Góp ý của ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng – Bạc Liêu đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 15:00 18-12-2012

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu về dự Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), tôi xin có 2 ý kiến tham gia.

Thứ nhất, về hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ.

Thứ hai là cơ chế tài chính và huy động nguồn lực cho xã hội.

Về hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, tại Điều 10 là các tổ chức khoa học, công nghệ, cơ bản tôi nhất trí với phân loại hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ như trong dự luật. Vấn đề này rất phù hợp với hệ thống phân loại UNESCO của Liên hiệp quốc, tức là bao gồm tổ chức nghiên cứu, tổ chức phát triển và tổ chức dịch vụ khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, theo tôi trong hoạt động đổi mới, công tác khoa học công nghệ tôi thấy vấn đề đổi mới, vấn đề tái cơ cấu hệ thống tổ chức công nghệ có tầm quan

 trọng không kém gì vấn đề đổi mới cơ chế tài chính bởi những lý do như sau:

Hiện nay cả nước chúng ta có trên dưới 1600 tổ chức hoạt động khoa học, công nghệ, trong đó chúng ta có 2 viện nghiên cứu quốc gia đó là Viện khoa học công nghệ Việt Nam, Viện khoa học xã hội Việt Nam, có 433 tổ chức hoạt động khoa học công nghệ thuộc các bộ, ngành, có 340 tổ chức khoa học công nghệ thuộc các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Các đại biểu đều đánh giá với cơ cấu tổ chức như thế, do đó thường tập trung ở những thành phố lớn, chưa tập trung ở các vùng sâu, vùng xa hoặc là những vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt như Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên. Vì thế hiệu quả hoạt động của chúng ta chưa cao, còn rất nhiều chồng chéo trong chức năng và thực hiện nhiệm vụ, chúng ta chưa thấy những sản phẩm nào có sự cạnh tranh cao, vì thế đầu tư cho hoạt động khoa học của chúng ta rất dàn trải.

Chính vì vậy, tôi đề nghị trong dự luật này phải quy định về sắp xếp và tái cấu trúc vấn đề tổ chức hệ thống khoa học theo hướng tinh và gọn như sau:

Một, hệ thống tổ chức khoa học công nghệ cấp quốc gia chúng ta vẫn giữ hai viện quốc gia của chúng ta đó là Viện khoa học công nghệ Việt Nam và Viện khoa học xã hội Việt Nam. Trên cơ sở thành lập mới hoặc giữ những diện đặc thù mang tính chiến lược, mang tính giải quyết những vấn đề cốt lõi của vấn đề kinh tế trọng điểm cũng như kinh tế quốc dân của chúng ta tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Các tổ chức này nên giữ lại khoảng trên dưới 10 viện thôi. Đi 10 nước xung quanh chúng ta như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan chúng ta cũng thấy trên, dưới 10 viện cấp quốc gia. Chúng ta tập trung nguồn lực cho đầu tư khoa học, công nghệ này. Các viện còn lại của các bộ, các tỉnh thì thực hiện theo Nghị định 115 là giao nhiệm vụ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chứ không bao cấp như trách nhiệm quốc gia để tránh dàn trải. Các tổ chức khoa học ngoài công lập thì luật này cũng phải đưa ra những quy định tạo môi trường thông thoáng. Nếu tất cả các viện ngoài công lập của chúng ta hoạt động tốt thì có thể giao nhiệm vụ của Nhà nước vào đặt hàng theo cơ chế thị trường. Đó là trong vấn đề  đổi mới tổ chức. Vấn đề mấu chốt là tập trung nội lực để tạo đột phá.

Vấn đề thứ hai, về cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ. Tôi nhất trí với quy định đầu tư tối thiểu 2% ngân sách Nhà nước cho khoa học, công nghệ tại Điều 53 và tăng dần đầu tư theo yêu cầu phát triển của từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Đối với kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ. Có thể nói việc phân bố kinh phí Nhà nước dành cho đầu tư pháp triển khoa học, công nghệ còn mang nặng tính bao cấp, tức là kiểu bốc thuốc theo tiền lệ của năm trước của các bộ, ngành địa phương. Ví dụ một tổ chức nào 10 tỷ mà không có sản phẩm nào, nhưng năm đó tổ chức khoa học khác có 1 tỷ mà tạo được nhiều sản phẩm thì chúng ta phải phân bố theo nhiệm vụ đặt hàng hoặc nhiệm vụ theo thực tế. Chúng ta không nên dựa vào vùng, miền phân bố mà phải dựa vào hiệu quả. Do đó, tôi nghĩ nó sẽ phát triển một cách có hiệu quả hơn. Vì chúng ta biết hoạt động khoa học mang tính sáng tạo và đặc thù, do đó chúng ta cần sự đột phá này.

Đối với kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ về nguyên tắc chung vẫn áp dụng cơ chế hiện hành về lập và phê duyệt kế hoạch dự án thanh toán theo năm tài chính nhưng bổ sung quy định ngoại lệ đối với những nhiệm vụ khoa học phù hợp với đặc thù cho hoạt động khoa học công nghệ như cần xác định rõ về nguyên tắc phân bố ngân sách cho khoa học công nghệ, bổ sung cho địa phương, cho bộ, ngành nhưng việc điều chỉnh phân bố kinh phí sự nghiệp khoa học cho hoạt động này theo hướng căn cứ vào kết quả sản phẩm tạo ra, hiệu quả sử dụng kinh phí không theo kiểu dàn trải tập trung các lĩnh vực có nhu cầu thực tế.

Thứ hai, đơn giản hóa tối đa hồ sơ chứng từ thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, cơ chế khoán kinh phí đối với sản phẩm khoa học chứ không theo kết quả đề ra.

Cuối cùng, về huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ. Trong Nghị quyết Trung ương 6,  Khóa XI đã khẳng định lấy doanh nghiệp là trọng tâm đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất trong thị trường khoa học công nghệ. Tôi đề nghị cần có một chương riêng về huy động nguồn lực xã hội trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo bởi những lý do sau.

Một, doanh nghiệp có khả năng đầu tư vốn xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, mua sắm thiết bị công nghệ để triển khai dự án. Đây là yếu tố quan trọng bảo đảm thành công đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đặc biệt đối với những dự án chuyển giao công nghệ có hàm lượng khoa học công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.

Hai, doanh nghiệp có khả năng tham gia thẩm định công nghệ, tiếp thu ứng dụng công nghệ vào sản xuất, có điều kiện thu mua sản phẩm bảo quản đầu tư chế biến, có hệ thống chất lượng sản phẩm, có thị trường tiêu thụ sản phẩm và có khả năng liên kết với đối tác trong và ngoài nước về hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Trên đây là ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan