Góp ý của ĐBQH Đặng Đình Luyến – Khánh Hòa đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:01 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một số ý kiến về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Thứ nhất, về sự cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành. Tôi nhất trí cao sự cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành với lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Việc sửa đổi này để chúng ta khắc phục những hạn chế bất cập hiện nay trong việc phòng, chống tham nhũng, đồng thời việc sửa đổi lần này cũng nhằm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng. Chúng tôi tán thành với việc cần sửa đổi.

Thứ hai, về phạm vi sửa đổi luật. Dự thảo luật lần này Chính phủ trình Quốc hội với dự án Luật phòng, chống tham nhũng. Qua nghiên cứu dự thảo luật chúng ta thấy có nhiều vấn đề mới đưa vào đây. Có những quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành cần phải quy định rõ cụ thể hơn. Có những vấn đề còn mâu thuẫn hoặc có vấn đề cần bổ sung thêm trong luật này để làm sao tạo ra cơ chế phòng, chống tham nhũng tốt hơn, có hiệu quả hơn. Sáng nay đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã phân tích kỹ, tôi không nhắc lại nữa. Mặt khác Chính phủ chưa tổ chức tổng kết đánh giá một cách cơ bản toàn diện việc thực hiện việc phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, chính vì vậy, tôi đề nghị trong kỳ họp Quốc hội lần này Quốc hội chỉ nên sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thực sự bức xúc cần thiết phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay và sửa đổi này cũng để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5. Còn về những vấn đề khác chúng tôi đề nghị nên tiếp tục nghiên cứu để chúng ta sửa vào kỳ họp sau. Đề nghị phạm vi nên khoanh lại và chỉ sửa đổi những vấn đề thật sự cần thiết bức xúc và thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng.

Thứ ba, về đối tượng kê khai tài sản thu nhập quy định tại Điều 48 dự thảo luật. Điều 48 quy định khác cụ thể về những đối tượng kê khai tài sản thu nhập. Qua nghiên cứu về cơ bản chúng tôi tán thành với cách quy định trong dự thảo luật và chúng ta quy định một cách cụ thể chi tiết, rõ ràng những trường hợp những người kê khai tài sản thu nhập của mình, thể hiện một sự công khai minh bạch rõ và khắc phục được tình trạng vừa qua trong luật hiện hành chúng ta quy định chung chung. Cho nên khi thực hiện các nơi thực hiện không thống nhất, chúng tôi tán thành cách quy định như vậy. Đi vào từng đối tượng cụ thể, chúng tôi thấy dự thảo lần này quy định khá cụ thể nhưng có những trường hợp có nên quy định phải kê khai tài sản thu nhập không. Ví dụ trường hợp bác sỹ chính, nghiên cứu viên chính của các bệnh viện, viện nghiên cứu nhà nước, cán bộ công chức, viên chức là đảng viên nhưng không được giao những trọng trách quản lý và điều hành, có nên đưa những đối tượng này vào không.

Thực tế chúng tôi thấy rằng những đối tượng này không trực tiếp quản lý tài sản ngân sách nhà nước cho nên rất ít có cơ hội tham nhũng. Chúng tôi đề nghị trước mắt chưa nên đưa đối tượng như chúng tôi vừa nêu lên như bác sỹ chính, chuyên viên chính hoặc cán bộ công chức, viên chức là đảng viên nhưng không trực tiếp quản lý điều hành, tôi đề nghị chưa đưa vào diện kê khai và không đưa đối tượng này vào thì nó phù hợp với Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI là từng bước chúng ta mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai, kết luận kết quả kê khai tài sản thu nhập của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, chúng ta từng bước tiến hành mở rộng và hạn chế như thế này để đảm bảo tính khả thi của quy định pháp luật.

Vấn đề thứ tư, về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản. Chúng tôi tán thành tại Điều 53 dự thảo luật đã bổ sung thêm quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của mình. Quy định này sẽ giúp cho việc chúng ta xác minh làm rõ tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Nhưng tôi thấy rằng, đây chỉ là một trường hợp để chúng ta xác minh làm rõ phần tăng thêm tài sản thì việc xác minh làm rõ phần tài sản tăng thêm còn có những trường hợp khác. Ví dụ như phần điều tra hay việc xác minh tìm hiểu nguồn gốc tài sản tăng thêm qua các cơ quan tổ chức mà nơi người đó công tác chẳng hạn hoặc qua người thân hoặc qua các thông tin phát giác của nhân dân hoặc qua bạn bè, v.v.,

Tôi đề nghị cần nghiên cứu để chúng ta quy định một cách tổng thể hơn để tạo điều kiện cho việc khi chúng ta tiến hành cần thiết để xác minh lại, làm rõ phần tài sản tăng thêm thì nó có các biện pháp như giải trình của người có nghĩa vụ kê khai, việc điều tra, xác minh, v.v., thì chúng ta cần quy định rõ.

Đồng thời cũng quy định rõ về trình tự, điều kiện để xác minh tài sản này.

Vấn đề thứ năm, về việc xác minh tài sản, thu nhập. Tại Điều 54, Điều 55, Điều 56 của dự thảo luật có quy định cụ thể về các trường hợp cần xác minh, thẩm quyền yêu cầu xác minh và thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ cần kê khai tài sản.

Về cơ bản tôi tán thành với cách quy định cụ thể trong dự thảo luật là để chúng ta xác minh tài sản, thu nhập, làm rõ nguồn gốc của tài sản, thu nhập, đánh giá, kết luật về tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và làm minh bạch, công khai tài sản, thu nhập một cách hợp pháp và cũng như tán thành những nghĩa vụ, nội dung trong này. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cần cân nhắc một số vấn đề sau.

Thứ nhất, tại Điểm b Khoản 2 Điều 54 của dự thảo luật quy định khi có tố cáo hoặc phản ánh về tài sản thu nhập, về sự không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thì sẽ tiến hành xác minh.

Tại Điểm c Khoản 2 Điều 54 cũng quy định khi thấy cần có thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm thì cũng tiến hành xác minh tài sản. Chúng tôi thấy quy định này quá chung chung và quá rộng và khó có tính khả thi. Bởi vì theo quy định này thì bất kỳ có một tố cáo, hoặc phản ánh hoặc cần cung cấp thông tin chúng ta phải tiến hành thì e rằng tính khả thi của quy định này không cao.

Chúng tôi đề nghị cần phải quy định chặt chẽ hơn trong trường hợp nào có tố cáo, có phản ánh thì chúng ta xác minh hoặc trình tự, thủ tục, thẩm quyền như thế nào chúng tôi đề nghị cần quy định rõ.

Một vấn đề nữa là về tố cáo và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng thì dự thảo luật dành Mục 3, Chương III, 5 điều quy định từ Điều 17 đến Điều 81 quy định về vấn đề tố cáo hành vi tham nhũng, chúng tôi thấy vừa qua chúng ta ban hành Luật tố cáo thì trong Luật tố cáo quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục tố cáo cũng như giải quyết tố cáo thì cũng đề nghị cân nhắc không đưa quy định mục này trong dự án luật này và chúng ta áp dụng theo Luật tố cáo. Chúng tôi xin phép có một số ý kiến như vậy, xin cám ơn.

Các văn bản liên quan