VCCI kiến nghị sửa đổi đối với Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/6/2014 quy định về hoạt động in

Thứ Hai 16:57 20-10-2014

Kính gửi: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính

                  Bộ Tư pháp

Nghị định số 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in (sau đây gọi tắt là Nghị định 60) được ký ban hành ngày 19/06/2014 và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/11/2014. Các chính sách quản lý đối với hoạt động in theo Nghị định này có những thay đổi rất lớn so với quy định hiện hành, theo hướng quản lý chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành in, ví dụ như: trở lại hình thức quản lý bằng cấp phép đối với hoạt động các cơ sở in; hoạt động nhập khẩu thiết bị in; áp đặt thêm một số thủ tục hành chính mà doanh nghiệp có hoạt động in phải thực hiện …

Các chính sách quản lý hoạt động in mới trong Nghị định 60 dự báo sẽ tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động in cũng như các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu thiết bị in, thậm chí là cả ngành in. Do đó, ngày 08/10/2014 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Hiệp hội In Việt Nam tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp đóng góp hoàn thiện Chính sách đối với hoạt động in” để tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp – đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Nghị định 60, phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các kiến nghị.

Hội thảo đã thu hút được đông đảo các doanh nghiệp trong ngành in đến tham dự và tiếp nhận được rất nhiều ý kiến có chất lượng. Và đây được xem là tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp in đối với các chính sách ngành sắp được áp dụng. Các ý kiến tập trung phản ánh những vấn đề sau:

1.     Hình thức quản lý đối với hoạt động in theo quy định tại Nghị định 60 chặt chẽ quá mức cần thiết

So với quy định hiện hành (Nghị định 105) thì các hình thức quản lý đối với hoạt động in trong Nghị định 60 chặt chẽ hơn rất nhiều, đó là:

-         Mở rộng hoạt động in phải được cấp phép

-         Hoạt động nhập khẩu thiết bị in phải có giấy phép

Hình thức quản lý bằng điều kiện kinh doanh và giấy phép thường được áp dụng đối với các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng, sức khỏe, tính mạng con người, môi trường hoặc tác động đến sự ổn định kinh tế - xã hội. In đang được xác định là ngành công nghiệp, tương ứng với các ngành công nghiệp thông thường khác – đang hưởng các chính sách quản lý cởi mở, thông thoáng. Do vậy, việc áp đặt hình thức quản lý chặt chẽ này đối với ngành in dường như là quá mức cần thiết, gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này.

Chẳng hạn, đối với quy định yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu thiết bị in:

Theo quy định tại Nghị định 60, các thiết bị in sau phải xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Thông tin và Truyền thông :

-         Máy chế bản ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in;

-         Máy in sử dụng công nghệ kỹ thuật số, ốp-xét (offset), flexo, ống đồng ; máy in lưới (lụa);

-         Máy dao xén giấy, máy gấp sách, máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in;

-         Máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu.

Việc áp đặt về giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị in trên là bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp ở các điểm :

-         Không rõ về mục tiêu quản lý nhà nước :

Nghị định 105/2007/NĐ-CP (Nghị định 60 thay thế Nghị định 105) quy định việc nhập khẩu thiết bị in không phải xin phép trừ máy photocopy màu. Từ năm 2007 đến nay, theo phản ánh của các doanh nghiệp thì hoạt động nhập khẩu thiết bị in diễn ra bình thường, không diễn ra các hành vi vi phạm hay tác động  đến những lợi ích công cộng hoặc gây ra nguy cơ nào dẫn tới việc cần thiết phải xiết chặt quản lý bằng hoạt động cấp phép nhập khẩu.

Nếu cho rằng việc quản lý các máy móc thiết bị in khi nhập vào Việt Nam để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm in thì điều này là không cần thiết, bởi vì đây là nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp buộc phải thực hiện nếu muốn cạnh tranh trên thị trường. Nhà nước không cần phải can thiệp vào mối quan hệ vốn dĩ do thị trường quyết định. Ngay cả việc kiểm soát về chất lượng các loại máy móc này thì Nghị định 60 cũng không có bất kì một tiêu chí nào để sử dụng làm căn cứ cho các cơ quan nhà nước quyết định cho phép hay không việc nhập khẩu và hồ sơ  nhập khẩu cũng không có tài liệu nào thể hiện được chất lượng của các loại thiết bị này.

