Hình mẫu nào cho việc xây dựng và sửa đổi Bộ Luật Dân sự ở Việt Nam – Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của Bà Kiều Thị Thanh – Hội thảo VCCI tại Tp.HCM ngày 10/4/2014

Thứ Sáu 11:11 11-04-2014

HÌNH MẪU NÀO CHO VIỆC XÂY DỰNG VÀ SỬA ĐỔI

BỘ LUẬT DÂN SỰ Ở VIỆT NAM?

                                                                                     

Kiều Thị Thanh[1]

Xây dựng các luật mới đồng thời tiến hành sửa đổi các luật đã có là công việc bình thường ở nhiều quốc gia từ hàng trăm năm nay. Trong tiến trình này, sức hút, sự lan tỏa của nhiều điều khoản, nhiều quy định pháp luật từ nước này sang nước khác, thường trong các điều kiện, tình huống tương đồng hoặc tương tự nhau, đã được giới học thuật xem là một điều tự nhiên hay hết sức bình thường, đặc biệt gắn với sự phát triển của mỗi quốc gia trong thế giới hiện đại ngày nay đều nằm trong quan hệ kết nối với các quốc gia khác. Phản ánh nội dung tiêu đề, “Hình mẫu nào cho việc xây dựng và sửa đổi Bộ luật dân sự ở Việt Nam?”, cấu trúc bài viết này được chia làm hai phần. Phần một trình bày vài nét về lan truyền pháp lý, so sánh luật và thực tiễn lan tỏa pháp lý giữa các quốc gia. Phần hai đưa ra khuyến nghị nên có một hình mẫu cụ thể trong tiến trình xây dựng và sửa đổi Bộ luật Dân sự ở Việt Nam.

1. Vài nét về lan truyền pháp lý, so sánh luật và thực tiễn lan tỏa quy định pháp luật giữa các quốc gia   

Về mặt học thuật, sức hút, sự lan tỏa của nhiều điều khoản, nhiều quy định pháp luật, nhiều khi là cả một văn bản hay một đạo luật từ nước này sang nước khác cơ bản liên quan đến lĩnh vực so sánh luật (law comparison) hay luật so sánh (comparative law) và lan truyền pháp lý (legal transplantation).

Một trong những học giả được biết đến nhiều nhất về các vấn đề học thuật trong lĩnh vực này là Alan Watson. Trong cuốn sách nổi tiếng xuất bản năm 1974, Lan truyền pháp lý: Một cách tiếp cận đến luật so sánh, ông đã định nghĩa lan truyền pháp lý là sự lan chuyển của một quy tắc hay của một hệ thống các quy định pháp luật từ một nước này sang một nước khác, từ một dân tộc này sang một dân tộc khác ([legal transplants are] “the moving of a rule or a system of law from one country to another, of from one people to another”)[2]. Điểm nhấn của Alan Watson ở đây là lan truyền pháp lý có nền tảng là sự truyền biến luật (diffusion-based) với phần lớn các thay đổi trong phần lớn các hệ thống pháp lý (quốc gia) xảy ra là kết quả của sự “vay mướn” (borrowing). Đồng thời, ông cũng cho rằng lan truyền (transplantation) là nguồn tốt nhất (the most fertile source) trong phát triển luật.

Tương tự, xin dẫn một định nghĩa về luật so sánh được đưa ra bởi Michael Bogdan. Theo học giả này, luật so sánh là sự so sánh các hệ thống pháp lý khác nhau nhằm mục đích làm sáng tỏ những điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng ([comparative law is] “the comparing of different legal systems with the purpose of ascertaining the similarities and differences”).[3] Hiện tại, các lĩnh vực so sánh luật phổ thông nhất bao gồm bảo hộ sở hữu trí tuệ, quyền con người, môi trường, lao động, v…v với kết quả thực hiện không chỉ giúp một quốc gia hiểu về hệ thống pháp luật của mình mà còn giúp quốc gia đó đưa ra được giải pháp cho các vấn đề pháp lý ngày càng có tính toàn cầu.[4]

Trong khi sự thừa nhận có hai truyền thống pháp lý hay hai hệ thống pháp luật chủ đạo có ảnh hưởng tới hầu hết hệ thống pháp luật ở các quốc gia khác trên thế giới (ngoài các quốc gia Ả Rập - the Arabic world và một số rất nhỏ các quốc gia khác) là truyền thống civil law (luật dân sự, luật thành văn, …) và truyền thống common law (thông luật, luật án lệ, …) đã trở thành kiến thức pháp lý khá phổ thông, hai học giả nổi tiếng khác về luật so sánh là Zweigert và Kötz từng phân biệt sáu dòng họ pháp lý trên thế giới gồm dòng luật La Mã (Roman family), dòng luật Đức (German family), dòng luật án lệ (Common law family), dòng luật các nước Bắc Âu (Nordic family), dòng luật của một số quốc gia ở Châu Á (Trung Quốc và Nhật Bản) (Family of the laws of the Far East [China and Japan]) và dòng luật tôn giáo (Religious family [Jewish law and Hindu law]).[5]

Đã là một thực tiễn xuất hiện hàng trăm năm nay rằng một quốc gia này hoàn toàn có thể ban hành hay sửa đổi quy tắc pháp lý của mình theo các quy tắc pháp lý đã được áp dụng hay được chấp nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia khác và kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng các quy tắc pháp lý được học hỏi bởi nhà làm luật ở nhiều quốc gia khác nhau đã làm giảm đi sự khác biệt, thậm chí dẫn đến sự hòa đồng, quy định pháp luật giữa các quốc gia.[6] Đây chính là sự “lan tỏa”, “truyền ghép”, “dẫn nhập”, “lan truyền”, “cấy truyền”,… của các quy định pháp luật hay của một, một số mô hình pháp lý giữa các nước trên thế giới. Hình mẫu Bộ luật Dân sự Pháp 1804 lan tỏa khắp Châu Âu và hầu khắp các châu lục khác hay Bộ luật Dân sự Nhật Bản 1896 (có hiệu lực 1898) được xây dựng gần như hoàn toàn theo mẫu bản soạn thảo đầu tiên của Bộ luật Dân sự Đức (có hiệu hiệu lực 1900) có thể được xem như các ví dụ tiêu biểu ở đây.[7] Một trường hợp khác liên quan đến lịch sử bảo hộ bản quyền trên thế giới. Sau đạo luật bản quyền đầu tiên ra đời ở Anh năm 1709, hình mẫu pháp lý này không chỉ lan truyền rộng rãi sang nhiều quốc gia khác như Đan Mạch với Pháp lệnh quyền tác giả 1741, Hoa Kỳ với Đạo luật bản quyền 1790, Pháp với hai nghị định về quyền tác giả 1791 và 1793 - mà còn tác động tới các luật tương ứng xuất hiện ở nhiều nước Châu Âu và Châu Mỹ La tinh như Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Na Uy, Ý, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ,  Chile, Columbia, Haiti, Mexico và Peru tính đến thời điểm Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật được ký kết năm 1886.[8]

Gần đây, nghĩa vụ thành viên WTO trong việc quy lập hóa và thực thi các tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu dành cho bảy loại quyền sở hữu trí tuệ gồm bản quyền và quyền liên quan, nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và bí mật kinh doanh  như được ghi nhận tại Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs) thực sự là một minh chứng sống động khác của tiến trình “lan truyền hóa” pháp lý trong thời đại thông tin và tự do thương mại toàn cầu.[9]  

