Góp ý của Bà Phạm Thu Trang (Y&N) đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ Năm 15:15 11-04-2013

Đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp

A-   Doanh thu

1.    Điều 8 về doanh thu quy định tại Luật số 14 đang được quy định là: “… trường hợp có doanh thu bằng ngoại tệ phải được quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu bằng ngoại tệ”.

Tuy nhiên, do thuế TNDN được nộp trên cơ sở kết quả kinh doanh theo hạch toán kế toán của doanh nghiệp sau khi điều chỉnh tăng giảm theo quy định của chính sách thuế, việc quy định về quy đổi doanh thu/chi phí phát sinh bằng ngoại tệ theo tỷ giá nào nên được sửa đổi phù hợp với quy định về kế toán.

Đề xuất: Nên điều chỉnh Điều 8 của Luật thuế TNDN số 14 thành: “...trường hợp có doanh thu bằng ngoại tệ phải được quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo quy định về kế toán”.

B-   Các khoản chi không được trừ và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1.    Tại điểm 4 Dự thảo sửa đổi Luật: Sửa đổi, bổ sung Điều 9, trong đó có khoản 2 – quy định lien quan đến Giá trị tổn thất không được bồi thường

Vướng mắc: Theo qui định hiện tại của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn dưới Luật có liên quan thì chỉ các khoản tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này mới được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ.

Trong khi đó, theo qui định của Luật thuế GTGT thì thuế GTGT đầu vào của các loại hàng hóa bị tổn thất được đưa vào khấu trừ.

Trên thực tế, trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có phát sinh các chi phí tổn thất không được bồi thường toàn bộ.Các chi phí này nằm ngoài mong muốn của doanh nghiệp nhưng không thuộc trong các loại tổn thất được phép tính vào chi phí.

Đề xuất: Chúng tôi xin kiến nghị sửa đổi thành“… trừ phần giá trị tổn thất phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”để đảm bảo tính nhất quán giữa quy định về thuế TNDN và thuế GTGT.

2.    Điểm3,Điều 9 về chi phí quy định tại Luật sửa đổiđang được quy định là: “… khoản chi bằng ngoại tệ được trừ khi xác định Thu nhập chịu thuế phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh chi phí bằng ngoại tệ”.

Đề xuất: Như thảo luận ở phần doanh thu nêu trên, nên điều chỉnh đoạn cuối Điều 9 của Luật thuế TNDN số 14 thành: “... trường hợp có chi phí bằng ngoại tệ phải được quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo quy định về kế toán”.

Điểm 2, p) Điều 9 về chi phí quy định tại sửa đổikhông cho phép đưa vào khoản chi được trừ “phần trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao vượt quá mức quy định của pháp luật”.

Hiện tại, pháp luật, cụ thể là Luật bảo hiểm xã hội chỉ quy định các loại bảo hiểm bắt buộc, hoặc tự nguyện đóng cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Các khoản chi trả từ nguồn này không chịu thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tạo ra các quỹ hưu trí tự nguyện (pension fund/ trusted fund) hoặc mua thêm bảo hiểm hưu trí cho người lao động nhằm tăng tính gắn bó và đóng góp lâu dài của nhân viên đối với công ty. Các khoản này thực chất là tiền lương, tiền công của nhân viên nhưng được giữ lại và cam kết trả khi người lao động về hưu. Do đó, các khoản chi này về bản chất phải là chi phí hợp lý của doanh nghiệp khi chi trả thực tế.

Như vậy, có ba loại trích nộp hưu trí tự nguyện: (i) trích nộp theo mức bắt buộc quy định tại Luật bảo hiểm xã hội; (ii) trích nộp tự nguyên theo mức Bảo hiểm xã hội Việt Nam tự quy định; (iii) trích nộp do doanh nghiệp tự lập mang tính chất tiền lương tiền công. Về mặt thuế xin đề xuất, loại (i) vừa được khấu trừ thuế TNDN, vừa không chịu thuế TNCN; loại (ii) không được khấu trừ thuế TNDN vì đã không chịu thuế TNCN theo luật; loại (iii) được khấu trừ thuế TNDN vì mang tính chất tiền lương, tiền công nhưng phải nộp thuế TNCN.

Đề xuất: sửa thành “phần trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao vượt quá mức quy định bắt buộc của luật bảo hiểm xã hội”.

C-   Đối với những doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng Đô la Mỹ: Do hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp vẫn đáp ứng điều kiện hạch toán kế toán bằng Đô la Mỹ, tuy nhiên không có hướng dẫn cụ thể về việc xác định Thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp/Lỗ được phép chuyển đối với những trường hợp này, chỉ có hướng dẫn về kế toán yêu cầu doanh nghiệp phải quy đổi báo cáo tài chính sang đồng VND theo tỷ giá quy định tại ngày cuối cùng năm tài chính. Trên thực tế, việc thưc hiện công tác thanh kiểm tra của các cán bộ thuế cũng không nhất quán. Do vậy đề xuất nên bổ sung hướng dẫn trong trường hợp này, cụ thê: “Đối với những doanh nghiệp hạch toán bằng Đô la Mỹ thì thu nhập chịu thuế/Lỗ được phép chuyển theo quy định được xác định bằng đồng Đô la Mỹ. Số thuế phải nộp/lỗ được chuyển phải được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá quy định phù hợp với quy định của chế độ kế toán tại ngày cuối cùng năm tài chính.

Các văn bản liên quan