Góp ý của ĐBQH Bùi Thị An – TP Hà Nội đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:51 18-12-2012

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi cũng thống nhất sự cần thiết phải thay đổi Luật khoa học, công nghệ sau 11 năm thực hiện, bởi vì rất nhiều bất cập.

Thứ hai, tôi đồng ý với ý kiến của một số đại biểu trước đã phát biểu trước tôi, đặc biệt là một số ý trong đại biểu Xuân Thăng ở Hải Dương và Thùy Trang ở Thành phố Hồ Chí Minh và ở đây tôi xin nhắc những điểm mà tôi thấy các đại biểu chưa đề cập đến hoặc đề cập nó chưa rõ ràng. Phải khẳng định rằng trong thời gian qua khoa học, công nghệ của chúng ta đã có đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đặc biệt ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực tin học, lĩnh vực thủy sản hay công nghệ thông tin hay y học, nhưng phải nói thật như các đại biểu đã khẳng định còn rất nhiều bất cập mà một lĩnh vực tôi thấy tức là tất cả bốn người, những người cho tiền: nhân dân, Đảng, nhà nước và Chính phủ cấp tiền cũng không hài lòng vì cơ quan quản lý như Bộ khoa học và công nghệ đồng chí Nguyễn Quân cũng không hài lòng, những người làm khoa học như chúng tôi cũng không hài lòng và những người ứng dụng các kết quả khoa học cũng không hài lòng, như vậy nó có vấn đề. Cho nên ở đây tôi chỉ xin nhấn  mạnh một vài ý để tôi phân tích ở dưới.

Trong nguyên nhân nêu lên đã thể hiện trong báo cáo thẩm tra cũng như tôi thấy Ban soạn thảo đã tiếp thu và Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cũng đã trình là đủ nhưng tôi vẫn thấy một trong nguyên nhân giai đoạn vừa rồi ngoài chuyện cơ chế quản lý trong đó có cơ chế quản lý tài chính là còn nhiều vấn đề.

Thứ hai, tôi vẫn thấy rằng khoa học xã hội của chúng ta chưa đi trước một bước, tức là đặt ví trí khoa học xã hội nó chưa thật đúng tầm của nó, cho nên trong giai đoạn phát triển kinh tế của Việt Nam thì phải đẩy khoa học đi lên trước, phải tạo điều kiện để khoa học xã hội và nhân văn đi trước một bước để nghiên cứu cho quy luật mà nó áp dụng vào thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn vừa rồi, tôi thấy vấn đề này chưa làm được.

Ở đây tiện thêm tôi cũng nói với đồng chí Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ trong thời kỳ dài dài tôi thấy chẳng có đồng chí Thứ trưởng nào lại xuất thân từ khoa học xã hội cả, trước thì có nhưng gần đây không có, toàn là khoa học tự nhiên, khoa học, công nghệ, như thế có phải mình coi nhẹ khoa học xã hội hay không.

Về môi trường khoa học, các vị đại biểu đã nhấn mạnh rồi, tôi xin lấy một ví dụ để các đại biểu thấy. Khi Bác Hồ mời giáo sư Hoàng Xuân Nhị về, giáo sư không có chức tước gì lớn về mặt chính quyền nhưng lương ngang với Thứ trưởng, Bộ trưởng và đặc biệt được tôn trọng. Bác tôn trọng như các cấp lãnh đạo khác. Giá trị của trí tuệ lúc đó rất cao. Lúc đó giáo sư Hoàng Xuân Nhị có viết một quyển sách, tiền của giáo sư Hoàng Xuân Nhị đủ để cho giáo sư Nguyễn Tài Cẩn khi đó ở Nga về không có nhà ở mua được nửa nhà ở phố Huế. Tôi nói như vậy để thấy môi trường khoa học chưa được đầy đủ, trong đó có chuyện tôn trọng về tinh thần cũng như về vật chất.

Về tổ chức khoa học, trong này có nêu từ Điều 10 đến Điều 15 định nghĩa thế nào, các tổ chức khoa học, công nghệ thế nào? Tôi đề nghị xem xét toàn bộ lại tổ chức hệ thống các viện, kể cả các trung tâm khoa học lớn trong toàn bộ nước ta. Mỗi một bộ nên có bao nhiêu viện, có viện gì. Đấy là trong hệ thống công lập, còn ngoài công lập tôi không nói.

