Góp ý của ĐBQH Võ Thị Hồng Thoại – Bạc Liêu đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:10 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Để góp phần hoàn thiện dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua, tôi xin có một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, tôi nhìn nhận vấn đề phòng, chống tham nhũng không chỉ ở Việt Nam mà nó đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới và ở các quốc gia trên thế giới và ở các quốc gia đó dân chúng cũng rất lên án tệ nạn tham nhũng, Đảng, Nhà nước, Bác Hồ của chúng ta sớm nhận định đánh giá tham nhũng tác hại không kém giặc ngoại xâm. Từ đó Đảng, Nhà nước ta đưa nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong các văn kiện của Đảng để Nhà nước cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật. Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội ban hành qua 6 năm thực hiện như Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp và ý kiến của nhiều đại biểu, luật đã bộc lộ những hạn chế trong thực tiễn.

Do đó, cũng như tính khả thi của luật chưa đạt được như mong muốn, tham khảo định nghĩa theo tổ chức minh bạch quốc tế tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc cố ý làm trái pháp luật để vụ lợi, vì lợi ích cá nhân. Thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời gian qua đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng tham nhũng, nhiều vụ việc cho chúng ta thấy định nghĩa trên là đúng.

Do đó, việc sửa đổi luật lần này nhằm luật hóa tinh thần nghị quyết Trung ương 5 của Đảng cần tập trung theo hướng chế định đủ và chặt chẽ hơn các điều, khoản để nhận biết về các hành vi tham nhũng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn về công khai, minh bạch tài sản, về trách nhiệm giải trình, về cơ chế giám sát đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của xã hội tại Chương VI có 4 điều thì tôi thấy rằng trách nhiệm của xã hội là chưa tương xứng, hơn nữa quy định này mang nặng trách nhiệm mà chưa thấy mở ra được sự huy động sức mạnh của xã hội để tham gia phòng chống tham nhũng, điều này sẽ là gánh nặng có thể làm hạn chế sự tiên phong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là chống tham nhũng.

Tôi thấy vấn đề này cần được quy định đậm nét hơn, tạo cơ hội để toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng như ý kiến đại biểu Nguyệt ở Vĩnh Phúc đã phân tích. Tôi đề nghị sửa đổi luật kỳ này nên đặt nhiệm vụ chống tham nhũng là chính vì trong tất cả các văn kiện của Đảng các chương trình kế hoạch công tác của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều đặt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong đó những nhiệm vụ trong quy định của các cấp pháp luật chuyên ngành đã quan tâm vấn đề này nhưng đây mang yếu tố phòng là chính, do đó tại luật này nhấn mạnh yếu tố chống là chính.

Thứ hai, tôi xin góp ý trao đổi một số điều cụ thể theo gợi ý của chủ tọa đoàn. Về phạm vi điều chỉnh tôi đồng ý luật này cần được sửa đổi toàn diện nhằm đảm bảo luật được Quốc hội ban hành có tính ổn định cao, hơn nữa tại phiên thảo luận hôm nay nhiều ý kiến của đại biểu nêu những nội dung khá sâu sắc. Do đó kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện dự án luật, vấn đề ở đây là có kịp thông qua tại kỳ họp này hay không. Hai, về đối tượng kê khai tài sản. Tôi đồng ý như dự thảo luật và nên rà soát đối tượng kê khai tài sản phù hợp với Khoản 2, Điều 1 phạm vi điều chỉnh của luật. Đồng thời cần quy định một khoản quy định các trường hợp không thuộc đối tượng kê khai tài sản nhưng không có nghĩa đối tượng đó bị phát hiện có dấu hiệu hành vi tham nhũng được miễn trừ.

Do đó luật này cần quy định bất cứ đối tượng nào dầu có kê khai tài sản hay không kê khai tài sản nếu có phát hiện được thì vẫn chịu sự điều chỉnh của luật này thì chắc chắn sẽ không bị lọt các đối tượng như chúng ta lo ngại cần phải mở rộng thêm đối tượng, tôi nghĩ không cần thiết.

Về công khai tài sản. Hình thức công khai Điều 12 Khoản 1 có đến 7 hình thức công khai nhưng theo tôi qua thực tế quy định nhiều nhưng thiếu tính khả thi. Tôi đề nghị chỉ cần hai hình thức công khai tài sản đó là công khai tại tổ chức cơ quan và nơi cư trú.

Quy định người có trách nhiệm quản lý tài sản trong bản khai tài sản, công khai khi có tổ chức, cá nhân yêu cầu thông tin đầy đủ về bản kê khai tài sản của đối tượng mà tổ chức, cá nhân có yêu cầu để phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng. Không nhất thiết phải công khai theo các quy định tại Khoản 2. Làm như thế thì không thể có khả thi và rất tốn kém, lãng phí, thậm chí khi người ta không cần thiết để kiểm tra, để xem thì cũng không cần.

Do đó, tôi đề nghị chỉ cần 2 hình thức: một là công khai nơi cư trú, hai là công khai tại cơ quan đơn vị. Nhưng giao trách nhiệm người quản lý và khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu thì được tạo điều kiện.

Vấn đề thứ hai là hành vi tham nhũng. Tôi đồng ý với nội dung luật, hai khoản cần nghiên cứu, bổ sung một số hành vi như ý kiến đại biểu Châu của Quảng Trị đề nghị, đồng thời có chế định từng hành vi cụ thể. Nếu không có chế định hành vi cụ thể thì chúng ta liệt kê như vậy thì cũng không thể đủ điều kiện để chúng ta áp dụng trong thực tiễn.

Tôi đề nghị chúng ta cần rà soát, giảm bớt các khoản giao Chính phủ mà cần luật hóa luôn để khi đảm bảo luật có hiệu lực thi hành thì sẽ thực hiện được.

Kính thưa Quốc hội, với yêu cầu luật được ban hành cần đảm bảo tính khả thi và ổn định đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng lập pháp của Quốc hội. Tôi kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc nếu việc soạn thảo hoàn chỉnh luật theo hướng sửa đổi toàn diện như tinh thần tờ trình của Chính phủ và ý kiến của tôi cũng như nhiều đại biểu đề nghị sửa toàn diện. Nếu đáp ứng được yêu cầu thì thông qua tại kỳ họp này còn nếu không thì sẽ xin thông qua tại Kỳ họp thứ 2. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan