Ông Võ Nhật Thăng – Trọng tài viên VIAC “Một số ý kiến về quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu trong BLDS, Luật thương mại và Bộ luật hàng hải”

Thứ Sáu 14:27 01-03-2013

         MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ QUY ĐỊNH  THỜI ĐIỂM CHUYỂN

              QUYỀN SỞ HỮU TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ, LUẬT

                    THƯƠNG MẠI VÀ BỘ LUẬT HÀNG HẢI

                                                               LS Võ Nhật Thăng

                                                              Trọng tài viên VIAC

                                                            

Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu theo luật pháp Việt Nam hiện nay được quy định tại Điều 248 Bộ luật dân sự, Điều 62 Luật thương mại và Điều 92 Bộ luật hàng hải.

1.     Điều 248 Bộ luật dân sự quy định:

“ Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.”

2.     Điều 62 Luật thương mại quy định:

Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao.”

3.     Điều 92.1 Bộ luật hàng hải quy định:

Người gửi hàng có quyền định đoạt hàng hóa cho đến khi hàng được trả cho người nhận hàng hợp pháp, nếu chưa chuyển giao quyền này cho người khác, có quyền yêu cầu dỡ hàng trước khi tàu bắt đầu chuyến đi, thay đổi người nhận hàng hoặc cảng trả hàng sau khi chuyến đi đã bắt đầu với điều kiện phải bồi thường mọi tổn thất và chi phí liên quan. Người vận chuyển chỉ có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu của người gửi hàng sau khi đã thu lại tòan bộ số vận đơn đã ký phát.”

      Như vậy 3 quy định về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu trong 3 nguồn luật trên đây của Việt Nam không đồng bộ và ăn khớp với nhau. Điều này có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi giải quyết tranh chấp về vấn đề này với các đối tác nước ngoài. Một thực trạng đáng báo động là hầu hết các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam cho đối tác nước ngoài đều không có điều khoản quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa từ người bán sang người mua. Một khi đã như vậy, theo quy định tại Điều  248 Bộ luật dân sự và Điều 62 Luật thương mại Việt Nam như trích dẫn trên đây, quyền sở hữu hàng hóa sẽ được chuyển giao khi giao hàng. Tuyệt đại bộ phận hàng xuất khẩu Việt Nam giao cho nước ngoài đều theo quy tắc FOB , do vậy khi hàng đã giao xuống tàu tại cảng Việt Nam do người mua chỉ định thì người bán phía Việt Nam chắc chắn là chưa thu được tiền bán hàng nhưng quyền sở hữu về hàng hóa đã chuyển. Ngay cả trường hợp giao hàng xuất khẩu theo quy tắc CIF thì quyền sở hữu của người bán phía Việt Nam cũng không khả quan hơn. Trong cả hai trường hợp nếu sau khi giao hàng mà hợp đồng mua bán thực hiện trôi chảy thì không sao nhưng nếu có tranh chấp hoặc xẩy ra tình trạng người mua  khó khăn về tài chính hay vỡ nợ thì vấn đề sẽ trở nên rắc rối, phức tạp và không ít trường hợp người bán của phía Việt Nam bị trắng tay. Tại phán quyết 100/DSPT ngày 7/4/2005  cả Tòa sơ thẩm và Phúc thẩm TP HCM đều xác định rằng một khi hàng đã xếp xuống tàu và vận đơn đã phát hành ( nhất là vận đơn đích danh) thì ngưới bán, mặc dầu còn nắm trong tay bản gốc vận đơn, không còn quyền định đoạt hàng hóa nữa và do đó không có quyền khởi kiện người vận tải kể cả khi hư hỏng mất hàng do người vận tải gây ra vì các quyền về sở hữu hàng góa và quyền khởi kiện đã chuyển sang người mua.

    Trong thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế, vấn đề chuyển quyền sở hữu hàng hóa là một vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm. Nó liên quan rất nhiều tới vấn đề xử lý rủi ro về hư hỏng mất mát hàng hóa, về quyền được bảo đảm thanh toán tiền bán hàng cũng như về quyền khởi kiện với người vận tải, hoặc quyền về định đoạt hàng hóa của bên bán khi bên mua lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính hoặc phá sản. Vấn đề này chủ yếu chỉ được quy định trong các luật quốc gia chứ ít khi được đề cập trong luật quốc tế. Bản thân Công ước của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 1980 ( Công ước Vien 1980) không đề cập tới vấn đề này và tập quán thương mại quốc tế phổ biến nhất là Incoterms của Phòng Thương mại Quốc tế ( ICC) ấn hành cũng để ngỏ về vấn đề chuyển quyền sở hữu hàng hóa. Theo luật mua bán hàng hóa của Anh 1979, nguyên tắc chung là rủi ro và quyền sở hữu chuyển cùng một lúc trong trường hợp bán hàng theo quy tắc FOB. Với hợp đồng CIF tình hình không phải như vậy vì người mua là người được bảo hiểm sau khi hàng đã giao và, với vận đơn cùng với giấy chứng nhận bảo hiểm trong tay mình, người mua có quyền khởi kiện  một khi rủi ro về hư hỏng mất mát hàng hóa thực tế đã chuyển sang họ sau khi người bán giao hàng. Với những lô hàng chưa được đặc định hóa thì trong mọi trường  hợp quyền sở hữu chỉ được chuyển khi hàng hóa đó đã được đặc định hóa để trở thành hàng của hợp đồng. Trong trường hợp hàng hóa đả được xác định cụ thể rõ ràng khi hai bên ký hợp đồng mua bán thì nguyên tắc chung là quyền sở hữu về hàng hóa sẽ chuyển như các quy định của hai bên  trong hợp đồng. Khi hợp đồng mua bán quy định thanh toán bằng tín dụng thư thì nguyên tắc chung là người mua sẽ chỉ ra lệnh cho ngân hàng mở thư tín dụng thanh toán cho người bán khi các chứng từ giao hàng mà họ đã nhận được từ ngân hàng phù hợp với quy định trong hợp đồng.

