VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về bán hàng đa cấp

Thứ Năm 15:16 14-01-2021

Kính gửi:  Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 8839/BCT-CT ngày 18/11/2020 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Bảo trợ quốc tế

Dự thảo đề xuất phương án cấm hoạt động bảo trợ quốc tế trong hoạt động bán hàng đa cấp. Quy định này là biện pháp can thiệp hành chính trực tiếp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Thường những can thiệp (như cấm, hạn chế…) như thế này phải là giải pháp lựa chọn cuối cùng khi không có giải pháp chính sách nào khác và phải cân nhắc rất kỹ nhiều yếu tố. Do vậy, để có cơ sở vững chắc cho phương án đề xuất này, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ thêm các nội dung sau:

Thứ nhất, bổ sung kinh nghiệm của các nước trong việc quản lý hoạt động bảo trợ quốc tế trong bán hàng đa cấp. Liệu giải pháp này đã phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế hay chưa?!

Thứ hai, làm rõ khả năng điều chỉnh của các quy định pháp luật hiện hành với các vấn đề đã được cơ quan soạn thảo liệt kê trong Báo cáo đánh giá tác động. Liệu với những quy định hiện hành: giải pháp tăng cường thực thi các quy định đã có hay điều chỉnh và sửa đổi quy định mới thì có đáp ứng được các mục tiêu quản lý đề ra hay không? Các quy định hiện hành bao gồm: 

  • Các quy định về thuế (Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản quy định chi tiết) liên quan đến vấn đề lẩn tránh và thất thu các khoản thuế;
  • Các quy định về quản lý ngoại tệ (Pháp lệnh quản lý ngoại hối và các văn bản quy định chi tiết) về vấn đề lẩn tránh khoản thu do chuyển tiền ra nước ngoài;
  • Các quy định về giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài (Bộ luật Tố tụng dân sự) liên quan đến các quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến doanh số phát sinh từ hoạt động bảo trợ nước ngoài;

 

  1. Người đại diện tại địa phương

Dự thảo bổ sung điều kiện, yêu cầu với người đại diện tại địa phương của doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký hoạt động tại địa phương. Lý giải cho việc này, cơ quan soạn thảo cho rằng có tình trạng người đại diện tại địa phương chỉ mang tính chất đối phó, không nắm được thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc lại tính cần thiết của quy định này. Đây là quy định can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp về tổ chức bộ máy, trong khi doanh nghiệp đã đủ điều kiện hoạt động và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Việc cung cấp thông tin có thể được giải quyết bằng cách bổ sung quy định về trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, trong đó có quy định về thời hạn doanh nghiệp hoặc người đại diện tại địa phương của doanh nghiệp phải cung cấp các thông tin mà cơ quan nhà nước yêu cầu. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải thiết lập một cơ chế phù hợp để đảm bảo cung cấp thông tin trong thời hạn quy định cho cơ quan nhà nước. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về việc đặt ra quy định này.

  1. Tỷ lệ hoa hồng tối thiểu từ kết quả bán hàng trên tổng lợi ích kinh tế

Điều 1.11 Dự thảo bổ sung quy định về tỷ lệ hoa hồng tối thiểu từ kết quả bán hàng trên tổng lợi ích kinh tế mà người tham gia được hưởng. Đây là quy định mới, cũng là một dạng quy định can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp và dự kiến có tác động lớn đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng chưa được thực hiện đánh giá tác động trong Báo cáo đánh giá tác động. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá tác động chính sách với quy định này, trong đó làm rõ các nội dung sau:

  • Cơ sở thực tiễn của việc quy định tỷ lệ hoa hồng tối thiểu từ kết quả bán hàng;
  • Cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế của tỷ lệ 20%;
  • Mối quan hệ giữa quy định về tỷ lệ hoa hồng từ kết quả bán hàng tối thiểu 20% và quy định về tổng trị giá lợi ích kinh tế trong một năm không quá 40% doanh thu bán hàng (Điều 48 Nghị định 40/2018/NĐ-CP);

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp . Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.