VCCI góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/07/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế tài nguyên
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải
http://vibonline.com.vn/Duthao/1561/Du-thao-Nghi-dinh-Ban-hanh-Quy-che-bao-ve-cong-trinh-cang-bien-va-luong-hang-hai.aspx
Kính gửi: Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông
Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 9294/BGTVT-KCHT của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo đã tương đối cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên để hoàn thiện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
1. Nguyên tắc bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải (Điều 6)
Khoản 3 Điều 6 Dự thảo quy định “Việc xây dựng công trình, sử dụng và khai thác khoảng không, vùng đất, vùng nước trong phạm vi bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải hoặc ngoài phạm vi bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải nhưng ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn hàng hải phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải cho phép theo quy định của pháp luật”. Quy định này là chưa rõ ràng ở các điểm sau:
- Về mức độ “ảnh hưởng” của công trình ngoài phạm vi bảo vệ: Nhiều vấn đề chưa rõ xung quanh quy định này, ví dụ: Ảnh hưởng ở mức độ như thế nào đến an toàn công trình, an toàn hàng hải thì phải chịu sự điều chỉnh của Quy chế này? cơ quan nào sẽ xác định sự ảnh hưởng này? Dựa trên tiêu chí nào? Ảnh hưởng đến mức độ nào thì được phép xây dựng, khai thác, mức độ nào thì không?
- Về việc xin phép cơ quan có thẩm quyền đối với cả hai trường hợp (công trình trong và ngoài phạm vi bảo vệ): Điều 6 Dự thảo là quy định về các nguyên tắc, vì vậy việc Điều này không quy định cụ thể về thủ tục, trình tự, điều kiện, cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho các trường hợp này.. là có thể hiểu được.
Tuy nhiên, rà soát toàn bộ phần còn lại của Dự thảo cũng không thấy có quy định nào về các vấn đề này (Chủ thể khai thác phải tiến hành thủ tục gì để được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền? Và thời điểm tiến hành thủ tục là trước khi xây dựng công trình, sử dụng và khai thác hay là thời điểm nào? Cơ quan nào có thẩm quyền xem xét và cho phép? Cơ quan này dựa vào các tiêu chí, điều kiện nào để cho phép? Thủ tục, thời hạn cấp phép như thế nào…
Do vậy, để đảm bảo sự rõ ràng và quyền lợi hợp pháp của các đối tượng khai thác ngoài phạm vi bảo vệ công trình cảng biển, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định (tại Điều này hoặc bổ sung thêm Điều khoản vào Dự thảo) để làm rõ các nội dung trên.
2. Vùng hạn chế xây dựng các công trình khác (Điều 10)
- Quy định thiếu chi tiết, không rõ ràng
Điều 10 quy định “Việc xây dựng các công trình khai thác trong phạm vi luồng hàng hải và khu vực có các công trình hỗ trợ khai thác cảng biển và luồng hàng hải phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận để đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn và hoạt động bình thường của cảng biển và luồng hàng hải”.
Tuy nhiên Dự thảo lại không quy định tiêu chí nào để cơ quan nhà nước thẩm định, chấp thuận/từ chối việc xây dựng các công trình trong phạm vi luồng hàng hải và khu vực có các công trình hỗ trợ khai thác cảng biển và luồng hàng hải? Cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào? Trình tự, thủ tục, hồ sơ, điều kiện, thời hạn… như thế nào?
Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các nội dung này.
- Quy định tại Điều 10 dường như trùng lặp với Điều 9:
Điều 9 Dự thảo quy định “Trong phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn các công trình cảng biển và luồng hàng hải … nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng công trình, khai thác đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và ô nhiễm môi trường của công trình cảng biển và luồng hàng hải”.
Quy định này được hiểu là trong phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn, chỉ nghiêm cấm các hành vi xây dựng, khai thác mà có ảnh hưởng đến an toàn/an ninh hàng hải hoặc gây ô nhiễm công trình cảng biển và luồng hảng hải. Như vậy hành vi nào không ảnh hưởng thì vẫn được phép thực hiện.
Và Điều 10 thì quy định trong phạm vi tương tự, các hành vi tương tự phải được thẩm định chấp thuận để không gây ảnh hưởng đến an toàn hàng hải và hoạt động bình thường. Như vậy, hành vi nào không ảnh hưởng vẫn được phép thực hiện (hoàn toàn tương tự Điều 9).
Nói cách khác, ngoài các khác biệt nhỏ về câu chữ (mà có lẽ là do thiếu sót trong kỹ thuật soạn thảo văn bản), ví dụ “phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn công trình cảng biển và luồng hàng hải” (Điều 9) – “phạm vi luồng hải” (Điều 10), hoặc “ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, ô nhiễm môi trường” (Điều 9) và “ảnh hưởng đến an toàn và hoạt động bình thường..” (Điều 10) thì nội dung và phạm vi của 02 Điều này hoàn toàn trùng lặp nhau (chỉ khác là Điều 10 có bổ sung về thẩm định, chấp thuận).
Vì vậy, để làm rõ nội dung hai quy định quan trọng này, đề nghị Ban soạn thảo:
- Quy định lại cho rõ ràng nội dung của Điều 9-10 (nếu là hai quy định riêng, khác nhau, thì phải làm rõ phạm vi áp dụng và nội dung quy định phải khác nhau);
Sử dụng thuật ngữ cho chính xác (nếu là 02 Điều với phạm vi khác nhau thì phải nêu rõ và không được sử dụng các thuật ngữ chỉ các phạm vi giống nhau).
3. Các quy định về kỹ thuật
Liên quan tới các vấn đề kỹ thuật (tại các Điều 7,8), do không có chuyên môn cần thiết, VCCI không có ý kiến cụ thể và xin chuyển trực tiếp tới Quý Cơ quan các góp ý của các doanh nghiệp mà VCCI tiến hành lấy ý kiến (được đính kèm Công văn này), để Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét, tiếp thu các ý kiến hợp lý đề hoàn thiện Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.