Ông Lê Đăng Tùng – VPLS Trường Giang: Góp ý tổng kết thi hành BLDS 2005

Thứ Sáu 15:54 01-03-2013

GÓP Ý KIẾN TỔNG KẾT THI HÀNH

BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005

(Luật sư. Thạc sĩ luật. Lê Đăng Tùng, Văn phòng luật sư Trường Giang-

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội)

Bộ luật Dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14.6.2005, có hiệu lực từ 01.01.2006. Trong hệ thống pháp luật nước ta, sau Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Dân sự giữ vị trí đặc biệt quan trọng, đây là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội là các giao lưu dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác.

Ra đời thay thế Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã phát huy vai trò to lớn, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới của đất nước, phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như phục vụ hội nhập quốc tế; Bộ luật Dân sự 2005 đã cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp 1992, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước ta trên tinh thần quán triệt các Nghị quyết của Đảng trong thời kỳ đổi mới đất nước. Các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 nhằm điều chỉnh chung các quan hệ xã hội trên cơ sở của nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể, hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính của nhà nước vào quan hệ dân sự, tôn trọng và phát huy sự tự thỏa thuận, tự quyết định của các chủ thể.

Tuy nhiên, qua thời gian dài thực hiện, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định như có các quy định không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; có những quy định không được cụ thể, rõ ràng, chưa tương thích với khu vực cũng như trên thế giới nhất là những quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chính vì những điều này, việc tổng kết tìm ra những hạn chế, không còn phù hợp để sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước ta đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Với 7 phần lớn, 777 điều luật, quy định những vấn đề chung lớn, đề cập tới các quan hệ xã hội là các giao lưu dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác, trong đó giao dịch dân sự là một trong những vấn đề rất quan trọng được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005:

1. ĐÁNH GIÁ QUY ĐỊNH VỀ GIAO DỊCH DÂN SỰ TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005

Giao dịch dân sự được quy định tại Phần thứ nhất- Những quy định chung, trong Chương VI, từ Điều 121 đến Điều 138- Bộ luật Dân sự năm 2005. Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 121). Như vậy có thể hiểu một giao dịch dân sự do các bên thiết lập hoặc đơn phương một hành vi pháp lý nhưng làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Nhưng khi nào thì một giao dịch dân sự được thiết lập và có hiệu lực (thời điểm), đây là mấu chốt rất quan trọng để xác định bắt đầu phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự.

Trong trường hợp hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định (Khoản 2- Điều 122). Trường hợp này thì thời điểm hoàn thành giao dịch tính từ khi nào nếu việc giao dịch giữa hai bên đã xong và sau đó có chứng thực giao dịch này khi điều kiện yêu cầu của pháp luật về hình thức giao dịch. Có mâu thuẫn gì giữa hai thời điểm và cần giải quyết ra sao?. Tương tự với giao dịch thông qua phương tiện điện tử cần xác định thời điểm được giao kết (Khoản 1- Điều 124). Điều này hiện nay trên thực tế có rất nhiều trường hợp xẩy ra và rất phức tạp nếu có tranh chấp.

(Điều 126) quy định về việc giải thích giao dịch dân sự cũng chưa được rõ ràng và dễ phát sinh rủi ro nếu ý đồ một bên không rõ ràng hoặc cố tình hiểu sai hoặc làm sai lệch, nhất là khi giao dịch không thành công và có tranh chấp xẩy ra. Bởi việc giải thích đều theo ý chí chủ quan của các bên và việc giải thích được quy định theo thứ tự là ý muốn, mục đích và tập quán.

Giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 127) và việc xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 137) là hết sức phức tạp bởi nó liên  quan tới không những các bên tham gia giao dịch mà nhiều chủ thể khác liên quan. Thậm chí có những giao dịch không thể khắc phục được mặc dù có những điều kiện nhất định như giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 134), trong những trường hợp này, nếu có tranh chấp hoặc một bên cố tình không thực hiện thì giao dịch sẽ không thành công và dẫn tới vô hiệu nên hậu quả sẽ rất phức tạp khi xử lý.

2. THỰC TIỄN ÁP DỤNG, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN VỀ GIAO DỊCH DÂN SỰ

Có thể nói, không thể phủ nhận vai trò to lớn của Bộ luật Dân sự năm 2005, đã tạo ra những quy định chung điều chỉnh các quan hệ xã hội trong giao lưu dân sự của các cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác như phần đầu đã nêu. Trong hệ thống pháp luật nước ta, sau Hiến pháp 1992, Bộ luật Dân sự năm 2005 giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Trong xã hội đã có rất nhiều các giao dịch dân sự thành công và đưa đến kết quả tốt góp phần phát triển kinh tế, xã hội đưa đất nước ngày một hùng cường trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Song qua quá trình thực hiện trong một thời gian dài, có nhiều điểm còn hạn chế, chưa rõ ràng, chưa phù hợp, chưa tương thích với thực tiễn cũng như phù hợp với quốc tế cần được sửa đổi, điều chỉnh để hệ thống pháp luật ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.

Như phần trên đã nêu, việc xác định thời điểm giao kết trong giao dịch dân sự là còn nhiều cách hiểu khác nhau, nhất là do ý đồ của một bên trong giao dịch hoặc thông qua các hình thức giao dịch khác nhau như đơn phương bằng phương tiện điện tử là một ví dụ (Điều 124).

Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 134), trong quy định này thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền có thể để cho các bên hoàn thành giao dịch phù hợp hình thức trong một thời gian nhất định, nhưng thực tiễn khó có thể thực hiện được khi giao dịch bị tranh chấp và ý đồ của một bên không muốn thực hiện giao dịch nên giao dịch này không thể thực hiện được. Việc giao dịch mua bán nhà là một ví dụ điển hình  khi hai bên giao dịch không tuân theo hình thức. Khi một bên yêu cầu Tòa án giải quyết và Tòa án buộc các bên thực hiện đúng giao dịch trong một thời gian nhất định phù hợp theo quy định của pháp luật song việc này là rất khó khi ý đồ của một bên không muốn hoàn thành giao dịch khi giá nhà có sự thay đổi lên, xuống hoặc vì một nguyên nhân nào khác …

Xử lý hậu quả pháp lý giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 137) quy định cũng còn nhiều vấn đề phải bàn khi giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Điều này khi giải quyết hậu quả thì giao dịch dân sự này đã được thực hiện một thời gian dài, thậm chí qua nhiều giao dịch khác mà việc khắc phục hậu quả là vô cùng khó khăn như ví dụ mua bán nhà nêu trên.

Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của tình hình kinh tế- xã hội trong nước cũng như khu vực và trên thế giới mà Bộ luật Dân sự 2005 chưa đáp ứng đầy đủ. Việc thực thi của các cơ quan có thẩm quyền nhất là hệ thống Tòa án nhiều khi còn cứng nhắc, giải quyết công việc chậm chễ, thiếu đồng bộ dẫn tới hậu quả pháp lý đi quá xa. Con người và cơ sở vật chất chưa được đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư một cách phù hợp.

3. KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT

Không thể phủ nhận vai trò to lớn của Bộ luật Dân sự năm 2005 sau Hiến pháp 1992 trong hệ thống pháp luật của nhà nước ta. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, luật pháp luôn phản ánh và điều chỉnh các quan hệ xã hội mà xã hội thì luôn vận động và phát triển nên sau một thời gian dài thực hiện, có nhiều quy định đã không còn phù hợp. Để ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Bộ luật Dân sự xứng đáng với vị trí, vai trò quan trọng, điều chỉnh các mối quan hệ chung trong xã hội giữa các cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác, chúng ta cần đầu tư một cách thỏa đáng cả về trí tuệ, thời gian và vật chất, thể hiện ở các khía cạnh cụ thể sau:

Một là, trên cơ sở phần khung những quy định của Bộ luật Dân sự 2005, chúng ta cần rà soát một cách chi tiết, cơ bản nhằm hoàn thiện các quy định phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và tương thích với luật pháp khu vực và trên thế giới. Cắt bỏ, cụ thể hóa các quy định không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay như quy định về tổ hợp tác là một trong những ví dụ…;

Hai là, cần có một đội ngũ chuyên gia, nhiệt huyết, am hiểu luật pháp nhất là pháp luật dân sự, đóng góp những ý kiến xác đáng, tâm huyết để xây dựng Bộ luật Dân sự mang tính trí tuệ, dễ đi vào cuộc sống, điều chỉnh một cách có hiệu quả các quan hệ xã hội, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân;

Ba là, vấn đề đầu tư tài chính, công sức và thời gian cũng rất quan trọng, phải có một nguồn tài chính thích hợp, thời gian đầy đủ và công sức đáp ứng cho việc xây dựng pháp luật. Trên cơ sở có nguồn nhân lực, lòng nhiệt huyết, thời gian sẵn sàng nhưng rất cần có một sự đầu tư phù hợp về tài chính để những tài năng, ý tưởng trở thành hiện thực, phát huy trên các quy phạm pháp luật, trở thành các quy định phù hợp, điều chỉnh, phục vụ cuộc sống đương đại;

Bốn là, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Bộ luật Dân sự nói riêng cần phải được chú trọng thường xuyên, liên tục và có hiệu quả để các sản phẩm pháp luật sớm đi vào cuộc sống, phát huy được thế mạnh phục vụ lại cuộc sống, góp phần phát triển đất nước. Việc tuyên truyền, phổ biên, giáo dục pháp luật vào cuộc sống và cuộc sống có sự phản biện, tiếp thu quy định góp phần hoàn thiện giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện sự nhịp nhàng trong hoạt động điều chỉnh;

Năm là, thường xuyên có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm nhằm đưa ra những bài học thực tiễn phản ánh rõ nét những quy định của Bộ luật Dân sự, những điểm chưa phù hợp giữa quy định trong luật nội dung và thực tiễn. Từ đó có đánh giá, xây dựng hoàn thiện hơn các quy định của Bộ luật Dân sự, làm cho lý luận uyển chuyển hơn, phong phú hơn, phù hợp hơn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và cũng từ việc hoàn thiện này làm căn cứ, quy định chặt chẽ hơn, soi đường cho thực tiễn ngày một sáng tỏ hơn, đưa đất nước ngày càng hùng cường sánh vai với các nước năm châu trên thế giới như lời Bác Hồ hằng mong ước khi sinh thời./.v

Các văn bản liên quan