VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn các biểu mẫu phục vụ thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm
Kính gửi: Vụ Công nghệ thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 2484/BTTTT-CNTT ngày 03/07/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư Quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Tính tương thích với các điều ước quốc tế
Dự thảo quy định việc ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được sản xuất trong nước được áp dụng với tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn hỗn hợp mà có từ 30% trở lên nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quy định này chưa tương thích với các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường mua sắm công trong Hiệp định CPTPP và EVFTA. Hiệp định CPTPP có quy định như sau:
- Chương 15 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về Mua sắm Chính phủ quy định Việt Nam sẽ mở cửa thị trường mua sắm công[1] cho các nước đối tác trong CPTPP theo các điều kiện được liệt kê ở Phụ lục 15-A, phần cam kết của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có cam kết mở cửa việc mua sắm với các loại sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin.[2]
- Điều 15.4.1 Chương 15 Hiệp định CPTPP quy định Việt Nam có nghĩa vụ đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu trong nước với hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của một nước thành viên CPTPP (nghĩa vụ đối xử quốc gia). Đồng thời Điều 15.4.6 Chương 15 Hiệp định CPTPP quy định Việt Nam không được thực hiện bất kỳ biện pháp ưu đãi với sản phẩm, dịch vụ trong nước nào ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Việt Nam cũng có các cam kết tương tự tại Điều 9.4 Chương 9 Hiệp định EVFTA.
Dù vậy, Điều 15.21 Chương 15 Hiệp định CPTPP cho phép các nước thành viên được áp dụng các ngoại lệ ưu đãi với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều 1.c Mục G Phụ lục 9-B Chương 9 Hiệp định EVFTA cũng có quy định tương tự như vậy với các gói thầu có giá trị từ 260.000 SDR trở xuống[3]. Do vậy, trường hợp gói thầu thuộc diện mở cửa theo cam kết quốc tế, vẫn có thể áp dụng các biện pháp ưu đãi tại Dự thảo này với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được sản xuất trong nước do doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp theo những tiêu chí nhất định.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng sau: (i) Dự thảo áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong nước đối với các gói thầu không thuộc phạm vi mở cửa về cam kết mua sắm công trong các cam kết quốc tế; (ii) Dự thảo áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đối với các gói thầu thuộc phạm vi về cam kết mở cửa mua sắm công trong các cam kết quốc tế nhưng thuộc diện được áp dụng ngoại lệ ưu đãi với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên
Điều 4.2 Dự thảo quy định sản phẩm, dịch vụ trong Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm sản xuất trong nước được ưu tiên. Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm được quy định tại Thông tư 01/2017/TT-BTTTT. Tuy nhiên, Dự thảo và Thông tư 01/2017/TT-BTTTT đều không làm rõ thế nào là sản xuất trong nước với các sản phẩm, dịch vụ này. Không rõ doanh nghiệp có cần đáp ứng các tiêu chí về sản xuất trong nước tại Điều 5, 6 Dự thảo không? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ điều này.
- Tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên
Thứ nhất, Điều 4 Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước và giao Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tiêu chí xác định. Như vậy, các tiêu chí trong Dự thảo chỉ cần hướng đến việc xác định nguồn gốc sản xuất của sản phẩm, dịch vụ. Việc yêu cầu các điều kiện liên quan đến chất lượng, giá cả hay các tiêu chí khác là không cần thiết, do những vấn đề này hoặc chỉ liên quan đến yêu cầu của gói thầu hoặc chỉ đơn thuần liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp. Các tiêu chí này bao gồm:
- Nhóm 1: Các tiêu chí liên quan đến các chất lượng, giá cả hoặc các yêu cầu về chấp hành quy định của pháp luật:
- Tuân thủ các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành phù hợp với sản phẩm tương ứng (Điều 5.2);
- Có tài liệu kỹ thuật và tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt (Điều 5.4);
- Có chính sách rõ ràng về các điều khoản cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành, bảo trì, nâng cấp, trách nhiệm của nhà cung cấp và chính sách hậu mãi (Điều 5.5);
- Có giá bán, giá cung cấp thấp hơn giá nhập khẩu hoặc giá cung cấp trên thị trường quốc tế của sản phẩm cùng chủng loại, cùng tính năng kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Trong một số trường hợp cụ thể xem xét đến sản phẩm, dịch vụ có giá thành bằng giá thành nhập khẩu (Điều 6.1.a);
- Các tiêu chí về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn (Điều 6.1.b; Điều 6.2.a; Điều 6.2.d <trừ mục liên quan đến chi đầu tư phát triển>; Điều 6.3.a; Điều 6.4.c, d, đ < trừ mục liên quan đến chi đầu tư phát triển>);
Các tiêu chí này có thể được liệt kê trong Mô tả các yêu cầu của dự án hoặc Xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ, nhưng là do đơn vị sử dụng sản phẩm, dịch vụ đặt ra, nhằm bảo vệ lợi ích của đơn vị đó.
- Nhóm 2: Tiêu chí chỉ liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp
Tiêu chí về nhãn hiệu được bảo hộ (Điều 6.1.a): Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ đơn thuần liên quan đến việc bảo vệ lợi ích kinh tế của doanh nghiệp thông qua việc ngăn cản người khác sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp mà không được cho phép, mà không thể hiện được nguồn gốc sản phẩm (do có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế). Ngoài ra, việc nhãn hiệu được bảo hộ cũng không thể hiện được năng lực nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất sản phẩm, do các yêu cầu về bảo hộ nhãn hiệu chỉ liên quan đến khả năng nhận biết và khả năng phân biệt với nhãn hiệu khác.[4]
Có ý kiến cho rằng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được ưu tiên do chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ trong nước chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng các sản phẩm trong nước không thể thực hiện bằng cách nâng tiêu chí sản phẩm công nghệ thông tin được ưu tiên vì sẽ làm hạn chế quyền được hưởng các ưu đãi của các doanh nghiệp trong nước, qua đó ảnh hưởng đến định hướng phát triển ngành công nghệ thông tin trong nước. Thay vào đó, vấn đề có thể thực hiện thông qua các biện pháp chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất… Cũng có ý kiến khác cho rằng cần hướng dẫn chi tiết các tiêu chí xác định. Việc này được suy đoán là do các đơn vị sử dụng ngân sách gặp khó khăn khi xây dựng các tiêu chí cụ thể trong Mô tả yêu cầu dự án hoặc Xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin để phù hợp với yêu cầu về chất lượng mà vẫn cho phép hàng hóa được sản xuất trong nước có thể được tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, những tiêu chí này là xác định về chất lượng hoặc giá cả sản phẩm, không phải về nguồn gốc sản phẩm, nên không thuộc phạm vi của Dự thảo này, mà chỉ nên được liệt kê trong Mô tả yêu cầu dự án hoặc Xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ những quy định trên.
Thứ hai, Dự thảo dự kiến quy định một số tiêu chí liên quan đến việc xác định việc sản xuất trong nước như sau: (i) tiêu chí về chi phí sản xuất trong nước; (ii) tiêu chí về số lượng lao động; (iii) tiêu chí về chi phí đào tạo, đầu tư phát triển; (iv) tiêu chí về năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại một số điểm như sau:
Một, về tiêu chí chi phí sản xuất trong nước, Điều 5.3 quy định doanh nghiệp phải có chi phí sản xuất trong nước đáp ứng ưu đãi theo quy định của pháp luật đấu thầu, và quy định này áp dụng chung cho tất cả các nhà thầu cung ứng hàng hóa cũng như dịch vụ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Điều 14 Luật Đấu thầu chỉ quy định điều kiện về chi phí sản xuất trong nước khi ưu đãi với nhà thầu tham gia cung ứng hàng hóa, không áp dụng với nhà thầu cung ứng dịch vụ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại quy định này để phù hợp với Luật Đấu thầu.
Hai, về tỷ lệ chi phí cho đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển công nghệ, Dự thảo quy định chi phí cho đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển công nghệ trên tổng doanh thu trong 3 năm gần nhất đạt tỷ lệ nhất định. Quy định này vô tình loại trừ các doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 3 năm. Chẳng hạn trường hợp của các tập đoàn lớn, có xu hướng chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc lấn sân sang một lĩnh vực mới của ngành công nghệ thông tin. Trong trường hợp này, các tập đoàn này thường thành lập các doanh nghiệp con để phụ trách riêng lĩnh vực đó. Và đương nhiên doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được tiêu chí này trong giai đoạn đầu. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại quy định này theo hướng nếu doanh nghiệp được thành lập dưới 3 năm thì phần chi phí này chỉ tính cho khoảng thời gian hoạt động của doanh nghiệp.
Ba, về tiêu chí chứng minh năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, Điều 6.1.a Dự thảo quy định doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phần cứng, điện tử phải cung cấp được tài liệu chứng minh sản phẩm được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam như bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch bán dẫn. Tuy nhiên, quy định này là không hợp lý do sản phẩm phẩn cứng, điện tử được cấu thành từ nhiều linh kiện, chi tiết, trong đó có nhiều phần doanh nghiệp không thể tự nghiên cứu hoặc sản xuất được, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể có các văn bằng về sở hữu trí tuệ liên quan. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng doanh nghiệp có tài liệu như bản thiết kế, hồ sơ về cơ sở sản xuất,…
- Quy định về thực hiện ưu tiên
Điều 7.1. Dự thảo yêu cầu cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phải nêu các yêu cầu ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin tại Thông tư này vào trong Mô tả các yêu cầu của dự án hoặc Xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin. Quy định này là không cần thiết do Danh sách sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được ưu tiên đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố (Điều 8 Dự thảo). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cơ quan, tổ chức chỉ cần thực hiện phương án ưu tiên với các doanh nghiệp nằm trong Danh sách sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được ưu tiên.
