VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón
Kính gửi: Cục Trồng trọt
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 790/TT-ĐPB của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 09/05/2014 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo là chi tiết, rõ ràng, cụ thể và thống nhất với quy định tại Nghị định 202. Tuy nhiên để hoàn thiện, đề nghị Ban soan thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
1. Điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón khác (Điều 4)
Theo quy định tại Điều 4 Dự thảo thì Phụ lục 7 của Dự thảo hướng dẫn chi tiết các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 8 Nghị định 202. Tuy nhiên các hướng dẫn này dường như là chưa hợp lý và đủ rõ ràng. Chẳng hạn:
- Về điều kiện về công suất sản xuất:
Điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 202 quy định “địa điểm, diện tích, nhà xưởng, kho chứa phù hợp với công suất sản xuất phân bón”. Như vậy, theo quy định này thì Nghị định không áp đặt về quy mô sản xuất mà chỉ quy định về sự phù hợp giữa diện tích của nhà xưởng, kho chứa với công suất sản xuất.
Tuy nhiên, hướng dẫn về điều kiện này, Phụ lục 7 Dư thảo lại quy định về giới hạn tối thiểu công suất sản xuất các loại phân bón phải đạt được, như: các loại phân bón vi sinh vật, đất hiếm công suất phải đạt từ 100 tấn/năm ở dạng rắn hoặc từ 100.000 lít/năm trở lên ở dạng lỏng; phân bón hữu cơ khoáng, sinh học, hữu cơ vi sinh có hoặc không có một trong các chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất điều hòa sinh trưởng, công suất đạt từ 1.000 tấn/năm trở lên ở dạng rắn hoặc từ 1.000.000 lít/năm trở lên ở dạng lỏng; … Cách quy định này là chưa phù hợp với Nghị định 202 (áp đặt thêm điều kiện đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón thay vì hướng dẫn chi tiết) và trái với quy định tại Luật Doanh nghiệp (theo đó văn bản cấp Thông tư không được quy định về điều kiện kinh doanh).
Về mặt nội dung, để áp đặt điều kiện về quy mô như thế này, Ban soạn thảo cần có giải trình rõ ràng về lý do và mức độ ảnh hưởng của quy định này (bởi đây là quy định có tính hạn chế gia nhập thị trường của các doanh nghiệp nhot và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng trong tiếp cận thị trường phân bón).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về công suất sản xuất.
- Về diện tích phục vụ sản xuất (mục III Phụ lục 7):
Dự thảo quy định rất chi tiết về diện tích mặt bằng và phân loại diện tích theo công suất sản xuất.
Tuy nhiên, không rõ dựa trên căn cứ nào để Ban soạn thảo quy định các con số về diện tích mặt bằng, kho/bãi chứa nguyên liệu, nhà xưởng, kho chứa thành phẩm? Nếu không có căn cứ hợp lý cho các con số này thì đây có thể được xem là quy định về áp đặt điều kiện về quy mô và tương tự như góp ý ở trên, quy định này là chưa phù hợp.
Hơn nữa, các diện tích cụ thể trong diện tích phục vụ sản xuất phân bón lại chưa rõ ràng ở điểm: không rõ “mặt bằng” được hiểu là diện tích của khu vực nào (văn phòng làm việc, tổng diện tích sản xuất, văn phòng …?) trong khi diện tích kho/bãi chứa nguyên liệu, nhà xưởng, kho chứa thành phẩm đã được quy định chi tiết và tổng diện tích của các khu vực này không tương ứng với diện tích của “mặt bằng”.
Để đảm bảo yếu tố minh bạch và thuận lợi khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ “diện tích mặt bằng” được hiểu là diện tích của khu vực nào?
- Về quy trình công nghệ sản xuất (mục IV Phụ lục 7): Theo quy định tại Dự thảo thì liên quan đến việc chứng minh quy trình công nghệ sản xuất, doanh nghiệp phải có một trong những giấy tờ sau “biên bản nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học của các hội đồng khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở hoặc hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng, bằng sáng chế”.
Quy định này là chưa hợp lý ở điểm: nếu doanh nghiệp nhận chuyển giao, chuyển nhượng quy trình công nghệ này từ nước ngoài thì chắc chắn là sẽ không có “biên bản nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học của các hội đồng khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở”; ngoài ra, nếu quy định này không áp dụng cho máy móc, công nghệ ở nước ngoài thì việc yêu cầu máy móc, sản xuất trong nước phải có sự xác nhận là sự phân biệt bất hợp lý. Hơn nữa, đối với các loại máy móc kỹ thuật này, Nhà nước đã có công cụ kiểm soát bằng tiêu chuẩn kỹ thuật, nên việc yêu cầu về loại giấy tờ “biên bản nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học …” là không cần thiết, tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp.
Do vậy, đối với quy trình công nghệ sản xuất, Dự thảo chỉ cần yêu cầu quy trình công nghệ sản xuất đối với từng loại phân bón phù hợp với máy móc thiết bị và công suất sản xuất và doanh nghiệp có giấy tờ chứng minh có quyền sở hữu/sử dụng hợp pháp đối với quy trình công nghệ sản xuất đó là đủ (hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng, bằng sáng chế, …).
2. Điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón khác (Điều 7)
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 thì một trong những tài liệu trong Hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón khác là “Bản sao chứng thực Biên bản họp Hội đồng khoa học cơ sở nghiệm thu kết quả nghiên cứu phân bón mới”, tuy nhiên Nghị định 202 cũng như Dự thảo không quy định về Hội đồng khoa học cơ sở này (ví dụ thành phần, cơ chế hoạt động thế nào, do ai thành lập …). Để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này.
3. Giấy tờ, tài liệu để xuất khẩu phân bón hữu cơ, phân bón khác (Điều 9)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Dự thảo thì doanh nghiệp xuất khẩu phải xuất trình “Phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng lô phân bón xuất khẩu phù hợp với quy định của hợp đồng xuất khẩu do Phòng thử nghiệm phân bón được chỉ định cấp hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do một tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận phân bón của nước ký kết Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau với Việt Nam cấp”.
Mục tiêu của quy định này có lẽ là nhằm đảm bảo chất lượng của hàng hóa xuất khẩu, tránh hiện tượng hàng bị trả lại vì kém chất lượng gây ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm Việt Nam.
Tuy nhiên, quy định này dường như là không cần thiết bởi từ góc độ khách hàng quốc tế, nếu doanh nghiệp không chất lượng sản phẩm của mình, khách hàng sẽ áp dụng các biện pháp chế tài theo hợp đồng được ký kết giữa các bên; từ góc độ nước nhập khẩu, nếu họ có quy định cụ thể về chất lượng thì họ sẽ tiến hành kiểm tra và để đảm bảo lợi ích của chính mình, doanh nghiệp sẽ phải tự lo đáp ứng các yêu cầu tại các cuộc kiểm tra này. Do đó chúng ta không phải tự đặt ra thủ tục kiểm tra sản phẩm tại thời điểm xuất khẩu, vừa không cần thiết (vì đối tác, nước nhập khẩu không đòi hỏi), vừa tạo ra thủ tục hành chính bất hợp lý đối với các doanh nghiệp.
Hơn nữa, yêu cầu Phiếu kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do một tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận nước ngoài chứng nhận cho sản phẩm ở Việt Nam trước khi xuất khẩu một là thiếu tính khả thi hai là tạo gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bỏ quy định tại khoản 2 Điều 9.
4. Giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu phân bón hữu cơ, phân bón khác (Điều 10)
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Dự thảo thì khi nhập khẩu phân bón hữu cơ, phân bón khác, doanh nghiệp phải cung cấp “Phiếu kết quả thử nghiệm do Phòng thử nghiệm phân bón được chỉ định cấp hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do một tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận phân bón của nước ký kết Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau với Việt Nam cấp”.
Quy định này được hiểu là, đối với những nước chưa ký kết Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau với Việt Nam, Phiếu kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận phân bón ở nước đó không có giá trị ở Việt Nam khi nhập khẩu phân bón. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vì chi phí sẽ tăng lên rất nhiều khi phải tiến hành thử nghiệm các sản phẩm nhập khẩu ở Việt Nam và tạo ra rủi ro nếu như sản phẩm đã đưa về Việt Nam rồi nhưng phải bị trả lại vì không được chứng nhận.
Nếu có sự quan ngại về chất lượng của phân bón được bán trên thị trường thì cơ quan nhà nước có thể kiểm soát bằng việc truy xuất nguồn gốc của hàng hóa và gắn trách nhiệm với doanh nghiệp nhập khẩu.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng: Phiếu kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do một tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận phân bón được thành lập hợp pháp ở nước xuất khẩu.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình sửa đổi nội dung Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn.