Góp ý của ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Thứ Ba 15:43 16-07-2013

THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO

NGÀY 16/7/2013 DO VCCI VÀ BỘ XÂY DỰNG TỔ CHỨC


V/v: GÓP Ý BẢN DỰ THẢO LUẬT XÂY DỰNG (sửa đổi)


Phd. Nguyễn Văn Minh: Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS VN

           Trước hết, tôi đánh giá cáo bản Luật Xây dựng (sửa đổi) dự thảo ngày 18/6/2013 (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật XD) của Bộ Xây dựng. Nhìn chung đã kế thừa những kết quả đạt được của Luật Xây dựng và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng đã được tổng kết và đánh giá tại Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về xây dựng từ năm 2003 đến năm 2012; đồng thời, đã cơ bản khắc phục những tồn tại, hạn chế, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và giải trình những ý kiến đóng góp còn có những quan điểm khác nhau.

Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật XD, tôi xin có một số vấn đề trao đổi như sau:

I/ Về Tên gọi và Bồ cục Dự thảo Luật XD:

          - Nhất trí với bản dự thảo về tên gọi;

          - Nhất trí với Bố cục của Luật gồm 10 chương; tuy nhiên, trong dự thảo có nhiều nội dung chưa hợp lý cần xem xét, cân nhắc đảm bảo đúng quan điểm, yêu cầu của Luật XD như trong tờ trình của Bộ Xây dựng đề cập, đặc biệt là những nội dung thuộc Chương II.

II/ Một số nội dung cần trao đổi cụ thể:

II.1. Chương I:

          - Điều1. Phạm vi điều chỉnh;Đề nghị đượcgiữ nguyên như Luật hiện hành đảm bảo toàn diện và đầy đủ hơn, vì: Hoạt động đầu tư xây dựng là hoạt động của nhà đầu tư dự án xây dựng trong quá trình đầu tư bao gồm các khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện và quản lý dự án đầu tư. Do đó, Hoạt động đầu tư xây dựng là một số các hoạt động trong hoạt động xây dựng mà thôi.

          - Điều 2.Đối tượng áp dụng;Đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành đảm bảo toàn diện và dầy đủ hơn (lý do như điều 1).

          - Điều 3. Giải thích từ ngữ

          Đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại các từ ngữ sau đây được cần hiểu cụ thể hơn:

          1. Hoạt động đầu tư xây dựng là quá trình bỏ vốn tiến hành các hoạt động xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, giám sát khảo sát xây dựng, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng.

...

          24. Dự án đầu tư xây dựng là một tập hợp các hoạt động có liên quan đến việc nghiên cứu, bỏ vốn, xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo những công trình xây dựng để phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong một thời hạn nhất định.

          Với khái niệm trên thì cụm từ “hoạt động đầu tư xây dựng” và “dự án đầu tư xây dựng” đều là quá trình bỏ vốnlà không thỏa đáng. Đề nghị sửa lại cho đúng: Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các hoạt động có liên quan đến việc nghiên cứu, đề xuất bỏ vốn, để tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng mới, mở rộng … nhất định.

          Đề nghị bỏ cụm từ “giám sát khảo sát xây dựng” vìnội dung này trong toàn bộ dự thảo không định nghĩa được giám sát khảo sát xây dựng là gì, các hoạt động này chưa thấy được quy định cụ thể trong dự thảo, mặt khác, từ khi có Luật Xây dựng 2003 đến nay, trong các hoạt động xây dựng chưa có nội dung này trong thực tiễn.

          45. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng bao gồm: Chính phủ; Bộ Xây dựng; các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ủy ban nhân dân các cấp.

          Đề nghị sửa lại cho phù hợp với quy định tại Điều 1, Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng: Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật

  46. Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành bao gồm: Bộ Giao thông, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Đề nghị bỏ nội dung này, vì còn nhiều Bộ khác cũng quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chứ không phải chỉ mấy Bộ nêu trên.

          - Điều 11. Chính sách khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng

          Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu áp dụng khoa học và công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng lũ lụt.

II.2. Chương II: Quy hoạch xây dựng

- Theo Chương II, Luật Xây dựng 2003, quy định về Quy hoạch xây dựng trong bối cảnh khi đó chúng ta chưa có Luật Quy hoạch đô thị (năm 2009), và bố cục như Luật hiện hành là tương đối toàn diện. Như vậy, bản chất Quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn; Việc xác định quy hoạch vùng và Khu chức năng đặc thù chỉ mang tính giới hạn bởi yếu tố địa lý và chức năng đặc thù nào đó và nó phải nằm trong quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn. Để tránh chồng chéo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, hoạt động xây dựng; đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng; phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế, cơ chế, chính sách của giai đoạn hiện tại và có dự báo cho tương lai, đảm bảo tính khả thi cho các vùng, miền trong cả nước, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sâu hơn nữa, chúng tôi đề xuất trong Dự thảo Luật XD, đối tượng của Quy hoạch xây dựng là Quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng Nông thôn. Trong đó, Quy hoạch đô thị thực hiện theo Luật Quy hoạch Đô thị 2009; Quy hoạch xây dựng nông thôn được thực hiện theo Luật Xây dựng. Việc quy hoạch xây dựng nông thôn được lập theo vùng kinh tế (7 vùng kinh tế) trong đó cần quy định cụ thể Về quy hoạch xây dựng nông thôn vùng đồng bằng (Bắc Bộ, Nam Bộ, ven biển), nông thôn khu vực Trung du miền núi, nông thôn khu vực có điều kiện địa lý tự nhiên đặc biệt (đảo, bán đảo). Việc lập Quy hoạch chung xây dựng Nông thôn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở đồ án Quy hoạch do Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện. Quy hoạch chung xây dựng nông thôn có tỷ lệ từ 1/25.000-1/125.000, thời hạn từ 20-30 năm. Căn cứ vào quy hoạch Đô thị và quy hoạch chung xây dựng Nông thôn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập quy hoạch Khu chức năng đặc thù; UBND cấp xã lập quy hoạch điểm dân cư nông thôn trình UBND cấp huyện phê duyệt.

          - Quy hoạch xây dựng khuchức năng đặc thù:

          Đề nghị bổ sung Quy hoạch Công trình Thủy điện vào khoản 1, Điều 19 

II.3. Chương III: Dự án đầu tư xây dựng

          Trong thực tế, nhiều dự án xây dựng, nhiều khu đô thị đã được xây dựng xong và bàn giao cho người mua sử dụng, nhưng Chủ đầu tư hầu hết không bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi, công cộng cho chính quyền địa phương quản lý theo địa giới hành chính, gây mất ổn định an ninh trật tự khu vực, thất thoát thuế nhà đất, không quản lý được các biến động về nhà đất, gây khó khăn cho người dân mới đến cư trú trong việc sinh hoạt, học hành...

          Để chấm dứt tình trạng này, đề nghị bổ sung mục e vào khoản 2, Điều 53 người quyết định đầu tư xây dựng có biện pháp yêu cầu Chủ đầu tư bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi, công cộng cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định của Pháp luật.

II.4. Chương V: Giấy phép xây dựng

          Đề nghị bỏ khoản 3, Điều 71:Điều kiện cấp Giấy phép xây dựng cần có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định là không hợp lý.

II.5. Chương VI. Xây dựng công trình

          Đề nghị bổ sung khoản 4,Điều 95 về bàn giao công trình xây dựng

          4. Chủ đầu tư xây dựng có trách nhiệm tổ chức bàn giao công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công cộng, phúc lợi... cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định của pháp luật.

II.6. Chương IX. Trách nhiệm quản lý về hoạt động đầu tư xây dựng của các cơ quan nhà nước

Trong thực tế hoạt động xây dựng, có nhiều mẫu thiết kế công trình mẫu có thể được nhiều chủ đầu tư (người dân) sử dụng, đặc biệt có nhiều nước trên thế giới đã ban hành những mẫu thiết kế chuẩn để người dân có thể lựa chọn phù hợp với điều kiện xây dựng của mình. Người dân sẽ tiết kiệm được một phần chi phí thiết kế mà lại nhanh chóng hoàn tất các thủ tục về xây dựng để thi công xây dựng. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và bổ sung thêm quy dịnh này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tiết kiện và góp phần rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục xây dựng.

          Trên đây là một số nội dung xin được trao đổi về bản dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, xin chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe và Hội thảo thành công.

Trân trọng!

Các văn bản liên quan