2. Tại sao hình mẫu cho việc xây dựng và sửa đổi Bộ luật Dân sự ở Việt Nam nên là Bộ luật Dân sự Pháp?

a) Các lý do   

Ở Việt Nam, Bộ luật Dân sự  được ban hành lần đầu tiên ngày 28-10-1995 không chỉ là kết quả công sức trí tuệ của các nhà làm luật trong nước mà còn dựa trên cơ sở sự học hỏi, tham khảo kinh nghiệm xây dựng Bộ luật Dân sự từ nhiều nước khác như Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Canada (Bang Quebec), v…v. Các lý do chính yếu được đưa ra trong bài viết này nhằm giải thích cho khuyến nghị tiến trình xây dựng và sửa đổi Bộ luật Dân sự ở Việt Nam nên dựa theo hình mẫu Bộ luật Dân sự Pháp bao gồm:

-         Trước hết khuyến nghị này gắn với một thực tế là hầu hết các nước trên thế giới khi xây dựng hay ban hành Bộ luật Dân sự đều trực tiếp hay gián tiếp, nhiều hay ít, toàn bộ hay một phần đều chịu ảnh hưởng của Bộ luật Dân sự Pháp. Bên cạnh đó, một thực tế đáng ngạc nhiên là ở một quốc gia điển hình của truyền thống thông luật hay luật án lệ như Hoa Kỳ, Bang Louisiana vẫn theo truyền thống luật thành văn của Pháp, vẫn ban hành Bộ luật Dân sự. Tại sao Việt Nam không thể học hỏi kinh nghiệm đó một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn?

-         Thứ hai, mặc dù nguồn gốc của sự “khái quát” hay “pháp điển” hóa các quy tắc cơ bản, chủ đạo thuộc lĩnh vực luật tư vào trong một bộ dân luật đã có lịch sử phát triển tương đối lâu dài trước đó ở Ý rồi lan tỏa đến các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và nhiều quốc gia khác ở Châu Âu theo ảnh hưởng rất lớn của luật pháp thời La Mã (the Roman Empire) với việc làm cho luật La Mã thích nghi với các xã hội Châu Âu thời trung cổ (the medieval time),[10] Bộ luật Dân sự Pháp 1804 là bộ dân luật hoàn chỉnh đầu tiên của thế giới hiện đại;

-         Thứ ba, giống như Bộ luật Dân sự Đức dù Bộ luật này ra đời muộn hơn, trong thực tế Bộ luật Dân sự Pháp được ban hành đã phản ánh sự kết tinh nhiều thành tựu vô cùng quý báu đã phát triển trước đó ở Châu Âu thông qua ba phong trào, hay ba “bước chuyển trí tuệ” (intellectual movements), đó là chủ nghĩa nhân văn (humanism) gắn với thời kỳ Phục hưng (Renaissance); trường phái luật tự nhiên (the “natural law” school) gắn với chủ nghĩa nhân văn; và Thời đại Ánh sáng (the Enlightement).[11] Tinh hoa kết tụ trong Bộ luật Dân sự Pháp vì vậy đã gắn với ước vọng và tiến bộ chung của nhân loại;

-         Thứ tư, Bộ luật Dân sự Pháp từng là hình mẫu cho việc xây dựng các Bộ luật Dân sự trước đây ở Việt Nam, đó là các Bộ Dân luật Bắc 1931, Bộ Dân luật Trung 1936, Bộ Dân luật Giản Yếu Nam Kỳ 1883 và Bộ Dân luật Sài Gòn 1972;

-         Thứ năm, các vấn đề được quy định trong Bộ luật Dân sự hoàn toàn có thể xảy ra và được áp dụng như nhau giữa các quốc gia gắn với các nhu cầu trong đời sống và các quyền lợi tư của con người cần, hay phải, được luật hóa. Điều này thể hiện rất rõ trong cấu trúc gốc ngoài Thiên Mở đầu được chia làm 3 quyển của Bộ luật Dân sự Pháp 1804, trước hết đó là các quy định về con người (chủ thể) sau đó là các quy định về các điều (things) quan trọng nhất trong cuộc sống và hoạt động thường ngày của con người là tài sản và các phương thức xác lập quyền sở hữu;

-         Cuối cùng, nhìn chung công tác xây dựng, soạn thảo văn bản luật thường đòi hỏi chi phí lớn, thậm chí rất lớn cả về chất xám, thời gian, tiền bạc hay tài chính. Vậy tại sao lại không theo một mô hình nào đó một khi các chi phí như vậy đã chứng tỏ sự thông suốt và hữu hiệu ở nơi chúng đã được bỏ ra?   

b) Xây dựng hình mẫu hay mô hình hóa như thế nào?

