Góp ý của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa – TP Hồ Chí Minh đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:05 21-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi có tham khảo một tài liệu do Văn phòng Quốc hội cung cấp rất tốt tức là vai trò của các cơ quan lập pháp trong phòng, chống tham nhũng. Tôi có tham khảo ý kiến của một số đại biểu và có nghiên cứu của cá nhân.

Tôi đồng ý với ý kiến của nhiều đại biểu về việc thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội phù hợp với xu hướng của nhiều nước. Tôi đề nghị tên gọi của cơ quan này là Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng. Về tổ chức cơ cấu hoạt động của Ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng để thực hiện Nghị quyết 4,5,6 về phòng, chống tham nhũng tôi đề nghị thiết kế như sau.

Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng là cơ quan phòng, chống tham nhũng tối cao của đất nước trực thuộc cơ quan quyền lực cao nhất. Ủy ban này có quy chế đặc biệt không tương đương hay giống các ủy ban khác của Quốc hội, trực thuộc và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, có bộ máy hoạt động riêng trong đó có bộ phận điều tra riêng, cơ quan này trực thuộc Quốc hội nhưng không thuộc quyền chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên vẫn chịu sự giám sát và chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa và trong các kỳ họp cũng như của các ủy ban và các đại biểu của Quốc hội. Quốc hội bầu các chức danh chủ chốt của Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng gồm có Chủ tịch và một số Phó chủ tịch và các ủy viên. Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng gồm có một số đơn vị trực thuộc đảm trách các chức năng như phòng ngừa, điều tra, giám sát phối hợp, pháp chế.

Tôi đề nghị Quốc hội bầu đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam làm chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng. Tổng bí thư vừa là người phụ trách cao nhất công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, vừa có bộ máy tham mưu của Đảng là Ban nội chính, vừa có nhà nước để thực hiện chức năng phòng chống tham nhũng.

Việc Đảng trực tiếp lãnh đạo phòng, chống tham nhũng như vậy là chính danh và là hợp pháp. Các nhân sự của Ủy ban phòng, chống tham nhũng quốc gia nếu đang là cán bộ thuộc các cơ quan Đảng sẽ được Đảng điều động về Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng và được hợp thức hóa bằng Nghị quyết bổ nhiệm của Quốc hội. Ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng của Quốc hội độc lập với hành pháp và tư pháp, tuy nhiên không chia cách mà có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội với hành pháp, tư pháp, giữa đảng với nhà nước. Ủy ban này có thẩm quyền điều tra đặc biệt cả về nhà nước và về đảng. Đây là điều tra phòng, chống tham nhũng để quản lý cán bộ công chức không phải là điều tra vụ án hình sự. Điều tra xong bước đầu nếu xét thấy đủ yếu tố buộc tội thì chuyển qua cơ quan điều tra hình sự giải quyết tiếp hoặc chuyển thẳng qua Viện Kiểm sát truy tố nhưng có khi chỉ cần chuyển qua cơ quan hành pháp hoặc cơ quan tổ chức Đảng để xử lý. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra của Ủy ban có thể kết hợp với cơ quan điều tra của Bộ Công an ngay từ đầu hoặc khi cần thiết. Cần xử lý về Đảng thì cũng thuận lợi vì Tổng bí thư vừa đứng đầu cơ quan này, vừa phụ trách phòng, chống tham nhũng trong Đảng. Lưu ý đây là điều tra phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn đầu với những thẩm quyền đặc biệt, không phải hoặc không thay thế điều tra vụ án hình sự.

Việc điều tra có thể không dẫn đến vụ án hình sự mà chỉ cấp hoặc hạ chức, thuyên chuyển công tác thu hồi tài sản bất minh. Ngược lại trong quá trình điều tra, sau khi thu thập các chứng cứ ban đầu, có thể kết hợp hoặc chuyển thẳng qua cơ quan tư pháp, điều tra cuả Ủy ban phòng, chống tham nhũng quốc gia không phải và không thay thế điều tra truy tố hình sự, các cơ quan chính quyền các cấp, các bộ, ngành và Viện kiểm sát, Tòa án, công an hoàn toàn có đầy đủ pháp luật để thực thi công tác phòng, chống tham nhũng mà không nhất thiết phải tham gia vào Ủy ban này hoặc không nhất thiết đặt ra một Ban phòng, chống tham nhũng riêng cho tổ chức của mình.

Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng có những thẩm quyền điều tra do luật định và do Đảng định, những thẩm quyền này đối với cán bộ, công chức mà cơ quan điều tra Bộ Công an hay Viện kiểm sát thì không có được thẩm quyền đó. Ngược lại có một số quyền của cơ quan điều tra của công an và Viện kiểm sát mà cơ quan này không có, ví dụ bắt giam hay khám xét. Do đó, sự phối hợp giữa cơ quan của Quốc hội,với cơ quan tư pháp là rất cần thiết. Mô hình trên, theo tôi thấy.

Thứ nhất là phù hợp với Hiến pháp, ở Điểm 6, Điều 84 nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội quy định: Quốc hội được quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Quốc hội thành lập ra cơ quan này và quy định hoạt động của cơ quan này là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với Điều 4 của Hiến pháp là mọi tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, như thế cơ quan này vừa là cơ quan của Quốc hội, nhưng do Tổng Bí thư là đại biểu Quốc hội được bổ nhiệm đứng đầu và như thế chỉ đạo phối hợp giữa 2 bên.

Theo tôi không cần có một ban riêng của Đảng và một ban riêng của Quốc hội mà chỉ cần một ban được nhất thể hóa như tôi đề nghị. Cơ quan này phù hợp với chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, trong đó có giám sát hành pháp và tư pháp phù hợp với quan điểm Nhà nước của chúng ta như Các Mác đã nói: "nhà nước ta là cơ quan lập pháp nhưng cũng là một thực thể hành động" phù hợp với nghị quyết của Đảng, các nghị quyết Trung ương về phòng, chống tham nhũng, bảo đảm Đảng nắm vai trò trực tiếp lãnh đạo phòng, chống tham nhũng, nhất là thực hiện xu hướng nhất thể hóa tổ chức Đảng, Nhà nước như một số nước đã làm. Phù hợp với nhu cầu thực tế công tác phòng, chống tham nhũng đó là Đảng, Nhà nước cùng chống tham nhũng, có phân công, có chuyên trách, có phối hợp, có xóa bỏ những rào cản, những thủ tục do sự chia cắt mà ra. Phù hợp với xu hướng trên thế giới là Quốc hội trực tiếp đảm trách công tác phòng, chống tham nhũng hoặc cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập với hành pháp và tư pháp. Phù hợp với lòng dân, dân muốn Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, đồng thời cử tri cũng đề nghị thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội độc lập có thẩm quyền đặc biệt, tinh nhuệ, liêm khiết.

Như vậy, tôi nhất trí với ý kiến một số đại biểu lần này có thể chúng ta không cần sửa chữa nhiều, chỉ cần bỏ Điều 73 và sửa chữa Điều 88 trong Điều 88 quy định: việc thành lập Ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng hoạt động theo một đạo luật riêng về Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng. Theo tôi chúng ta có thể thông qua hoặc có một vài điều khoản gì đó cần phải sửa chữa và khẩn cấp thì chúng ta có thể sửa chữa. Sau đó thì sau khi ban hành Luật sửa đổi như vậy thì chúng ta sẽ tiến hành soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi toàn diện hơn mà soạn thảo Luật về Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể  ban hành một số nghị quyết về cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách cho Thanh tra Chính phủ, cho Viện kiểm sát và cho Công an. Tôi cũng sẵn sàng tham gia Ban soạn thảo Luật về Ủy ban về phòng, chống tham nhũng quốc gia nếu như được Quốc hội phân công. Tôi hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan