VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản
Kính gửi: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trả lời Công văn số 623/BTNMT-TCBHĐVN của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Nội dung của Tờ trình
- Về đăng ký thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển
Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển. Đây là thủ tục mới và là một dạng thủ tục về đăng ký biện pháp giao dịch bảo đảm. Hiện nay, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đang được quy định tập trung tại Nghị định 102/2017/NĐ-CP. Theo quy định tại Nghị định này thì thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với với khu vực biển không thuộc trường hợp đăng ký (Điều 4).
Để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung phần giải trình trong Tờ trình về việc Dự thảo quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm đối với thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển trong mối quan hệ với Nghị định 102/2017/NĐ-CP. Mặt khác, hiện nay Dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm đang được soạn thảo, tại sao lại không gộp vào Dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm đang được soạn thảo mà lại nhất thiết phải quy định riêng?
- Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển
Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) là “văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật ghi nhận quyền sử dụng khu vực biển và quyền sở hữu tài sản gắn liền với khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản” (khoản 10 Điều 2 Dự thảo). Giấy chứng nhận này được cấp đồng thời với quyết định giao khu vực biển và sẽ được cấp lại khi quyết định giao khu vực biển thay đổi thông tin.
Bên cạnh quyết định giao khu vực biển thì doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận và sẽ phải thực hiện các thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận khi quyết định giao khu vực biển có thay đổi. Như vậy, so với quy định hiện hành thì Dự thảo đã bổ sung thêm thủ tục hành chính. Ban soạn thảo cần phải có giải trình và đánh giá tác động đối với việc ban hành thủ tục hành chính mới này nhất là tập trung vào sự khác biệt giữa Giấy chứng nhận và quyết định giao khu vực biển (tại sao đã có quyết định giao khu vực biển là sự công nhận của Nhà nước đối với quyền của tổ chức, cá nhân được phép khai thác, sử dụng tài nguyên trong khu vực biển được giao lại phải có thêm Giấy chứng nhận?) và tạo thuận lợi về mặt hành chính cho doanh nghiệp (nếu theo thiết kế của Dự thảo và các quy định hiện hành thì để nuôi trồng thủy sản trong khu vực biển được giao, doanh nghiệp ít nhất phải có các giấy phép và thực hiện các thủ tục hành chính sau: quyết định giao khu vực biển; văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển (giấy phép nuôi trồng thủy sản); đăng ký quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển (đăng ký lần đầu và đăng ký biến động); Giấy chứng nhận).
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm phần giải trình nội dung trên trong Tờ trình để đảm bảo tính minh bạch của chính sách.
- Các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển (Điều 6)
- Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Dự thảo thì trường hợp đăng ký biện pháp bằng tài sản gắn liền với khu vực biển thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là “thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào Sổ đăng ký hoặc cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm”.
Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm liên quan đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm và thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Do đó, cần phải quy định rõ thời điểm đó là thời điểm “nội dung đăng ký được cập nhật vào Sổ đăng ký” hay là “nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm”. Đây là hai thời điểm khác nhau. Đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ về thời điểm này thay vì quy định như tại Dự thảo – các bên trong giao dịch không biết chính xác là thời điểm nào.
- Đăng ký biện pháp bảo đảm các tài sản gắn liền với khu vực biển được giao của dự án nuôi trồng thủy sản
Khoản 4 Dự thảo quy định các tài sản gắn liền với khu vực biển được giao của dự án nuôi trồng thủy sản phải đăng ký biện pháp bảo đảm gồm:
- Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các hàng hóa khác phục vụ nuôi trồng thủy sản (điểm c);
- Vốn góp trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp (điểm d);
- Cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ, séc và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch; các khoản phải thu hợp pháp của tổ chức, cá nhân, pháp nhân từ khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản (điểm đ)
Việc Dự thảo yêu cầu các loại tài sản trên phải đăng ký giao dịch bảo đảm dường như chưa hợp lý và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Bởi vì, đây là các loại tài sản tương tự như các loại hàng hóa thông thường khác mà pháp luật không bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm (điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định 102/2017/NĐ-CP quy định thực hiện đăng ký biện pháp thế chấp tài sản là động sản khác khi có yêu cầu). Nếu các loại tài sản này yêu cầu bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm thì sẽ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại khoản 4 theo hướng thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản và tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản mới phải đăng ký giao dịch bảo đảm.
