Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt của Bà Trương Thị Thu Hà – Hội thảo VCCI tại Tp. HCM ngày 11/4/2014

Thứ Sáu 11:27 11-04-2014

DỰ THẢO BÀI PHÁT BIẺU

Tại hội thảo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều

của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt

Kính thưa các vị khách quý

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành từ 1/4/2009 thay thế Luật thuế TTĐB năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB năm 2003 và 2005.

Sau gần 5 năm thực hiện, Luật thuế TTĐB về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra như góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế trong Hiệp định gia nhập WTO, ổn định và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Vụ Công nghiệp nhẹ có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước trong sản xuất các ngành hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và các ngành chế biến khác, bao gồm một số ngành kinh tế kỹ thuật chính là: dệt, may, da, giày, giấy, sành sứ, thủy tinh, nhựa, rượu, bia, nước giải khát, sữa, bánh kẹo, dầu thực vật, thuốc lá, chế biến bột và tinh bột.

 Trong số các ngành thuộc chức năng quản lý của Vụ Công nghiệp nhẹ, có 2 ngành có sản phẩm là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt: Ngành Bia - Rươu - Nước giải khát và ngành thuốc lá.

Để các quý vị có được những thông tin tổng quát, trước khi nêu quan điểm của Vụ Công nghiệp nhẹ đối với việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm ngành Bia - Rươu - Nước giải khát và ngành Thuốc lá, tôi xin giới thiệu một số nét tổng quan về 2 ngành này.

Ngành Thuốc lá

Thuốc lá không phải là mặt hàng thiết yếu nhưng hút thuốc lá là thói quen tiêu dùng lâu đời. Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, thuốc lá đang còn là mặt hàng tiêu dùng có nhu cầu lớn đối với nhiều tầng lớp dân cư, có giá trị sản phẩm xã hội cao, nộp ngân sách nhà nước khoảng 19.000 tỷ đồng/năm.

Về Sản lượng sản xuất và tiêu thụ của ngành thuốc lá nhìn chung đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu tiêu thụ thuốc lá trong nước và xuất khẩu. Năm 2010, toàn ngành sản xuất và tiêu thụ xấp xỉ 5.000 triệu bao, trong đó xuất khẩu 1.142 triệu bao (năm 2012 sản xuất khoảng 5500 triệu bao; năm 2013 sản xuất thuốc lá đạt khoảng 5.800 triệu bao).

Do thuốc lá là sản phẩm không được khuyến khích tiêu dùng nên tốc độ phát triển bị hạn chế, tăng trưởng rất thấp (Tốc độ tăng trưởng bình quân sản xuất thuốc điếu giai đoạn 2006-2010 là 2,07%/năm) trong khi sản lượng xuất khẩu tăng 16%/năm. Ngành thuốc lá đã chuyển đổi rõ rệt về cơ cấu sản phẩm sang sản phẩm tầm trung cao cấp đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu với sản lượng thuốc lá cao cấp tăng 5,25%/năm, thuốc lá trung cấp tăng 21%/năm, thuốc lá phổ thông giảm 7%/năm.

Hiện nay ngành thuốc lá Việt nam có 17 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu tập trung theo 6 đầu mối sản xuất kinh doanh thuốc lá gồm: Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Khánh Việt, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai, Công ty 27/7 và Công ty XNK & Thuốc lá Bình Dương.

Ngành Bia - Rượu - Nước giải khát

Hiện nay, toàn ngành Bia – Rượu - Nước giải khát Việt Nam có 59 doanh nghiệp sản xuất bia có công suất trên 10 triệu lít; trên 140 doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp, (trong đó có 15 doanh nghiệp có công suất trên 3 triệu lít); 63 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có công suất trên 5 triệu lít.

Tốc độ tăng trưởng toàn ngành  Bia - Rượu - NGK Việt Nam đạt khá cao, trung bình từ 9-12 %/ năm. Sản lượng sản xuất bia toàn ngành năm 2012 đạt trên 2.832 triệu lít, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng của ngành Rượu là 0,15%, ngành Nước giải khát là trên 9%. Ngành Bia - Rượu - NGK Việt Nam đã cung cấp đủ hàng phục vụ cho thị trường, nộp ngân sách gần 1 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 5-6 triệu lao động trên cả nước.

Tiếp theo, ở góc độ là đơn vị có chức năng tham mưu quản lý nhà nước ngành Bia - Rươu - Nước giải khát và ngành Thuốc lá, ở Hội nghị này tôi xin trao đổi một số thông tin liên quan và một số quan điểm về việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

1.     Đối với mặt hàng thuốc lá:

 Mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ nhiều năm nay. Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 và có hiệu lực từ tháng 4/2009, mặt hàng này có thuế suất 65%.

Về chủ trương Vụ Công nghiệp nhẹ nhất trí việc cần phải tăng thuế để phù hợp với Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và Luật phòng chống tác hại thuốc lá và để hạn chế người hút thuốc lá tiếp cận với sản phẩm thuốc lá. Tuy nhiên việc tăng thuế lên 75% ngay tại thời điểm 01/7/2015 và lên 85% từ 01/01/2018 cần phải được cân nhắc vì:

- Trong những năm qua, ngành thuốc lá cũng giống như những ngành kinh tế khác chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng trong nước và quốc tế. Bên cạnh những tác động chung, ngành thuốc lá còn chịu ảnh hưởng bởi những tác động của những chính sách về phòng chống tác hại thuốc lá:

+ Sản phẩm thuốc lá phải thêm đóng phí cho Quỹ Phòng chống tác tác hại thuốc lá với lộ trình tăng  từ 1% đến 2% ảnh hưởng đến giá thành sản phảm thuốc lá.

+ Các quy định về in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh 50% diện tích mặt chính, các quy định cấm hút và bán sản phẩm thuốc lá tại một số địa điểm công cộng như trường học, bệnh viện, công sở, nhà hàng..., gia tăng quy định xử phạt vi phạm hành chính về cấm hút thuốc lá cũng ảnh hưởng đến ngành thuốc lá.

- Qua mỗi lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt làm gia tăng tình trạng thuốc lá nhập lậu cụ thể : Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng đáng kể và liên tiếp kể từ tháng 1/2006: mức 45% vào năm 2005 lên 55% năm 2006 và mức 65%  năm 2008 đã làm thuốc lá nhập lậu tăng trưởng đột biến trong giai đoạn 2006-2012, cụ thể: năm 2006 là 12 tỷ điếu, năm 2007 là 12,8 tỷ điếu, năm 2008 là 15 tỷ điếu và đến năm 2012 là 18 tỷ điếu - so với năm 2006 tăng  khoảng 50% (tương đương 6 tỷ điếu).

Với thực trạng như trên, chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá điếu ngay trong năm 2015. Lộ trình tăng thuế xây dựng cho những năm tiếp theo cần được kéo dài hơn để hạn chế thuốc lá nhập lậu, đồng thời ngành thuốc lá có thời gian chuẩn bị để thích ứng được với các chính sách mới ngày càng chặt chẽ về quản lý sản xuất kinh doanh thuốc lá, nhà nước vẫn có thể kiểm soát được tác hại của thuốc lá, vừa ổn định nguồn thu ngân sách vừa giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước.

2.     Đối với mặt hàng bia rượu:

Thuế tiêu thụ đặc biệt có tác động và ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Rượu, bia. Trong thời gian qua, nhất là từ 2010 đến nay với mức thuế hợp lý đã tạo điều kiện cho sự phát triểu của ngành, từ đó tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội thông qua việc nộp thuế cho ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, cạnh tranh và hội nhập trong khu vực và thế giới, hạn chế nhập khẩu. Vì vậy việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành Bia – Rượu cần bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, phù hợp với quá trình tham gia hội nhập với các cam kết của Việt Nam cũng như tình hình phát triển kinh tế của đất nước.

Trước thời điểm 01/01/2010, thuế suất bia chai, bia lon là 75% (có trừ vỏ lon); bia tươi, bia hơi là 30% trong năm 2006, 2007 và 40% trong năm 2008. Từ 01/01/2010, các loại bia chung một thuế suất là 45%. Từ 01/01/2013, thuế suất là 50%, tăng 5%. Theo dự thảo Luật thuế TTĐB, đến 01/7/2015, thuế suất 65%, tăng 15%.

Trước 01/04/2009, thuế suất rượu từ 400 trở lên là 65%; rượu từ 200 đến dưới 400 là 30%; rượu dưới 200, rượu hoa quả, rượu thuốc là 20%. Từ 01/01/2010, rượu từ 200 trở lên là 45%, tăng 15%; rượu dưới 200  là 25%, tăng 5%. Từ 01/01/2013, rượu từ 200 trở lên là 50%, tăng 5%. Theo dự thảo Luật thuế TTĐB, đến 01/7/2015 loại rượu từ 200 trở lên là 65%, tăng 15%; rượu dưới 200 là 35%, tăng 10%.

Như vậy, lộ trình tăng thuế TTĐB liên tục trong thời gian ngắn, với mức thuế suất tăng cao sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đặc biệt, trong hoàn cảnh các doanh nghiệp ngành Bia, Rượu Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn:

- Chi phí sản xuất tăng cao, đặc biệt chi phí điện, nước, logistic, dán tem...

- Tăng trưởng chậm lại do sức mua giảm và các chính sách hạn chế tiêu dùng như: Chính sách phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, ...

- Thuế nhập khẩu có lộ trình giảm dần (giảm từ 59% năm 2008 xuống còn 35% năm 2014) và dự báo sẽ có lộ trình giảm nhanh về mức 0% để thực hiện các cam kết quốc tế như TPP, các FTA, Hiệp định đối tác thương mại Việt Nam với EU ... sẽ tạo ra cạnh tranh mạnh mẽ và thị trường của các doanh nghiệp trong  nước sẽ bị thu hẹp. Việc nhập khẩu tràn lan cũng gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ như kiềm chế nhập siêu; trong quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm ...

Vì vậy, Vụ Công nghiệp nhẹ thấy rằng: trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của lộ trình điều chỉnh thuế TTĐB và tính thuế suất đối với mặt hàng Bia, Rượu đến các đối tượng bị ảnh hưởng, cần xây dựng lộ trình và thuế suất trên cở sở khoa học, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

3. Về mặt hàng nước ngọt có ga không cồn:

          Đề nghị làm rõ khái niệm, phạm vi, đối tượng áp dụng thuế TTĐB đối với “nước ngọt có ga không cồn” phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trên đây là những ý kiến tham luận của Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương.

Xin kính chúc sức khỏe các quý vị đại biểu, chúc Hội nghị thành công./.

Các văn bản liên quan