Góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Hội thảo VCCI (Tp.HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Hai 09:49 17-03-2014

STT

Nội dung góp ý

Nhận định

Đề xuất

1

Quyền của Cổ đông lớn

Theo Khoản 9 Điều 93 Dự thảo: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% trở lên tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có một số quyền “đặc biệt”. Để thực hiện được các quyền “đặc biệt” này thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải có nghĩa vụ chứng minh họ là đối tượng đủ điều kiện hưởng quyền. Tuy nhiên, Dự thảo chưa hướng dẫn cụ thể, cổ đông và nhóm cổ đông này phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh như thế nào, chứng minh thông qua chứng cứ nào… để đảm bảo việc chứng minh đó hợp pháp,

Dự thảo cần hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ chứng minh của cổ đông và nhóm cổ đông lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện các quyền đặc biệt, đồng thời doanh nghiệp có căn cứ và cơ sở để kiểm soát về giá trị pháp lý của việc chứng minh đó.

2

Về mời họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 118 Dự thảo)

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 118 Dự thảo, kèm theo thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông gửi cho các cổ đông có quyền dự họp thì phải có mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp. Chúng tôi nhận thấy việc bắt buộc gửi kèm các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp cho từng cổ đông là gây tốn kém và khó khăn cho các Công ty đại chúng có số lượng cổ đông đông đảo.

Đề xuất các tài liệu này có thể gửi kèm hoặc không gửi kèm, nếu không gửi kèm thì quy định Doanh nghiệp phải đăng tải để các cổ đông có thể tài về trên trang thông tin điện tử của Doanh nghiệp.

3

Về triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông

Theo Khoản 7 Điều 115 của Dự thảo, người triệu tập Đại hội đồng cổ đông phải lập danh sách cổ đông có quyền dự họp. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty (Khoản 1 Điều 116 Dự thảo). Chúng tôi nhận thấy: hiện nay đối với các Công ty đã niêm yết thì quy định này không phù hợp với thực tiễn vì việc chốt danh sách cổ đông có quyền dự họp và việc lập danh sách đã thực hiện thông qua Trung tâm lưu ký chứng khoán. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về cách thức, trình tự thực hiện để hướng dẫn các Công ty niêm yết thực hiện.

Vì vậy đề xuất Dự thảo cần có quy định hướng dẫn cụ thể về chốt danh sách cổ đông và lập danh sách cổ đông đối với trường hợp này để Hội đồng quản trị của các Công ty niêm yết có căn cứ, cơ sở thực hiện.

4

Về Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần  (Điều 113 Dự thảo)

Theo Dự thảo, mô hình quản lý Công ty cổ phần có thể được lựa chọn mô hình tổ chức quản lý và hoạt theo một trong 2 mô hình đơn hội đồng hoặc đa hội đồng, trong đó mô hình được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 113 như sau:

Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc, Tổng giám đốc; trong trường hợp này ít nhất một phần ba số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập, không điều hành và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập không điều hành thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty

Theo mô hình này thì thành viên Hội đồng quản trị độc lập có quyền hạn và nhiệm vụ tương ứng với nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát (Khoản 6 Điều 130) và đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, họ được quyền tham gia và thảo luận nhưng không có quyền biểu quyết, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Quy định có các bất cập sau:

1. Nếu thành viên Hội đồng quản trị độc lập không có quyền biểu quyết thì vai trò của họ đơn thuần như thành viên của Ban ban kiểm soát, nên việc sắp xếp thành viên Hội đồng quản trị độc lập là người quản lý doanh, do đó họ phải có thực thi trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp là không hợp lý.

2. Trong trường hợp Điều lệ cho phép họ có quyền biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị thì có khả năng dẫn đến mâu thuẫn và xung đột với chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.

- Đối với mô hình này nên bổ sung Ban kiểm soát, với tư cách là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty. Vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập giữ nguyên như quy định pháp luật hiện hành.

5

Về Hội đồng quản trị

1. Về thẩm quyền quyết định cơ cấu, tổ chức:

Theo quy định tại điểm k Khoản 2 Điều 129 Dự thảo, Hội đồng quản trị có thẩm quyền quyết định cơ cấu tổ chức của Công ty, chúng tôi cho rằng thẩm quyền này không rõ ràng:

- Hội đồng quản trị có quyền quyết định lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình đơn hội đồng hay đa hội đồng theo Điều 113 Luật doanh nghiệp hay không?

- Hay thẩm quyền của Hội đồng quản trị chỉ giới hạn trong việc quyết định các Phòng ban, đơn vị, bộ phận... trực tiếp thực hiện việc quản lý, điều hành, thực hiện các nghiệp vụ của doanh nghiệp?

Đề xuất cần làm rõ phạm vi thẩm quyền này để Hội đồng quản trị của Doanh nghiệp có căn cứ, cơ sở để thực hiện.

2. Về cơ cấu, tổ chức của Hội đồng quản trị

Hiện nay thực hiện theo quy định của 1 số văn bản pháp luật, các Công ty đại chúng và niêm yết đã thành lập 1 số tiểu ban chuyên trách của Hội đồng quản trị như: Tiểu ban nhân sự, tiểu ban lương thưởng... Xét rằng việc thành lập các tiểu ban này là cần thiết để hỗ trợ hoạt động của Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn chưa có nội dung đề cập về loại tiểu ban được thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các tiểu ban này.

Dự thảo cần bổ sung các quy định về tiểu ban của Hội đồng quản trị.

Các văn bản liên quan