DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (sửa đổi)

Thứ Sáu 14:34 27-06-2014

QUỐC HỘI

Luật số:          /2014/QH13

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

DỰ THẢO

 

LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI

         

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

            Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

2. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh. 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử sụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật lao động;

b) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Người lao động quy định tại khoản này không bao gồm người lao động làm việc cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam được điều chỉnh bởi Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia, người lao động giúp việc gia đình, người làm việc đang hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp mất  sức lao động hằng tháng.

2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp không bao gồm các trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ Luật Lao động.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả tiền lương cho người lao động.

4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Các đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và khoản 4 Điều này sau đây gọi chung là người lao động.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.

4. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

5. Thân nhân là con, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội; những người khác không nơi nương tựa mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng.

6. Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức các tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Các chế độ bảo hiểm xã hội

1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chế độ sau đây:

a) ốm đau;

b) Thai sản;

c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Hưu trí;

đ) Tử tuất.

2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các chế độ sau đây:

a) Hưu trí;

b) Tử tuất.

3. Chính phủ quy định chi tiết bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Điều 5. Nguyên tắc bảo hiểm xã hội

1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần.

5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội

1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung.

3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng đặc biệt tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

4. Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội và các biện pháp cần thiết khác để bảo toàn, tăng trưởng quỹ. Quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, không bị phá sản.

Lương hưu, lương hưu bổ sung, trợ cấp bảo hiểm xã hội, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được miễn thuế.

5. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội.

File đính kèm 
Du thao Luat BHXH sua doi.DOC
to trinh Luat BHXH sua doi.DOC
phu luc 1 den 7.PDF
Bao cao thuyet minh Du an Luat BHXH sua doi.DOC
Bao cao giai trinh tiep thu y kien tham dinh Luat BHXH sua doi.DOC
Bao cao danh gia tac dong du an Luat BHXH sua doi.DOC
Bao cao tham dinh du an Luat BHXH sua doi.PDF
So sanh Du thao Luat BHXH và Luat hien hanh.DOC
Bao cao long ghep binh dang gioi trong qua trinh thuc hien du an luat BHXH sua doi.DOC
Bao cao tiep thu giai trinh y kien cua thanh vien chinh phu ve Luat BHXH sua doi.DOC
Bao cao tong ket danh gia thi hanh Luat BHXH.DOC

Các văn bản liên quan