Ls.Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): “Một số vấn đề về chế định thời hiệu trong Bộ Luật Dân sự 2005”

Thứ Năm 08:34 14-03-2013

Bộ luật Dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14.6.2005, có hiệu lực từ 01.01.2006. Đây là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ về tài sản và quyền nhân thân nó có sự tác động tổng thể với các chủ thể trong quan hệ xã hội nhất là các doanh nghiệp.Sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này có nhiều ý nghĩa lớn nhắm khắc phục những quy định bất cập, những xung đột để phát huy hiệu quả sự định hướng và điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với tình hình đồi mới và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Trong phạm vi bài viết tác giả chỉ tập trung nghiên cứu chế định “Thời hạn” được quy định tại Chương VIII, Phần thứ nhất Bộ luật dân sự năm 2005, gồm 05 điều (từ điều 149 đến điều 153) và các quy định về “Thời hiệu” được quy định tại Chương IX, Phần thứ nhất Bộ luật dân sự năm 2005, gồm 09 điều (từ điều 154 đến điều 162).

            Về cơ bản, quy định thời hạn trong BLDS áp dụng trong thực tế ít gặp bất cập, vướng mắc  nhưng đối với các quy định về thời hiệu thì đã phát sinh khá nhiều bất cập, vướng mắc, mâu thuẫn với các văn bản khác cần phải xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Vấn đề thứ nhất : Cần quy định khoảng thời gian diễn ra liền nhau trong BLDS (1)

1-Quy định của pháp luật :

Điều 151. Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn

1. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:

a) Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;

b) Nửa năm là sáu tháng;

c) Một tháng là ba mươi ngày;

d) Nửa tháng là mười lăm ngày;

đ) Một tuần là bảy ngày;

e) Một ngày là hai mươi tư giờ;

g) Một giờ là sáu mươi phút;

h) Một phút là sáu mươi giây.

2-Nhận định :

Với quy định trên điều luật này chỉ quy định khoản thời hạn diễn ra chưa liền nhau chưa quy định trường hợp tính thời hạn đối với khoảng thời gian diễn ra liền nhau. Nếu luật không quy định và các bên cũng không có thỏa thuận thì rất dễ dẫn đến tranh chấp trên thực tế. Chẳng hạn các bên thỏa thuận cho vay thời hạn một tháng, ngày bắt đầu là 15/2, vậy ngày kết thúc sẽ là 15/3 hay 17/3 (vì tháng 2 chỉ có 28 ngày).

3-Kiến nghị :

Sửa đổi, bổ sung Điều 151 BLDS quy định bổ sung cách tính thời hạn đối với khoảng thời gian diễn ra liền nhau.

Vấn đề thứ hai : Cần quy định lại thời gian mà bên cho thuê nhà được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà (2)

1-Quy định của pháp luật :

Điều 498. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở

1. Bên cho thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên thuê có một trong các hành vi sau đây:

a) Không trả tiền thuê nhà liên tiếp trong ba tháng trở lên mà không có lý do chính đáng

2-Nhận định :

            Theo quy định trên thì quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà của bên cho thuê chỉ được chấp nhận khi Bên thuê vi phạm thời hạn 03 tháng liên tiếp. Theo định nghĩa 3 tháng “liên tiếp” được hiểu là một khoảng thời gian liên tục, không bị ngắt quãng, (ví dụ: ba tháng liên tiếp được hiểu là tháng 01, tháng 02 tháng 03). Nếu bên thuê không vi phạm liên tiếp mà họ chỉ vi phạm nghĩa vụ không liên tiếp (như tháng 1 vi phạm, đến tháng 5 vi phạm tiếp, tháng 7 tiếp tục vi phạm) thì Bên cho thuê nhà không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Hơn nữa, nếu để bên thuê nhà không trả tiền thuê nhà kéo dài trong thời hạn 03 tháng liên tiếp có thể dẫn đến việc chủ nhà đòi lại được tiền thuê nhà là rất khó nếu khoản tiền thuê nhà hàng tháng là số tiền không nhỏ. Vì tiền nhà một tháng không trả được huống chi để đến tận 03 tháng liên tiếp, trong khi đó, với khoản tiền này nếu cho người khác thuê thì chủ nhà đã thu được đầy đủ và phát huy được giá trị sử dụng của số tiền đó.

3-Kiến nghị :

            Sửa đổi, điểm a, khoản 1 Điều 498 BLDS theo hướng khi bên thuê nhà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền nhà thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ngay trong tháng đầu tiên, trừ trường hợp bên thuê có lý do chính đáng.

Vấn đề thứ ba : Bất cập thời điểm xác định quyền sở hữu tài sản là bất động sản

1-Quy định của pháp luật :

Điều 168. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản

Khoản 1. Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác

Điều 93. Trình tự, thủ tục trong giao dịch về nhà ở

Khoản 5- Bên mua, bên nhận tặng cho, bên đổi, bên được thừa kế nhà ở có trách nhiệm nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo trình tự quy định tại Điều 16 của Luật này, trừ trường hợp bên bán nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở hoặc các bên có thỏa thuận khác. Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng cho, bên thuê mua, bên nhận đổi nhà ở kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở giữa cá nhân với cá nhân hoặc đã giao nhận nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng đối với giao dịch về nhà ở mà một bên là tổ chức kinh doanh nhà ở hoặc từ thời điểm mở thừa kế trong trường hợp nhận thừa kế nhà ở

2-Nhận định :

            Đây là sự bất cập giữa Bộ Luật dân sự (hiệu lực thi hành 01/01/2006) và Luật nhà ở (hiệu lực thi hành 01/07/2006) khi xác định quyền sở hữu tài sản là bất động sản từ người bán sang người mua là khác nhau. Theo BLDS thì quyền sở hữu tài sản là bất động sản chuyển từ người bán sang người mua là thời điểm (công chứng, trước bạ và phải đăng bộ xong) còn theo quy định của Luật nhà ở thì quyền sở hữu tài sản là bất động sản chuyển từ người bán sang người mua là thời điểm (công chứng xong là xong)

            Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi xét tính hiệu lực của hai văn bản này phải xét đến các yêu tố cuối cùng mới xác định được (i) cấp độ văn bản đều là Luật như nhau (ii) xét tính chuyên ngành điều chỉnh thì BLDS điều chỉnh tài sản, còn Luật nhà ở điều chỉnh quan hệ mua bán nhà ở cũng giống nhau (iii) xét về thời điểm ban hành thì Luật nhà ở ban hành sau nên có hiệu lực thi hành.Một vấn đề được đặt ra, nếu BLDS sửa đổi bổ sung lần này không sửa đổi bổ sung giống theo quy định của Luật nhà ở thì BLDS có hiệu lực trở lại vì ban hành sau Luật nhà ở.

            Theo quan điểm của chúng tôi thì quy định của BLDS phù hợp hơn vì từng mốc thủ tục pháp lý xác lập quyền sở hữu tài sản bất động sản là hợp lý (mốc công chứng là thời điểm nhà nước thừa nhận sự chuyển dịch tài sản giữa bên bán đối với bên mua, thời điểm trước bạ là thời điểm nhà nước thừa nhận tài sản trên là của bên mua, thời điểm đăng bộ là thời điểm nhà nước công bố với mọi người tài sản trân là của bên mua)

3-Kiến nghị :

            Giữ nguyên nội dung quy định của khoản 1 Điều 168. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản, để buộc thủ tục xác định tài sản là bất động sản từ người bán chuyển sang người mua cần phải thực hiện đúng ba thủ tục (công chứng,trước bạ và đăng bộ)

Vấn đề thứ tư : Sự xung đột giữa quy định giữa BLDS và BLTTDS về thời hiệu khởi kiện

1-Quy định của pháp luật :

            Hiện nay quy định về một số thời hiệu trong BLDS đang có sự xung đột với BLTT DS mới sửa đổi bổ sung cần xem xét lại như sau :

Điều 427. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.

Điều 607. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm

Ðiều 136. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

Khoản 1- Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Ðiều 130 đến Ðiều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập.

Điều 159. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu

Khoản 3. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện nhưsau:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;

b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

2-Nhận định :

            Với các quy định của Điều 427, 607 và 136/BLDS cho chúng ta thấy thời điểm mà bên bị xâm phạm quyền lợi ích không phải là thời điểm mà bên bị xâm phạm biết mà thời gian phát hiện được biết mình bị xâm phạm có khi rất lâu nên thời hiệu quy định hai năm kể từ ngày quyền lợi ích bị xâm phạm là không phù hợp.Theo chúng tôi

Ðối với thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (2)

            Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Ðiều 130 đến Ðiều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập 

            Quy định này nếu áp dụng đối với giao dịch dân sự được xác lập do bị lừa dối là không hợp lý. Bởi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng thì một bên trong hợp đồng không phát hiện có dấu hiệu lừa dối. Chỉ khi quyền lợi của họ bị xâm phạm thì họ mới biết hành vi lừa dối của bên kia.

Đối với thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (2)

            Thời hiệu khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết yêu cầu Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.

            Thời hiệu hai năm là quá ngắn không đảm bảo cho chủ thể có quyền và lợi ích bị xâm phạm thực hiện quyền khởi kiện của mình. Hơn nữa, ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm là kể từ ngày nào? Việc tính thời hiệu khởi kiện kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm là không hợp lý, họ sẽ không thể khởi kiện được. Bởi nhiều trường hợp, người dân không thể biết được ngày nào quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và không phải sự vi phạm nào cũng dẫn đến thiệt hại ngay để người dân biết được quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị vi phạm. Chỉ đến khi có hậu quả xảy ra trên thực tiễn thì họ mới nhận biết được quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Do đó, nếu tính thời hiệu khởi kiện 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm là không đảm bảo quyền khởi kiện của người dân.

3-Kiến nghị :

            Việc quy định lại mốc thời gian BLDS cho phù hợp với quy định của BLTTDS là cần thiết để thống nhất sự điều chỉnh giữa luật nội dung với Luật hình thức. Theo chúng tôi cần quy định sửa đồi bổ sung như sau :

            (i) Sửa đổi Điều 136 – BLDS 2005 về thời hiệu khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo hướng: Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối là hai năm, kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

            (ii)- Cần sửa đổi Điều 607 BLDS như sau:“Thời hiệu khởi kiện nên được kéo dài là 5 năm. Đồng thời, thời hiệu nên được tính từ thời điểm phát sinh thiệt hại trên thực tế.

            (iii)- Tương tự với phân tích trên cần sửa đổi Điều 427 BLDS như sau:“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.”

Vấn đề thứ năm : Cần bổ sung thêm trường hợp tính vào thời hiệu khởi kiện đối với pháp nhân.

1-Quy định của pháp luật :

Điều 161. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình;

2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

3. Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

2-Nhận định :

            Những quy định trên của pháp luật mới dự liệu trường hợp cá nhân chứ chưa dự liệu đến các trường hợp bất trắc của một pháp nhân khi chưa có người đại diện pháp luật thay thế (do chết, do bị bắt, do tranh chấp giữa các thành viên về thay đồi người đai diện pháp luật cho pháp nhân...) nhưng pháp nhân chưa kịp hoặc không thể kịp thời bầu và làm thủ tục thay đổi người đại diện cho pháp nhân mà thời hiệu khởi kiện chỉ dừng lại có hai năm nên quy định sẽ gấy bất lợi cho trường hợp pháp nhân bị khiếm khuyết người đại diện pháp luật hoặc tranh chấp giữa các thành viên  

3-Kiến nghị :

            Theo chúng tôi cần quy định thêm trường hợp ở khoản 4 đó là " Chưa có người đại diện pháp luật của pháp nhân trong trường hợp người đai diện pháp luật của pháp nhân chết hoặc bị bắt hay có sự tranh chấp giữa các thành viên công ty về thay đổi người đại diện pháp luật của pháp nhân ".

Vấn đề thứ sáu :Nên kéo dài thời hiệu khởi kiện về thừa kế (1)

1-Quy định của pháp luật :             

Điều 645. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế

2-Nhận định :

Thời hạn này thực tế khó thực hiện bởi vì theo truyền thống của người Việt Nam, sau khi cha mẹ qua đời, người nào đang quản lý, trông coi, sử dụng di sản thì người đó tiếp tục thực hiện, anh chị em rất ngại đưa ra ngay vấn đề phân chia di sản.Song song đó một số người đồng thừa kế thì đang sinh sống ở nước ngoài nên  nhiều trường hợp khi đặt vấn đề chia di sản thừa kế thì đã hết thời hiệu 10 năm.

Để giải quyết thực tế này Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã thông qua Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP theo đó hướng dẫn không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong một số trường hợp.

Hướng dẫn này dẫn đến những khả năng sau:

+Khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì hết thời hiệu 10 năm, các bên sẽ gửi đơn yêu cầu chia tài sản chung và Tòa lại thụ lý vụ án. Điều này làm cho quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế trở nên không có ý nghĩa thực tế.

+Mặt khác, việc khởi kiện tranh chấp tài sản chung theo Nghị quyết 02/2004/NQ-HDTP nêu trên là rất khó khăn vì phải có đủ 02 điều kiện: (i) không tranh chấp về hàng thừa kế và (ii) thừa nhận là di sản chung chưa chia. Thực tế thì đa phần các vụ án đều có sự tranh chấp giữa các bên về hàng thừa kế và di sản nên không thỏa mãn hai điều kiện của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP. Do đó, Tòa án sẽ từ chối không thụ lý vụ án chia tài sản chung.

3-Kiến nghị

Nên sửa đổi bổ sung điều 645/BLDS theo hướng kéo dài thời hiệu này ít nhất khoảng 20 năm.

Vấn đề thứ bảy :Nên kéo dài thời hiệu từ chối nhận di sản (2)

1-Quy định của pháp luật :

Điều 642. Từ chối nhận di sản

Khoản 3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế

Điều 170. Căn cứ xác lập quyền sở hữu

Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:

Khoản 5. Được thừa kế tài sản;

2-Nhận định :

            Khoảng thời gian 6 tháng là quá ngắn để các đồng thừa kế thực hiện các quyền này và trường hợp thừa kế theo di chúc, nếu 01 năm sau đó những người thừa kế mới phát hiện ra là có di chúc và họ thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản nhưng muốn từ chối nhận di sản thì đã hết thời hiệu, như vậy rất bất cập. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 5 Điều 170 BLDS thì quyền sở hữu đối với tài sản cũng được xác lập do nhận thừa kế. Có nghĩa rằng trong trường hợp này, phần di sản thừa kế đã được xác lập sở hữu cho người được thừa kế và họ hoàn toàn có quyền tự do ý chí để định đoạt về khối tài sản này. Việc quy định người được hưởng di sản thừa kế phải từ chối nhận di sản trong thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế không những quá ngắn mà còn hạn chế quyền định đọat của người hưởng di sản thừa kế.

3-Kiến nghị :

            Nên sửa đổi bổ sung khoản 3 điều 642/BLDS theo hướng kéo dài thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế ít nhất là năm năm thì mới phù hợp.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nguồn tham khảo :

1-Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật dân sự Việt Nam số 02/BC-LĐLSVN ngày 04/02/2013 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

2-Những vấn đề bất cập trong Bộ luật Dân sự 2005 và những kiến nghị sửa đổi - Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

http://liendoanluatsu.org.vn/index.php/vi/van-ban/sua-doi-bo-sung-bo-luat-dan-su/1181-nhng-vn--bt-cp-trong-b-lut-dan-s-2005-va-nhng-kin-ngh-sa-i.html



Các văn bản liên quan