trước, vì như vậy sẽ làm công tác quản lý hành chánh thêm phức tạp, tốn kém nhưng không hiệu quả.

Việc chuyển nhượng, thanh lý, bán máy móc thiết bị ngành in, cần phải trên tinh thần chặc chẽ báo cáo đầy đủ, nhưng phải thông thoáng linh hoạt, để tạo điều kiện cho việc kinh doanh máy móc thiết bị được lưu thông trao đổi tốt trên thị trường có cạnh tranh cao về công nghệ và kỹ thuật; phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thanh lý các máy móc không còn phù hợp, để đầu tư máy móc thiết bị mới phù hợp hơn trong định hướng chiến lược kinh doanh.

Về một số các máy móc thiết bị sau in như máy cắt giấy, máy bế, máy chia cuộn, máy gấp, máy mã vạch, máy cán màng, máy phun UV,v.v…các nhà in đều đầu tư đổi mới liên tục, kiến nghị việc mua bán, thanh lý , đầu tư cần phải thật thông thoáng, thật thuận lợi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà.

-         Điều 11: Lộ trình di dời các cơ sở in ra khỏi khu vực dân cư

Điều này mang tính định hướng rất chung không có cơ sở khoa học và căn cứ vào tình hình thực tế. Thứ nhất qui định khoảng cách với khu dân cư là 100 mét và 200 mét dựa trên chỉ số khoa học nào là không gây ô nhiễm. Thứ hai qui định thời gian di dời là trước năm 2015, trước năm 2020 và trước năm 2025, khả năng thực hiện thuận lợi được đúng thời gian trên đối với các doanh nghiệp in lớn, có vốn lớn hay may mắn có nhà đầu tư mạnh vốn mua lại mặt bằng cũ xây cho mặt bằng mới. Đa phần các doanh nghiệp in hiện hữu là nhỏ thiếu vốn lưu động, nên việc đầu tư một mặt bằng nhỏ và xây dựng khoảng từ 20 tới 40 tỉ đồng bằng vốn cố định là rất khó khăn. Việc di dời một nhà máy sản xuất không phải đơn thuần cơ học là di chuyển cục sắt này từ vị trí A sang vị trí B, Hội đồng quản trị phải lên phương án, xin ý kiến cổ đông, phải tính toán đến vốn đầu tư mặt bằng, vị trí mặt bằng mới, thời gian trả nợ, khấu hao thu hồi vốn,.v.v…Do đó Điều khoản này theo ý kiến chúng tôi cần thêm chữ “ Định hướng “ vào phía trước câu, như vậy sẽ ổn hơn. Nhưng đối với các doanh nghiệp in mới thành lập thì nên bắt buộc.

-         Một số ý kiến xin đề nghị giải thích thêm về các biểu mẫu đính kèm:

1/ Biểu mẫu số 1: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt độg in. Đối với các doanh nghiệp in cũ đang hoạt động bình thường có phải thực hiện lại mẫu này không ?

2/ Biểu mẫu số 3 : Kê khai danh mục thiết bị in. Trong đó có ghi cả các thiết bị sau in, kiến nghị nên đơn giản hóa và báo cáo theo chu kỳ năm.

3/ Biểu mẫu số 4 : Đơn đề nghị cấp phép in gia công cho nước ngoài. Hiện nay có nhiều nhà in đang gia công in cho nước ngoài đặt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Việt Nam ( đang phải làm nhiều thủ tục xuất nhập khẩu ) có phải làm thêm mẫu này nữa không ?

4/ Biểu số 5 : Đơn đề nghị cấp phép nhập khẩu thiết bị in. Trong chú thích có ghi áp dụng cả cho cơ sở in là bên mua và cơ sở kinh doanh thiết bị in. Như vậy có phải bắt buộc cả 2 đơn vị này đều phải làm đơn không, hay chỉ cần một đơn vị làm đơn thôi ?

Phần 2 : Xin đóng góp thêm về NĐ 60/2014/NĐ-CP, để mong muốn Nghị định phục vụ tốt hơn cho phát triển sản xuất kinh doanh của ngành in.

1/ Điều 4 : Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động in -  đề cập đến đầu tiên là  việc xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển cho ngành in, vấn đề quan trọng tiếp là xây dựng công tác quản lý đào tạo tay nghề, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho ngành in. Các khoản này hiện nay chúng ta còn lúng túng, công tác qui hoạch phát triển ngành in Việt Nam trong 10 năm tới chưa rõ ràng, công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật ngành in, đào tạo công nhân tay nghề còn yếu, công nhân ngành in đang thiếu hụt trầm trọng, các trường đào tạo đều phải tự bươn chải chưa có các chính sách hỗ trợ tốt của cơ quan quản lý nhà nước.

     Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung xây dựng nhanh đề án Quy hoạch phát triển ngành, định hướng chiến lược phát triển ngành in trong 10 năm tới và xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về công tác đào tạo cán bộ, công nhân ngành in.

