VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sử đổi một số nội dung Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh
Kính gửi: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước – Bộ Tài chính
Trả lời đề nghị của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc góp ý Dự thảo Nghị định về Chứng khoán phái sinh và Thị trường Chứng khoán phái sinh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội có một số ý kiến như sau:
Điều 12.1.a của Dự thảo quy định: “1. Chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm: a) Hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn niêm yết dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán, chỉ số chứng khoán, hàng hóa, lãi suất, tỷ giá;” So với quy định của Nghị định 42/2015/NĐ-CP hiện hành thì phạm vi của tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh đã mở rộng thêm “hàng hoá, lãi suất, tỷ giá”. Nói cách khác quy định này sẽ cho phép các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên tài sản cơ sở là hàng hoá, lãi suất, tỷ giá được giao dịch trên cả thị trường chứng khoán phái sinh thay vì chỉ được giao dịch trên các thị trường cho từng loại tài sản như trước đây.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lo ngại việc thiếu các đánh giá tác động và hướng dẫn cụ thể đối với quy định này có thể sẽ nảy sinh nhiều vấn đề trên thực tiễn triển khai, đặc biệt là nguy cơ chồng chéo, xung đột pháp luật. Hiện nay, Luật Thương mại và Nghị định 158/2006/NĐ-CP đã có quy định về Sở giao dịch hàng hoá, trong đó đã quản lý phái sinh hàng hoá; Luật Các tổ chức tín dụng và một số Thông tư của Ngân hàng Nhà nước cũng có quy định về việc quản lý thị trường phái sinh lãi suất, tỷ giá. Như vậy, nếu Nghị định về chứng khoán phái sinh mở rộng diện tài sản cơ sở gồm cả hàng hoá, lãi suất, tỷ giá sẽ dẫn đến nguy cơ các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn này sẽ chịu sự quản lý đồng thời của nhiều cơ quan nhà nước theo nhiều văn bản khác nhau. Điều này tạo rủi ro cho các cá nhân, tổ chức tham gia thị trường.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo có đánh giá kỹ lưỡng, phân tích các tác động chính sách của việc bổ sung các loại hàng hoá cơ sở này trong tờ trình và bản thuyết minh dự thảo. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về lộ trình và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc hướng dẫn cụ thể triển khai hoạt động này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.