Nếu cho rằng việc quản lý các máy móc thiết bị in khi nhập vào Việt Nam để kiểm soát được việc chỉ một số doanh nghiệp có chức năng in hoặc nhập khẩu thiết bị in mới được phép nhập khẩu thì mục tiêu này là ít ý nghĩa, bởi vì không kiểm soát được đối tượng nào sẽ sử dụng thiết bị in.

Do vậy, việc áp đặt quy định phải cấp phép nhập khẩu đối với các thiết bị in là chưa rõ về mục tiêu quản lý, gây khó khăn, bất lợi cho doanh nghiệp.

-         Gia tăng thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp :

Theo quy định tại Nghị định 105, doanh nghiệp có thể tự do nhập khẩu các thiết bị in (trừ máy photocopy màu) mà không cần phải trải qua bất kỳ thủ tục xin phép nào. Theo quy định mới của Nghị định 60, các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin phép cho từng lần xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí và thời gian để thực hiện thủ tục hành chính này. Theo thống kê của doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thiết bị in, với quy định mới này, doanh nghiệp phải mất ít nhất là hơn 14 ngày (thời gian chờ đối tác nước ngoài gửi catalogue về, thời gian chờ phản hồi từ phía cơ quan nhà nước về việc có hoàn thiện hồ sơ không, thời gian chờ cơ quan nhà nước xét duyệt cấp phép) để hoàn tất thủ tục được cấp phép (trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, không bị trả về bổ sung – mà với quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ khá mơ hồ, thiếu rõ ràng như trong Nghị định 60 thì việc các cán bộ thực hiện thủ tục hành chính phải “có quyền giải thích” quy định là rất lớn).

Trong bối cảnh, Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, thì việc áp đặt thêm thủ tục hành chính mới – trong khi mục tiêu quản lý lại chưa rõ ràng, sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Nhà nước cần phải đánh giá tác động để xem xét tính hiệu quả của quy định.

-         Việc quản lý nhập khẩu thiết bị in bằng hình thức giấy phép là quá mức cần thiết : Trong mục thiết bị in có phần khuôn in, khuôn in trong công nghệ in hiện đại là tấm bản in hay máy dao xen giấy, máy gấp sách, máy đóng sách, máy vào bìa ... Đây chỉ là những hàng hóa thông thường như giấy, mực in, cao su in … được giao dịch trên thị trường và từ trước đến nay không thuộc diện quản lý cấp phép. Và các doanh nghiệp đặt vấn đề, tại sao mặt hàng này lại phải cấp phép trong khi các loại mặt hàng thông thường khác lại không áp dụng hình thức quản lý này ? Điều này dường như là bất hợp lý, phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong các mặt hàng có tính chất tương tự và khiến cho chính sách quản lý trở nên thiếu nhất quán và không rõ ràng.

Đối với một số hoạt động in phải đáp ứng điều kiện và phải được cấp phép theo quy định mới tại Nghị định 60, dự báo, doanh nghiệp và cả từ phía cơ quan nhà nước phải bỏ ra rất nhiều chi phí về thời gian cũng như chi phí để hoàn thành các thủ tục hành chính theo quy định.

2.     Một số quy định tại Nghị định 60 có tính chất can thiệp hành chính vào yếu tố thị trường

a.     Yêu cầu điều kiện của người đứng đầu cơ sở in

Theo quy định tại Nghị định 60 thì một trong những điều kiến mà cơ sở in phải đáp ứng là, người đứng đầu cở sở in phải “có trình độ cao đẳng trở lên chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in”. Theo các doanh nghiệp thì quy định này là chưa hợp lý, không phù hợp với thực tế và là sự can thiệp sâu của Nhà nước vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, bởi vì:

-         Trong một thời gian dài qua, ngưởi đứng đầu của hơn 3000 cơ sở in không phải người nào cũng có trình độ cao đẳng chuyên ngành in, tuy nhiên các cơ sở in vẫn vận hành tốt, hiệu quả, với thực tế là tốc độ tăng trưởng của ngành in được đánh giá rất khả quan. Điều này cho thấy, bằng cao đẳng chuyên ngành in của người đứng đầu không phải là “sự bảo chứng” cho chất lượng cũng như sự hiệu quả hoạt động của cơ sở in và việc áp đặt điều kiện này là chưa phù hợp và thiếu thực tế.

-         Trong xu thế phát triển hiện nay, người đứng đầu cơ sở in (có thể là giám đốc hoặc tổng giám đốc) có thể được thuê chứ không nhất thiết là người bỏ vốn ra thành lập doanh nghiệp, và vì yếu tố này nên tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm những đối tượng phù hợp, có chất lượng để đảm bảo doanh nghiệp được vận hành tốt. Do vậy, chưa cần Nhà nước phải can thiệp thì doanh nghiệp đã phải ý thức được các điều kiện cần phải có của người đứng đầu cơ sở in. Mặt khác, một điều cần phải nhìn nhận, người đứng đầu doanh nghiệp không chỉ có kiến thức về ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động mà còn có kiến thức về quản lý và các kiến thức khác, liệu có bằng cao đẳng chuyên ngành in hay là có “giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in” đã bao hàm các yếu tố này chưa để đảm bảo cho hoạt động an toàn và phát triển của cơ sở in?

-         Nguồn cung cấp người có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in: Theo phản ánh của doanh nghiệp thì cả nước từng có 2 trường đào tạo về chuyên ngành in, trong đó có 1 trường vừa đóng cửa và 1 trường đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Như vậy, với thực trạng này thì có thể sẽ có nguy cơ ngành in sẽ không có nguồn cung cấp “người đứng đầu cơ sở in” và vô hình trung, doanh nghiệp sẽ không được phép hoạt động trong ngành in nữa. Mặt khác, cơ quan nhà nước cần phải đánh giá một cách toàn diện về năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo hiện nay để có thể nhìn nhận, liệu những người được đào tạo về ngành in có đủ sức để quản lý, đứng đầu doanh nghiệp trong ngành in hay không ? Và những người được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in có thể được xem tương đương với những người tốt nghiệp cao đẳng về chuyên ngành in, đủ trình độ quản lý và đứng đầu doanh nghiệp trong ngành in?

b.     Các ràng buộc đối với hoạt động hợp tác của các cơ sở in

Nghị định 60 quy định, việc hợp tác giữa các cơ sở in phải có hợp đồng theo quy định và ấn định các nội dung hợp đồng cần phải có, đồng thời yêu cầu cơ sở in “không hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm do mình nhận hợp tác”, “thực hiện đúng số lượng sản phẩm in ghi trong hợp đồng”. Các quy định này là sự can thiệp một cách bất hợp lý vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp:

-         Hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm in là hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp và không có ảnh hướng đáng kể nào với các lợi ích công cộng, do đó việc hạn chế hoạt động hợp tác của doanh nghiệp in là sự can thiệp vào quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà Luật Doanh nghiệp năm 2005 ghi nhận, bảo vệ

-         Việc quy định các nội dung hợp đồng cần phải có cũng như yêu cầu “thực hiện đúng số lượng sản phẩm in ghi trong hợp đồng” là không cần thiết vì đây là mối quan hệ dân sự, được điều chỉnh trên cơ sở thỏa thuận của các bên và pháp luật dân sự. Nhà nước không cần phải can thiệp vào mối quan hệ vốn dĩ thuộc về pháp luật tư và do thị trường điều chỉnh. Mặt khác, hiện nay các bên thường giao dịch qua thư điện tử (email), fax hoặc các hình thức khác qua môi trường điện tử, nên việc yêu cầu bằng phương thức hợp đồng truyền thống dường như là chưa phù hợp với thực tế.

-         Tính khả thi của quy định : Hoạt động hạn chế việc hợp tác của các cơ sở in là thiếu khả thi, rất khó để nhà nước kiểm soát được hoạt động này cũng như có đủ nguồn lực để quản lý, bởi thực tế hoạt động hợp tác được thể hiện dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau và là hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.

3.     Một số quy định tại Nghị định 60 có tính chất gia tăng thủ tục hành chính một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Nghị định 60 bổ sung rất nhiều thủ tục hành chính mới và phần lớn các thủ tục này là ít ý nghĩa, gây khó khăn cho doanh nghiệp và là “cơ hội” cho tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền từ phía các cán bộ thực hiện thủ tục.

a.     Thủ tục đăng ký hoạt động cơ sở in

Theo quy định tại Nghị định 60 thì cơ sở in thực hiện chế bản, in, gia công sau in các sản phẩm in như “Xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật về xuất bản”, “Bao bì, nhãn hàng hóa ”, “Tài liệu, giấy tờ của tổ chức, cá nhân ”, “Các sản phẩm in khác” phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in. Thủ tục này “tưởng như đơn giản ” nhưng lại gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng quan trọng là ý nghĩa và mục tiêu của hình thức quản lý này lại rất ít :

-         Gia tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp : Các doanh nghiệp có hoạt động in bên cạnh thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp còn phải thực hiện thêm thủ tục “đăng ký hoạt động” đối với cơ quan nhà nước quản lý về hoạt động in. Thủ tục này chỉ mang tính chất cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước về việc hoạt động của các cơ sở in, tuy nhiên rất dễ “biến tướng” thành thủ tục cấp phép. Bởi theo quy định tại Nghị định 60 thì, vẫn có trường hợp các cơ sở in bị từ chối/không được xác nhận đăng ký. Việc doanh nghiệp thực hiện thủ tục và phải “ chờ ” cơ quan nhà nước xác nhận xem có chấp nhận hay không chấp nhận việc đăng ký đó, thời gian để chờ biết kết quả là 10 ngày làm việc (tức là khoàng 14 ngày bình thường).  