- Phương án ưu đãi
Điều 7.1 Dự thảo quy định cơ quan, tổ chức sử dụng vốn ngân sách nhà nước có phương án ưu đãi, cộng điểm cho nhà thầu cung cấp được ưu tiên. Tuy nhiên, quy định này là chưa đủ rõ ràng, minh bạch vì các lý do sau:
Thứ nhất, Dự thảo chưa làm rõ được các phương án ưu đãi, mức độ ưu đãi cho nhà thầu cung cấp thuộc diện ưu tiên. Quy định này có thể tạo ra nguy cơ tùy tiện trong việc xây dựng phương án ưu đãi, gây bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác.
Thứ hai, Điều 14 Luật Đấu thầu 2013 hiện cũng quy định nhà thầu được hưởng ưu đãi nhất định khi tham gia đấu thầu khi đáp ứng được các tiêu chí nhất định.[5] Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng được cả điều kiện ưu đãi ở Luật Đấu thầu và Thông tư này, thì doanh nghiệp có được hưởng đồng thời cả ưu đãi trong Luật Đấu thầu và Thông tư hay không? Chẳng hạn, trong trường hợp cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng được tiêu chí về chi phí sản xuất trong nước là đã được hưởng ưu đãi theo Luật Đấu thầu, vậy nếu đáp ứng thêm các tiêu chí trong Dự thảo (vốn bao gồm cả tiêu chí hưởng ưu đãi theo Luật Đấu thầu), thì doanh nghiệp được hưởng thêm ưu đãi nào?
Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên. Về việc xây dựng phương án và mức độ ưu đãi cụ thể, Dự thảo có thể tham khảo quy định tại Điều 4 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
- Kiểm tra các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên
Điều 8.2 Dự thảo quy định trong Bộ Thông tin và Truyền thông được kiểm tra sự đáp ứng tiêu chí của sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trong trường hợp cần thiết. Điều 9.2.b Dự thảo lại quy định Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra các sản phẩm, dịch vụ ưu tiên theo định kỳ hoặc đột xuất. Các quy định này cần xem xét tại các điểm sau:
Thứ nhất, quy định này là không thống nhất với nhau. Việc kiểm tra tại Điều 8.2 chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết, tức là không phải sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nào cũng bị kiểm tra; và cũng không thực hiện kiểm tra thường xuyên. Trong khi, việc kiểm tra tại Điều 9.2.b lại áp dụng với tất cả các sản phẩm, dịch vụ, và việc kiểm tra là thường xuyên, liên tục;
Thứ hai, quy định này chưa rõ ràng, minh bạch do không rõ thế nào là “cần thiết”, khoảng thời gian như thế nào là “định kỳ”;
Vì Dự thảo quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm, do vậy, việc kiểm tra chỉ cần thiết trong trường hợp có dấu hiệu xác định doanh nghiệp không đáp ứng đủ tiêu chí.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ tổ chức kiểm tra khi có dấu hiệu xác định doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí được quy định tại Thông tư.
- Điều khoản chuyển tiếp
Thực hiện theo Thông tư 47/2016/TT-BTTTT, có nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của các doanh nghiệp đã được công nhận thuộc diện ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm. Không rõ sau khi Thông tư mới có hiệu lực, các sản phẩm, dịch vụ này có còn thuộc diện được ưu tiên không hay phải thực hiện đăng ký lại theo Thông tư mới? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ điều này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư Quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Phạm vi mua sắm công được hiểu gồm các gói thầu mua sắm của các cơ quan nhà nước, dưới bất kỳ hợp đồng nào, bao gồm mua, thuê hoặc thuê mua, các hợp đồng BOT và hợp đồng nhượng quyền.
[2] Xem Mục D, E Phụ lục 15-A, phần cam kết của Việt Nam
[3] Special Drawing Right (SDR) là tài sản dự trữ quốc tế, được phát hành bởi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). 260.000 SDR tương đương khoảng gần 8,5 tỷ đồng.
[4] Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: “Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.”
[5] Tiêu chí cụ thể được quy định như sau:
- Với nhà thầu cung cấp hàng hóa: hàng hóa cung cấp có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên.
- Với nhà thầu cung cấp dịch vụ khi đấu thầu quốc tế: nhà thầu trong nước; nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà giá trị của nhà thầu trong nước trên 25%.
- Với nhà thầu cung cấp dịch vụ khi đấu thầu trong nước: nhà thầu đáp ứng yêu cầu về lao động (25% trở lên số lượng lao động là nữ giới hoặc 25% trở lên số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật) hoặc là doanh nghiệp nhỏ.