Góp ý của ĐBQH Nguyễn Văn Chiến – Bắc Ninh đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:04 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tham gia vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), theo gợi ý của Chủ tọa và Đoàn thư ký kỳ họp, tôi chỉ xin tập trung vào 2 nội dung.

Thứ nhất là về phạm vi sửa đổi dự án luật, Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực từ 01 tháng 06 năm 2006 và cũng đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một lần vào năm 2007. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta.

Sau hơn 6 năm thực hiện, Chính phủ, các cấp, các ngành đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước và trong từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực so với trước khi có Luật phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến quan trọng, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm đồng bộ, nhất là việc công khai minh bạch hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công trên một số lĩnh vực thì tham nhũng cũng đã được kiềm chế.

Những kết quả đạt được đó có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao hơn công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Đồng thời cũng khẳng định là Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn hiện hành về cơ bản là phù hợp và đang từng bước phát huy hiệu quả trên thực tiễn.

Tuy nhiên công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu mục tiêu ngăn chặn từng bước đẩy lùi tham nhũng, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi phức tạp diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành gây bất bình trong xã hội là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước. Nguyên nhân của tình hình trên do nhiều nguyên nhân trong đó có một nguyên nhân là nhiều quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản dưới luật khi triển khai thực hiện vào thực tiễn đã bộc lộ một số hạn chế. Như việc kê khai tài sản thu nhập và hình thức xử lý trách nhiệm của người đứng đầu còn vướng mắc, chưa nghiêm.

Việc chuyển đổi vị trí công tác thiếu tính khả thi, công khai minh bạch còn hình thức đối phó. Tôi tán thành việc cần thiết phải sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua năm 2005 nhằm thể chế hóa những chủ trương quan trọng của Đảng trong thời gian gần đây khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo tôi chỉ nên sửa đổi, bổ sung một số điều thực sự đang vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành luật vừa qua đã được khẳng định như Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng theo như kết luận của Hội nghị Trung ương 5.

Khi sửa đổi điều này nó đi liền việc chúng ta phải rà soát điều chỉnh xem xét lại quy định về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban nhân dân các cấp, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong quản lý phòng chống tham nhũng, trong điều hành phối hợp hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng.

Vấn đề quản lý công tác phòng, chống tham nhũng, bổ sung thêm một số lĩnh vực cần phải công khai minh bạch mà luật cũ của chúng ta chưa quy định như quản lý nhà nước về khoáng sản, về văn hóa thông tin, về truyền thông, về nông nghiệp và phát triển nông thôn để thực hiện chính sách an sinh xã hội, về chính sách dân tộc. Còn những vấn đề khác, trong đó có những vấn đề dự thảo lần này có đề cập sửa đổi nhưng chúng tôi thấy nội dung đã được quy định trong các nghị định của Chính phủ và chúng ta đang tổ chức thực hiện như nội dung về kê khai tài sản thu nhập, công khai bản kê khai tài sản thu nhập mặc dù trong luật không quy định công khai nhưng Nghị định 68 của Chính phủ đã quy định công khai tài sản thu nhập. Xác minh bản kê khai tài sản thu nhập ở đây có những giải pháp quan trọng nếu làm tốt sẽ góp phần tích cực vào góp phần chống tham nhũng.

Tuy nhiên, hiệu quả trong thời gian vừa qua của chúng ta còn hạn chế. Theo tôi những hạn chế đó có nhiều nguyên nhân trong đó có một nguyên nhân là có những nội dung chúng ta mới tổ chức thực hiện như nội dung công khai văn bản kê khai tài sản mới quy định trong Nghị định 68 có hiệu lực từ 30/09/2011 và còn nhiều ý kiến khác nhau ngay trong thảo luận ở kỳ họp này. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục chỉ đạo theo dõi, rút kinh nghiệm khi có đủ cơ sở khẳng định tính khả thi cũng như hiệu quả và sẽ bổ sung vào luật để thực hiện ổn định tránh phải sửa đổi luật nhiều lần.

Với quan điểm phòng ngừa là chính, là giải pháp chủ động để ngăn chặn các hành vi tham nhũng, cùng với việc sửa đổi việc phòng, chống tham nhũng cần phải tích cực rà soát hoàn thiện thể chế các chính sách pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ cơ chế xin cho, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong việc phòng chống hiện nay.

Quy định trách nhiệm của người đứng đầu hiện nay cũng chưa rõ ràng, nhất là cấp trưởng với cấp phó ở những nhiệm vụ được phân công, giữa cấp trên và cấp dưới.

Chúng ta phải tiếp tục nâng cao hiệu quả phê bình và tự phê bình, sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, trước hết là cán bộ ở Trung ương, ở cấp tỉnh, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Thu hồi triệt để tài sản nhà nước, tập thể, cá nhân, chiếm đoạt và thất thoát.

Về nội dung thứ hai, về phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, theo chúng tôi Điều 48 của dự thảo luật (sửa đổi) quy định cụ thể hơn một số đối tượng kê khai tài sản so với Luật 2005, nhưng về cơ bản không khác so với quy định trong Nghị định 37 và Nghị định 68 của Chính phủ đã ban hành và hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện trừ một đối tượng đó là cán bộ công chức, viên chức là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quy định tại Điểm k, Khoản 1 điều này.

Tôi cho rằng việc bổ sung đối tượng này trong luật là chưa thực sự cần thiết vì những Đảng viên, cán bộ công chức, viên chức có chức, có quyền người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thì đã có trong quy định hiện hành. Số còn lại đa phần là người làm công ăn lương không có nhiều tài sản, không cần thiết phải quy định họ kê khai tài sản để công bằng với những Đảng viên, cán bộ công chức, viên chức khác.

Mặt khác hạn chế lớn nhất của việc kê khai tài sản hiện nay không phải là số lượng về kê khai nhiều hay ít mà là ở việc xác minh để đảm bảo tính trung thực của việc kê khai còn ít. Do vậy, việc kê khai tài sản thu nhập còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Hạn chế này có nguyên nhân do chúng ta chưa có đủ các điều kiện và giải pháp để kiểm soát được  tài sản thu nhập của người giữ chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó Điều 53 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 giao cho Chính phủ trình Quốc hội đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thì đến nay Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị được nội dung này để trình Quốc hội. Đây mới là việc cần phải làm càng sớm, càng tốt để việc kê khai tài sản góp phần có hiệu quả về việc phòng, chống tham nhũng. Tôi hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan