Công ty TNHH Thiết Bị In SPM góp ý đối với Nghị định 60/2014/NĐ-CP tại Hội thảo VCCI TP. HCM

Thứ Sáu 09:31 17-10-2014

Hội thảo : Doanh nghiệp đóng góp hoàn thiện chính sách đối với hoạt động in   Hội trường A2, Nhà khách T78 Văn Phòng Trung ương Đảng, 145 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3, Tp. HCM, ngày 08/10/2014

        Đơn vị góp ý: Công ty TNHH Thiết Bị In SPM

     


          Sau khi nghiên cứu nghị định 60/2014/ NĐ-CP ngày 19 tháng 04 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và dự thảo thông tư của Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) hướng dẫn chi tiết thi hành nghị định này, Công ty TNHH thiết bị in SPM  nhận thấy có nhiều vấn đề bất cập trong nghị định mà khi triển khai sẽ gặp nhiều vướng mắc và gây phiền hà không đáng có cho các đối tượng trong diện điều chỉnh của nghị định. Trong phạm vi bản góp ý này chúng tôi xin được phân tích một trong những bất cập lớn của nghị định như sau:

          Trong nghị định 60 cũng như dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành nghị định 60 có quy định “mặt hàng máy in offset, flexo, ống đồng, in lưới (lụa), máy chế bản, ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in, thiết bị vật tư ngành in: trục lô máy in, khuôn in…. là những mặt hàng  trong diện quản lý, khi nhập khẩu phải  được cấp phép của Bộ TTTT”. Đây là điều rất bất hợp lý và khó khả thi khi thực hiện do:

-         Máy in công nghiệp và các máy móc khác liên quan đến ngành in từ lâu đã không cần giấy phép nhập khẩu. Việc bãi bỏ giấy phép nhập khẩu mặt hàng này đã tạo điều kiện cho các nhà in và công ty xuất nhập khẩu ngành in trong việc thực hiện các đơn hàng nhập khẩu máy móc công nghệ mới một cách nhanh chóng, thuận tiện, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp in của nước ta trong những năm vừa qua. Và quan trọng nhất: Trong suốt thời gian không cần giấy phép nhập khẩu vừa qua hoạt động xuất nhập khẩu máy móc thiết bị ngành in đã diễn ra hết sức bình thường, không ghi nhận bất cứ một sự vi phạm liên quan nào. Vậy thì tại sao lại phải thiết lập lại giấy phép nhập khẩu? Bộ TTTT có lý do gì để đề xuất việc này?

-        Máy in công nghiệp, máy chế bản, ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in là những mặt hàng trong nước hầu như chưa sản xuất được cho nên đa phần các thiết bị này và phụ tùng của nó đều phải nhập khẩu. Đôi khi có những chi tiết máy rất nhỏ cũng phải nhập về để phục vụ công tác sửa chữa  theo nhu cầu của các nhà in, và thông thường các phụ tùng này đều cần rất gấp để sớm sửa chữa xong máy móc phục vụ sản xuất. Vì vậy, nếu chờ cấp phép xong mới nhập khẩu thì thời gian quá lâu.

-        Trong mục thiết bị in có phần khuôn in, khuôn in trong công nghệ in hiện đại là tấm bản in. Đây chỉ là những hàng hóa thông thường  mua bán trên thị trường và từ trước tới nay không thuộc diện quản lý cấp phép, là một hạng mục  mà các nhà in sử dụng hàng ngày như những vật tư thông thường khác phục vụ cho công việc in ấn như: giấy, mực in, cao su in....Vậy tại sao cần phải quản lý cấp phép? Thế còn các vật tư khác thì sao? Không lẽ chúng ta sẽ quản lý cấp phép tất cả các mặt hàng liên quan đến công nghiệp in? Nếu thực hiện điều này sẽ gây thiệt hại lớn tới kinh doanh của các đơn vị cung cấp và nhập khẩu thiết bị vật tư ngành in, đó là: phát sinh thêm các chi phí về thời gian và vật chất, làm cho giá thành của các mặt hàng này tăng thêm và ảnh hưởng tới sàn xuất của các nhà in.

          Tóm lại, việc đưa các mặt hàng nêu trên và diện quản lý cấp phép theo như nghị định 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 04 năm 2014 quy định về hoạt động in và dự thảo thông tư của Bộ TTTT hướng dẫn chi tiết thi hành nghị định  này là tạo  thêm khó khăn không đáng có cho các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp in, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ hiện tại là luôn tìm cách tháo gỡ những vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, loại bỏ các giấy phép con không cần thiết. Vì vậy, chúng tôi kíến nghị Quý Bộ và Cục xuất bản trình Chính phủ loại bỏ các điểm bất hợp lý nêu trên tại nghị định 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 04 năm 2014.

Các văn bản liên quan