Bà Lê Nga “Góp ý sửa đổi BLDS – tặng cho và thừa kế vốn góp, cổ phần”

Thứ Sáu 14:27 01-03-2013

GÓP Ý SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ-MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN  DOANH NGHIỆP

TẶNG CHO VÀ THỪA KẾ VỐN GÓP, CỔ PHẦN

Luật sư Lê Nga

Tặng cho và thừa kế là một trong những chế định quan trọng của Bộ luật dân sự 2005. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng, những quy định này đã bộc lộ 1 số thiếu sót, đặc biệt trong vấn đề điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

Do tài sản là vốn góp, cổ phần là loại tài sản đặc thù, nên việc tặng cho, thừa kế nó không chỉ là xác lập quyền sở hữu của người được tặng cho, thừa kế mà còn liên quan đến tổ chức và hoạt động của cả một doanh nghiệp, vì vậy cũng cần phải có những quy định đặc thù để điểu chỉnh việc tặng cho, thừa kế những loại tài sản này.

1. Thứ nhất, BLDS dành 6 điều (từ điều 465 đến điều 470) để quy định về hợp đồng tặng cho tài sản, trong đó quy định:

“Điều 465. Hợp đồng tặng cho tài sản

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.

“Điều 466. Tặng cho động sản  

Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”.

“Điều 467. Tặng cho bất động sản  

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”

Tuy nhiên, việc chỉ quy định chi tiết hợp đồng tặng cho động sản và bất động sản mà không quy định chi tiết về các loại tài sản khác là một thiếu sót, trong khi đó điều 163 BLDS quy định rất rõ ràng rằng:

“Điều 163. Tài sản

Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”

Do đó, cần thiết phải luật hóa và bổ sung các điều khoản liên quan đến việc tặng cho “giấy tờ có giá” như vốn góp, cổ phần trong BLDS cho phù hợp, bởi hoạt động này vẫn diễn ra thường xuyên và phổ biến trong quá trình tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong phần quy định về công ty cổ phần không có bất cứ dòng nào quy định về tặng cho hoặc thừa kế cổ phần do đó, quy định này trong BLDS cũng là cơ sở điều chỉnh các hoạt động tặng cho trong công ty cổ phần cho phù hợp.

2. Thứ hai, tại điều 45 Luật doanh nghiệp có quy định về việc xử lý phần vốn góp trong các trường hợp:

“5. Thành viên có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác.

Trường hợp người được tặng cho là người có cùng huyết thống đến thế hệ thứ ba thì họ đương nhiên là thành viên của công ty. Trường hợp người được tặng cho là người khác thì họ chỉ trở thành thành viên của công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận”.

Như vậy, điều khoản này chỉ cho phép người được tặng cho nếu có cùng huyết thống đến thế hệ thứ ba mới đương nhiên được là thành viên công ty mà không cho phép quan hệ hôn nhân (vợ chồng).

Cũng như thừa kế theo di chúc, tặng cho vốn góp cũng là ý chí chủ quan của người có tài sản, trong khi đó thừa kế (theo di chúc) thì đương nhiên trở thành thành viên mà không phụ thuộc vào có quan hệ huyết thống hay quan hệ hôn nhân hay không còn tặng cho thì không đương nhiên, nếu không thuộc quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời thì phải có sự đồng ý của Hội đồng thành viên. Trong trường hợp này nếu vợ/chồng tặng cho vốn góp cho nhau cũng không đương nhiên trở thành thành viên là không công bằng đối với người được tặng cho. Mặc dù có ý kiến cho rằng tài sản trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng do đó vốn góp của vợ/chồng cũng là vốn góp của người kia, nhưng khi xác định tư cách thành viên để thực hiện các quyền của thành viên trong công ty lại hoàn toàn không căn cứ vào quy định về tài sản chung này.

Do đó, BLDS hoặc Luật doanh nghiệp nên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo hướng quy định người được tặng cho đương nhiên là thành viên công ty TNHH nếu là vợ/chồng hoặc có quan hệ huyết thống đến thế hệ thứ ba.

3. Thứ ba, dù tại phần thứ bảy của BLDS có quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nhưng cũng như trong phần về hợp đồng tặng cho và thừa kế, không có quy định nào liên quan đến việc tặng cho, thừa kế tài sản là vốn góp, cổ phần của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp.

Theo cam kết WTO và quy định của pháp luật VN, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia góp vốn, thành lập doanh nghiệp tại VN có thể bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh đối với một số ngành nghề.

Vấn đề đặt ra là nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài  (đặc biệt là Việt kiều) được tặng cho, thừa kế vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp 100% vốn VN thì giải quyết như thế nào, bởi thực tế có những trường hợp tặng cho, thừa kế nhưng doanh nghiệp lại đang kinh doanh những ngành nghề hạn chế kinh doanh đối với người nước ngoài; doanh nghiệp thì không thể điều chỉnh bỏ các nghành nghề và tiến hành đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay vẫn thực hiện khi chuyển nhượng vốn, trong khi tổ chức, đặc biệt là cá nhân được tặng cho, thừa kế lại không muốn chuyển nhượng cho người khác.

Chính những vướng mắc trên đã dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không biết làm gì để ghi nhận tư cách thành viên/cổ đông của Việt kiều khi người này được thừa kế vốn góp/cổ phần của doanh nghiệp và đành phải để doanh nghiệp trong tình trạng lửng lơ.

Do đó, BLDS hoặc Luật Doanh nghiệp cũng phải làm rõ trong trường hợp nào thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho, thừa kế được tham gia với tư cách thành viên, cổ đông, trong trường hợp nào thì phải chuyển nhượng và cách thức chuyển nhượng, doanh nghiệp có phải đăng ký đầu tư theo Luật đầu tư hay không, bởi vì đang hoạt động bình thường mà yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký lại thì cũng là điều vô lý.

4. Thứ tư, BLDS quy định về quyền của người quản lý di sản như sau:

 “Điều 640. Quyền của người quản lý di sản

1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây:

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế…

Quá trình khai nhận di sản thừa kế thường kéo dài trong khi doanh nghiệp vẫn phải hoạt động bình thường, trong khi đó có những quyết định thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông nhưng chưa xác định được ai sẽ là thành viên/cổ đông mới được thừa kế nên có thể gây khó khăn cho việc triệu tập, tổ chức họp và thông qua các quyết định của công ty.

Do đó, nên chăng, trong khi chưa xác định được tư cách thành viên/cổ đông của những người thừa kế, nên làm rõ quy định về quyền của người quản lý di sản “Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế” là người quản lý di sản được quyền đại diện tham gia các cuộc họp Hội đồng thành viên/ Đại hội đồng cổ đông để quyết định các vấn đề của công ty trong phạm vi vốn góp/cổ phần trên cơ sở đồng thuận ý kiến của những người đồng thừa kế, nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, tránh tình trạng khi phát sinh vấn đề thừa kế vốn góp/cổ phần trong doanh nghiệp thì doanh nghiệp hầu như không thể tiến hành họp Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông và buộc phải dừng lại nhiều kế hoạch kinh doanh để chờ kết quả của việc khai nhận di sản thừa kế như hiện nay.v

Các văn bản liên quan