- Điều kiện cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam (Điều 40)
Điểm a khoản 1 Điều 40 Dự thảo quy định điều kiện để tổ chức, cá nhân được cho thuê khu vực biển khi “khu vực biển được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển và cấp Giấy chứng nhận mà còn thời hạn sử dụng từ đủ 12 tháng trở lên”.
Việc Dự thảo giới hạn thời hạn sử dụng khu vực biển từ đủ 12 tháng trở lên mới được phép cho thuê là chưa phù hợp, bởi vì điểm d khoản 4 Điều 46 Luật Thủy sản quy định tổ chức, cá nhân Việt Nam được Nhà nước giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có thu tiền sử dụng khu vực biển mà đã trả trước toàn bộ tiền sử dụng theo thời hạn giao thì được quyền cho thuê quyền sử dụng khu vực biển và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển trong thời hạn được giao và quy định này cũng không đặt điều kiện về thời hạn sử dụng còn lại của khu vực biển được giao. Mặt khác, việc giới hạn thời hạn sử dụng từ đủ 12 tháng trở lên mới được phép cho thuê sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển, trong khi mục tiêu quản lý nhà nước lại chưa đủ rõ ràng.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Dự thảo.
- Chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và quyền sở hữu tài sản gắn liền với khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản (Điều 43)
Theo quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP thì chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và quyền sở hữu tài sản gắn liền với khu vực biển được giao phải thực hiện các thủ tục:
- Lấy ý kiến cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển về việc chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với quyền sử dụng khu vực biển (Nghị định 11 không quy định về thủ tục này và cũng chưa rõ là thủ tục này được quy định tại văn bản nào)
- Thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư
- Sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển
Điều 41, Điều 43 Dự thảo quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển để thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản gồm các nội dung về:
- Điều kiện của bên nhận chuyển nhượng,
- Bên nhận chuyển nhượng được khai thác dự án nuôi trồng thủy sản sau khi được cấp lại giấy phép nuôi trồng thủy sản và quyết định giao khu vực biển;
- Thủ tục thực hiện cấp lại giấy phép nuôi trồng thủy sản; sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển thực hiện sau khi hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực
Việc Dự thảo quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển nhưng không có bất kì quy định nào liên kết với quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP về vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển khiến cho các quy định liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển để nuôi trồng thủy sản rất khó hình dung tất cả các thủ tục mà doanh nghiệp phải áp dụng.
Để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định về vấn đề chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển theo hướng:
- Có quy định dẫn chiếu quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP và Nghị định 26/2019/NĐ-CP để doanh nghiệp nhận biết phải thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau; các thủ tục tương ứng quy định cụ thể tại điều khoản nào tại hai Nghị định trên;
- Quy định về trình tự thủ tục cho ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về giao khu vực biển khi doanh nghiệp lấy ý kiến trước khi chuyển nhượng (vì Nghị định 11/2021/NĐ-CP không quy định về thủ tục này, trong khi đây là một thủ tục gắn với quá trình chuyển nhượng)
- Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thuê, nhận góp vốn, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao từ tổ chức, cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản (Điều 44)
Điều 44 Dự thảo quy định về điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thuê, nhận góp vốn, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao từ tổ chức, cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản cụ thể:
- (1) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản (khoản 2);
- (2) Được chấp thuận bằng văn bản của: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khu vực biển (khoản 3)
Quy định trên cần được cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
- Điều kiện (1): quy định nhà đầu tư nước ngoài là pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam là chưa phù hợp. Bởi, khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định “nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để thống nhất với Luật Đầu tư 2020;
Quy định “phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản” là chưa rõ ràng, vì không biết xác định thế nào là có năng lực tài chính hay không?
- Điều kiện (2): Đây là một dạng của thủ tục hành chính và không rõ được quy định ở đâu, Dự thảo cũng không có quy định về thủ tục này.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 Dự thảo thì “tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển được giao (sau đây gọi là Hợp đồng chuyển nhượng) cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng và được công chứng theo quy định”. Quy định này được hiểu, hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao và tài sản gắn liền với khu vực biển được giao chỉ cần hai bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng là hoàn thành.
Trong khi đó điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định việc chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với quyền sử dụng khu vực biển, thay đổi nhà đầu tư phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, chấp thuận, điều chỉnh theo quy định của pháp luật đầu tư.
Như vậy, quy định tại Dự thảo và Nghị định 11/2021/NĐ-CP đang chưa rõ ở các điểm:
- Việc các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến quy định tại khoản 3 Điều 44 Dự thảo là được thực hiện trước thời điểm thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư? Theo pháp luật về đầu tư, trong thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư đối với trường hợp phải xin lại chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan đăng ký đầu tư cũng phải xin ý kiến của các cơ quan có liên quan. Như vậy, việc cho ý kiến của các cơ quan có liên quan trong hoạt động chuyện nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển hoặc là trùng lặp hoặc là chưa rõ;
- Cách thiết kế quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 Dự thảo có thể dẫn đến việc lúng túng khi thực hiện, bởi vì việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển không chỉ đơn giản là ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà còn phải gắn liền với thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư. Do đó cần phải thiết kế để có sự kiên kết trong các hoạt động này để đảm bảo tính thống nhất và cách hiểu rõ ràng cho nhà đầu tư.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại các quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển theo hướng gắn kết với quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP và pháp luật về đầu tư để nhà đầu tư có thể hình dung được những bước phải thực hiện khi chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển.
- Cấp lại, thu hồi và trình tự, thủ tục khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận (Điều 49)
- Điểm d khoản 3 Điều 49 Dự thảo quy định phải cung cấp “Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc mất Giấy chứng nhận hoặc hư hỏng, mất do thiên tai, hỏa hoạn” trong hồ sơ khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp giấy này bị mất. Yêu cầu phải có tài liệu này là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, bởi vì Ủy ban nhân dân cấp xã cũng không có căn cứ nào để xác định giấy chứng nhận bị mất hoặc hư hỏng do thiên tai, địch họa ngoài lời khai của chủ thể có Giấy chứng nhận. Mặt khác, trong các thủ tục hành chính tương tự, cũng không yêu cầu bên thực hiện thủ tục phải cung cấp giấy xác nhận của chính quyền địa phương về việc mất giấy chứng nhận.
Do đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 49.
- Điểm c khoản 4 Điều 49 Dự thảo quy định thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký sẽ xem xét cấp lại Giấy chứng nhận cho trường hợp giấy chứng nhận bị mất, bị hỏng. Đây là khoảng thời gian quá dài để xem xét và cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp hồ sơ đơn giản, đề nghị Ban soạn thảo rút ngắn xuống còn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Một số góp ý khác
- Đối tượng áp dụng (Điều 1)
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “quyền của Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” tại điểm c khoản 2 Điều 1 Dự thảo, vì khoản 2 quy định về đối tượng áp dụng và nội dung trên là chưa phù hợp với quy định này.
- Giải thích từ ngữ (Điều 2)
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định tại khoản 1 về “thế chấp quyền sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản” để đảm bảo phù hợp với quy định về biện pháp thế chấp tài sản quy định tại Điều 317 Bộ luật dân sự 2014.
- Nguyên tắc đăng ký thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển (Điều 5)
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung “Các bên tham gia hợp đồng thế chấp phải tự chịu trách nhiệm đối với các nội dung thỏa thuận về giá trị tài sản bảo đảm …tài sản gắn liền với khu vực biển và nội dung khác mà các bên tự thỏa thuận theo quy định của pháp luật” tại khoản 1 Điều 5, vì không liên quan đến việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển. Đây là các nội dung về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng, sẽ thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng và các nguyên tắc của pháp luật dân sự.
- Nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân yêu cầu đăng ký (Điều 7)
Khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định về tổ chức, cá nhân yêu cầu đăng ký, trong đó gồm “người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân liên quan trong trường hợp tổ chức, cá nhân mất khả năng thanh toán cho người khác vay tài sản nhưng không thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc người đại diện hợp pháp của các chủ thể này”. Quy định này là chưa xác định rõ chủ thể thực hiện yêu cầu đăng ký, cụ thể: “người có thẩm quyền là người nào”, “tổ chức, cá nhân liên quan là ai?”, tổ chức mất khả năng thanh toán là có phải là doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản không? Thời điểm yêu cầu đăng ký là thời điểm mở thủ tục phá sản hay là trước đó?
Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.
- Đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống đăng ký trực tuyến (Điều 12)
Điều 11 Dự thảo quy định về các phương thức nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm trong đó có phương thức “qua hệ thống đăng ký trực tuyến”, tuy nhiên quy định về tiếp nhận hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm tại Điều 12 lại không thấy quy định về việc tiếp nhận hồ sơ qua hệ thống đăng ký trực tuyến sẽ được thực hiện như thế nào. Mặt khác, Dự thảo cũng không quy định rõ về trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục qua hệ thống đăng ký trực tuyến.
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất và rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo quy định về trình tự, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm qua hệ thống đăng ký trực tuyến.
- Các trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm (Điều 19)
Khoản 1 Điều 19 Dự thảo quy định về các căn cứ để tổ chức, cá nhân yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, trong đó có hai căn cứ có nội dung tương tự nhau quy định tại điểm d “xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm” và điểm i “cơ quan thi hành án dân sự hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ đã kê biên, xử lý xong tài sản bảo đảm”. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm I khoản 1 Điều 19.
- Đăng ký thế chấp trong trường hợp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển là tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình, cá nhân, tài sản của doanh nghiệp tư nhân; trường hợp thông tin về tài sản thế chấp trong hợp đồng thế chấp bao gồm quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển (Điều 22)
Khoản 1 Điều 22 Dự thảo quy định trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với khu vực biển là tài sản chung của vợ chồng, nhưng lại chưa quy định xử lý cho trường hợp tài sản gắn liền với khu vực biển là tài sản chung của vợ chồng mà quyết định giao khu vực biển chỉ ghi họ, tên một bên vợ hoặc chồng nhưng thông tin về bên thế chấp trong hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với khu vực biển chỉ có vợ hoặc chồng thì có được đăng ký hay không? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trường hợp này.
- Điều kiện được chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản (Điều 50)
Khoản 4 Điều 50 Dự thảo quy định trong trường hợp không có các văn bản quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 50 thì “phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nuôi trồng thủy sản xác nhận công trình đã hoàn thành xây dựng phù hợp với mục đích sử dụng khu vực biển”.
Đối chiếu với Nghị định 26/2019/NĐ-CP không thấy có quy định về cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nuôi trồng thủy sản xác nhận công trình đã hoàn thành xây dựng phù hợp với mục đích sử dụng khu vực biển và cũng không rõ loại giấy xác nhận này được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét vấn đề trên để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
- Xử lý quyền sử dụng khu vực biển đang cho thuê, đang thế chấp khi Nhà nước thu hồi khu vực biển (Điều 68)
Khoản 1 Điều 68 Dự thảo quy định khu vực biển đang cho thuê, đang thế chấp mà Nhà nước thu hồi theo quy định thì hợp đồng thuế chấp bằng khu vực biển bị chấm dứt. Đây là trường hợp hợp đồng bị chấm dứt trước thời hạn, bên cho thuê, bên thế chấp có thể bị phạt vi phạm hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê. Khoản tiền phạt vi phạm và/hoặc bồi thường thiệt hại này có được Nhà nước bồi thường không? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.
Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.