Tôi kiến nghị nhà nước chỉ chi bao cấp cho các Viện nghiên cứu khoa học cơ bản, cho an ninh, cho quốc phòng và những vấn đề đặc biệt cho đất nước. Còn các tổ chức làm nghiên cứu ứng dụng thì nên chuyển sang 115, vấn đề này có từ năm 2005 hiện nay tôi thấy chưa thực hiện. Lý do vì sao? Tôi nghĩ Bộ khoa học và công nghệ sẽ có đánh giá.

Về cơ chế tài chính, tôi đồng ý đưa vào quỹ khoán chi. Nếu chi như trước đây lấy 50.000 đồng/1 trang của giáo sư mà chưa hiểu chất lượng thế nào. Tôi nghĩ không có giáo sư nào có thể sống được, giáo sư nào có thể làm tiếp tục được đề tài. Tất cả những đề tài liên quan đến sản xuất ra sản phẩm tôi kiến nghị cho vay và thu hồi, không cấp không.

Tôi chỉ tập trung vào một vấn đề là hệ thống quản lý khoa học cũng nằm từ Điều 10 đến Điều 15.

Kính thưa các đồng chí, có thể bây giờ còn hơi sớm, nhưng tôi vẫn kiến nghị với Quốc hội nên xem xét để thay đổi hệ thống quản lý khoa học như thế nào để cho có hiệu quả đối với đất nước Việt Nam, hiện giờ tôi nghĩ Bộ khoa học và công nghệ vẫn tồn tại như cũ, tôi xin kiến nghị với Thường vụ Quốc hội nên đặt vấn đề luôn ra, có thể sang năm nên xem lại mô hình quản lý vì một trong những nguyên nhân vừa qua quản lý khoa học cũng có vấn đề không có hiệu quả lắm, tất nhiên rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân quản lý.

Tôi xin kiến nghị xem lại như thế nào, bởi vì khoa học không phải là một ngành mà nó đa ngành, liên ngành, tức là không có một sản phẩm nào là một sản phẩm của khoa học. Cho nên tôi nghĩ quản lý này rất liên ngành, rất đa ngành, tôi nghĩ để Bộ khoa học và công nghệ thì cũng tốt, nhưng Bộ tức là thuộc hệ thống cơ quan hành pháp mà hành tức là phải xử lý rất nhiều các biện pháp hành chính đối với cán bộ khoa học thì các đại biểu đã nói rất nhiều, không thích hợp. Cho nên, tôi xin kiến nghị Quốc hội nghiên cứu để thành lập một Hội đồng khoa học, công nghệ quốc gia có đầy đủ quyền lực trực thuộc Thủ tướng Chính phủ hay Chủ tịch nước để có thể điều hành khoa học này từ trên xuống dưới cho có hiệu quả hơn. Bởi vì ngành nào cũng cần khoa học, ngành ngoại thương, ngành ngoại giao, ngành ngân hàng, ngành tài chính v.v... khoa học đã thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực, các ngành, thậm chí từng sản phẩm một. Cho nên, tôi xin kiến nghị Quốc hội nên xem xét vấn đề này, bởi vì có thể Bộ khoa học và công nghệ chuyển thành Hội đồng đó, tôi không biết, nhưng tôi nghĩ phải thay đổi, cải cách mô hình quản lý, nếu như hiện nay thì dù đồng chí Nguyễn Quân có cố gắng bao nhiêu nữa thì cuối cùng cũng sẽ rất khó, sau mấy năm quản lý đánh giá lại sẽ không làm được nhiệm vụ then chốt. Tôi đề nghị thay đổi mô hình quản lý.

Thứ hai, tôi nghĩ Nghị quyết của ta cũng đủ rồi, quốc sách hàng đầu nhưng phải thể chế ra, vấn đề này nên giao cho Ủy ban Khoa học xã hội, có lẽ tới đây chỉ có thể chế một cách cụ thể xem thế nào là quốc sách hàng đầu, thế nào là then chốt, tôi nghĩ như vậy mới có hiệu quả nếu không sau 1 vài năm kiểm điểm sẽ không hiệu quả. Cho nên tôi xin tha thiết kiến nghị với Quốc hội xem lại nếu giải quyết được vấn đề thành lập Hội đồng khoa học, công nghệ quốc gia có đủ quyền lực thì tôi nghĩ họ sẽ điều hành từ trên xuống dưới và chắc chắn khoa học của chúng ta sẽ đứng vị trí số 1 cùng với giáo dục đào tạo và thúc đẩy kinh tế xã hội của Việt Nam một cách bền vững. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan