Góp ý của Bà Trần Thị Hương Trang – Công ty Luật Legal Associates Hà Nội – đối với Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Thứ Ba 14:34 20-08-2013

I - Nhận xét chung:

- Đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo, tổ biên tập của TCMT để có được bản dự thảo số 2 lần này, so với dự thảo ngày 26.2.2013 đã có rất nhiều sự chuyển biến tích cực, tiếp thu có chọn lựa những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, đặc biệt ý kiến đóng góp tại cuộc hội thảo quốc gia ngày 20/3/2013:

- Số lượng các điều khoản cũng đã được điều chỉnh tăng cho hợp lý hơn. Dự thảo số 1 có 157 điều, dự thảo 2 lần này có 167 điều.  Sự bố trí các điều khoản, chương mục cũng đã có sự cân xứng hơn về độ dài, liều lượng về mức độ chung và cụ thể. Nội dung gì cần đưa vào trong luật, nội dung gì sẽ để lại quy định cụ thể trong văn bản dưới Luật

-  Hình thức văn bản cũng được chỉnh sửa cẩn thận, đúng quy cách hơn

- Một số các nội dung có sự  tiến triển rõ rệt, thể hiện sự đầu tư và tiếp thu ý kiến như quy định về quy hoạch môi trường, tiêu chuẩn môi trường

II - Một số nhận xét cụ thể dưới góc nhìn doanh nghiệp

Thứ nhất, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp cũng được quy định nhiều hơn, chặt chẽ hơn. Ví dụ, một số điểm mới về trách nhiệm ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường được mở rộng không chỉ trong lĩnh vực khoáng sản, khai thác tài nguyên mà đối với tất cả các dự án sản xuất, kinh doanh có tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường theo Khoản 2, Điều 98, dự thảo 2. Về trách nhiệm và điều kiện hoạt động quan trắc môi trường (Điều 119, dự thảo) chỉ được hoạt động khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ môi trường (Điều 33) Trách nhiệm của Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lập 01 báo cáo về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở mình. (Điều 128, Khoản 1, Dự thảo 2) (theo dự thảo 1 thì chỉ có trách nhiệm của tập đoàn và tổng công ty). Chế độ báo cáo hàng năm về công tác bảo vệ môi trường cũng là một chế độ trách nhiệm mới so với dự thảo số 1. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quyền yêu cầu của tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư tại điều  140, khoản 4.

Thứ hai,  Luật bảo vệ môi trường sửa đổi có thể mở ra cơ hội và tạo điều kiện cho phát triển hoạt động kinh doanh mới, việc làm trong lĩnh vực môi trường, ví dụ: đầu tư cơ sở dịch vụ ứng phó sự cố môi trường (Điều 102, khoản 3, dự thảo 2), giáo dục môi trường, đào tạo về môi trường (Điều 152, dự thảo 2), giám định thiệt hại về môi trường (Điều 163, Khoản 3,4), bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường (Điều 165)  ngoài những khuyến khích về phát triển dịch vụ bảo vệ môi trường hay Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường, công nghiệp môi trường đã được quy định từ Luật 2005. Riêng đối với các công ty Luật, đoàn luật sư có nhiều cơ hội mở khi áp dụng thực hiện quy định của Điều 139. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thứ ba, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi quy định rõ ràng về thanh tra, điều này đỡ gây phiền phức và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quy định của Luật , ví dụ Khoản 3, Điều 157, dự thảo 2 về số lần kiểm tra, thanh tra, Khoản 2, Điều 158 dự thảo 2 về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu tổ chức cán bộ công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, công dân, bao che vi phạm

III - Một số nhận xét khác có liên quan

1.               Chưa quy định rõ về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã về trả lời tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường và quyền của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến tham vấn, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời chủ dự án bằng văn bản tại điểm b, khoản 1, Điều 21 có bao gồm cho cả việc tổ chức đối thoại do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án chủ trì tổ chức không? Trong trường hợp có cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án nhưng lại không nằm trong địa bàn của xã nơi thực hiện dự án thì cuộc đối thoại được tổ chức như thế nào? Trách nhiệm các bên như thế nào? Kinh phí để tổ chức đối thoại lấy ý kiến của cộng đồng dân cư do bên nào chịu nếu là Ủy ban nhân dân xã chủ trì, liệu có nên quy định trực tiếp kinh phí đó phải trong nguồn kinh phí của dự án chi cho hoạt động đánh giá tác động môi trường?