Xét về cả cấu trúc và nội dung, Bộ luật Dân sự Pháp luôn được các nhà làm luật Pháp sửa đổi theo năm tháng trên cơ sở đó vừa bãi bỏ các điều khoản đã lỗi thời lại vừa kịp thời phản ánh các thay đổi, phát triển của quan hệ dân sự trong điều kiện mới của xã hội. Làm tài liệu cho bài viết này là toàn văn Bộ luật Dân sự Pháp theo bản dịch tiếng Anh thực hiện bởi Giáo sư luật Georges Rouhette với sự trợ giúp của Phó giáo sư ngôn ngữ Anh, Dr. Anne Rouhette-Berton. Văn bản này được cập nhật cho đến ngày 04-04-2006 theo sự cung cấp chính thức từ website của Chính phủ Pháp, Légifrance, www.legifrance.gouv.fr/, truy cập ngày 11-09-2013.

So với toàn văn Bộ luật Dân sự Pháp được dịch sang tiếng Việt bởi Nhà Pháp luật Việt-Pháp năm 1998 xuất bản bởi Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Bộ luật Dân sự Pháp năm 2006 có 2534 Điều chia làm 5 Quyển so với tổng số 2283 Điều chia làm 3 Quyển tại văn bản năm 1998. Tuy nhiên, các con số này chỉ mang tính tương đối do ở cả hai văn bản vừa nêu, cách đánh số các điều luật vẫn giữ nguyên như ban đầu khi Bộ luật được ban hành năm 1804 vì thế bao hàm cả các điều khoản được đánh số nhưng không có nội dung một khi chúng đã bị bãi bỏ bởi các luật về sau và chưa được thay thế. Nhưng trong mọi trường hợp, nguồn văn bản chứa đựng điều khoản bổ sung đều được ghi rõ.   

Một cách tổng quan, tại văn bản năm 2006, Bộ luật Dân sự Pháp có cấu trúc gồm Thiên Mở đầu và 5 Quyển với mỗi Quyển nhìn chung tiếp tục được chia thành các thiên, dưới thiên là các chương, tiểu chương, mục, tiểu mục, đoạn, v…v. Xin được nhắc lại là tính chất của một luật tư gốc nói về người và các vấn đề cơ bản nhất trong cuộc sống thường ngày của họ được thể hiện rất rõ ở tiêu đề (và nội dung) của ba quyển đầu I, II và III trước hết quy định về người (Quyển I), sau đó quy định về các điều (things) gắn với quyền lợi tư của họ gồm tài sản và phương thức xác lập quyền sở hữu (lần lượt tại Quyển II và Quyển III) ngay từ khi Bộ luật được ban hành năm 1804. Sau đây là tiêu đề của Thiên Mở đầu và của 5 Quyển cấu thành Bộ luật Dân sự Pháp theo bản dịch tiếng Anh của văn bản cập nhật đến năm 2006 như đã trình bày ở trên (với số điều luật được đặt trong ngoặc đơn):

Thiên Mở đầu Tổng quát về công bố luật, hiệu lực pháp lý và áp dụng luật (Các Điều 1 đến 6)

Quyển I Nói về người (các Điều 7 đến 515-8)

Quyển II Nói về tài sản và những thay đổi về quyền sở hữu (các Điều 517 đến 639)

Quyển III Nói về các phương thức xác lập quyền sở hữu (các Điều 711 đến 2283)

Quyển IV Nói về các biện pháp bảo đảm (các Điều 2288 đến 2287)

Quyển V Điều khoản áp dụng ở (vùng/khu vực) Mayotte (các Điều 2491 đến 2490)