2/ Điều 11 : tại mục 1, khoản e – cần xem lại về khái niệm ‘ Người đứng đầu

    Trong Công ty cổ phần hay liên doanh có Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Chủ tịch HĐQT là bộ máy đứng đầu quyết định mọi định hướng phát triển của doanh nghiệp, Giám đốc là người điều hành sản xuất kinh doanh có thể được chọn từ nội bộ hay thuê bên ngoài, Giám đốc nếu được ủy quyền có thể là người đại diện pháp luật, có thể người đại diện pháp luật là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch là người có góp vốn lớn được uy tín do Đại hội cổ đông bầu chọn, nên không nhất thiết phải có trình độ cao đẳng ngành in trở lên, qui định như vậy không khéo sẽ trái với Luật Doanh nghiệp tại điều 47, 57 và 74, do Quốc Hội ban hành. Vì vậy đề nghị xem lại nội dung này cho phù hợp.

     Tiếp theo xin góp ý về yêu cầu người đứng đầu nếu không có bằng cao đẳng in thì phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in do Bộ TT&TT cấp . Người lãnh đạo cần có nghiệp vụ về quản trị kinh doanh có năng lực về điều hành thì có các trường Đại học chuyên nghiệp đào tạo, khi cần nghiệp vụ về kỹ thuật in có các trường Đại học và Cao đẳng chuyên ngành in đào tạo, chắc chắn sẽ chuyên nghiệp hơn về kỹ thuật, Bộ Thông tin & TT sẽ phối hợp phổ biến các văn bản qui phạm pháp luật của nhà nước về ngành in, chắc chắn Bộ TT&TT  không thể giỏi và chuyên sâu về kỹ thuật in và công tác quản trị doanh nghiệp so với các trường Đại học chuyên môn. Do đó, tôi kiến nghị Bộ TT&TT nên phối hợp và xã hội hóa công tác đào tạo, giao về các trường đào tạo chuyên môn.

Điều 24: Hoạt động hợp tác của các cơ sở in – tại khoản c, mục 3: không cho phép các cơ sở in hợp tác gia công cho nhau với các sản phẩm do mình đang nhận hợp tác. Điều này làm hạn chế mối liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp, hạn chế sức mạnh tổng hợp của toàn ngành trong việc cạnh tranh với các đối tác nước ngoài và đi ngược lại với Điều 15 của Luật Đầu tư là quyền gia công và gia công lại các hợp đồng khai thác sản phẩm. Nếu các cơ sở in, gia công in có giấy phép hoạt động hợp pháp, sản phẩm được cấp phép in đầy đủ thì tất cả các doanh nghiệp đều có quyền hợp tác gia công với nhau, liên kết hỗ trợ nhau, chia sẽ các hợp đồng gia công lớn, phân ra theo từng gói nhỏ theo sở trường, năng lực của từng doanh nghiệp để sản xuất gia công là đúng theo qui luật thị trường, không nên cấm đoán.

     Kính thưa các đồng chí, các anh chị

Trong tình hình kinh tế hiện nay, từng bước hội nhập vào thị trường quốc tế, ngành in Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, sức cạnh tranh của ngành in trong nước ngày càng cao, nhưng tỉ suất lợi nhuận ngành cũng dần thấp xuống. Khi bàn đến mở rộng thị trưởng gia công cho nước ngoài thì sức mạnh tổng hợp về công nghệ chuyên sâu và năng lực tài chánh còn nhiều hạn chế, có nhiều hợp đồng gia công quốc tế không trúng thầu, hay gần đây với sự thách thức của các tập đoàn đầu tư Canon, Samsung đặt nhu cầu in gia công về nhãn, hộp bao bì, in trên các bảng vi mạch, không có nhiều doanh nghiệp gia công in đủ điều kiện, năng lực để tiếp nhận. Nhìn trên một khía cạnh nào đó về kinh tế, ngành in cũng nằm trong ngành công nghiệp hỗ trợ gia công, sản xuất thêm các giá trị đóng góp tăng thêm giá trị của sản phẩm chính, vì vậy cần được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Chúng tôi trân trọng cám ơn Bộ TT&TT, VCCI, Hiệp hội In VN, Hội in T.P.Hồ Chí Minh và các Hội in Hà Nội, Miền Trung, Miền tây Nam bộ, đã luôn ủng hộ quan tâm đến sự phát triển của ngành và tạo điều kiện cho việc đóng góp vào các văn bản pháp luật ngày được hoàn thiện hơn.

Trân trọng cám ơn.

                                                                             Người đóng góp

                                                                  

                                                                             Vũ Trực Phức

                                                                   Ủy viên BCH Hiệp hội In VN

                                                                   Ủy viên BCH Hội In TP HCM

                                                                   Công tác tại TCT Văn Hóa Saigon

Các văn bản liên quan