2.               Chưa có sự rõ ràng về mối quan hệ giữa Giấy chứng nhận về các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường tại Điều 39 với hàng loạt các loại phép, Giấy chứng nhận liên quan đang tồn tại ví dụ như Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại theo Thông tư 12/2006/TT - BTNMT hay dự định được ban hành ví dụ chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (điều 119, dự thảo 2). Câu hỏi là sẽ có 1 giấy chứng nhận hay tồn tại song song cùng nhiều loại giấy chứng nhận. Trên thực tế, riêng Giấy chứng nhận về các hoạt động liên quan đến BVMT là cần thiết, vì đó là một cách xác nhận tốt nhất tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm các thủ tục được hưởng các ưu đãi về thuế và các chính sách khuyến khích, ưu đãi khác.

3.               Vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, trùng lắp giữa Kế hoạch bảo vệ môi trường theo mục 5 (từ điều 32 và 33, dự thảo 2) với Phương án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường ở điều 98 -99. Kế hoạch bảo vệ môi trường trong mối liên hệ với việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (bản kế hoạch quản lý môi trường sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường) Điều 22, Khoản 2, Nghị định 29/2011/ND-CP ngày 18/4/2012 về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

"Kế hoạch bảo vệ môi trường bao gồm các hoạt động theo dõi, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó sự cố môi trường và tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Kế hoạch bảo vệ môi trường phải được lập hàng năm và được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi có liên quan đến tác động môi trường và các yêu cầu pháp luật khác. Mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường."

"Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường là hoạt động giảm thiểu những tác động của ô nhiễm đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng môi trường tại các khu vực môi trường bị ô nhiễm. Các dự án sản xuất, kinh doanh có tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường phải xây dựng phương án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi đi vào hoạt động, và cần ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường"

Trong khi vấn đề về "quản lý rủi ro môi trường" - Environmental Risks management lại không đề cập rõ ở cả Kế hoạch bảo vệ môi trường và phương án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

2. Chưa có quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền ban hành Danh mục các ngành nghề được phép hoạt động trên địa bàn nông thôn như đề cập đến tại Điều 58, dự thảo 2

3.  Điều 75 - Thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ

Luật  2005 quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục nhưng trước thực tế đến nay vẫn chưa ban hành được nên dự thảo 26.3.2013 quy định chi tiết và có đề xuất Bộ TNMT ban hành danh mục cụ thể

Tuy nhiên, Dự thảo 2 lần này, tại Khoản 4, Điều 75 đề xuất thẩm quyền ban hành danh mục là Chính phủ quy định về 'danh mục sản phẩm thu gom'.

ở đây, tôi xin ý kiến Ban soạn thảo và các chuyên gia về sự chính xác của tên danh mục là sản phẩm như thế nào? Theo dự thảo số 1- ngày 25/6/2010  để thực hiện điều 67 của LBVMT 2005 thì quyết định Thủ tướng chính phủ  "Quy định về thu hồi, xử lý một số sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ' mà tôi có tham gia đóng góp ý kiến, có  "Danh mục các sản phẩm thải bỏ phải thu hồi, xử lý". Vì nếu không có sự chính xác về tên danh mục thì gây khó khăn cho xây dựng hướng dẫn.

Ban dự thảo cần cân nhắc về thẩm quyền ban hành là Chính phủ hay Bộ TNMT để tránh lặp lại hạn chế của Luật 2005 là sau nhiều năm chưa có danh mục, cũng chưa có hướng dẫn để doanh nghiệp triển khai thực hiện Luật. Chỉ để thẩm quyền của Chính phủ khi đã có sự chuẩn bị các nội dung trên và khả năng đưa các nội dung này vào Nghị định hướng dẫn thi hành ngay sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành.

4. Điều 86. Khoản 3, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục các loại chất thải rắn thông thường. Vậy mối liên hệ và hệ quả đối với Danh mục chất thải nguy hại hiện đang áp dụng theo Quyết định 23/2006/QĐ-BTNMT, đề cập đến tại Điều 74, Luật BVMT, 2005 như thế nào. Có thể hiểu là danh mục này thay thế Danh mục chất thải nguy hại vì Luật sửa đổi bổ sung không đề cập đến nữa, nhưng có thể hiểu những chất thải không được liệt kê trong danh mục các loại chất thải rắn thông thường thì còn lại là chất thải nguy hại hay không?

5. Điều 98 , 99 quy định về khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường tại điểm ô nhiễm, nhưng chưa đề cập rõ ràng trách nhiệm trong trường hợp không xác định được chủ thể gây ô nhiễm, ví dụ điểm ô nhiễm PCB hoặc thuốc bảo vệ thực vật không xác định được chủ thể gây ô nhiễm

Các văn bản liên quan