(Sau đó tiếp tục là các quy định từ Điều 2492 đến Điều 2534)

Một cách chi tiết hơn, có thể thấy tính lô gic và hợp lý của các Quyển nêu trên trong Bộ luật Dân sự Pháp khi đi sâu hơn vào cấu trúc và nội dung của mỗi Quyển. Chẳng hạn, Quyển I Nói về người đã được cấu trúc với nội dung lần lượt đi theo các biến chuyển trong các giai đoạn mang tính tiếp nối của đời người để trước hết quy định về việc hưởng dụng các quyền dân sự (của công dân theo quy định của pháp luật) ở Thiên I; việc hưởng dụng này rõ ràng phải dựa trên cơ sở một người có quốc tịch Pháp quy định tại Thiên I bis; có quốc tịch Pháp để có các chứng thư hộ tịch theo như quy định tại Thiên II và nơi cư trú được quy định tại Thiên III và khi đó, thực tế hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp một người vắng mặt hay mất tích tại nơi cư trú thì tuân theo quy định tại Thiên IV trước khi nói về hôn nhân tại Thiên V với các vấn đề có thể phát sinh sau hôn nhân được quy định tại Thiên VI (nói về ly hôn), Thiên VII (nói về quan hệ giữa cha mẹ và con cái), Thiên VIII (nói về quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi) từ đó mới tiếp tục quy định về quyền của cha mẹ đối với con tại Thiên IX, v…v.

Trong phạm vi bài viết có tính khơi mở này, đi sâu hơn vào nội dung gắn với điều kiện hiện tại của tiến trình xây dựng và sửa đổi Bộ luật Dân sự ở Việt Nam, các điều khoản có thể học hỏi, tham khảo từ hình mẫu hay mô hình Bộ luật Dân sự Pháp hoàn toàn có thể được phân biệt thành loại điều khoản có thể học hỏi ngay và học hỏi hoàn toàn hay một phần và loại điều khoản cần tiếp tục xét xem có thể tham khảo, học hỏi những gì và như thế nào và xin sơ bộ đưa ra một vài ví dụ sau đây.

Về loại điều khoản thứ nhất (có thể học hỏi ngay và học hỏi hoàn toàn hay một phần): Liên quan đến một số điểm trình bày bên trên về cấu trúc và nội dung của Bộ luật Dân sự Pháp gắn với nhận xét về tính ưu việt của Bộ luật này trong việc xây dựng và ban hành Bộ luật Dân sự ở nhiều nước khác, dễ thấy đây có thể là loại điều khoản có số lượng đáng kể nhất, đặc biệt gắn với các quy định tại Quyển I, Quyển II và Quyển III. Xin lấy ví dụ về quy định tại một số điều luật sau đây tại Quyển I (Nói về người) Thiên I (Nói về các quyền dân sự) Chương II (Nói về sự tôn trọng đối với thân thể con người) và Chương III (Nói về việc xét nghiệm gen và nhân dạng của một người có nghi ngờ về dấu gốc gen của người đó) để thấy hầu hết nội dung của chúng (tạm dịch) có thể được học hỏi ngay và học hỏi hoàn toàn, trường hợp có thay đổi có lẽ cũng chỉ rất ít (in nghiêng chỉ để nhấn mạnh):

-         Quy định tại Điều 16 rằng: “Pháp luật bảo đảm bí mật đời tư cá nhân, nghiêm cấm bất kỳ hành vi nào xâm phạm phẩm giá con người và bảo đảm tôn trọng con người từ khi sinh ra.”[12]

-         Quy định tại Điều 16-7 rằng: “Tất cả các thỏa thuận liên quan đến một người thứ ba gắn với việc sinh đẻ, mang thai đều không có giá trị.”[13]

-         Quy định tại Điều 16-10 rằng: “Việc xét nghiệm gen của một người chỉ có thể được thực hiện vì mục đích y tế hoặc gắn với ích lợi nghiên cứu khoa học.

Trước khi thực hiện việc xét nghiệm gen của một người, sau khi người đó đã được thông báo thích đáng về tính chất và mục đích của việc xét nghiệm thì phải có sự đồng ý rõ ràng của người đó bằng văn bản. Sự đồng ý này phải chỉ rõ mục đích của việc xét nghiệm và có thể được rút lại không cần đơn từ vào bất kỳ thời gian nào.”[14]

-         Quy định tại Điều 16-11 rằng: “Nhân dạng của một người có nghi ngờ về dấu gốc gen của người đó chỉ có thể được tìm kiếm trong phạm vi yêu cầu hoặc điều tra đối với vụ việc tư pháp chưa xử hay vì mục đích y tế hoặc gắn với ích lợi nghiên cứu khoa học.

Trong các việc dân sự, nhân dạng của một người có nghi ngờ về dấu gốc gen như vậy chỉ có thể được xét nghiệm khi cần bổ sung bằng chứng cho vụ việc và được quyết định bởi tòa án đã thụ lý vụ việc theo đó có mục đích xác định hoặc kiểm tra nguồn gốc cha mẹ sinh ra hoặc nhằm mục đích nhận hay chấm dứt cấp dưỡng. Trước khi thực hiện việc xét nghiệm phải có sự đồng ý của người đó một cách rõ ràng. Trừ khi có sự đồng ý một cách rõ ràng của người cần xét nghiệm trong thời gian người đó còn sống, không thể xét nghiệm nhân dạng của một người có nghi ngờ về dấu gốc gen sau khi người đó đã chết.

Trường hợp nhân dạng của một người có nghi ngờ về dấu gốc gen như vậy được thực hiện vì mục đích y tế hoặc gắn với ích lợi nghiên cứu khoa học, sau khi người đó đã được thông báo thích đáng về tính chất và mục đích của việc xét nghiệm thì phải có sự đồng ý rõ ràng của người đó bằng văn bản. Sự đồng ý xét nghiệm phải xác định rõ mục đích của việc xét nghiệm và có thể được rút lại không cần đơn từ vào bất kỳ thời gian nào.”[15]

-         Hay quy định tại Điều 16-13 rằng: “Không ai có thể bị phân biệt đối xử vì những đặc điểm về nguồn gen của người đó[16] rõ ràng có thể được học hỏi ngay mà không cần thay đổi gì.

Về loại điều khoản thứ hai (cần tiếp tục xét xem có thể tham khảo, học hỏi những gì và như thể nào): Thuộc về loại điều khoản này xin lấy ví dụ về các quy định tại Quyển V dành áp dụng riêng cho khu vực Mayotte với các điều khoản khá đặc biệt như quy định việc chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang ngôn ngữ địa phương (vùng Mayotte) hay quy định về việc áp dụng nhiều điều luật cụ thể trong từng Quyển I, II và III được áp dụng ở Mayotte với thay đổi về câu chữ hoặc về ngôn ngữ như thế nào hay lại được chỉ đến việc tuân theo quy định của một văn bản nào khác. Đặc biệt, trong quan hệ với các văn bản có liên quan khác, Quyển V hàm chứa các điều khoản quy định riêng về đăng ký bất động sản, các quyền đối với chúng và một số vấn đề khác thực hiện ở Mayotte. Là một quốc gia có hơn 50 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó không ít vùng miền có những đặc trưng về văn hóa, cách sống, phong tục, tập quán,… rất khác biệt - các quy định này có thể tham khảo trong trường hợp nào ứng với những điều kiện, tình huống ra sao ở Việt Nam rõ ràng đã có thể được đặt ra và cần tiếp tục xem xét.  



[1] ThS, GVC, Khoa Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội; NCS Luật SHTT, Đại học Victoria, Melbourne, Australia.

[2] Xem thêm: Alan Watson, Legal Transplants: An Approach to Comparative Law, Scottish Academic Press Ltd, Edinburgh, 1974, 21.

[3] Xem thêm: Micheal Bogdan, Comparative Law, Kluwer Law International, The Hague, 1994, 18.