   Về phương diện chuyển quyền sở hữu hàng hóa theo hợp đồng mua bán, Điều 92 của Bộ luật hàng hải Việt Nam, bắt  nguồn từ luật Anh, quy định người gửi hàng ( tức người bán) có quyền định đoạt hàng hóa cho đến khi hàng được trả cho người nhận hàng hợp pháp nếu chưa chuyển giao ( not to be vested) quyền này cho người khác, người bán ( người gửi hàng) có quyền yêu cầu dỡ hàng trở lại trước khi tàu biển bắt đầu chuyến đi, thay đổi người nhận hàng hoặc cảng trả hàng sau khi chuyến đi đã bắt đầu… Trong chừng mực nào đấy quy định này trong Bộ luật hàng hải Việt Nam phù hợp với tinh thần và lời văn của Điều 85 Công ước Vien. Trong thương mại quốc tế người ta gọi quyền này cuả người bán là quyền Stoppage in transitu ( quyền của người bán, người gửi hàng tạm ngừng việc giao hàng cho người mua  đối với số hàng đang trên đường vận chuyển vì người mua chưa trả tiền hàng). Theo Mục 44 của Luật mua bán hàng hóa 1979 của Anh, quyền này là sự mở rộng quyền cầm giữ hàng nhưng thực chất nó không phải là một quyền cầm giữ hàng hải ( Maritime Lien)  vì người bán thực hiện quyền này sau khi các quyền về sở hữu hàng hóa đã rời khỏi tay họ và họ chỉ có thể thực hiện quyền này khi xẩy ra tình huống mới: người mua chưa chịu thanh toán tiền hàng, nghĩa là thời hạn thanh toán đã đến nhưng người mua không có khả năng trả tiền. Theo Luật Anh, người bán thực hiện quyền này theo cung cách như sau:

-         Người bán bằng biện pháp hữu hiêu nào đó dành lại quyền định đoạt hàng hoặc thông báo cho người vận chuyển ( hoặc người đang trông coi bảo quản hàng) yêu cầu  họ thực hiện quyền này của mình;

-         Thông báo trên có thể đưa trực tiếp cho người thực sự đang trông nom bảo quản hàng hóa hoặc người chủ sự ( Principal) đích thực có quyền ra quyết định về việc chuyển giao lại hàng;

-         Thông báo trên có thể không có hiệu lực trừ khi được trao vào thời điểm và hoàn cảnh để người chủ sự, với tinh thần và biện pháp khẩn trương hợp lý, có thể truyền đạt kịp thời cho đại lý, người làm công của mình có thể ngăn chặn được việc giao hàng cho người mua;

-         Khi người bán trao thông báo trên cho người vận chuyển hay đại lý hoặc người làm công của họ đang trông nom bảo quản lô hàng thì người vận chuyển phải giao lại hàng hóa đó cho người bán thoe yêu cầu và chỉ thị của họ với điều kiện người bán phải trả các chi phí liên quan phát sinh do việc giao trả lại hàng như vậy.

Theo luật Anh, khi thực hiện quyền nói trên người bán không có quyền hủy hợp đồng mua bán mà chỉ thực thi quyền này như là một biện pháp gây áp lực để buộc người mua phải thanh toán tiền hàng cho mình.

Từ thực tiễn hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế chúng tôi cho rằng cách quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa tại Điều 92 Bộ luật hàng hải Việt Nam là hợp lý hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Cách quy định như vậy bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.Từ đó chúng tôi kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi Điều 248 Bộ luật dân sự theo hướng quyền sở hữu chỉ được chuyển giao sau khi người được chuyển giao đã thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng.

     Trên cơ sở thực tiễn trên đây, chúng tôi cho rằng cần sửa đổi Điều 62 Luật thương mại theo hướng quyền sở hữu về hàng hóa quy định trong hợp đồng mua bán không chuyển sang Người mua chừng nào Người bán chưa chiết khấu được chứng từ giao hàng  và chưa nhận được đầy đủ tiền bán hàng, hoặc chưa nhận được cam kết của Người mua sẽ thanh toán tiền hàng cho Người bán.v

Các văn bản liên quan