File đính kèm
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế GTGT đối với thiết bị, dụng cụ y tế
Kính gửi: Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 14881/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về nội dung của Dự thảo
Theo doanh nghiệp phản ánh, việc xác định thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho sản phẩm là trang thiết bị y tế đang gặp một số vướng mắc xuất phát từ quy định thiếu rõ ràng và chưa của Thông tư 219/2013/TT-BTC, Thông tư 26/2015/TT-BTC và việc áp dụng pháp luật của các cơ quan thực thi khá cứng nhắc (ví dụ: cùng một sản phẩm nhưng mang tên khác nhau do cách gọi của các địa phương khác nhau, quy định của pháp luật tên sản phẩm là “bông, gang, gạc”, cơ quan áp dụng không chấp nhận khi sản phẩm đó có tên là “gòn”; tên theo quy định là “săng mổ” vì vậy không chấp nhận tên gọi là “khăn phẫu thuật”, “drap”).
Những sửa đổi của Dự thảo đã sửa đổi tập trung vào những vướng mắc của doanh nghiệp, điều này thể hiện được tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, để những sửa đổi này thực sự giải quyết được những bất cập trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét vấn đề sau:
Dự thảo bỏ quy định các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác phải có “xác nhận của Bộ Y tế” là phù hợp và thống nhất với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 03/2020/NĐ-CP. Đồng thời, Dự thảo bổ sung việc dẫn chiếu tới “Danh mục trang thiết bị y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ Y tế và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có)” để xác định sản phẩm là dụng cụ, thiết bị y tế, sẽ tạo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng. Tuy nhiên, Danh mục này có số vấn đề sau: Chưa bao quát được hết các dụng cụ, thiết bị y tế trên thực tế. Ví dụ:
Mục 53 Danh mục quy định về “ống thông, ống dẫn lưu và các loại tương tự khác (ví dụ: dụng cụ mở đường vào mạch máu; bộ kít pool tiểu cầu và lọc bạch cầu; dây nối quả lọc máu rút nước; dây dẫn máu; dây thông dạ dày; ống thông cho ăn; dụng cụ lấy máu mẫu; dây nối dài bơm tiêm điện; ống dấn lưu, ống thông …)”. Việc Danh mục sử dụng dấu “…” mang hàm ý (suy đoán) là còn nhiều sản phẩm tương tư khác nữa chứ không chỉ giới hạn trong các sản phẩm được liệt kê. Nhưng khi thực tiện, cán bộ thực thi không chấp thuận các sản phẩm có tính chất tương tự nhưng không có trong phần liệt kê này (thực tế, cán bộ hải quan đã không chấp thuận các sản phẩm như “ống thông khí quản, airway đè lưỡi, ống nội khí quản, ống thông hậu môn, ống thông đường mật, ống thông ổ bụng …” là các sản phẩm tương tự thuộc mục 53 trong khi đây là các sản phẩm, thiết bị y tế có tính chất là “ống thông, ống dẫn lưu”).
Việc yêu cầu ban hành một Danh mục bao quát được hết hoặc quy định theo hướng liệt kê toàn bộ các thiết bị, dụng cụ y tế trên thực tế là không khả thi, bởi vì trang thiết bị y tế rất rộng lớn và thường xuyên cập nhật. Ngay bản thân Thông tư 14/2018/TT-BYT cũng đã dự liệu cho trường hợp này nên đã quy định “khi xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế đã được cấp số lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu theo quy định nhưng chưa có mã hàng trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này, việc khai báo hải quan thực hiện theo mô tả thực tế hàng hóa và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt nam” (khoản 3 Điều 2). Do đó, Dự thảo nếu chỉ dẫn chiếu tới Danh mục tại Thông tư 14/2018/TT-BYT nhưng không quy định rõ theo hướng: bao gồm các sản phẩm trong Danh mục nhưng có tên gọi khác hoặc không có tên trong Danh mục nhưng mục đích sử dụng tương tự trong nhóm cũng được xác định là trang thiết bị y tế, thì trong một số trường hợp vẫn phát sinh những vướng mắc kể trên.
Hiện nay, cơ chế quản lý đối với trang thiết bị y tế là đối với trang thiết bị y tế loại A sẽ phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, trang thiết bị y tế loại B, C, D phải đăng ký lưu hành. Như vậy, dựa vào Phiếu tiếp nhận công bố tiêu chuẩn và Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành là có thể xác định được sản phẩm là trang thiết bị y tế và đây cũng có thể là căn cứ để cơ quan hải quan xác định loại sản phẩm để xác định thuế suất.
Từ những phân tích trên, các doanh nghiệp đề nghị bổ sung vào quy định tại Điều 1 Dự thảo Thông tư theo hướng:
- “Thiết bị, dụng cụ y tế bao gồm máy móc …. theo Danh mục trang thiết bị y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ Y tế và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) (bao gồm các sản phẩm trong Danh mục nhưng có tên gọi khác hoặc không có tên trong Danh mục nhưng mục đích sử dụng tương tự trong nhóm)”
- Hoặc quy định: mức thuế suất thuế GTGT 5% được áp dụng cho các vật tư y tế có số phiếu tiếp nhận công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A hoặc có số giấy chứng nhận đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP và Nghị định 169/2018/NĐ-CP”.
- Về việc xây dựng Dự thảo
Hiện tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng đang được soạn thảo đồng thời với Dự thảo này, trong đó cả hai Dự thảo đều sửa về các quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC, Thông tư 26/2015/TT-BTC. Việc soạn thảo hai Dự thảo Thông tư cùng sửa đổi, bổ sung quy định có trong một Thông tư khiến cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ và sẽ khiến cho việc tra cứu của các đối tượng áp dụng gặp nhiều khó khăn.
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét gộp vấn đề soạn thảo này vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính). Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.