Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) của Luật sư Nguyễn Thanh Hiền – Giám Đốc Công Ty Cổ Phần Quản Lý Và Đầu Tư Tín Thác Á Châu – Hội thảo VCCI (Tp.HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Ba 14:20 18-03-2014

HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN DOANH NGHIỆP HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI) VÀ DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

Do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP. HCM ngày 11/3/2014

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO DỰ THẢO LẦN 2 LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

NGUYỄN THANH HIỀN

Luật Sư, Giám Đốc Công Ty Cổ Phần Quản Lý Và Đầu Tư Tín Thác Á Châu (“ATIM”)

Trong phạm vi của hội thảo này, dưới góc nhìn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý, tư vấn đầu tư, chúng tôi xin phép được đưa ra một vài ý kiến cá nhân đóng góp cho Dự Thảo lần 3 Luật Đầu Tư (sửa đổi) như sau:

1.                  Nên bỏ hay giữ lại Luật Đầu Tư

Vấn đề bỏ hay giữ lại Luật Đầu Tư đã được nêu ra từ rất lâu và nhận được các luồng ý kiến trái chiều, trong đó có rất nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn Luật Đầu Tư vì thủ tục về cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như qui định của Luật đầu tư hiện hành là rườm rà, không cần thiết, trong khi tại các luật chuyên ngành khác đã qui định các thủ tục liên quan đến các hoạt động triển khai dự án đầu tư, cũng như khuyến khích về đầu tư.

Với lần sửa đổi này, các nhà làm luật tiếp tục theo quan điểm sẽ vẫn giữ Luật Đầu Tư nhưng sửa đổi để đơn giản hóa các thủ tục, bám sát mục tiêu là “tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư”. Cụ thể, theo Dự Thảo lần 3 Luật Đầu Tư (sửa đổi) thì nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều thực hiện việc đăng ký kinh doanh để thành lập doanh nghiệp. Sau khi thành lập doanh nghiệp, việc cấp “Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư” chỉ giới hạn trong 4 loại dự án là:

-        Dự án đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất;

-        Dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện;

-        Dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường;

-        Dự án thuộc diện hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Cơ chế liên thông giải quyết thủ tục cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư và thủ tục liên quan đến sử dụng đất đai, xây dựng cũng được thiết lập. Với cơ chế này, cơ quan cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư chịu trách nhiệm tổ chức xem xét, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn về hồ sơ dự án đầu tư mà không yêu cầu nhà đầu tư phải đến từng cơ quan khác nhau để thực hiện từng thủ tục.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng để các qui định về thủ tục cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư và cơ chế liên thông qui định tại Luật Đầu Tư (sửa đổi) được triển khai hiệu quả trên thực tế là không hề đơn giản. Thực tế hiện nay cho thấy, việc thiếu phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước ở cấp trung ương và địa phương, giữa các cơ quan khác nhau trong cùng một địa phương là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ khi thực hiện các thủ tục hành chính hiện nay. Năng lực cán bộ chưa đám ứng yêu cầu mới cũng như cơ chế vận hành của các cơ quan nhà nước thiếu đồng bộ, chồng chéo hoàn toàn có khả năng một lần nữa khiến cho mục tiêu cải cách thủ tục hành chính như qui định tại Luật Đầu Tư (sửa đổi) thất bại. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi là cần bỏ hẳn Luật Đầu Tư hoặc ít nhất là bỏ thủ tục cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư.

2.                  Khái niệm Nhà Đầu Tư Nước Ngoài

Định nghĩa thế nào là “Nhà Đầu Tư Nước Ngoài” là vấn đề rất quan trọng, mà thực tế hiện nay rất nhiều các vướng mắc phát sinh trên thực tế cũng xuất phát từ nguyên nhân Luật Đầu Tư hiện hành chưa qui định rõ khái niệm, cũng như sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đầu Tư hiện hành và các luật khác.

Vì vậy, trong các dự thảo Luật Đầu Tư sửa đổi, khái niệm “Nhà Đầu Tư Nước Ngoài” đã được tập trung làm rõ, cụ thể:

Dự thảo lần 1

Dự thảo lần 2

Dự thảo lần 3

Khoản  4 Điều 3 quy định về nhà đầu tư nước ngoài:

4. Nhà đầu tư nước ngoài gồm:

a) Cá nhân không mang quốc tịch Việt Nam;

b) Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài;

c) Doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam, trong đó cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a và b Khoản này nắm giữ từ 50% tổng số thành viên trở lên hoặc từ 50% vốn điều lệ trở lên hoặc Công ty TNHH, công ty hợp danh có cá nhân không mang quốc tịch Việt Nam làm thành viên.

d) Doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam có tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, b, và c Khoản này nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên hoặc từ 50% tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Khoản  4 Điều 3 quy định về nhà đầu tư nước ngoài:

4. Nhà đầu tư nước ngoài gồm:

a) Cá nhân nước ngoài;

b) Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài;

c) Doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam có cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a và b Khoản này nắm giữ từ 50% vốn điều lệ [có quyền biểu quyết] trở lên; công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh có cá nhân không mang quốc tịch Việt Nam làm thành viên [hoặc có cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a và b Khoản này chiếm từ 50% tổng số thành viên trở lên].

d) Doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam có tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, b, và c Khoản này nắm giữ từ 50% vốn điều lệ [có quyền biểu quyết] trở lên.

