VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sử đổi một số nội dung Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình
VCCI_Góp ý Dự thảo Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Kính gửi: Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 4098/BTTTT-CNTT ngày 23/10/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tham gia góp ý dự thảo dự thảo Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ khái niệm doanh nghiệp công nghệ số trong Dự thảo Đề án. Dự thảo Đề án tại các mục I, II và III nhắc tới doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp phần mềm, doanh nghiệp phần cứng, điện tử, doanh nghiệp phần mềm, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số…, tuy nhiên thế nào là doanh nghiệp công nghệ số lại chưa được xác định rõ trong Dự thảo. Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu doanh nghiệp công nghệ số là “các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số”, song vẫn cần có những tiêu chí cụ thể hơn trong Đề án để làm rõ khái niệm của doanh nghiệp công nghệ số. Việc làm rõ khái niệm doanh nghiệp công nghệ số sẽ giúp đảm bảo “tạo ra nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và các tổ chức liên quan về vai trò, sự cần thiết của doanh nghiệp công nghệ số trong việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao sự đồng thuận của cộng đồng…” mà mục tiêu Đề án đã đề ra.
Thứ hai, mở rộng đối tượng cần được tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức. Dự thảo Đề án tại mục V.2.2 có nêu “Nội dung, phương thức thông tin tuyên truyền được thiết kế phù hợp cho các nhóm đối tượng sau: Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Các cấp quản lý, cán bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước; Các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể; tôn giáo; tầng lớp trí thức, các nhà khoa học; Sinh viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; Các tổ chức quốc tế và các nước có liên quan”. Mặc dù đã gồm nhiều nhóm đối tượng, nhưng nếu chỉ giới hạn trong “cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam” thì có thể chưa bao quát được toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp. Trong khi đó, những doanh nghiệp không phải là các doanh nghiệp công nghệ số lại có vai trò quan trọng, bởi họ chính là “khách hàng” sử dụng các hàng hoá, dịch vụ do các doanh nghiệp công nghệ số cung cấp. Việc xác định đối tượng là cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức phủ rộng hơn trong xã hội. Không chỉ vậy, việc mở rộng đối tượng này cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp chưa phải là doanh nghiệp công nghệ số có thông tin đầy đủ hơn để chuyển đổi hoặc mở rộng sang lĩnh vực công nghệ số.
Thứ ba, xác định nhóm doanh nghiệp mục tiêu trong đối tượng cần được tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức. Mặc dù cần mở rộng ra đối tượng cộng đồng doanh nghiệp nói chung như đã đề nghị ở trên, song về mặt đối tượng mục tiêu cần tập trung vào nhóm các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Đây là nhóm đối tượng chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Dù có những bất lợi do quy mô, nhưng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ lại là nhóm có khả năng chuyển đổi linh hoạt và có khả thể chuyển đổi trở thành các doanh nghiệp công nghệ số. Vì vậy, đây sẽ là nhóm có thể gia nhập nhóm 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số mà Chỉ thị 01/TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng đã đề ra.
Thứ tư, cân nhắc bổ sung các nội dung cần tập trung trong các hội thảo, diễn đàn, đối thoại về công nghệ số. Mục V.3.1 Dự thảo Đề án có nêu “tổ chức các hội thảo, diễn đàn, đối thoại về công nghệ số…, tập trung vào các nội dung phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp công nghệ số.” Tuy nhiên, để đảm bảo bám sát nội dung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã nêu ở mục V.2.1, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các nội dung cần tập trung tại mục V.3.1, ví dụ như chính sách, pháp luật và đặc biệt là các thủ tục hành chính cụ thể có liên quan tới doanh nghiệp công nghệ số.
Cuối cùng, đề nghị bổ sung các hiệp hội doanh nghiệp trong mục V.5.5 Tổ chức thực hiện. Các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Việc các hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào quá trình tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về doanh nghiệp công nghệ số có thể hỗ trợ đạt được các mục tiêu mà Dự thảo Đề án đã đề ra.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự thảo Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình hoàn thiện nội dung Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn.