LS Thái Văn Chung-Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh: “ Vài ý kiến góp ý sửa đổi bộ luật dân sự năm 2005: Liên quan chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”

Thứ Năm 08:26 14-03-2013

Qua thực tiễn công tác Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy hình như nội dung điều 615 và một phần điều 623 có điều gì đó mâu thuẫn nhau và không phù hợp với thực tế giải quyết tại các Tòa án hiện nay. Xem tình huống cụ thể như sau

1 TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN VÀ QUÁ TRÌNH XÉT XỬ

1.1 Ngày 13/8/2008, tại quốc lộ 1A, ấp 4, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh đã xẩy ra vụ tai nạn giao thông giữ xe ô tô biển số 54Y -4326 của Công ty A do ông C điều khiển và xe mô tô số 54H1-8743 do B điều khiểu Hậu quả tai nạn làm cho B chết và Công ty A bị thiệt hại số tiền 127,417,161 đồng ( Một trăm hai mươi bảy triệu bốn trăm mười bảy ngàn một trăm sáu mươi mốt đồng )

1.2 Ông D là cha của B khởi kiện yêu cầu Công ty A bồi thường thiệt hại về tính mạng của ông Dũng cho gia đình ông là 63,000,000 đồng ( sáu mươi ba triệu đồng ), bao gồm tiền cấp cứu tại bệnh viện, tiền thuê xe chở quan tài về quê an táng, tiền mua huyệt mộ chôn cất, tiền tổn thất về tinh thần, tiền sửa xe máy bị hư hỏng.

1.3  Ngày 22/4/2010 Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh ra bản án số 23/2010/DS-ST Quyết định “ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D về việc yêu cầu công ty A bồi thường số tiền 63,000,000 đồng, bao gồm các khoản tiền nêu trên” Căn cứ vào điều 604 của Bộ luật dân sự năm 2005: “ về nguyên tắc chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây: Phải có thiệt hại xẩy ra; phải có hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xẩy ra và hành vi trái pháp luật; phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại”. Mặt khác, áp dụng điều 617 Bộ luật dân sự 2005 quy định “ Nếu thiệt hại xẩy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường” Trong vụ án này Công an huyện Bình Chánh đã có thông báo số 216/TB-CABC (ĐTTH) ngày 16/2/2009  với nội dung : Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 39 ngày 16/2/2009 với lý do : B là người điều khiển xe có lỗ hoàn toàn do dùng chất kích thích vượt quá ngưỡng cho phép và không làm chủ được tốc độ trong vụ việc “ Tai nạn giao thông”, xẩy ra lúc 11h ngày 13/8/2008 tại đường Quốc lộ 1A thuộc ấp 4, xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh”.

1.4 Ngày 06/05/2010 ông D có đơn kháng cáo tiếp tục yêu cầu Công ty A bồi thường số tiền 63,000,000 đồng.

1.5 Ngày 03/6/2010, Viện kiểm sát nhân dân thành phố có Quyết định kháng nghị số 525/QĐ/KNPT-P5 kháng nghị bản án sơ thẩm.

1.6 Ngày 21/9/2010 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra bản án phúc thẩm số 1085/2010/DSPT Quyết định: Chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố và một phần kháng cáo của ông D, buộc Công ty A phải bồi thường cho ông D số tiền thiệt hại tính mạng và tài sản là 59,477,841 đồng ( Năm mươi chín triệu bốn trăm bảy mươi bảy ngàn tám trăm bốn mươi mốt đồng ). Lý do là áp dụng các điều 604, 608, 610, 623 Bộ luật dân sự và Phần III Nghị Quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

2. BÌNH LUẬN

2.1 Khi xẩy ra tai nạn cả hai phương tiện : xe ô tô mang biển số 54Y-4326 và xe mô tô mang biển số 54H1-8743 đều là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2005 Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới” và quy định tại Khoản 18. Điều 3  Luật giao thông đường bộ năm 2008 “ Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”.


2.2 Căn cứ vào thông báo số 216/TB-CABC (ĐTTH) ngày 16/2/2009  với nội dung : Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 39 ngày 16/2/2009 với lý do : B là người điều khiển xe có lỗ hoàn toàn trong vụ việc “ Tai nạn giao thông”, xẩy ra lúc 11h ngày 13/8/2008 tại đường Quốc lộ 1A thuộc ấp 4, xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh”.

2.3 Áp dụng tiểu mục c mục 2 phần III Nghị Quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. để “Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra”:

Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi

Như vậy: Trong vụ án này B là người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ đã “có lỗi hoàn toàn” , vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, tự “gây ra” tai nạn. Hậu quả là bản thân bị thiệt mạng mà còn gây thiệt hại cho Công ty A số tiền là 67,939,320 đồng ( Sáu mươi bảy triệu chín trăm ba mươi chín ngàn ba trăm hai mươi đồng ). Tại thời điểm chết, B đã trên 18 tuổi, do vậy nếu ông B còn sống thì phải có nghĩa vụ bồi thường khoản tiền bị thiệt hại trên cho Công ty A. Vì ông B chết không để lại tài sản thừa kế nên không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trên.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng bản án số 1085/2010/DSPT ngày 21/09/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án và có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Tuy nhiên, cũng tình huống nói trên. Nếu áp dụng điều 615 thì đúng ra, không những Công ty A không phải bồi thường cho ông D mà thậm chí gia đình Ông D còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Công ty A do hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ của B gây ra ( nếu B có tài sản đề lại cho gia đình Ông D thừa kế theo quy định của pháp luật)

3. KIẾN NGHỊ:

Hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật giao thông ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ và các Bộ ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương đang nỗ lực ra sức tuyên truyền mọi cá nhân, tổ chức phải chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ để hạn chế tai nạn giao thông và góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa giao thông. Do vậy, nếu không sửa đổi quy định trên cho phù hợp mà cứ để cho Tòa án vận dụng một cách tùy tiện, không thống nhất, thì sẽ dẫn đến bản án không nghiêm minh, không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung cho mọi người trong xã hội, đồng thời tạo nên tâm dư luận không tốt và tâm lý lo lắng đến cả cộng đồng doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải hiện nay vì cách hành xử hiện nay là: Cứ có tai nạn xẩy ra là xe lớn đền cho xe nhỏ; ô tô đền cho xe máy, ông già đi lạy trẻ con và người đúng đi năn nỉ người sai bãi nại...vv

4. THAM KHẢO ĐIỀU LUẬT

Ðiều 615. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra

1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của họ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Ðiều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (việc góp ý này chỉ dừng lại ở nội dung bồi thường thiệt hại do xe cơ giới gây ra )

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, ( hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác ) do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Các văn bản liên quan