-         Mục tiêu và ý nghĩa của thủ tục này là không rõ ràng: Nếu việc đăng ký hoạt động của cơ sở in chỉ là việc thu thập thông tin để nhận biết doanh nghiệp nào đang có hoạt động liên quan đến in ấn từ phía cơ quan nhà nước, thì hoạt động này là không cần thiết, bởi vì các thông tin này có thể thu thập được cơ sở dữ liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc là cơ quan thuế. Việc thực hiện thêm thủ tục đăng ký này chỉ gia tăng thủ tục hành chính từ doanh nghiệp trong khi lại ít ý nghĩa về mặt quản lý.

b.     Ghi chép thông tin

Nghị định 60 quy định, cơ sở in có trách nhiệm “cập nhật đầy đủ thông tin về việc nhận chế bản, in, gia công sau in vào “Sổ quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in” theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định ”[1], theo quy định tại Dự thảo Thông tư mà Bộ đang xây dựng thì nội dung phải ghi chép khá nhiều. Với việc in ấn hàng trăm ấn phẩm thì việc ghi chép các thông tin như Chứng minh nhân dân, ngày và nơi cấp, địa chỉ thường trú, khổ, số trang, số lượng, hợp đồng số, hóa đơn giao hàng, ngày giao hàng … sẽ mất rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp, đó là chưa kể khi ấn phẩm còn chưa hoàn thành, ấn phẩm đang giao hàng nhưng chưa xuất hóa đơn, có ấn phẩm giao từng đợt hoặc giao trọn gói …

Mặt khác, các doanh nghiệp cho rằng, việc cấm chế bản, in, gia công sau in hoặc photocopy sản phẩm in, giấy tờ khác có nội dung “tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định” và quy trách nhiệm cho cơ sở in về điều này dường như là chưa hợp lý, bởi vì cơ sở in không có bộ phận để kiểm duyệt nội dung và đây cũng không phải là nhiệm vụ của cơ sở in. Hơn nữa, việc xác định đâu là bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân là khó khăn vì đây là những khái niệm và tiêu chí khá mơ hồ. Do đó, với quy định này, cơ sở in sẽ chịu nhiều rủi ro trong việc thực hiện các quy định.

c.      Lưu giữ hồ sơ, giấy tờ

Nghị định 60 quy định, cơ sở in phải có nghĩa vụ “lưu giữ đầy đủ hồ sơ liên quan đến sản phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông” và theo quy định tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ thì các loại giấy tờ này rất nhiều loại ví dụ như: bản mẫu của sản phẩm, các giấy tờ liên quan đến sản phẩm in mà người đặt in phải cung cấp … Đối với các cơ sở in có nhiều đơn hàng, hợp đồng lớn trong tháng, năm thì với số lượng hồ sơ phải lưu trữ như quy định thì sẽ là một trở ngại không nhỏ, gây tốn kém về chi phí cũng như thời gian thực hiện.

d.     Xin cấp phép đối với hoạt động gia công sau in cho nước ngoài

Theo quy định tại Nghị định 60 thì hàng loạt hoạt động gia công sau in cho nước ngoài phải xin cấp phép. Các doanh nghiệp cho rằng việc áp đặt giấy phép cho hoạt động gia công với phạm vi rộng như trong Nghị định 60 là chưa hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi vì các sản phẩm thuê gia công sẽ không được tiêu thụ ở Việt Nam, nên không cần thiết phải kiểm duyệt quá gắt gao đối với các sản phẩm này.

Hơn nữa, trong hồ sơ đề nghị cấp phép doanh nghiệp chỉ phải cung cấp 2 loại tài liệu là “Đơn” và 2 bản mẫu sản phẩm nhận chế bản và Nghị định không quy định bất kì tiêu chí hay căn cứ nào để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cấp phép. Điều này cho thấy việc cấp phép này là thiếu rõ ràng và là dư địa cho tình trạng tham nhũng từ các cán bộ thực hiện thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

4.     Hình thức quản lý đối với cơ sở dịch vụ photocopy trong Nghị định 60 là quá mức cần thiết

a.     Về khai báo hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy

Theo quy định tại Nghị định 60 thì cơ sở dịch vụ photocopy phải thực hiện khai báo với Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đây là thủ tục hoàn toàn mới so với quy định tại Nghị định 105 và dự báo sẽ tác động đáng kể tới hàng vạn cơ sở dịch vụ photocopy trong cả nước. Đối tượng chủ yếu cung cấp dịch vụ photocopy chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc yêu cầu các cơ sở này phải thực hiện thêm một thủ tục khai báo với Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ làm gia tăng thêm thủ tục hành chính, trong khi không rõ mục tiêu quản lý nhà nước thông qua việc thu thập thông tin này ? Và hoạt động này có cần thiết phải kiểm soát tương ứng như cơ sở in không trong khi tính chất của hai hoạt động là khác nhau ?

Mặt khác, việc thay đổi về các thông tin liên quan đến cơ sở dịch vụ photocopy có thể xảy ra thường xuyên, nếu với mỗi thay đổi này, cơ sở lại phải thực hiện thủ tục khai báo về sự thay đổi, thì số lượng thủ tục phát sinh sẽ rất lớn. Liệu cơ quan nhà nước có đủ nguồn lực để có thể thực hiện và quản lý được hoạt động của các cơ sở này không ?

b.     Về việc sử dụng máy photocopy màu

Nghị định 60 quy định “Máy photocopy màu chỉ được sử dụng phục vụ công việc nội bộ của cơ quan, tổ chức, không được sử dụng để kinh doanh dưới mọi hình thức” sẽ tác động đáng kể đến các cơ sở dịch vụ photocopy, chẳng hạn như :

-         Những cơ sở dịch vụ photocopy đang sử dụng máy photocopy màu cho hoạt động kinh doanh (theo Nghị định 105 là được phép hoạt động) sẽ không được phép sử dụng các loại máy này nữa. Một mảng hoạt động kinh doanh sẽ bị đóng cửa. Điều này có thể dẫn tới hệ lụy, một số cửa hàng photocopy phải đóng cửa, người lao động mất việc làm và kèm theo các khó khăn khác trong cuộc sống. Không rõ cơ quan nhà nước đã tính tới hậu quả này chưa ?

-         Những máy photocopy màu của các đối tượng không được phép sử dụng sẽ được giải quyết như thế nào ? Tiêu hủy ? Chuyển nhượng ? Quyền lợi hợp pháp của các cơ sở này được giải quyết như thế nào trong khi Luật Đầu tư đã quy định rõ, khi có sự thay đổi của pháp luật mà gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì Nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ hoặc bồi thường. Nghị định 60 không có bất kì quy định nào được hướng dẫn để giải quyết cho trường hợp này.

Một vấn đề cần đặt ra, tại sao lại kiểm soát quá chặt chẽ việc sử dụng máy photocopy màu, thậm chí là còn hơn cả thiết bị in, trong khi đây là loại máy móc được sử dụng thông thường trong suốt thời gian qua và chưa nhận được phản ánh nào về những bất cập, gây tổn hại đến những lợi ích công cộng nào từ việc sử dụng loại máy này, để buộc phải xiết chặt quy định. 

Công nghiệp in trong hơn một thập kỷ qua (2002 - 2011) luôn là ngành có mức độ tăng trưởng cao, trên dưới 15%/năm và một trong ít ngành công nghiệp phụ trợ hiếm hoi ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn trên thế giới (chẳng hạn như Samsung). Các doanh nghiệp đánh giá, có được thành công này ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp còn là nhờ phần lớn vào sự tháo gỡ giấy phép và đơn giản hoá thủ tục hành chính của Nhà nước từ năm 2004. Tuy nhiên, với Nghị định 60 mà nhiều doanh nghiệp đánh giá là “trở lại tư duy quản lý nhà nước cấp phép và xin cho trước đây”, các doanh nghiệp trong ngành in e ngại sẽ tạo ra cản trở ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Trong bối cảnh Chính phủ đang có những nỗ lực mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các giấy phép không hợp lý, không cần thiết, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì các chính sách quản lý hoạt động in quy định tại Nghị định 60 theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp dường như đang đi ngược lại tinh thần trên.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kính chuyển những ý kiến của các doanh nghiệp về những vướng mắc, bất cập của Nghị định 60. Rất mong Quý cơ quan cân nhắc, xem xét để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.



[1] Khoản 4 Điều 15 Nghị định 60

Các văn bản liên quan