Khoản 3 Điều 3 quy định về nhà đầu tư nước ngoài:

3. Nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Cá nhân nước ngoài;

b) Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài;

c) Tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a và b Khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; công ty hợp danh có cá nhân nước ngoài làm thành viên.

d) Tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, b, và c Khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Không quy định “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”

Khoản 6 Điều 3:

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Không quy định “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”

Như vậy, định nghĩa về “Nhà Đầu Tư Nước Ngoài” đến dự thảo lần 3 đã được qui định khá chặt chẽ, tuy nhiên vẫn còn vấn đề cần được Ban soạn thảo xem xét như sau:

-          “cá nhân nước ngoài” cần căn cứ theo Luật Quốc Tịch Việt Nam và nên qui định rõ là “cá nhân nước ngoài bao gồm người không quốc tịch và công dân nước ngoài”;

-          Định nghĩa Nhà Đầu Tư Nước Ngoài của dự thảo 3 Luật Đầu Tư sửa đổi khác với Định nghĩa Nhà Đầu Tư Nước Ngoài của dự thảo 3 Luật Đầu Tư sửa đổi, vì vậy có sự thống nhất giữa 2 luật này;

-          Dự thảo lần 3 Luật Đầu Tư (sửa đổi) không có định nghĩa về “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, nhưng Luật Đất Đai 2013 có định nghĩa "7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư." và có qui định về các quyền về sử dụng đất khác với doanh nghiệp trong nước. Như vậy có cần phải sự đồng bộ giữa Luật Đầu Tư và Luật Đất Đai về chủ thể này.

3.                  Thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư

Tại Khoản 1 Điều 55 Dự thảo 3 Luật Đầu tư qui định: “Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp có sự thay đổi nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư liên quan đến nhà đầu tư thực hiện dự án, địa điểm đầu tư, mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, tiến độ đầu tư, thời hạn đầu tư.

Chúng tôi đề nghị đối với nội dung quy định tại Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư liên quan đến nhà đầu tư thì không bắt buộc phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư mà chỉ cần gửi văn bản thông báo cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vì nội dung này đã được thực hiện theo thủ tục đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, Luật Đầu Tư cần có qui định cụ thể về giá trị hiệu lực của việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu các nội dung bắt buộc phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà Nhà đầu tư không thực hiện thì ngoài việc phải chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính, các nội dung thay đổi dự án chưa được điều chỉnh trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ không có hiệu lực pháp lý.

4.                  Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực không cam kết của Việt Nam

Khoản 1, Điều 4 Dự thảo 3 Luật Đầu Tư (sửa đổi) quy định: “Nhà đầu tư được đầu tư trong tất cả các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm”.

Trên thực tế, các cơ quan cấp phép rất khó để cấp giấy phép cho những dự án đầu tư vào lĩnh vực dù không bị cấm nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư trong lĩnh vực đó như thế nào. Cụ thể, từ khi Việt Nam gia nhập WTO, các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư không xem xét hoặc không cho phép đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực “chưa cam kết” hoặc không được liệt kê trong biểu cam kết WTO.

Vì vậy, Luật Đầu Tư (sửa đổi) cần phải có quy định làm rõ chính sách và thủ tục đầu tư với các nhà đầu tư muốn đầu tư vào ngành/phân ngành dịch vụ “chưa cam kết” hoặc không được liệt kê trong biểu cam kết WTO.

5.                  Dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện

Theo qui định tại Điều 44, Dự thảo 3 Luật Đầu Tư (sửa đổi) thì Nhà đầu tư sẽ thực hiện thủ tục cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư nếu Dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Lĩnh vực đầu tư có điều kiện được qui định tại Điều 25, Dự thảo 3 Luật Đầu Tư (sửa đổi), theo đó qui định ngoài các lĩnh vực đầu tư có điều kiện qui định tại khoản 1, Điều 25, “lĩnh vực đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo thực tế cấp giấy chứng nhận đầu tư hiện nay thì tất cả các lĩnh vực thuộc biểu cam kết dịch vụ của WTO đều thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Với cách hiểu này thì trong mọi trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đều phải thực hiện thủ tục cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư theo qui định tại Điều 44, Dự thảo 3 Luật Đầu Tư (sửa đổi). Trong khi đó hầu hết các lĩnh vực dịch vụ theo biểu cam kết WTO đều đã được cho phép đến 100% vốn nước ngoài. Vì vậy cần làm rõ qui định tại Khoản 2, Điều 25, Dự thảo 3 Luật Đầu Tư (sửa đổi) theo hướng các lĩnh vực đầu tư tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã cho phép 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc không hạn chế thì không được xem là lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Các văn bản liên quan