Luật sư Phan Vũ Anh – Đoàn Luật sư Thành phố Hà nội – Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu

Thứ Năm 09:18 24-04-2014

Hà nội, ngày 26 tháng 3 năm 2014

                       

VĂN BẢN GÓP Ý DỰ THẢO

NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN LUẬT ĐẤU THẦU VỀ LỰA CHỌN

NHÀ THẦU

Kính gửi:  Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành

                                             Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu

Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị định, tôi xin có một số ý kiến góp ý như sau:

1.                  Mục 1, Chương 1:

Đề nghị bổ sung điều khoản về đối tượng điều chỉnh của Nghị định để làm rõ hơn các đối tượng phải bắt buộc thực hiện Nghị định này.

2.                  Điều 2 về phạm vi điều chỉnh:

Đề nghị không nên liệt kê cơ học các điều khoản chi tiết và cụ thể của Luật đấu thầu. Việc liệt kê này sẽ ảnh hưởng đến hình thức văn bản và không thuận tiện cho việc nghiên cứu.

Đề nghị ghi ngắn ngọn: “ Nghị định này hướng dẫn các quy định của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu”.

3.                  Mục 4 Chương I:

Đề nghị bỏ nội dung về chi phí; lưu trữ hồ sơ trong quá trình lựa chọn nhà thầu ra khỏi mục này. Các nội dung này nên đưa xuống Chương XIV của dự thảo Nghị định.

4.                  Điều 9 về Chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu:

Đề nghị tính trên % của giá trị gói thầu và chỉ nên quy định mức tối đa, không nên quy định mức tối thiểu.

5.                  Điều 79 về hạn mức chỉ định thầu:

Quy định như dự thảo Nghị định hiện tại là quá nhỏ. Đề nghị duy trì mức chỉ định thầu như quy định tại nghị định 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu.

6.                  Điều 80 về quy trình chỉ định thầu thông thường

Để tránh việc của Chủ đầu tư vận dụng quy định về chỉ định thầu để lựa chọn duy nhất một nhà thầu để gửi hồ sơ yêu cầu, tiến hành phê duyệt nhà thầu được chỉ định dẫn đến việc không kiểm soát được giá cũng như các điều kiện mà nhà thầu đưa ra.

Đề nghị bổ sung nội dung sơ tuyển sơ bộ nhà thầu (áp dụng đối với các gói thầu được chỉ được có giá trị cao hơn mức áp dụng quy định chỉ định thầu rút gọn) trước khi tiến hành phê duyệt nhà thầu được lựa chọn để gửi hồ sơ yêu cầu chính thức. Việc sơ tuyển nhà thầu này tiến hành theo thủ tục đơn giản, thời gian ngắn và tập trung vào 2 nội dung:

Nội dung thứ nhất:  Sơ tuyển năng lực của nhà thầu

Nội dung thứ hai: Sơ tuyển giá chào sơ bộ và các điều kiện sơ bộ của nhà thầu.

Quy trình như sau:

-          Chủ đầu tư gửi yêu cầu sơ bộ đến ít nhất 3 nhà thầu

-          Trong vòng tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của chủ đầu tư, nhà thầu gửi hồ sơ đề xuất sơ bộ đến chủ đầu tư.

-          Chủ đầu tư đánh giá sơ bộ hồ sơ đề xuất sơ bộ của các nhà thầu và phê duyệt lựa chọn 1 đơn vị có kinh nghiệm và bản chào sơ bộ tốt nhất để gửi hồ sơ yêu cầu chính thức.

-          Nhà thầu sẽ chuẩn bị và nội hồ sơ đề xuất đến chủ đầu tư.

-          Các bước tiếp theo có liên quan.

7.                  Khoản 3 Điều 80 về đánh giá hồ sơ đề xuất

Trên thực tế việc đánh giá hồ sơ đề xuất rất sơ sài và dường như cho xong thủ tục. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn về quy trình, thủ tục đánh giá, thành phần cũng như trách nhiệm của bộ phận đánh giá để đảm bảo hiệu quả công tác đánh giá.

8.                  Điều 81 về quy trình chỉ định thầu rút gọn:

-          Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn có giá trị trước 200 triệu đồng và trên 100 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗ hợp có giá gói thầu dưới 500 đồng và trên 200 triệu đồng, đề nghị bổ sung nội dung sơ tuyển sơ bộ nhà thầu như đề cập tại Mục 6 để chủ đầu lựa chọn 1 nhà thầu gửi dự thảo hợp đồng.

-          Khi áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn, đề nghi bổ sung nội dung chủ đầu tư gửi hồ sơ yêu cầu (nội dung rút gọn) cho nhà thầu kèm dự thảo hợp đồng. Nhà thầu sẽ gửi hồ sơ đề xuất và ý kiến về dự thảo hợp đồng để chủ đầu tư xem xét trước khi đàm phán hợp đồng với nhà thầu.

9.                  Khoản 2, Điều 85 về Quy trình mua sắm trực tiếp:

-          Trường hợp nhà thầu có khả năng tiếp tục thực hiện nhưng có giá chào cao hơn nhà thầu khác trên thị trường (với các điều kiện tương tự về năng lực, kinh nghiệm, phạm vi công việc, tiến độ ... thì có áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp nữa không?

-          Trong mua sắm trực tiếp đề nghị nên giới hạn giá trị mua sắm để đảm bảo tính cạnh tranh và lựa chọn được nhà thầu có giá chào tốt nhất, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả cho chủ đầu tư.

10.              Điều 86 về điều kiện áp dụng tự thực hiện:

Đề nghị bổ Khoản 3 điều này do khi đã tự thực hiện thì chủ đầu tư phải làm hết. Trường hợp vẫn giữ điều khoản này thì đề nghị sửa tỷ lệ chuyển nhượng khối lượng công việc dưới 20% số tiền của giá trị tự thực hiện và bỏ hạn mức 50 tỷ đồng như quy định tại dự thảo.

11.              Khuyến khích áp dụng đấu thầu trong trường hợp được áp dụng chỉ định thầu

Đề nghị bổ sung quy định khuyến khích các chủ đầu tư áp dụng hình thức đấu thầu (nếu điều kiện cho phép) trong cả những trường hợp được phép chỉ định thầu.

12.              Mục 1 Chương VI về lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu quy mô nhỏ

Trên thực tế hiện nay rất khó xác định thế nào là gói thầu quy mô nhỏ tuy theo tính chất của gói thầu, loại hình công việc ... . Vì vậy, đề nghị bỏ Mục này và nhập vào nội dung của phần chỉ định thầu.

13.              Chương VIII Lựa chọn nhà thầu qua mạng

Đề nghị bổ sung nội dung quy định những đối tượng nào, trường hợp nào thì bắt buộc phải đấu thầu qua mạng. Trên thực tế các chủ đầu tư rất ngại tổ chức đấu thầu qua mạng do hạn chế  năng lực công nghệ thông tin và yêu cầu cao của việc tổ chức đấu thầu qua mạng. Nếu không có quy định bắt buộc đấu thầu qua mạng thì việc quy định Chương này trong dự thảo không có nhiều ý nghĩa và không hiệu quả.

Đề nghị:  Bỏ nội dung này ra khỏi dự thảo Nghị định. Trong thời gian tới nếu việc đấu thầu qua mạng là yêu cầu bắt buộc hoặc vẫn cần ban hành quy định về nội dung này thì Bộ Kế hoạch Đầu tư soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng. Như vậy việc sử dụng văn bản sẽ thực tế và có hiệu qua hơn.

14.              Chương IX:  Hợp đồng

Tên Chương về hợp đồng nhưng nội dung liên quan đến Hợp đồng quá sơ sài, không đảm bảo yêu cầu truyền tải các nội dung về hợp đồng. Chủ yếu đề cập đến nội dung tạm ứng, thanh toán, quyết toán và thanh lý hợp đồng.

Đề nghị bổ sung các nội dung khác liên quan đến Hợp đồng trong hoạt động lựa chọn nhà thầu. Ví dụ: Các loại hợp đồng trong lĩnh vực tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; các nội dung cơ bản của hợp đồng, phạm vi công việc, trách nhiệm của các bên, điều chỉnh giá hợp đồng, vi phạm hợp đồng và xử lý vi phạm ... .

15.              Điều 129 về đồng tiền và hình thức thanh toán hợp đồng

Đề nghị quy định rõ đồng tiền áp dụng trong trường hợp đấu thầu trong nước và đồng tiền áp dụng trong trường hợp đấu thầu quốc tế để phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam.

16.              Điều 131 về Giám sát, nghiệm thu bàn giao

-          Khoản 1:  Đề nghị sửa đổi bổ sung nội dung Khoản này như sau: “Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức giám sát chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình”.

-          Khoản 2: Đề nghị bỏ mục (b).

17.              Điều 132: 

-          Khoản 3: Đề nghị nâng mức tạm ứng tối đa lên 30%  để linh hoạt áp dụng tùy theo từng loại hình gói thầu.

-          Khoản 5: Đề nghị bỏ vì không khả thi. Chủ đầu tư đã có bảo lãnh tiền tạm ứng của nhà thầu nên không cần can thiệp vào việc sử dụng tiền tạm ứng của nhà thầu. Trong trường hợp nhà thầu vi phạm thì Chủ đầu tư có quyền thu hồi tiền tạm ứng.

-          Khoản 6:  Quy định tại mục này không rõ ràng. Kế hoạch tạm ứng và mức tạm ứng cần phải có quy định ràng buộc cụ thể. Ví dụ:  Kế hoạch tạm ứng bao nhiều lần, mỗi lần bao nhiêu % và mức tạm ứng tối đa là bao nhiêu?.

-          Khoản 7:  Đề nghị đưa lên thành Mục 2 cảu Điều 132. Trường hợp Liên danh thì nên bổ sung quy định “Bên đại diện Liên danh có thể nhân danh mình phát hành bảo lãnh tiền tạm ứng cho cả liên danh ....” để linh hoạt trong việc áp dụng.

18.              Điều 133 về Thanh toán hợp đồng

-          Khoản 1: Đề nghị quy định rõ trách nhiệm trả lãi của chủ đầu tư (lãi suất thương mại hay lãi suất do Ngân hàng nhà nước quy định ...). Ttrách nhiệm trả lãi này bắt buộc phải quy định trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

19.              Khoản 3 Điều 138 và Khoản 2 Điều 139

Đề nghị làm rõ thế nào là hợp đồng có quy mô lớn. Nên quy định một mức giá trị cụ thể về hợp đồng có quy mô lớn. Ví dụ:  Trên 1 tỷ đồng đối với gói thầu tư vấn, phi tư vấn. 100 tỷ đồng đối với gói thầu thầu xây lắp ... .

20.              Chương XI về đào tạo bồi dưỡng về đấu thầu và tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp

Đề nghị bổ Chương này ra khỏi dự thảo Nghị định vì không liên quan trực tiếp đến nội dung chính của Nghị định về lựa chọn nhà thầu. Nên quy định ở một nghị định khác hướng dẫn Luật Đấu thầu.

Người góp ý

Luật sư Phan Vũ Anh

Đoàn Luật sư Thành phố Hà nội

Các văn bản liên quan