VCCI góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 216/2013/NĐ-CP ngày 24/12/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư
Kính gửi: Thanh tra Bộ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời Công văn số 1716/BKHĐT-TTr của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/03/2014 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 216/2013/NĐ-CP ngày 24/12/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:
Hoạt động thanh tra là cần thiết nhằm đảm bảo giám sát việc thực thi pháp luật của các đối tượng, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước, từ đó có biện pháp xử lý vi phạm, nếu có, đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng và hiệu quả của pháp luật. Tuy nhiên, để hoạt động này đi vào thực chất, vừa đạt được các mục tiêu quản lý nhà nước vừa tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, cần đảm bảo xác định chính xác phạm vi thanh tra, phân biệt rõ ràng giữa nội dung cần thanh tra để phục vụ cho hoạt động quản lý với những hoạt động mang tính chất dân sự, đã có sự điều chỉnh bởi các công cụ khác.
Rà soát Dự thảo còn có một số quy định chưa đảm bảo được nguyên tắc này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét để hoàn thiện.
1. Về phạm vi thanh tra
Dự thảo không quy định cụ thể phạm vi thực hiện thanh tra mà chỉ quy định chung chung, và vì vậy phạm vi này được suy đoán là rất rộng nếu theo phạm vi này). Cách thức quy định như vậy có thể làm tái diễn tình trạng lạm dụng thanh tra (khi mà đơn vị thanh tra có thể yêu cầu thanh tra rất nhiều vấn đề và doanh nghiệp không có quyền từ chối) và về mặt pháp lý là biểu hiện của sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các mối quan hệ tư đã được điều chỉnh bởi công cụ khác,.Ví dụ:
- Về phạm vi thanh tra “việc thực hiện dự án của các nhà đầu tư” (điểm b khoản 1 Điều 6): Việc thực hiện Dự án có thể bao gồm rất nhiều các hoạt động và ở mỗi hoạt động là tập hợp rất nhiều hành vi. Trong khi đó Dự thảo lại không quy định cụ thể trong mỗi hoạt động này thì phạm vi thanh tra như thế nào (ví dụ chỉ thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước thông qua các thủ tục hành chính hay là tất cả các hoạt động liên quan đến thực hiện dự án của nhà đầu tư, nếu chỉ thanh tra các nghĩa vụ với Nhà nước thì thanh tra theo văn bản này giới hạn ở các nghĩa vụ liên quan tới cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư hay cả các nghĩa vụ thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan Nhà nước khác)?
Ví dụ, ở nội dung “chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn đầu tư của các dự án (nếu có); tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện, điều chỉnh dự án (nếu có)”: Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 108/2006/NĐ-CP thì các nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án và phải thực hiện các thủ tục về đăng ký theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 hoặc phải thông báo cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư để điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án, phạm vi thanh tra chỉ nên giới hạn ở việc xem xét doanh nghiệp có tiến hành đầy đủ các thủ tục hành chính trên, còn các nội dung khác liên quan đến thỏa thuận giữa các bên trong giao dịch thuộc về quan hệ dân sự (giá chuyển nhượng, phương thức chuyển nhượng, thời gian …) đã được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự, thanh tra không cần thiết phải can thiệp. Việc quy định chung chung như Dự thảo có thể khiến cho hoạt động thanh tra bị lạm dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về nội dung/phạm vi thanh tra đối với việc thực hiện dự án của các nhà đầu tư quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 theo hướng chỉ thanh tra các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và doanh nghiệp, còn các hoạt động khác thì không can thiệp, đồng thời rà soát toàn bộ Dự thảo để quy định theo hướng tương tự như đề xuất này.
2. Một số quy định có thể gây ra sự chồng chéo về thẩm quyền thanh tra giữa các ngành
Một trong những nguyên tắc của hoạt động thanh tra quy định tại Điều 7 Luật Thanh tra là “Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng … giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra”. Tuy nhiên, dường như quy tắc này không được đảm bảo trong một số quy định tại Dự thảo:
- Ví dụ 1: về thực hiện dự án của các nhà đầu tư, Dự thảo quy định thanh tra đối với việc “thực hiện nghĩa vụ tài chính của các nhà đầu tư (các loại phí, lệ phí, thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất …)”. Hoạt động này có thể sẽ trùng với thanh tra ngành thuế.
Do vậy để tránh chồng chéo trong hoạt động và hạn chế tình trạng doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra của nhiều bộ, ngành về cùng một vấn đề thuế, đề nghị Ban soạn thảo bỏ hoạt động thanh tra này hoặc có cơ chế phối hợp với thanh tra về ngành thuế.
- Ví dụ 2: Về chấp hành các quy định về tổ chức bộ máy, quản lý, điều hành hoạt động của các loại hình doanh nghiệp (khoản 3 Điều 9): Dự thảo quy định thanh tra trong hoạt động này sẽ xem xét “việc thực hiện chế độ lưu giữ hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp”. Hoạt động lưu trữ hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp tùy thuộc vào quy định của mỗi ngành, lĩnh vực khác nhau và tương ứng với đó sẽ thuộc quyền thanh tra của các ngành, lĩnh vực khác nhau. Quy định chung chung tại Dự thảo sẽ có nguy cơ gây ra sự chồng chéo về thẩm quyền thanh tra giữa các cơ quan nhà nước, do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể phạm vi và nội dung thanh tra về chế độ lưu giữ hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp thuộc phạm vi kế hoạch và đầu tư, nếu không thể quy định chi tiết thì đề nghị xem xét bỏ.
- Ví dụ 3: Quy định thanh tra “việc kinh doanh, sản xuất theo ngành nghề đã đăng ký” (điểm đ khoản 2 Điều 9) sẽ có khả năng trùng lặp với hoạt động thanh tra của các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Để đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động và hạn chế tình trạng chồng chéo về thẩm quyền thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Dự thảo để loại bỏ tất cả các quy định có nguy cơ chồng chéo trong thực thi tương tự các ví dụ ở trên.
3. Một số quy định về thanh tra can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và thiếu tính khả thi
- Về nội dung thanh tra việc chấp hành các quy định về đầu tư ra nước ngoài (khoản 2 Điều 6): Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Dự thảo thì sẽ thanh tra “việc thực hiện pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư”.
Quy định này là chưa hợp lý và không khả thi, bởi thực hiện đầu tư ở nước ngoài thì nhà đầu tư phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của nước sở tại và không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, do đó Nhà nước không cần thiết phải thanh tra việc thực hiện pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư của nhà đầu tư.
Hơn nữa hoạt động thanh tra về nội dung này cũng khó thực hiện bởi căn cứ đâu để đánh giá doanh nghiệp có chấp hành đúng pháp luật nước sở tại không? Chế tài như thế nào trong khi pháp luật Việt Nam không điều chỉnh các hành vi của nhà đầu tư ở nước ngoài. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định thanh tra “thực hiện pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư”.
- Về nội dung thanh tra việc chấp hành các quy định về thành lập, đăng ký kinh doanh các loại hình doanh nghiệp, Chi nhánh/Văn phòng đại diện: điểm b khoản 1 Điều 9 Dự thảo quy định thanh tra “Định giá tài sản góp vốn, giá trị gốp vốn”.
Không rõ phạm vi thanh tra đối với nội dung này đến đâu (xem xét tính chính xác của việc định giá góp vốn hay là cách thức để tiến hành định giá?)? Theo quy định tại Điều 30 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì tài sản góp vốn do các thành viên/cổ đông tự định giá/thuê tổ chức định giá và tự chịu trách nhiệm đối với việc định giá này. Như vậy, việc định giá tài sản góp vốn thuộc về quyền tự quyết của doanh nghiệp, do đó hoạt động này thuộc phạm vi thanh tra là không hợp lý.
Hơn nữa, không rõ cơ quan thanh tra sẽ dựa vào căn cứ đâu để kết luận việc định giá tài sản góp vốn này là sai hay đúng và chế tài xử phạt như thế nào, trong khi hoạt động này doanh nghiệp được toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm? Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về việc thanh tra “định giá tài sản góp vốn, giá trị góp vốn” tại điểm b khoản 1 Điều 9 Dự thảo.
4. Góp ý khác
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định “thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về …” tại các quy định từ Điều 3 đến Điều 10.
Đây là quy định dạng “quét” để đảm bảo bao quát hết các trường hợp, tuy nhiên lại dễ bị lạm dụng trên thực tế và là dư địa của tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ thanh tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, Dự thảo là văn bản hướng dẫn chi tiết, nếu không quy định cụ thể các nội dung, phạm vi thực hiện thì sẽ gây khó khăn cho các đối tượng khi áp dụng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 216/2013/NĐ-CP ngày 24/12/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.