Bà Phan Thị Mỹ Dung - Sở Tư pháp Long An góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL tại Hội thảo VCCI tp.HCM ngày 20/8/2014
Bài tham luận của ông Nguyễn Công Phú – Tòa Kinh tế TAND tp. HCM về Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Hội thảo VCCI (Tp. HCM ngày 20/8/2014)
MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NHẰM TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP
NGUYỄN CÔNG PHÚ
(Tòa Kinh tế TAND TPHCM)
Trong thời gian qua, việc xây dựng và ban hành pháp luật nói chung cũng như pháp luật có liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp ở nước ta nói riêng đã có nhiều bước cải tiến đáng ghi nhận, ngày càng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế trong hoạt động xây dựng và ban hành pháp luật của Nhà nước dẫn đến tình trạng pháp luật được ban hành nhiều lúc gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp và cả các cơ quan thực thi pháp luật đối với doanh nghiệp. Những biểu hiện cụ thể có thể kể ra như sau:
- Luật được ban hành và đã có hiệu lực thi hành nhưng không có hoặc chậm có văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành, gây lúng túng cho các doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan.
- Văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành lại trái luật hoặc trái với quy định của cơ quan ban hành văn bản cấp trên.
- Văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành này mâu thuẫn với văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành khác về cùng một vấn đề.
- Văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu và áp dụng theo nhiều cách khác nhau.
- Luật ban hành không phù hợp với thực tế, không theo kịp thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung.
- Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của luật, nhất là văn bản dưới luật, quá gần ngày ban hành hoặc công bố khiến các doanh nghiệp bị động, không kịp điều chỉnh kế hoạch, điều chỉnh hướng đầu tư, vi phạm hợp đồng với đối tác.
- v.v…
Để khắc phục các hạn chế nói trên, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, thiết nghĩ Nhà nước cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây khi xây dựng dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi):
- Một là, phải có đủ thời gian cho các đối tượng áp dụng của luật và các cơ quan thực thi pháp luật đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật và các văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành luật trước khi thông qua và ban hành. Vấn đề này cần quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Hai là, đối tượng cần được lấy ý kiến trong việc xây dựng dự thảo luật và các văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành luật không chỉ bao gồm các đối tượng áp dụng của luật mà còn phải bao gồm cả các cơ quan hữu quan, trong đó một số dự thảo luật và văn bản dưới luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp còn cần có ý kiến đóng góp của Tòa án (Ví dụ: Luật doanh nghiệp; Luật thương mại; Luật Đầu tư; Luật Đất đai; các luật về thuế … và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này).
- Ba là, cần mở rộng và cải tiến các phương thức phổ biến dự thảo luật và văn bản dưới luật và phương thức thu thập ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan sao cho chủ trương và dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự đến được với cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan và Nhà nước thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất.
- Bốn là, cần có quy định cụ thể hơn về thời điểm có hiệu lực thi hành của luật và các văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành luật sao cho các đối tượng áp dụng của luật, đặc biệt là các doanh nghiệp, có đủ thời gian chuẩn bị thực hiện, tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp do Nhà nước thay đổi đột ngột chính sách, pháp luật.
- Năm là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo cũng như thẩm tra, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Nếu để xảy ra sai sót trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây hậu quả xấu thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm.