VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về kiểm định chất lượng giáo dục
Kính gửi: Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trả lời văn bản yêu cầu góp ý của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc góp ý đối với 02 Dự thảo: (i) Dự thảo Thông tư quy định về việc kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục và (ii) Thông tư quy định về nguyên tắc hoạt động và việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham vấn một số doanh nghiệp, chuyên gia, có ý kiến như sau:
- Nguyên tắc giám sát, đánh giá
Điều 4 của Dự thảo đưa ra nguyên tắc giám sát, đánh giá là không chồng chéo với công tác kiểm tra, thanh tra và kiểm toán và không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng giám sát, đánh giá. Tuy nhiên, nội dung của việc giám sát, đánh giá luôn bao gồm việc tuân thủ pháp luật của đối tượng được giám sát, đánh giá và như vậy là luôn trùng lặp về nội dung với hoạt động kiểm tra, thanh tra. Về bản chất, việc giám sát, đánh giá này cũng tương tự như hoạt động thanh kiểm tra. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tuân thủ các quy định về thanh tra và kiểm tra, đặc biệt là Chỉ thị số 20/CT-TTg năm 2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
- Bảo đảm điều kiện hoạt động
Điều 5.2 của Dự thảo quy định Giám đốc, Phó Giám đốc và thành viên Hội đồng kiểm định phải có thẻ kiểm định viên. Nội dung này mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, tại Luật Giáo dục đại học và Nghị định 46/2017/NĐ-CP cũng như Nghị định 99/2019/NĐ-CP thì không có quy định này, mà chỉ yêu cầu tổ chức kiểm định phải có ít nhất 10 kiểm định viên. Việc quy định điều kiện đầu tư kinh doanh ở Thông tư là trái với Luật Đầu tư. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này ra khỏi dự thảo.
- Quản lý tài chính của tổ chức kiểm định
Điều 5.2.b yêu cầu tổ chức kiểm định phải ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài chính, tài sản với rất nhiều nội dung chi tiết. Thêm vào đó, Điều 7.1.3 yêu cầu tổ chức kiểm định phải công khai tài chính. Quy định này can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết và bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định này có thể sẽ giúp bảo đảm mục tiêu chống xung đột lợi ích đối với tổ chức kiểm định, tuy nhiên, vấn đề này có thể được giải quyết bằng nhiều biện pháp khác (cụ thể theo góp ý dưới đây).
- Chống xung đột lợi ích tổ chức kiểm định
Đối với các tổ chức kiểm định, vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động kiểm định. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo Thông tư quy định về chống xung đột lợi ích, có thể nghiên cứu một số quy định sau:
- Các tổ chức kiểm định, kiểm định viên và người có liên quan của tổ chức kiểm định, kiểm định viên phải công khai các khoản tiếp nhận đóng góp tài chính, tài sản, các hợp đồng với tất cả các trường đại học, đại học, cao đẳng (đối tượng kiểm định) và người liên quan của các đối tượng kiểm định.
- Khái niệm người có liên quan có thể tham khảo Điều 4.46 Luật Chứng khoán.
- Tổ chức kiểm định, kiểm định viên phải từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định nếu có căn cứ rõ ràng để cho rằng tổ chức kiểm định, kiểm định viên không vô tư trong khi kiểm định (tương tự quy định từ chối tham gia tố tụng tại Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về 02 Dự thảo: (i) Dự thảo Thông tư quy định về việc kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục và (ii) Thông tư quy định về nguyên tắc hoạt động và việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.