VCCI_Góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 38/2014/TT-BTC về hoạt động thẩm định giá
Kính gửi: Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 2199/BTC-QLG của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về đăng ký hành nghề thẩm định giá đối với thẩm định viên về giá (khoản 1 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư 38/2014/TT-BTC)
- Hành vi bị cấm của thẩm định viên về giá
Khoản 1 Điều 3 Dự thảo quy định: “thẩm định viên về giá chỉ được đăng ký hành nghề tại 01 (một) doanh nghiệp thẩm định giá tại một địa điểm. Trường hợp thẩm định viên về giá đã đăng ký hành nghề tại chi nhánh thẩm định giá của doanh nghiệp đó thì không được ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá tại trụ sở chính của doanh nghiệp”.
Quy định trên cần được cân nhắc, xem xét ở một số điểm sau:
- Tính thống nhất: Yêu cầu thẩm định viên về giá đã đăng ký hành nghề tại chi nhánh thẩm định giá của doanh nghiệp đó thì không được ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá tại trụ sở chính của doanh nghiệp là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá. Điểm b khoản 4 Điều 10 Luật Giá chỉ cấm thẩm định viên về giá không được thực hiện đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên, chứ không hạn chế thẩm định viên về giá hoạt động trong các bộ phận trong doanh nghiệp;
- Tính hợp lý: việc thẩm định viên về giá đăng ký hoạt động tại chi nhánh nhưng ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá tại trụ sở chính trong một doanh nghiệp là hoạt động mang tính nội bộ của doanh nghiệp. Pháp luật về giá không quy định và không nên can thiệp về vấn đề này.
Từ phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 38/2014/TT-BTC “thẩm định viên về giá không được thực hiện đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên”.
- Về nộp hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá cho thẩm định viên về giá
So với Thông tư 38/2014/TT-BTC thì Dự thảo đã có một số sửa đổi liên quan đến hình thức của tài liệu trong hồ sơ đăng ký, cụ thể chuyển từ “bản sao chứng thực” thành “bản sao công chứng”. “Công chứng” là việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch hoặc tính chính xác, hợp pháp của bản dịch (khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014). “Chứng thực” là việc chứng thực bản sao đúng với bản chính (khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP). Với tính chất của các khái niệm này, thì sử dụng khái niệm “bản sao chứng thực” là phù hợp hơn với “bản sao công chứng”. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại các thuật ngữ này tại khoản 2 Điều 3 (sửa đổi, bổ sung).
Điểm g khoản 2 Điều 3 (sửa đổi, bổ sung) quy định phải cung cấp “bản sao công chứng hoặc sao y bản chính Hợp đồng lao động và Phụ luc hợp đồng lao động (nếu có) tại doanh nghiệp thẩm định giá của thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề …”. Yêu cầu công chứng hoặc sao y bản chính hợp đồng này là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp, bởi vì bản thân hợp đồng lao động đã có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và con dấu của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp của hợp đồng này. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “Bản sao công chứng hoặc sao y bản chính” tại điểm g khoản 2 Điều 3 (sửa đổi, bổ sung).
Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Dự thảo để điều chỉnh lại khái niệm “bản sao công chứng” thành “bản sao chứng thực”.
- Phương thức giải quyết thủ tục hành chính
Dự thảo đã có điều chỉnh về phương thức giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký hành nghề thẩm định giá đối với thẩm định viên về giá, cụ thể:
- Thông tư 38/2014/TT-BTC quy định: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ tài chính ban hành Thông báo đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá;
- Dự thảo quy định: định kỳ vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng, Bộ Tài chính ban hành Thông báo công bố Danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp đã gửi đủ 01 bộ hồ sơ do doanh nghiệp lập theo quy định.
Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố Danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng sẽ dẫn tới hiện tượng:
- (1) Doanh nghiệp nộp hồ sơ từ đầu tháng, cuối tháng mới có kết quả, thời gian giải quyết thủ tục là 30 ngày, dài hơn rất nhiều quy định của Thông tư 38/2014/TT-BTC;
- (2) Doanh nghiệp nộp hồ sơ vào ngày liền kề trước ngày cuối tháng, cơ quan có thẩm quyền đủ nhân lực và thời gian để xem xét điều kiện của thẩm định viên về giá không?;
- (3) Tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp khi thời gian giải quyết thủ tục hành chính khác nhau dựa vào thời điểm nộp hồ sơ của doanh nghiệp khác nhau.
Để đảm bảo tính hợp lý và đảm bảo tính cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế phương thức giải quyết tương tự như quy định tại Thông tư 38/2014/TT-BTC, nhưng thời hạn được rút xuống khoảng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
- Về hoạt động báo cáo thống kê của doanh nghiệp thẩm định giá (khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 5 Thông tư 38/2014/TT-BTC)
- Khoản 3 Điều 5 (sửa đổi, bổ sung) quy định, đối với trường hợp không thay đổi danh sách thẩm định viên, doanh nghiệp phải gửi “kèm theo bản sao công chứng Giấy chứng nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá của năm hiện tại”. Quy định này là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về mặt thủ tục cho doanh nghiệp ở điểm: nếu doanh nghiệp không thay đổi về danh sách thẩm định viên thì có nghĩa cơ quan nhà nước đã có thông tin về các thẩm định viên về giá làm việc tại doanh nghiệp (do doanh nghiệp đã đăng ký trước đó), các thông tin về Giấy chứng nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá thì cơ quan nhà nước cũng có thông tin từ các cơ sở đào tạo vì theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 204/2014/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 11/2019/TT-BTC phải gửi cho Bộ Tài chính Danh sách học viên đạt yêu cầu khóa học/ lớp học và được cấp Chứng chỉ, Giấy chứng nhận. Vì vậy, yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thủ tục hành chính này là không cần thiết và tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ yêu cầu này.
- Đoạn cuối khoản 3 Điều 5 (sửa đổi, bổ sung) quy định doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện gửi văn bản rà soát, thống kê chậm so với thời hạn nêu trên, doanh nghiệp thẩm định giá sẽ không được Bộ Tài chính thông báo danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp từ ngày 01 tháng 01 năm liền sau.
Quy định này là chưa thống nhất với chính quy định tại Dự thảo. Theo quy định tại Điều 3 (được sửa đổi, bổ sung) thì doanh nghiệp thẩm định giá phải thực hiện thủ tục đăng ký thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp (lần đầu, khi có biến động) và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thẩm định hồ sơ, công bố danh sách các thẩm định viên về giá đủ điều kiện. Sau khi cơ quan nhà nước công bố danh sách thì thẩm định viên về giá được phép hoạt động.
Như vậy, danh sách thẩm định viên về giá hoạt động tại doanh nghiệp gắn liền với hoạt động đăng ký. Trong khi đó khoản 3 Điều 5 (được sửa đổi, bổ sung) lại quy định danh sách này gắn liền với hoạt động rà soát, thống kê của doanh nghiệp. Vậy, thẩm định viên về giá được phép hoạt động kể từ khi đăng ký hay là dựa vào danh sách cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố trên cơ sở rà soát, thống kê của doanh nghiệp vào cuối năm? Quy định này vừa chưa rõ vừa chưa nhất quán.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện gửi văn bản rà soát …. từ ngày 01 tháng 01 năm liền sau” để đảm bảo tính thống nhất trong văn bản.
- Về xây dựng và kết nối dữ liệu (khoản 6 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 Thông tư 38/2014/TT-BTC)
Khoản 6 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 Thông tư 38/2014/TT-BTC theo hướng “Doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thẩm định giá phục vụ hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp và thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu này với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”.
Theo phản ánh của doanh nghiệp thì trên thực tế, doanh nghiệp thẩm định giá tự xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu gặp một số khó khăn như: i) Tốn kém về chi phí và chưa hiệu quả, khó đảm bảo đầy đủ các tiêu chí theo yêu cầu của quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp; ii) nếu yêu cầu đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp thẩm định giá với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá là việc khá khó khăn do các phần mềm được viết theo nhiều nền tảng khác nhau, cách tổng hợp, thống kê rất khó thống nhất.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét những vấn đề trên để đảm bảo thuận lợi và phù hợp trên thực tế.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.