Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thế Tuy – Lạng Sơn đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Sáu 14:01 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng như tờ trình của Chính phủ đã trình Quốc hội. Theo gợi ý của Chủ tọa, tôi xin tham gia một số ý kiến sau.

Nghiên cứu Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), tôi thấy phần phòng tham nhũng thì đề cập các nội dung tương đối đầy đủ, nhưng phần chống tham nhũng thì vẫn còn mỏng. Tôi đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến nội dung chống tham nhũng. Vì tham nhũng bây giờ đã đến độ phức tạp và bức xúc mà như nhận định nó đã thách thức sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và cũng như đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước là thách thức cả đối với nhân dân.

Phòng, chống tham nhũng phải thể hiện đúng quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ và mong đợi của nhân dân để khi nghiên cứu học tập Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) những người lương thiện mới yên tâm tin tưởng vào đường lối pháp luật của Đảng, Nhà nước. Những người có ý đồ tham nhũng cũng phải đắn đo lo sợ, tất nhiên trừ những kẻ ngoan cố, thấy rằng không riêng mình có tội mà còn liên lụy đến cả người thân, con cháu sau này. Đặc điểm tham nhũng ở nước ta có đặc thù riêng cứ ai tiếp xúc với tiền, hàng là mang nảy sinh tư tưởng tham nhũng. Có vụ thì đông người để thông đồng với nhau, có vụ thì một người âm thầm thực hiện. Qua các vụ việc xảy ra tôi thấy có nguyên nhân cơ bản là việc quản lý cán bộ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu tổ chức cơ quan, đơn vị còn lỏng lẻo. Tôi đề nghị hết sức quan tâm đến nội dung này.

Thứ hai, xử lý các hành vi tham nhũng ở nước ta cũng nhẹ hơn, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng mà tham nhũng gây ra là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tôi lấy hai ví dụ để minh chứng:

Một, một cán bộ kế toán ở một ngành của một huyện giả mạo chứ ký của giám đốc, giả mạo giấy tờ mỗi năm tham ô gần 300 triệu đồng, đến năm thứ ba mới phát hiện và cũng đã tham ô gần 1 tỷ đồng liên tục trong 3 năm mà cơ quan không biết, thủ trưởng cơ quan không biết, cả ngành quản lý giám sát là kho bạc cũng không biết.

Một đoàn thể ở tỉnh, kế toán thông đồng với thủ quỹ để ngoài sổ sách tiền đóng góp giúp đỡ của đồng bào thiên tai, bão lụt và tham ô gần 2 tỷ đồng cũng sau 2 năm mới bị phát hiện. Đây là những vụ việc ở địa phương rất bức xúc và diễn ra nhiều năm nhưng cũng không được sự quan tâm của thủ trưởng cơ quan và đơn vị.

Trong luật tôi cũng chưa thấy thể hiện được sức mạnh của cơ quan phòng chống tham nhũng, tôi đề nghị cần có một cơ quan độc lập của Quốc hội để giúp Ban chỉ đạo của Bộ chính trị, giúp Quốc hội về phòng, chống tham nhũng. Đảng, Chính phủ đã có kinh nghiệm lãnh đạo thành công chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm khi nước nhà mới được độc lập, ở đó lực lượng nòng cốt chống các loại giặc này là rất mạnh. Tôi tham gia một số ý kiến về các điều luật cụ thể:

Điều 4, Khoản 2 có ghi “người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật” tôi đề nghị bổ sung như sau: “người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị chức vụ nào phải bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất theo quy định của pháp luật. Người có chức vụ càng cao thì phải tăng nặng hình phạt. Các hành vi tham ô, tham nhũng liên quan đến thực hiện chế độ chính sách xã hội đóng góp nhân đạo, từ thiện thì phải tăng nặng hình phạt”.

Điều 67, Khoản 1 có ghi “người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ” tôi đề nghị bổ sung và sửa đổi như sau: “người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị phải bị cách chức về việc để xảy ra hành vi tham nhũng người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ”. Vấn đề này tôi thấy đã là người dưới quyền trực tiếp của mình mà để xảy ra tham nhũng thì người thủ trưởng đó cũng cần phải bị cách chức nếu ta chưa nói đến nếu có văn hóa từ chức thì cũng xin đề nghị từ chức trước khi cách chức, còn nếu chịu quy định trước pháp luật thì cũng chưa mạnh.

Tương tự như vậy Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 cũng được sửa như Khoản 1. Có như vậy người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới ý thức hết trách nhiệm, nhiệm vụ của mình và mới răn đe người khác, vì chống có hiệu quả là giải pháp tốt nhất để phòng có hiệu quả.

Điều 48 nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập, Điều 52, công khai bản kê khai tài sản thu nhập. Tôi đồng tình quan điểm của đại biểu Phạm Đức Châu, tôi không phân tích lại nữa. Trên đây là một số ý kiến tham gia của tôi. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan