Ông Ngô Việt Hòa – Công ty luật Russin Vecchi: Bình luận về chế định hợp đồng trong BLDS

Thứ Sáu 15:48 01-03-2013

BÌNH LUẬN

(Đ/v Dự án sửa đổi Bộ Luật Dân Sự 2005)

Ngô Việt Hòa

Russin&Vecchi

A.          Xây dựng một chế định hợp đồng thống nhất

Phần hợp đồng của Bộ Luật Dân Sự (“BLDS”) nên được xây dựng theo hướng thay thế các quy định về hợp đồng của Luật Thương mại (“LTM”) hiện nay. Chúng tôi dựa trên các cơ sở sau để đưa ra kiến nghị này:

(i)          Các quy định về hợp đồng trong BLDS và LTM không có nhiều khác biệt. Bản thân ranh giới giữa hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự là không đủ rõ ràng để cần thiết phải có các quy định riêng đối với hợp đồng thương mại. Ví dụ, các quy định về hợp đồng mua bán tài sản của BLDS tương tự với các quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa của LTM, BLDS và LTM đều có quy định tương tự nhau về hợp đồng dịch vụ, các quy định về các biện pháp chế tài trong cả hai đạo luật không có khác biệt đáng kể.

(ii)       Việc song song tồn tại hai văn bản pháp luật cùng điều chỉnh chung về hợp đồng tạo ra sự phức tạp không cần thiết trong hệ thống pháp luật đồng thời gây khó khăn lớn cho việc áp dụng pháp luật;

(iii)     Một văn bản pháp luật quy định thống nhất về hợp đồng sẽ nâng cao tính minh bạch, ổn định đồng thời hạn chế các rủi ro pháp lý cho các giao dịch dân sự, thương mại. (Thực tế, ý tưởng xây dựng một luật riêng về hợp đồng đã được nhiều ý kiến đề cập trong thời gian qua, sửa đổi BLDS lần này nếu có định hướng thay thế các quy định liên quan đến hợp đồng của LTM sẽ đáp ứng được đòi hỏi này); và

(iv)     Về mặt vị trí trong hệ thống pháp luật, LTM nên là đạo luật quy định các quan hệ công (quan hệ về quản lý nhà nước) thay vì quy định cả quan hệ công và tư như hiện nay.

Để có một chế định hợp đồng thống nhất trong BLDS, về mặt kỹ thuật lập pháp có thể cân nhắc xử lý như sau:

(i)          BLDS bổ sung và kế thừa các quy định hợp lý về hợp đồng của LTM;

(ii)       Sửa đổi LTM theo hướng là đạo luật chỉ quy định về các vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại. (Thông tin thêm: hiện nay chúng tôi được biết Luật Quản Lý Ngoại Thương (“LQLNT”) đang được soạn thảo theo hướng quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động ngoại thương. Nếu chấp nhận từ bỏ phần hợp đồng của LTM, thay vì xây dựng LQLNT, nên xây dựng Luật Quản Lý Thương Mại để thay thế LTM hiện nay).

B.           Một số quy định cụ thể về phần hợp đồng

1.            Nên mạnh dạn sử dụng nhiều hơn nữa các thuật ngữ, khái niệm mang tính định tính

Phần hợp đồng BLDS sửa đổi nên mạnh dạn sử dụng nhiều hơn nữa các từ ngữ định tính trong trường hợp cần thiết và phù hợp. Các thuật ngữ này có thể kể đến bao gồm, “hợp lý”, “nỗ lực hợp lý”, “nỗ lực tối đa”, “lợi ích tối đa”, “lợi ích hợp lý”, “trung thực”, Việc sử dụng các từ ngữ này sẽ đảm bảo pháp luật được áp dụng một cách công bằng và linh hoạt hơn. Có ý kiến cho rằng việc sử dụng các từ ngữ định tính này có thể dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật của cơ quan giải quyết tranh chấp, và không phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay. Chúng tôi cho rằng ý kiến này chưa thuyết phục, bởi lẽ:

(i)          Một nguyên tắc quan trọng của pháp luật tố tụng dân sự là người yêu cầu có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình, hay nói cách khác việc chứng minh thế nào là hợp lý hay không hợp lý, trung thực hay không trung thực là việc của đương sự. Cơ quan giải quyết tranh chấp không thể tùy tiện bác bỏ hoặc chấp thuận mà không có lý lẽ thuyết phục.

(ii)       Các từ ngữ này, mặc dù mang tính định tính cao, nhưng hoàn toàn có thể giải thích và vận dụng được trong một bối cảnh, tranh chấp cụ thể; và

(iii)     Với việc sử dụng các từ ngữ nói trên, các bên, đặc biệt là bên có ý thức tôn trọng hợp đồng, có thêm cơ hội để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của mình.

2.            Quy định về chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán tài sản chưa hợp lý

Khoản 2 Điều 440 của BLDS quy định “2. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thoả thuận khác.”

Quy định như trên là không hợp lý vì trái với nguyên tắc đã được công nhận rộng rãi về chuyển giao rủi ro. Theo đó, bên có khả năng bảo quản, kiểm soát tài sản tốt hơn nên là bên chịu rủi ro đối với tài sản đó, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Bên chưa nhận tài sản, mặc dù đã đăng ký quyền sở hữu, không nên phải chịu các rủi ro đối với tài sản ngoài tầm kiểm soát, bảo quản của mình. BLDS nên sửa đổi điều này theo hướng trên.

3.            Bổ sung quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại

BLDS hiện hành chưa có quy định về nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết của bên bị vi phạm hợp đồng nhằm hạn chế thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng. Cụ thể, BLDS cần quy định bên bị vi phạm trong hợp đồng phải có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết một cách hợp lý để hạn chế thiết hại do hành vi vi phạm hợp đồng của bên khác. Trong trường hợp bên bị vi phạm không áp dụng các biện pháp hạn chế thiết hại, bên đó sẽ không được quyền yêu cầu bồi thường cho phần thiệt hại lẽ ra phải được ngăn chặn, hạn chế. Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại thể hiện tinh thần hợp tác trong thực hiện hợp đồng và cũng để bảo vệ một cách hợp lý quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng.

4.            Quy định cụ thể nghĩa vụ hợp tác trong việc thực hiện hợp đồng và hậu quả pháp lý

Hiện nay BLDS có quy định chung về “tinh thần hợp tác” trong việc thực hiện hợp đồng. Quy định này cần được cụ thể hóa theo hướng quy định nghĩa vụ hợp tác thực hiện hợp đồng của các bên. Trong trường hợp một bên không hợp tác để thực hiện hợp đồng, bên còn lại có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ hành vi bất hợp tác đó.

5.            Bổ sung quy định công nhận thỏa thuận về bồi thường định trước

BLDS hiện đang quy định về bồi thường thiệt hại hiện theo hướng bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng. BLDS chưa công nhận quyền thỏa thuận về mức bồi thường định trước của các bên trong hợp đồng. Để đảm bảo sự linh hoạt và tôn trọng tối đa quyền tự do thỏa thuận chính đáng của các bên, BLDS cần bổ sung quy định công nhận về thỏa thuận bồi thường định trước. Ngoài ra, quy định về bồi thường định trước có thể góp phần giảm gánh nặng tài chính cho các bên trong việc xác định thiệt hại, đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khi thiết kế quy định này cần đưa ra ngưỡng hợp lý về mức bồi thường định trước để đảm bảo các bên, đặc biệt là bên ở vị thế đàm phán tốt hơn trong hợp đồng, không lợi dụng quy định này để ngầm “sát phạt” bên còn lại. Một mức bồi thường định trước quá cao theo thỏa thuận trong hợp đồng cũng có thể dẫn đến một bên mong muốn đối tác của mình vi phạm hợp đồng nhằm hưởng lợi từ mức bồi thường định trước đó.

***

 v

Các văn bản liên quan