[4] Xem thêm: United States Legal, Comparative Law and Legal Definition, (http://definitions.uslegal.com/c/comparative/).

[5] Xem thêm: K. Zweigert & H. Kötz, An Introduction to Comparative Law, translated from the German original by T. Weir, 3rd Edition, Oxford University Press, Oxford, 1998.

[6] Xem thêm: Emanuela Carbonara & Francesco Parisi, ‘The paradox of legal harmonization’, George Mason University School of Law Law & Economics Research Paper No. 05-40 and University of Minnesota Law School Legal Studies Research Paper No. 07-14, January 2007, 2, (www.ssrn.com).  

[7] Xem thêm: Emanuela Carbonara & Francesco Parisi, chú thích vừa dẫn; Thomas M. Meshbesher, ‘The Role of History in Comparative Patent Law’, 78 Journal of Patent & Trademark Office Society 594:1996, 594 & 597; Encyclopaedia Britannica, Japanese Civil Code, (http://www.britannica.com/EBchecked/topic/301097/Japanese-Civil-Code).   

[8] Xem thêm: Sam Ricketson & Jane C. Ginsburg, International Copyright and Neighbouring Rights: the Berne Convention and Beyond, Oxford University Press, New York, 2005, 3-8.

[9] Chi tiết về các vấn đề này cùng nhiều vấn đề khác có liên quan, đặc biệt gắn với quá trình hình thành và phát triển của pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế xin xem thêm: Kiều Thị Thanh, Hội nhập quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị-Hành chính, Hà Nội, 2013. 

[10] Xem thêm: James G. Apple & Robert P. Deyling, A Primer on the Civil-Law System, published by the Federal

Judicial Center of the United States, 1995, 1-8.

[11] Xem thêm: James G. Apple & Robert P. Deyling, chú thích vừa dẫn, 12-16. Cũng xem: European Civil Law, Civil Codes: Civil law (or 'continental law') and common law (or 'Anglo-American law') (http://www.europeancivillaw.com/civilcodecontent.htm).

[12] Theo bản dịch tiếng Anh, Điều 16 Bộ luật Dân sự Pháp có nguyên văn: “Legislation ensures the primacy of the person, prohibits any infringement of the latter's dignity and safeguards the respect of the human being from the outset of life.”

[13] Theo bản dịch tiếng Anh, Điều 16-7 Bộ luật Dân sự Pháp có nguyên văn: “All agreements relating to procreation or gestation on account of a third party are void.”

[14] Theo bản dịch tiếng Anh, Điều 16-10 Bộ luật Dân sự Pháp có nguyên văn: “An examination of the genetic particulars of a person may be undertaken only for medical purposes or in the interest of scientific research.

The express consent of the person must be obtained in writing before the carrying out of the examination, after he has been duly informed of its nature and purpose. The consent shall specify the purpose of the examination. It may be revoked without form at any time.”

[15] Theo bản dịch tiếng Anh, Điều 16-11 Bộ luật Dân sự Pháp có nguyên văn: “The identification of a person owing to his genetic prints may only be searched for within the framework of inquiries or investigations pending judicial proceedings or for medical purposes or in the interest of scientific research.

In civil matters, that identification may be sought only in implementation of proof proceedings directed by the court seized of an action aiming either at establishing or at contesting a parental bond, or for getting or discontinuing subsidies. The consent of the person must be obtained previously and expressly. Save an express consent given by the person during his lifetime, no identification owing to genetic prints may be effected after his death.

Where the identification is made for medical purposes or in the interest of scientific research, the express consent of the person must be obtained in writing before the carrying out of the identification, after he has been duly informed of its nature and purpose. The consent shall specify the purpose of the identification. It may be revoked without form at anytime.”

[16] Theo bản dịch tiếng Anh, Điều 16-13 Bộ luật Dân sự Pháp có nguyên văn: “No one may be discriminated against on the basis of his genetic features.”

Các văn bản liên quan