Góp ý của ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường – Quảng Bình đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi

Thứ Tư 09:28 19-12-2012


Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ trong thời gian ngắn đã nỗ lực xây dựng Dự thảo luật sửa đổi. Tại kỳ họp này Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) thay thế cho luật năm 2005 với phạm vi sửa đổi toàn diện tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng. Qua nghiên cứu phạm vi sửa đổi và chất lượng sửa đổi tôi xin đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét về khả năng Quốc hội có thể thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) một cách toàn diện ngay tại kỳ họp này hay không với 6 lý do sau đây:

Lý do thứ nhất, phạm vi sửa đổi như trong dự thảo chưa phải là sửa đổi toàn diện, nhiều vấn đề liên quan đến dự án luật còn bỏ ngỏ chưa được nghiên cứu, như việc có cần phải mở rộng khái niệm tham nhũng sang cả khu vực tư hay không? Có cần thành lập cơ quan điều tra độc lập để điều tra tội phạm tham nhũng hay không? Có nên cho phép áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội tham nhũng hay không? Có xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra kiểm toán trong việc thanh tra kiểm toán không phát hiện vi phạm nhưng sau đó cơ quan điều tra lại phát hiện tội phạm và khởi tố vụ án hay không? v.v…

Lý do thứ hai, một số quy định hiện hành của luật hiện hành đã bộc lộ bất cập nhưng chưa được nghiên cứu sửa đổi một cách cơ bản trong dự thảo. Như hành vi tham nhũng của Luật Phòng chống tham nhũng và quy định của Bộ luật Hình sự về tội tham nhũng không thống nhất dẫn đến khó khăn trong giáo dục pháp luật. Việc chuyển đổi vị trí công tác để phòng chống tham nhũng, việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức để xảy ra tham nhũng, việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc cũng là những vấn đề rất bất cập nhưng cũng chưa được sửa đổi trong dự thảo.

Lý do thứ ba, những vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong dự án luật thì chất lượng còn hạn chế. Chỉ riêng đối với các quy định về minh bạch tài sản, các quy định của dự thảo đã thể hiện các hạn chế ở 5 nhóm vấn đề như sau:

Nhóm vấn đề thứ nhất, nhiều quy định của dự thảo còn sơ hở dễ bị lạm dụng. Chúng tôi nói ví dụ như Điều 57 quy định về việc giải trình kê khai tài sản đã hợp lý thì không cần xác minh. Tuy nhiên luật lại không quy định thế nào là hợp lý và ai sẽ là người quyết định tính hợp lý hay chỉ cần ý kiến của cá nhân thủ trưởng. Có thủ tục xét tính hợp lý hay không? Nếu thủ trưởng kết luận giải trình là hợp lý nhưng sau đó lại phát hiện ra bất minh thì ai chịu trách nhiệm? Đặc biệt theo dự thảo dù Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hay Chủ tịch tỉnh yêu cầu xác minh nhưng nếu thủ trưởng cơ quan thấy giải trình đã hợp lý thì vẫn ra kết luận không cần tiến hành xác minh. Chúng tôi cho rằng quy định như vậy không phù hợp.

Hay ví dụ như các Điều 62, 66, 72, 73 dùng các thuật ngữ khác nhau để quy định về trách nhiệm của thủ trưởng khi phát hiện hành vi tham nhũng hoặc hành vi có dấu hiệu tham nhũng kèm theo nó là các hệ quả pháp lý rất nghiêm trọng như chuyển vị trí công tác, đình chỉ công tác, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan điều tra. Tuy nhiên luật không quy định phát hiện hành vi tham nhũng khác với phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng ở chỗ nào? Thế nào là dấu hiệu tham nhũng? cần phải có thủ tục để xem xét những việc có dấu hiệu tham nhũng hay không?

Nhóm vấn đề thứ hai, một số quy định không rõ ràng, không khả thi và không biết sẽ thực hiện như thế nào sau khi luật ban hành. Như Điều 53 quy định về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, nhưng luật lại không quy định thời hạn giải trình, giải trình với ai? giải trình bằng hình thức nào?

Điều 56 quy định về thẩm quyền xác minh tài sản được giao cho Ủy ban kiểm tra Đảng, thanh tra hoặc đơn vị phụ trách tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên quy định của dự thảo không rõ, ví dụ đối tượng vừa thuộc cấp ủy Đảng quản lý vừa là cán bộ trong cơ quan hành chính, vậy cơ quan nào sẽ là cơ quan có thẩm quyền xác minh tài sản. Mặt khác cơ quan, tổ chức đơn vị này có khả năng xác minh tài sản hay không thì đây là một vấn đề đòi hỏi phải có chuyên mộn, nghiệp vụ. Nhiều trường hợp tài sản ở nhiều nơi do nhiều người khác nhau nắm giữ, ngay cả chấp hành viên với các quyền hạn được luật định, được trợ giúp của chính quyền địa phương nhưng hệ thống tổ chức bộ máy còn gặp khó khăn trong xác minh tài sản thi hành án, trong khi đó luật yêu cầu trong thời hạn 20 ngày phải ra kết luận có hay không có sai phạm.

Nhóm vấn đề thứ ba, một số quy định của dự án luật mâu thuẫn với nhau, như Điều 57 quy định thời hạn từ khi ra quyết định xác minh đến khi ra kết luận về sự minh bạch là 20 ngày. Trong khi đó theo Điều 59, Điều 60 thì tổng thời gian từ khi xác minh đến khi ra kết luận về xác minh là 25 ngày, chưa kể thời gian ra kết luận về sự minh bạch. Điều 59 quy định kết luận xác minh tài sản được công khai trong mọi trường hợp. Trong khi đó Điều 62 lại quy định kết luận về sự minh bạch chỉ được công khai khi có yêu cầu và theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Nhóm vấn đề thứ tư, một số quy định về thủ tục thì phức tạp, rườm rà và không cần thiết. Ví dụ cùng một vụ việc về xác minh tài sản thì người có thẩm quyền phải ra hai kết luận khác nhau, kết luận xác minh theo Điều 60 và kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản theo Điều 61. Luật cũng không quy định hai kết luận này có nội dung khác nhau cái gì và khác nhau ở điểm nào. Theo chúng tôi rất thừa.

Nhóm vấn đề thứ năm, một số quy định chưa hợp lý, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Thứ nhất, về việc kiểm soát thu nhập, hiện nay dự thảo đang đánh đồng giữa hai vấn đề có tính chất rất khác nhau là kê khai tài sản và kiểm soát thu nhập, coi như đã giải quyết xong vấn đề kiểm soát thu nhập. Tôi cho rằng đây là sửa đổi mang tính đối phó, không giải quyết được vấn đề kiểm soát thu nhập là vấn đề rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Dự án luật giao trách nhiệm cho các tổ chức Đảng, cơ quan kiểm tra Đảng trong luật thì có thể là vấn đề gây tranh cãi. Đây là vấn đề có thể làm lẫn lộn giữa trách nhiệm quản lý Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng, trong trường hợp nếu có khiếu nại, khởi kiện thì xử lý như thế nào? Trong khi luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, trong khi đó các cơ quan kiểm tra của Đảng chúng ta đưa vào trong dự án luật từ Ủy ban kiểm tra Trung ương cho đến các địa phương. Luật mở rộng đối tượng kê khai tài sản thời điểm này đã hợp lý chưa, khi kê khai tài sản vẫn đang còn là hình thức, càng mở rộng đối tượng kê khai sẽ càng khó cho việc kiểm soát kê khai và dễ làm xóa nhòa đi giữa các vị trí, dễ có điều kiện tham nhũng với các vị trí có ít hoặc không có điều kiện tham nhũng.

Lý do thứ tư là sửa đổi luật phải trên có sở tổng kết toàn diện, nhưng lần này Chính phủ mới chỉ kịp sơ kết.

Lý do thứ năm, với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng nhưng Quốc hội lại chỉ dự kiến thông qua luật tại một kỳ họp, thời gian còn lại của kỳ họp chỉ còn hơn 10 ngày nên khó có thể kịp tiếp thu, chỉnh lý nhiều vấn đề phức tạp.

Lý do thứ sáu, nếu tại kì họp này chúng ta ban hành luật thay thế Luật 2005 thì rất nhiều khả năng chỉ một thời gian ngắn sau chúng ta lại phải ban hành luật mới để thay thế luật này. Đây là một vấn đề rất bất lợi và cần phải tránh. Tóm lại, do nhiều vấn đề mới liên quan đến dự án luật còn chưa được nghiên cứu, nhiều vấn đề của luật hiện hành đã bộc lộ bất cập nhưng chưa được sửa đổi, nhiều vấn đề được dự kiến sửa đổi nhưng chất lượng còn hạn chế trong khi đó thời gian thông qua luật tại kỳ họp lại quá gấp, nên tôi đề nghị Quốc hội tại kỳ họp này trước mắt chỉ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng, trong đó chỉ sửa đổi một số điều quan trọng, cấp thiết, đã nghiên cứu kỹ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 mà thận trọng nhất là chỉ sửa đổi quy định về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và cùng lắm là bổ sung thêm vấn đề về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức. Đồng thời bổ sung dự án Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi vào chương trình năm 2013 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 để Chính phủ có thời gian chuẩn bị lần này nghiêm túc và kỹ lưỡng hơn. Luật hiện hành có hiệu lực từ năm 2006, nhưng chỉ một năm sau năm 2007 chúng ta đã phải sửa đổi.

Qua tiếp xúc cử tri, một số cử tri cho rằng chúng ta đang lạm phát về luật, Quốc hội ban hành nhiều luật nhưng chất lượng một số luật không cao, công tác phổ biến giáo dục pháp luật không kịp với tốc độ ban hành luật, có luật mới ban hành chưa kịp tổ chức thực hiện đã phải sửa đổi. Vì vậy xin đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc tại kỳ họp này, tránh tình trạng xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng giống như tình trạng đối với chất lượng một số công trình xây dựng nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn phải xây dựng nhanh đảm bảo tiến độ nên chất lượng không đảm bảo. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan