Góp ý của ĐBQH Trần Văn Minh – Quảng Ninh đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:48 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội,

Sau 20 ngày Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học và công nghệ được ban hành, hôm nay Quốc hội tiến hành thảo luận Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Tôi thấy rằng đây là việc làm hết sức tích cực, kịp thời nhằm thể chế hóa sớm các quan điểm của Trung ương. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là chúng ta phải mạnh mẽ thay đổi tư duy trong sửa đổi Luật khoa học và công nghệ lần này. Chúng ta không thể tiếp tục đặt sản phẩm khoa học và công nghệ vào cùng giỏ với các hàng hóa thông thường để quản lý tổ chức nhân lực và các hoạt động khoa học và công nghệ. Vì thực tiễn cho thấy với cách làm cũ mặc dù đã có không ít các nghị quyết văn kiện của Đảng qua các thời kỳ khẳng định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực, là then chốt trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nhưng đến ngày nay khoa học và công nghệ vẫn chỉ là trầm lắng, kém hiệu quả.

Tôi thấy Dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) đã tiếp thu được tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và cơ bản tán thành với các nội dung đã được đề ra trong dự thảo. Tuy nhiên, có một số vấn đề chung thuộc quan điểm, tôi xin được trao đổi thêm.

Một là về đào tạo, bồi dưỡng sử dụng nhân lực khoa học và công nghệ, dự thảo đã dành 3 điều với những quy định còn chung chung, còn thiếu cả nội dung trong chỉ đạo của Trung ương tại nghị quyết tham chiếu với Luật khoa học và công nghệ năm 2000 thấy ít có những thay đổi cơ bản mà theo tôi còn có bước thụt lùi khi bỏ khoản quy định Nhà nước có chính sách thỏa đáng và đưa điều kiện làm việc, chỗ ở đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ. Việc có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với các nhà khoa học được giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của quốc gia, nhà khoa học, công nghệ đầu ngành là hết sức cần thiết nhằm phát huy nguồn lực chất xám quý báu nhưng không nhiều này của quốc gia. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần quan tâm đến điều kiện sống, làm việc của các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ nói chung. Khi mà cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, là đối tượng làm công ăn lương duy nhất không được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù. Mặt khác, khi có điều kiện sống làm việc thuận lợi từ số đông này mới có thể xuất hiện các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia giỏi cho đất nước. Với các lý do đó, tôi đề nghị cần rà soát, hoàn chỉnh để bồi dưỡng, phát huy nguồn nhân lực khoa học, công nghệ đúng với quan điểm, đầu tư cho nhân lực khoa học, công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng cao trí tuệ và sức mạnh của dân tộc.

Hai là về tài chính và tín dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ, dự thảo cũng đã dành 11 điều cho nội dung này. Tôi đánh giá cao đề xuất chuyển đổi cơ chế quản lý tài chính hành chính sang áp dụng cơ chế quỹ hoặc không có quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Điều này là phù hợp với đặc thù sáng tạo và giúp cho hoạt động khoa học và công nghệ phát triển. Tôi đồng tình cao với việc Nhà nước đảm bảo tỷ lệ chi cho khoa học, công nghệ đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm. Tuy nhiên, về huy động nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp, dự thảo luật còn đề cập khá chung và e dè. Theo tôi cần nghiên cứu đề ra một tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế để bắt buộc doanh nghiệp phải trích đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ. Ở đây cũng có thể trích tỷ lệ theo dạng ngành nghề hoặc theo quy mô của doanh nghiệp. Có như vậy thì mới có thể tăng mạnh được tổng đầu tư cho khoa học, công nghệ. Điều quan trọng hơn là sẽ buộc các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến hoạt động khoa học và công nghệ. Từ đó tăng được sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp và qua đó sẽ tăng được sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Việc luật hóa một tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế có tính bắt buộc này còn khẳng định hành động mạnh mẽ, kịp thời trong thực hiện chỉ đạo của Trung ương, chúng ta cũng sẽ không ngần ngại, không phải chờ bổ sung quy định này khi sửa đổi thuế thu nhập cá nhân, khi chúng ta đã cùng thống nhất là hoạt động khoa học, công nghệ có tính đặc thù cần phải có những cơ chế đặc thù để phát triển như đã trình bày ở trên.

Thứ ba là về phát triển thị trường khoa học và công nghệ, dự thảo luật cũng đã dành 2 điều cho nội dung này, tuy nhiên các quy định cũng còn chung chung đề cập đến các công việc cần làm mà chưa có các quy định cơ bản về cơ chế khuyến khích hỗ trợ để thị trường khoa học và công nghệ phát triển. Đây là một thị trường mới có tính đặc thù, kinh nghiệm các nước đều cho thấy nhà nước thực sự phải là "bà đỡ" thì thị trường mới được hình thành một cách có hệ thống và phát triển. Thị trường này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nơi thương mại hóa đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và qua đó sẽ kích thích các hoạt động nghiên cứu sáng tạo phát triển, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cụ thể thêm.

Thứ tư, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các điều, khoản quy định về xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển khoa học, công nghệ, vì đây là nội dung hết sức cần thiết cho sự phát triển của khoa học và công nghệ trong trung và dài hạn. Về vị trí, vai trò và điều kiện hoạt động của liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật vì đây là nơi tập hợp các tổ chức khoa học, công nghệ, các nhà khoa học, công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển của đất nước.

Về các vấn đề cụ thể, sau khi nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy khoảng 22/80 điều trong dự thảo luật cần phải được xem xét cân nhắc thêm, tuy nhiên do thời gian có hạn tôi chỉ xin nêu một số ví dụ điển hình.

Thứ nhất, ở Điều 20 về điều kiện công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tôi cũng nhất trí với quan điểm của một đại biểu trước là cần có quy định cụ thể hơn tiêu chí về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ví dụ như cần quy định tỷ lệ doanh số các sản phẩm khoa học, công nghệ cần đạt được trên tổng doanh số mà doanh nghiệp thực hiện để tránh việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp khoa học, công nghệ để kinh doanh như các doanh nghiệp thông thường mà vẫn được hưởng các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp khoa học, công nghệ đã được quy định tại Điều 21.

Thứ hai, ở Điều 24 về nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tại Khoản 3, 4, 5, 6 có quy định phân loại nhiệm vụ khoa học, công nghệ các cấp như cấp nhà nước, bộ, tỉnh và cơ sở. Tuy nhiên các tiêu chí phân loại là không nhất quán, có tiêu chí còn kém khả thi, đề nghị nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí phân loại phù hợp có tính hệ thống xuyên suốt vấn đề được đặt ra.

Ba, Điều 48, việc quy định các dự án đầu tư phải có căn cứ khoa học có hạng mục nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chỉ phù hợp với những dự án lớn hoặc có nội dung khoa học, công nghệ. Cần quy định về qui mô hoặc ý nghĩa quan trọng của dự án mà phải có hai yếu tố này để tránh phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết.

Bốn, Điều 54, Khoản 2, về chế độ khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, đề nghị bỏ Điểm a là có các định mức kinh tế, kỹ thuật vì quy định này không có tính khả thi do sản phẩm khoa học và công nghệ là sản phẩm mới đang trong quá trình nghiên cứu, chưa thể có các định mức kinh tế, kỹ thuật, các quy định ở Tiết b, Tiết c, Tiết d thì đã là đầy đủ.

Năm, Điều 58, về quỹ phát triển khoa học, công nghệ của bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cũng cần quy định cụ thể các quy định về sử dụng quỹ để có căn cứ triển khai và thực hiện.

Ở đây tôi cũng nói thêm ở Điều 57, về quỹ quốc gia cũng có các quy định cụ thể, tuy nhiên cũng cần phải bổ sung hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ ở Tiết a và tính chặt chẽ ở Tiết b của Điều 57 này. Các nội dung chi tiết còn lại tôi sẽ xin chuyển đến Ban soạn thảo. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan