Góp ý của ĐBQH Chu Lé Chừ (Chu Lê Chinh) – Lai Châu đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:05 21-12-2012


Kính thưa chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), tôi cơ bản thống nhất với các nội dung của luật trình Quốc hội tại kỳ họp này. Tôi xin tham gia vào năm vấn đề cụ thể như sau.

Vấn đề thứ nhất, về sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh luật. Trong Báo cáo số 266 ngày 10-10-2012 của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 có nêu: Công tác phòng, chống tham nhũng không đạt được mục tiêu đề ra. Tham nhũng diễn ra nghiêm trọng với nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành gây bức xúc, bất bình trong xã hội tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước nhằm cụ thể hóa nghị quyết Trung ương 5 Khóa XI về phòng, chống tham nhũng, tôi nhất trí sự cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành.

Nội dung sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng được Chính phủ chuẩn bị khá công phu, tập trung vào những vấn đề còn nhiều hạn chế, bất cập như Ban Chỉ đạo phòng, chống tham những ở Trung ương, các cơ chế phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình với một số ý kiến trong Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đó là Chính phủ chưa tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng trong 6 năm qua. Tôi đề nghị Chính phủ cần có tổng kết, đánh giá để có thể sửa đổi luật một cách toàn diện, căn bản để Quốc hội có cơ sở thảo luận và xem xét quyết định trước khi thông qua. Vì đây là vấn đề lớn được xã hội rất quan tâm.

Về phạm vi điều chỉnh, tôi nhất trí chỉ sửa đổi những vấn đề cần thiết, đã rõ. Bởi vì chúng ta chưa tổng kết cho nên chưa đầy đủ các nội dung đưa vào.

Vấn đề thứ hai. Đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, Điều 48. Việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là cần thiết để kiểm soát tài sản, thu nhập, kịp thời phát hiện những dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, đối với ở nước ta hiện nay khi thực hiện các giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt thì vấn đề kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề rất khó khăn.

Để tránh hình thức và thực hiện kê khai tài sản, thu nhập một cách tràn lan, kém hiệu quả như vừa qua, tôi thống nhất với dự thảo luật tại Điều 48 quy định là khá chi tiết, cụ thể các đối tượng có chức vụ, quyền hạn và những người có vị trí dẫn đến có hành vi tham nhũng, có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là hợp lý.

Đề nghị bỏ Điểm k, Khoản 1 điều này vì không phải tất cả cán bộ Đảng viên đều ở vị trí có thể tham nhũng. Ví dụ, cán bộ công chức, viên chức là Đảng viên, nhưng họ chỉ làm việc rất bình thường, đó là công nhân phục vụ, đối tượng này không cần thiết phải kê khai tài sản thu nhập, nếu tất cả phải kê khai thì tôi cho rằng tràn lan và hình thức, như vừa qua chúng ta đã làm mà chỉ nên tập trung vào những đối tượng và lĩnh vực ngành mà có thể nhạy cảm và có khả năng tham nhũng qua tổng kết, đánh giá thực tiễn.

Vấn đề thứ ba, phát hiện tham nhũng qua hoạt động giám sát quy định tại Điều 76 của dự thảo luật. Tôi thấy điều này chưa có đại biểu Quốc hội nào tham gia. Điều 76 nêu: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua Hội đồng giám sát có trách nhiệm phát hiện hành vi tham nhũng yêu cầu hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật, quy định này chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa rõ tổ chức, cá nhân giải quyết xử lý trách nhiệm, chưa phản ánh hết các hình thức hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động như là hoạt động khảo sát gặp gỡ tiếp xúc cử tri, tiếp xúc với báo chí. Vì thực tế hiện nay các vụ tham nhũng chủ yếu do nhân dân và báo chí phát hiện là chính.

Do đó, tôi đề nghị Điều 76 sửa lại như sau: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua hoạt động giám sát khảo sát, gặp gỡ tiếp xúc cử tri, tiếp xúc báo chí có trách nhiệm phát hiện hành vi tham nhũng, chủ yếu hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật, hoạt động của các đại biểu Quốc hội không chỉ là hoạt động giám sát mà Nghị quyết 72 của Quốc hội về một số cải tiến về vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đã nêu rất rõ việc Quốc hội có thể tiếp xúc gặp gỡ với từng cử tri và qua khảo sát, qua báo chí cũng có thể phát hiện những hành vi tham nhũng. Tôi đề nghị phải thêm các hình thức hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, chứ không phải chỉ riêng hoạt động giám sát, như thế là rất khó mà hoạt động giám sát chủ yếu là tập trung làm về công tác tổ chức, đại diện cho các tổ chức ở một địa phương. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và bổ sung đầy đủ các hình thức hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Vấn đề thứ tư, về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban tư pháp đã nêu, Khoản 1, Điều 48 và Khoản 1, Điều 72 có sự mâu thuẫn, có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau, cụ thể tại Khoản 1, Điều 68 người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc truy tố trách nhiệm hình sự.

Tại Khoản 1, Điều 72 có ghi “thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng” như vậy người đứng đầu cơ quan càng tích cực thực hiện quy định tại Khoản 1, Điều 72 thì càng phải chịu nhiều trách nhiệm theo Khoản 1, Điều 48. Tôi đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc và tính toán làm sao diễn đạt cho dễ hiểu tránh sự mâu thuẫn giữa các điều quy định và trách nhiệm của người đứng đầu.

Để khắc phục mâu thuẫn và quy định chưa rõ có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau tại các khoản quy định nêu trên đồng thời làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, hạn chế việc bao che cấp dưới. Tôi đề nghị sửa Khoản 1, Điều 72 theo hướng như sau: “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm ngăn chặn và phòng ngừa hành vi tham nhũng”. Như vậy, khi người đứng đầu không thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, phòng ngừa mà để xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Vấn đề thứ năm, tôi nhất trí đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương phải thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XI và phải được ghi ngay trong Luật phòng, chống tham nhũng. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan