VCCI góp ý 2 QCVN về kho chứa thóc chuyên dùng và QCVN

Thứ Năm 09:17 06-09-2012

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

-----------------------------

Số:   2035   /PTM-PC

V/v: góp ý 2 Dự thảo QCVN về kho chứa thóc chuyên dùng và QCVN

 về cơ sở xay, xát thóc gạo

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

----------------------------------

Hà Nội, ngày  05  tháng 09 năm 2012

Kính gửi:       CỤC CHẾ BIẾN, THƯƠNG MẠI NÔNG LÂM THỦY SẢN VÀ NGHỀ MUỐI

                        BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Trả lời Công văn số 426/CB-NS của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc đề nghị góp ý 2 Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc, gạo (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở tham khảo ý kiến của một số doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

I.                   Quan điểm tiếp cận

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc, gạo là một trong những căn cứ để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp và cũng là cơ sở đảm bảo chất lượng của gạo xuất khẩu của nước ta. Do vậy, các quy định trong hai Quy chuẩn kỹ thuật này phải đảm bảo các nguyên tắc về:

-         Tính minh bạch (Các quy định rõ ràng, cụ thể, có thể áp dụng ngay khi được ban hành);

-         Tính phù hợp và khả thi (phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất khẩu gạo).

Đối chiếu với 2 Dự thảo, còn có một số quy định vẫn chưa thể hiện được các nguyên tắc trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để hoàn thiện.

II.               Các góp ý cụ thể

1.      Một số quy định tại Dự thảo còn chưa cụ thể, rõ ràng có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi triển khai áp dụng

Nội dung quy định của các Quy chuẩn kỹ thuật này là tiêu chí để các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của điều kiện đảm bảo xuất khẩu gạo của các cơ sở chế biến gạo xuất khẩu nên các quy định phải đủ cụ thể, chi tiết và có tính khoa học của đặc thù mỗi ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, một số quy định thể hiện trong 2 Dự thảo hiện còn khá chung chung, có thể tạo ra nhiều cách hiểu không nhất quán và gây khó khăn cho doanh nghiệp trên thực tế triển khai thực hiện.

1.1.          Đối với Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc

-         Yêu cầu kỹ thuật về hạ tầng cơ sở (điểm 2.1.1 của điểm 2.1 Mục 1): Dự thảo quy định “Xung quanh kho phải quang đãng, đảm bảo thoát nước tốt, cách ly các nguồn nhiễm bẩn, hóa chất”; “Nhà kho phải đặt ở địa điểm giao thông thuận tiện …”. Những cụm từ “cách ly các nguồn nhiễm bẩn”, “giao thông thuận tiện” là những từ định tính chung chung, có thể tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần xác định rõ khoảng cách như thế nào thì được cho là cách ly các nguồn nhiễm bẩn? Giao thông thế nào được cho là thuận tiện? Thuận tiện cho việc xuất nhập kho hay thuận tiện cho việc vận chuyển hàng tới địa điểm xuất khẩu…? Ngay cả cụm từ “nguồn nhiễm bẩn” cũng chưa rõ ràng. Nguồn ở đây là nguồn nước, nguồn không khí? “Nhiễm bẩn” có được hiểu là “ô nhiễm” theo pháp luật về môi trường không? Mức độ nào bị cho là nhiễm bẩn và có phải do đơn vị, tổ chức hay cơ quan nhà nước nào xác định là bị nhiễm bẩn không? Dự thảo nên quy định theo hướng đưa ra những con số cụ thể về khoảng cách giữa kho và “nguồn nhiễm bẩn”, giải thích cụ thể hơn về cụm từ “giao thông thuận tiện”, sử dụng thuật ngữ chính xác.

-         Góp ý tương tự với quy định về chế độ vệ sinh (điểm 2.3.1 của điểm 2.3 mục 2): Một trong những yêu cầu về chế độ vệ sinh là “kho thóc phải thường xuyên sạch, trong kho không có mùi lạ”. Các cụm từ “sạch”, “mùi lạ”  là rất chung chung (không rõ thế nào bị coi là “mùi lạ”, kho thóc phải như thế nào thì được cho là “sạch”?), có thể đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau giữa các đối tượng áp dụng là doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước và có thể phát sinh tình trạng nhũng nhiễu trong hành xử của các cán bộ nhà nước xuất phát từ sự không rõ ràng này.

1.2.         Đối với Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc, gạo

Góp ý tương tự như mục 1.1 của bản góp ý này đối với các quy định tại Dự thảo này:

-         Điểm 2.2.2 của điểm 2.2 mục 2: “địa điểm cơ sở xay, xát thóc gạo phải thuận tiện giao thông, có hệ thống đường vận chuyển tốt, có đủ năng lực cho việc bốc xếp, xuất nhập thóc gạo”. Những cụm từ như “thuận tiện giao thông”, “đường vận chuyển tốt”, “đủ năng lực” là chưa rõ ràng, có thể tạo ra cách hiểu không thống nhất giữa các đối tượng chịu tác động;

-         Điểm 3.1 mục 3 về địa điểm cơ sở xay, xát thóc gạo: “xa nguồn gây ô nhiễm”, “xa khu vực dễ bị ứ nước, ngập lụt …

2.      Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo được nguyên tắc về tính phù hợp và khả thi

Các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này sẽ là cơ sở để doanh nghiệp xuất khẩu gạo xây dựng các kho chứa thóc, các cơ sở xay, xát thóc, gạo nên các quy định tại Quy chuẩn phải phù hợp với đặc điểm của các doanh nghiệp (về năng lực tài chính, những yêu cầu kỹ thuật phải thực sự cần thiết phục vụ cho việc đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu, …).

VCCI đã tiến hành lấy ý kiến các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu gạo và nhận được phản hồi của một số doanh nghiệp cho rằng, một số quy định trong 2 Dự thảo là chưa phù hợp và chưa khả thi. Ví dụ:

2.1. Đối với Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc

-         Về kỹ thuật kết cấu (điểm 2.1.2 của mục 2.1 mục 1): Dự thảo quy định “Móng kho: bằng bê tông đảm bảo độ cứng vững, không bị lún, cao hơn mặt đất bên ngoài ít nhất từ 30 cm đến 40 cm”, một số doanh nghiệp cho rằng không cần thiết phải quy định “cứng” về việc móng kho cao từ 30 cm đến 40 cm mà có thể giảm xuống từ 20 cm đến 30 cm, vì liên quan đến mức độ thuận tiện khi vận chuyển hàng xuất nhập kho của doanh nghiệp.

-         Một số doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về quy định bắt buộc phải có các thiết bị trong kho như: “thiết bị thông gió cưỡng bức”; “thiết bị đo đạc” (mục 2.1.3 mục 2.1, mục 1); “Bục kê (palet)”, “Thiết bị xử lý những sự cố bất lợi trong quá trình bảo quản (thiết bị thông gió cưỡng bức, thiết bị xông hơi khử trùng, bục kê để chống ẩm) (mục 2.2.1.1 mục 2.2 mục 1)”.

2.2. Đối với Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc, gạo

-         Về yêu cầu thiết bị kỹ thuật tại Bộ phận phân tích (mục 2.1.1 mục 2.1 mục 2), một số doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo xem xét việc yêu cầu phải có tất cả các thiết bị và dụng cụ phân tích chính quy định tại điểm 2.1.1 mục 2.1 mục 2. Việc cần phải có các thiết bị phân tích thử nghiệm chuyên dùng là cần thiết, tuy nhiên không nhất thiết phải có đầy đủ các dụng cụ và thiết bị phân tích như một phòng thí nghiệm của các cơ quan giám định chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Các nhà máy sản xuất, chế biến gạo nên chỉ cần một số dụng cụ, thiết bị thiết yếu để phân tích các chỉ tiêu về: độ ẩm, tạp chất, hạt trong nguyên liệu, hạt sâu bệnh, hạt xanh non… nhằm kiểm tra, phân tích nguyên liệu đầu vào. Việc đầu tư đầy đủ các thiết bị và dụng cụ như quy định tại Dự thảo, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp về chi phí đầu tư và đào tạo nhân viên kỹ thuật để vận hành các trang thiết bị, trong khi thực tế sản xuất kinh doanh, việc phân loại, kiểm tra nguyên liệu đầu vào có thể chỉ cần một số trang thiết bị quy định trong Dự thảo (mà không phải tất cả) doanh nghiệp cũng có thể nhận biết được chất lượng của sản phẩm. Còn những dụng cụ khác, rất ít sử dụng, hơn nữa các chỉ tiêu kỹ thuật khác sẽ được các cơ quan giám định chất lượng hàng hóa xuất khẩu đánh giá qua việc phân tích lấy mẫu.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc loại bỏ các thiết bị sau:

+ Tủ sấy điều chỉnh được nhiệt độ theo yêu cầu

+ Kính phóng đại từ 15 đến 20 lần

+ Máy quang phổ có khả năng đo độ hấp thụ ở các bước sóng yêu cầu

+ Thiết bị chiết Soxhlet

+ Máy đo pH, nồi cách thủy, bình định mức, các ống pipet

+ Dụng cụ đo độ trắng bạc

-         Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh tên gọi thiết bị trong bộ phận phân tích cho phù hợp (điểm 2.1.1 mục 2.1 mục 2):

+ “Cối hoặc máy nghiền mẫu (kể cả thiết bị nghiền ướt, thiết bị nghiền nhỏ)” đổi thành “Cối hoặc máy xay xát mẫu (để xát trắng mẫu gạo lứt hay mẫu lúa)”, vì phòng phân tích mẫu không sử dụng máy nghiền

+ “Dụng cụ đo kích thước hạt MK – 02 (grain shape tester)” đổi thành “Dụng cụ đo kích thước hạt MK (grain shape tester)”, vì trên thị trường có nhiều dụng cu đo kích thước hạt như MK -100 (phạm vi đo từ 0 đến 100 mm) hay MK -200 (phạm vi đo từ 0 đến 20 mm).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với 2 Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc, gạo. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về 2 Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Nơi nhận:

-          Như trên;

-          Lưu VT, PC

TL. CHỦ TỊCH

PHÓ TRƯỞNG BAN PHỤ TRÁCH

                               (đã ký)

ĐẬU ANH TUẤN

Các văn bản liên quan