Pháp nhân công quyền – Góp ý Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) của Ông Phạm Duy Nghĩa – Hội thảo VCCI tại Tp.HCM ngày 11/4/2014

Thứ Sáu 11:08 11-04-2014

GÓP Ý VỀ PHÁP NHÂN: PHÁP NHÂN CÔNG QUYỀN

Phạm Duy Nghĩa [*]

Pháp nhân là một học thuyết, về căn bản hư cấu một tổ chức có các quyền và nghĩa vụ tựa như một người tự nhiên, ví dụ có tên gọi, có tài sản, có năng lực hành vi, có khả năng giao dịch, có thể khởi kiện hoặc bị kiện như con người tự nhiên. Ngoài các pháp nhân theo luật tư (công ty, hội đoàn), chính quyền cũng được xem là các pháp nhân công. Theo gợi ý của Ban chủ tọa, tôi chỉ xin góp ý về chủ đề số 8 trong Bản gợi ý, đoạn nói về pháp nhân. Bài này chỉ bàn về pháp nhân công quyền.

Chính quyền là những tổ chức cung cấp dịch vụ công

Tựa như doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng, chính quyền cung cấp các dịch vụ công cho nhân dân. Trị an, hộ tịch, kinh doanh, cấp phép xây dựng, cho tới đăng ký tài sản, phần lớn dịch vụ công thiết yếu được cung cấp cho người dân bởi 12.000 cơ quan hành chính cấp phường xã và 700 cơ quan hành chính cấp quận huyện. Rất hiếm khi người dân mới cần tới dịch vụ công của chính quyền 63 tỉnh thành, khách hàng của nền hành chính cấp tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp.

Như vậy, tựa như một sự phân chia thị trường, thực tiễn phân cấp quản lý nhà nước từ cổ xưa đã phân tách một cách khá tự nhiên khách hàng của dịch vụ công từ cấp phường xã tới cấp tỉnh. Việc phân cấp quản lý ấy tuân theo những nguyên tắc phổ quát đúc rút từ lý thuyết tổ chức của khu vực kinh tế tư nhân, theo đó một dịch vụ cần được quyết định và thực hiện bởi nơi có thông tin đầy đủ nhất, có thể tiến hành dịch vụ với chi phí giao dịch hợp lý nhất. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử, thanh tra xây dựng, đo đạc và lập bản đồ địa chính…không cấp nào phù hơn là cấp phường xã. Việc quản lý mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, cấp phù hợp sẽ là chính quyền cấp huyện. Cứ như thế, nếu xác định rõ đối tượng phục vụ (hay phân khúc thị trường), chính quyền từng cấp cần có đủ thẩm quyền để quản trị nguồn lực của mình đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng một cách tiện lợi nhất.

Như vậy, từ góc độ pháp lý cần trao quyền lực và nguồn lực đầy đủ cho các cấp địa phương. Chỉ những việc mà địa phương không đủ thông tin và nguồn lực để quyết định mới nên thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương.

Pháp nhân công quyền và tự quản của địa phương

Từ thực tiễn khái quát thành chiến lược, để thực thi Hiến pháp 2013 cần triển khai soạn thảo mới đồng bộ nhiều đạo luật liên quan đến phân chia quyền lực giữa chính quyền các cấp, chí ít bao gồm các đạo luật sau: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công. Các đạo luật ấy cần ghi nhận chính quyền cấp xã, các chính quyền đô thị, chính quyền cấp tỉnh là những pháp nhân công quyền có ngân sách phân tách độc lập với chính quyền Trung ương. Cấp quận và huyện có thể trở thành những đại lý hành chính trung gian của thành phố hoặc tỉnh, song không nên là cấp chính quyền đầy đủ.

Thẩm quyền của từng cấp phải được xác định rõ ràng. Xét về khía cạnh tổ chức nhà nước, bản Hiến pháp cần là một thỏa thuận phân chia quyền lực giữa chính quyền các cấp, từ xã, tỉnh tới trung ương. Phân chia quyền lực đồng thời kéo theo phân chia ngân sách một cách rạch ròi. Trong phạm vi nguồn lực được trao, chính quyền địa phương phải có đủ thẩm quyền tự quản, lãnh đạo chính quyền địa phương trước hết phải chịu trách nhiệm trước cử tri của địa phương mình.

Tài sản, sở hữu công và vốn đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước theo đó cũng cần phân định thành sở hữu tách biệt của từng pháp nhân công quyền tương ứng kể trên. Sẽ có những tài sản thuộc quốc gia, tức là thuộc chính quyền trung ương, ví dụ các nguồn tài nguyên, bờ biển, hầm mỏ, các tập đoàn kinh tế có tính chất quốc gia, hạ tầng đường sắt, viễn thông và tài sản khác cần cho quốc gia. Ngược lại, doanh nghiệp địa phương, quyền sử dụng những ô thửa đất và công trình đầu tư từ ngân sách địa phương có thể thuộc về sở hữu của từng pháp nhân công quyền địa phương. Theo cách nhìn đó, Tổng Công ty quản lý và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là một tổ chức ủy quyền quản lý công sản của chính quyền trung ương. Tương tự, các địa phương cũng cần thành lập những tổ chức quản lý công sản và vốn tại doanh nghiệp địa phương của riêng mình.

Nếu quan niệm toàn bộ chính quyền một tỉnh là một pháp nhân công quyền thống nhất thì các sở ban ngành của chính quyền một tỉnh chỉ là những bộ phận trực thuộc, không độc lập của pháp nhân này. Tùy theo nhu cầu phục vụ, việc thành lập bao nhiêu sở thuộc quyền tự quản của các địa phương. Song trước người dân và các bên thứ ba, toàn bộ chính quyền cấp tỉnh là nguyên đơn hoặc bị đơn trong các vụ kiện, ngược lại các sở ban ngành thì không có năng lực ấy. Các sở ban ngành ấy có thể vẫn còn duy trì con dấu riêng, song chúng không được xem là pháp nhân độc lập. Nói cách khác, nếu hành vi của một sở gây thiệt hại cho công dân, người bị hại có thể khởi kiện đòi toàn bộ chính quyền tỉnh như một pháp nhân phải đền bù thiệt hại. Cũng theo nghĩa đó, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và các thiết chế quyền lực khác, hết thảy có thể hành xử trong phạm vi thẩm quyền của mình, song đối với các bên thứ ba, người chịu trách nhiệm cuối cùng chính là toàn bộ chính quyền cấp tỉnh như một pháp nhân công.

Điều này cũng đúng trong mô hình chính quyền đô thị một cấp, dù có quy mô nhỏ như Đà Lạt, lớn hơn như Đà Nẵng hay có dáng dấp đại đô thị như TP Hồ Chí Minh. Trong chính quyền đô thị, cơ quan hành chính đô thị (được đại diện bởi chủ tịch ủy ban hành chính hoặc thị trưởng) có quyền bổ nhiệm các quận trưởng. Các quận trưởng hành xử như các đại diện ủy quyền nhân danh chính quyền đô thị, hành vi của họ nếu gây thiệt hại cho người dân có thể dẫn tới trách nhiệm của toàn bộ chính quyền đô thị.

Từ dưới lên trên: Chính quyền trung ương cũng là một pháp nhân

Cứ như thế, trong lịch sử mọi cải cách ở Việt Nam thường diễn ra từ dưới lên trên, từ địa phương lan rộng tới trung ương. Toàn bộ chính quyền trung ương cũng chỉ nên được xem là một pháp nhân công quyền duy nhất, được đại diện bởi Chính phủ. Tùy theo sự nới rộng hay thu hẹp chức năng điều tiết mà Chính phủ có thể tăng hay giảm số lượng 18 bộ hiện hành. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh về mặt pháp lý mỗi một bộ không phải là một pháp nhân độc lập. Cũng như đối với cấp sở, hành vi của một bộ suy cho cùng có thể dẫn tới trách nhiệm của toàn bộ pháp nhân chính quyền trung ương. Nói cách khác, nếu chính sách điều tiết của một bộ trái luật, gây thiệt hại cho người dân, những người bị thiệt hại có thể khởi kiện buộc chính quyền trung ương đền bù thiệt hại.

Sau khi phân quyền rạch ròi cho cấp địa phương, phần dịch vụ công còn lại thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương, ví dụ hải quan, thuế quan, kiểm lâm, kiểm ngư, bảo vệ môi trường… sẽ được tổ chức theo ngành dọc từ tổng cục, cục, chi cục xuống các khu vực hoặc được ủy quyền cho địa phương thực hiện. Nếu hành vi công vụ ấy thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương, mọi thiệt hại nếu có xảy ra đều thuộc trách nhiệm của pháp nhân chính quyền trung ương.

Tóm lại, các tổ chức quyền lực như UBND, HĐND, các sở ban ngành của chính quyền địa phương, các bộ, Quốc hội hay Chính phủ của chính quyền trung ương, không phải cứ có dấu quốc huy đều là pháp nhân chịu trách nhiệm riêng rẽ. Trên thực tế đã hình thành 12.000 pháp nhân công là chính quyền cấp xã, 63 chính quyền tỉnh thành, và sẽ xuất hiện những chính quyền đô thị tự quản. Đó chính là những pháp nhân công quyền. Nhà nước là một thực thể, song cụ thể hơn bao gồm rất nhiều pháp nhân công quyền độc lập, chịu trách nhiệm riêng rẽ, trong đó bao gồm pháp nhân chính quyền trung ương  và các pháp nhân chính quyền địa phương.



* PGS TS Khoa Luật & Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ĐHKT TP HCM nghiapd@ueh.edu.vn

Các văn bản liên quan