Góp ý của ông Đỗ Gia Thắng – Văn phòng Chính phủ

Thứ Tư 10:15 03-08-2011

Một số ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan

 

Thạc sỹ Đỗ Gia Thắng, Vụ pháp luật Văn phòng Chính phủ

 

1. Về xác định giá trị hàng hoá xâm hại

1.1. Dự thảo Nghị định quy định việc xác định giá trị hàng hoá làm căn cứ xác định khung tiền phạt do cơ quan xử lý xâm phạm xác định theo quy định tại Nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 sửa đổi Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật sở hữu trí tuệ. Theo quy định của Điều 28 Nghị định 105 trước đây thì việc định giá phải phối hợp với cơ quan tài chính, trong một số trường hợp phải thành lập hội đồng. Việc sửa đổi thẩm quyền định giá tại dự thảo Nghị định cũng như Nghị định 119 được lý giải ở chỗ đặc thù của hàng hoá bị vi phạm mang tính nghệ thuật, rất khó xác định giá trị hoặc nếu xác định được thì mất nhiều thời gian, không đảm bảo thời hạn xử phạt theo quy định của pháp luật [1] .

Chúng tôi cho rằng quy định của dự thảo Nghị định cũng như Nghị định 119 tuy giảm bớt khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong việc bảo đảm thời hạn xử lý vi phạm, nhưng lại dẫn đến sự bất cập trong việc xác định giá trị hàng hoá bị vi phạm. Cụ thể, những cơ quan, người có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định 47 đó là thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hải quan, Quản lý thị trường, công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển. Rõ ràng là những cơ quan, người có thẩm quyền được liệt kê ở trên không có chuyên môn liên quan đến việc xác định chính xác, khách quan giá trị của hàng hoá thông thường bị xâm phạm, chưa nói đến tính đặc thù của loại hàng hoá là quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, việc định giá đòi hỏi tính chuyên môn cao và kết quả giá trị hàng hoá bị xâm hại sau khi được định ra sẽ là căn cứ cho việc xác định có áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính hay không, áp dụng ở mức độ nào. Mặt khác, việc giao cho cơ quan xử lý xâm phạm vừa xác định giá trị hàng hoá vừa xử phạt sẽ là việc làm không khách quan, dễ gây ra tiêu cực trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính. Chúng tôi đề nghị nghiên cứu lại cơ chế định giá trong dự thảo Nghị định này và Nghị định 119 theo hướng giao cho cơ quan có chuyên môn trong lĩnh vực quyền tác giả và các quyền có liên quan phối hợp với các chuyên gia về giá, thẩm định giá xác định giá trị của hàng hoá bị vi phạm. Để đẩy nhanh thời gian định giá, Bộ quản lý ngành cần ban hành quy trình thực hiện định giá, quy chuẩn định giá hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động định giá trong lĩnh vực bản quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Bên cạnh đó, lựa chọn các chuyên gia có chuyên môn trong các lĩnh vực nghệ thuật cụ thể và các chuyên gia thẩm định giá để lập danh sách cộng tác viên, trong trường hợp cần thiết có thể huy động để sử dụng được ngay. Mặt khác, Chính phủ hiện đang xem xem xét, xây dựng dự Luật xử lý vi phạm hành chính; Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch có thể đề xuất kéo dài thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với những lĩnh vực đặc thù do Bộ mình quản lý cho phù hợp với thực tiễn.[2]

1.2. Dự thảo Nghị định quy định một số trường hợp xử phạt khi không xác định được giá trị hàng hóa bị xâm hại. Chúng tôi đề nghị cần phân biệt rõ hai trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa. Một là trường hợp không thể xác định được giá trị của hàng hóa đó do tính đặc thù về nghệ thuật, mang nặng giá trị định tính mà việc định giá không thể chính xác. Trường hợp thứ hai là việc người có thẩm quyền thiếu năng lực chuyên môn về định giá hàng hóa bị xâm hại hoặc vì những lý do chủ quan khác cố tình không định giá hàng hóa cho dù thực tế hàng hóa đó có thể định giá được. Chúng tôi cho rằng dự thảo Nghị định chỉ nên chấp nhận trường hợp thứ nhất, đối với trường hợp thứ hai cần có quy định nghiêm cấm và chế tài xử lý thích đáng. Do đó, chúng tôi đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm và chế tài xử lý cơ quan, người có thẩm quyền xử lý cố tình không định giá hoặc định giá sai giá trị hàng hóa bị vi phạm.

2. Về hình thức xử phạt bổ sung

Khoản 2 và khoản 5 Điều 1 dự thảo Nghị định quy định về xử lý hành vi xâm phạm quyền phân phối dưới hình thức bán tác phẩm và hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn. Chúng tôi cho rằng chủ thể thực hiện hành vi vi phạm này đa phần là các cơ sở kinh doanh có mục đích lợi nhuận và hành vi vi phạm gây thiệt hại ở mức độ cao cho chủ sở hữu quyền tác giả, các quyền liên quan. Do đó, đề nghị bổ sung hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi này là đình chỉ có thời hạn từ 90 ngày đến 180 ngày hoạt động kinh doanh, tư vấn, dịch vụ.

3. Về biện pháp khắc phục hậu quả

Khoản 4, 6, 10 Điều 1 dự thảo Nghị định quy định về hành vi xâm phạm quyền sao chép cuộc biểu diễn; xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình; xâm phạm quyền sao chép chương trình phát sóng. Tại phần quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả của các hành vi này có quy định buộc dỡ bở bản sao tác phẩn dưới hình thức điện tử trên mạng Internet. Chúng tôi cho rằng khi người vi phạm có hành vi đăng tải bản sao tác phẩm trên mạng Internet thì đã cấu thành hành vi vi phạm về quyền phân phối đến công chúng các tác phẩm được quy định tại khoản 5, 7, 9 dự thảo Nghị định. Do đó, nếu quy định như trong dự thảo thì sẽ có sự trùng lắp giữa các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các khoản như đã nêu ở trên. Chúng tôi đề nghị bỏ các biện pháp này tại các khoản 4, 6, 10 Điều 1 dự thảo Nghị định.

4. Về biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ ok

Khoản 1 Điều 216 Luật sở hữu trí tuệ quy định về Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, theo đó các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm: Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, theo pháp luật về sở hữu trí tuệ, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả Quyền tác giả và quyền liên quan. Tuy nhiên, Nghị định số 47 chưa có quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này và trong dự thảo Nghị định sửa đổi cũng không đề cập đến. Do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm chế tài đối với hành vi này cho phù hợp với quy định của Luật sở hữu trí tuệ.



[1] Trang 2 dự thảo Tờ trình của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

[2] Đề nghị tham khảo thêm cơ chế định giá theo Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 2/3/2005 về Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự.

Các văn bản liên quan