Góp ý của ĐBQH Lê Đình Khanh – Hải Dương đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:03 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tham nhũng là một lực cản lớn đối với quá trình phát triển của nước ta cả trong trước mắt và lâu dài, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, muốn đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả thì phải có những giải pháp căn cơ và triệt bỏ tận gốc được những nguyên nhân gây ra nó. Những năm qua, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý để phòng ngừa tham nhũng, song công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế chưa được đồng bộ, chưa chặt chẽ đã tạo kẽ hở cho tham nhũng, nên công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và có xu hướng ngày càng phát sinh tinh vi, phức tạp gây bất bình trong xã hội, giảm lòng tin của nhân dân vào cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy theo tôi.

Thứ nhất, việc sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng là hết sức cần thiết và cấp bách, có thể làm theo quy trình rút gọn thông qua tại một kỳ họp và có thể ngay tại kỳ họp này.

Hai, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng thì bên cạnh việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Đảng không cần thiết phải đưa vào trong luật. Tôi đề nghị, bổ sung vào dự thảo luật việc thành lập Ủy ban phòng, chống tham nhũng hoặc cơ quan thanh tra chống tham nhũng của Quốc hội. Chúng ta không hy vọng cơ quan này làm được tất cả nhưng chỉ cần mỗi năm Quốc hội làm 2 - 3 vụ  lớn chắc chắn tính răn đe, ngăn chặn sẽ tốt hơn.

Ba, việc kê khai minh bạch tài sản của cán bộ công chức, viên chức, Đảng viên trong tương lai là hết sức cần thiết. Nhưng trong điều kiện cụ thể hiện nay ở Việt Nam, chúng ta đang thiếu công cụ, phương tiện cần thiết, vì vậy luật chỉ nên giới hạn ở những người giữ chức vụ, quyền hạn dễ nảy sinh tham nhũng và các con thành niên của họ, giúp cho việc quản lý, kiểm sát, giám sát được thuận lợi, tránh dàn trải, dễ mang tính hình thức và dẫn đến tình trạng lợi dụng việc yêu cầu, xác minh kê khai tài sản làm rối loạn trật tự xã hội. Về cơ bản "nếu mà xếp tham thì lính sẽ nhũng" và ngược lại "trên mà chính thì dưới sẽ liêm", nên chưa cần thiết phải kê khai đối với nhân viên, Đảng viên thường.

Bốn, về một số điều luật cụ thể, Điều 12 quy định 7 hình thức công khai nhưng thủ trưởng đơn vị được quyền chọn một hoặc một số hình thức công khai. Nên theo tôi đề nghị bỏ Điểm a và Điểm d ở Khoản 1, chỉ để 5 điểm, lý do bỏ Điểm a tôi xin phân tích ở phần sau. Còn bỏ Điểm d vì Điểm d quy định: thủ trưởng cơ quan có thể cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quy định như vậy dễ bị một số thủ trưởng, đơn vị lợi dụng để lách, trốn việc công khai, bởi vì hầu như rất ít cán bộ nhân viên dưới quyền dám yêu cầu thủ trưởng cung cấp thông tin về tài sản, tài chính về chi tiêu của cơ quan, đơn vị.

Điều 14, Điều 16 quy định một số việc phải được lấy ý kiến của nhân dân, đề nghị quy định rõ quy trình lấy ý kiến, phạm vi lấy ý kiến, nếu không sẽ dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau và có thể phát sinh khiếu kiện.

Điều 52, việc công khai bảng kê khai tài sản thu nhập, trong Khoản 1, tôi đề nghị bỏ hình thức công khai là công bố tại cuộc họp cơ quan vì vừa lãng phí thời gian, vừa không đảm bảo tính minh bạch và mâu thuẫn với quy định phải bảo đảm thời gian niêm yết công khai tối thiểu 30 ngày cũng đã được quy định trong điều này. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại Khoản 2, Điều 55 và Khoản 3, Điều 56 vì dự thảo luật quy định như vậy chưa rõ, thủ trưởng ra quyết định xác minh và giao cho cơ quan thanh tra nhà nước xác minh, ở đây thanh tra là thanh tra cùng cấp hay thanh tra cấp dưới và những sở, ngành hoặc đơn vị không có thanh tra nhà nước thì ai thực hiện.

Điều 67 cần làm rõ người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu tại các cơ quan đơn vị vì vị trí của những người tham nhũng không giống nhau, có khi là nhân viên, có khi là trưởng phó phòng, là phó giám đốc sở. Nếu người có hành vi tham nhũng là viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện hoặc giám đốc sở thì ai là người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới.

Điều 68, Khoản 5; Điều 93, 94 đề nghị bổ sung cơ quan kiểm tra Đảng vì nhiều điều khác trong luật đã có quy định cho cơ quan kiểm tra Đảng trong việc phòng, chống tham nhũng.

Điều 69, Điều 72 nên bỏ cụm từ nhà nước vì phòng, chống tham nhũng không chỉ ở cơ quan nhà nước mà còn phải thực hiện cả trong cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị xã hội khác. Điều 78, Khoản 2 đề nghị bỏ cụm từ khi có yêu cầu vì việc thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo là thể hiện sự trân trọng của cơ quan, tổ chức đối với họ, không nên để họ phải yêu cầu mới gửi.

Điều 83, Khoản 1 nên tách làm hai khoản và Khoản 2 mới bắt đầu từ: trong trường hợp bị kết án, tách ra như vậy để làm rõ ý là đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân khi có bản án quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật chứ không phải là quyết định kỷ luật hành chính, như vậy mới phù hợp với Luật tổ chức Quốc hội. Tại Khoản 2, Điều 83 tôi đề nghị bỏ cụm từ: "Có hành vi tham nhũng" hoặc dự thảo luật quy định người có chức vụ quyền hạn mà chủ động từ chức khi có hành vi tham nhũng thì được giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật hoặc hình sự. Việc này đã vô tình gợi ý cho đối tượng có ý định tham nhũng là cứ tham nhũng đi và sẽ thoát tội nếu xin từ chức khi đang tham nhũng. Trong dự thảo còn 9 điều giao cho Chính phủ quy định Ban soạn thảo nên rà soát để cố gắng quy định cụ thể những điều có thể quy định được ngay trong luật, hạn chế ở mức thấp nhất những điều, khoản phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Điều cuối cùng, tôi đề nghị đồng thời với việc sửa đổi ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, nâng cao thu nhập hợp pháp chính đáng cho người làm công ăn lương để việc thực thi pháp luật phòng chống tham nhũng được thuận lợi, hiệu lực và hiệu quả. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan