VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục
Kính gửi: Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Trả lời Công văn số 4187/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 13/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp
Dự thảo quy định một số trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp như sau:
- Thực hiện một số hình thức triển khai hoạt động nhất định (Điều 6, Điều 9 Dự thảo);
- Bố trí giáo viên kiêm nhiệm triển khai công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp với cơ sở giáo dục phổ thông (Điều 7.1.a; Điều 10.1.a Dự thảo);
- Thành lập mới hoặc kiện toàn đơn vị thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp với cơ sở giáo dục đại học (Điều 7.2.a; Điều 10.2.a Dự thảo);
- Phối hợp với các đối tác để thực hiện hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm (Điều 7.1.d; Điều 7.2.d; Điều 10.1.d; Điều 10.2.d Dự thảo);
Các quy định này dường này chưa phù hợp với các trường tư thục, các cơ sở giáo dục khác được đầu tư bằng ngân sách ngoài nhà nước vì can thiệp trực tiếp vào việc tổ chức và thực hiện các hoạt động, tổ chức bộ máy của các đơn vị này, vốn được hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Điều 60.3 Luật Giáo dục. Việc này cũng có thể gây khó khăn cho các đơn vị trên khi tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm, chẳng hạn tổ chức các hình thức triển khai ngoài các hình thức tại Điều 6 Dự thảo, hoặc cơ sở giáo dục phổ thông có nhu cầu thành lập bộ phận riêng thực hiện công tác này… Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định theo hướng cho phép các cơ sở giáo dục ngoài công lập có quyền tự quyết định trong các hoạt động trên.
- Xã hội hóa công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp
Dự thảo đã có các quy định cho phép các cơ sở giáo dục được thực hiện xã hội hóa công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa rõ ràng, có thể gây khó khăn trong việc thực thi trên thực tế, cụ thể:
- Việc xã hội hóa công tác này được thực hiện theo cơ chế nào? Chẳng hạn, nếu cơ sở giáo dục sử dụng kinh phí từ nguồn chi thường xuyên (Điều 18.1 Dự thảo), thì có cần thực hiện theo pháp luật về đấu thầu không? Nếu một phần hoặc toàn bộ kinh phí thực hiện một hoặc một số hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm hoặc hỗ trợ khởi nghiệp được huy động từ nguồn vốn của đối tác hoặc các nhà tài trợ khác thì thực hiện theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT hay thực hiện theo quy định nào?
- Điều 7 và Điều 10 Dự thảo quy định các cơ sở giáo dục phối hợp với các đối tác đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không rõ các điều kiện này được quy định tại văn bản pháp luật nào?
Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định làm rõ các vấn đề trên.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.